Lời thề y đức mới của Đại học y Hà Nội
Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh cho hay lời thề nghề nghiệp mới (còn gọi là lời thề y đức) của các tân thầy thuốc đọc vào giây phút nhận bằng tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, sẽ bắt đầu được sử dụng từ năm học này.
Theo ông Hinh, lời thề y đức mới gồm 5 điều được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí của nghề thầy thuốc: Đối với bệnh nhân (đặt lợi ích người bệnh lên trên hết không phân biệt giàu nghèo), Đối với tự mình (học tập nâng cao kỹ năng, phát triển nền y học VN), Đối với nghề nghiệp và đồng nghiệp (trung thực, hợp tác, không làm tổn hại uy tín nghề nghiệp) và đối với cộng đồng (sẵn sàng tham gia các hoạt động vì cộng đồng).
Trong năm qua, ĐH Y Hà Nội đã tổ chức cuộc thi viết lời thề nghề nghiệp mới. Kết quả đã có 20 “lời thề” được các giảng viên và sinh viên y khoa gửi tới dự thi.
Lời thề y đức mới của ĐH Y Hà Nội được biên tập dựa trên ý tưởng của các bài dự thi, ngắn gọn và rõ trách nhiệm của thầy thuốc hơn so với lời thề y đức được sử dụng trước đây, được ban hành năm 1996, với 12 điều, từng được đánh giá là có một số điểm thừa và không cần thiết đối với phạm vi một lời thề nghề của nghề thầy thuốc.
Theo tuổi trẻ
Lo chất lượng bác sĩ tương lai
"Sinh viên trường CĐ, Trung cấp y vào thực tập ở bệnh viện rất nhiều nhưng điều tôi băn khoăn là học đến năm thứ 3 rồi nhưng đo thân nhiệt cho bệnh nhân cũng chưa đúng cách. Đo huyết áp thì 5, 7 lần không được".
"Tiêm thì chắc chắn là không dám để cho các cô cậu sinh viên thực hành trên bệnh nhân" - một bác sĩ Khoa Nhi bệnh viện Xanh Pôn nhận xét.
Nhiều trường thu hút đầu vào với việc mở các ngành đào tạo y, dược.
"Cùng ngành cũng phải nói thẳng"
Đấy là ý kiến của chính những người trong ngành phát biểu về thế hệ những y bác sĩ tương lai đang được đào tạo tại nhiều cơ sở giáo dục công lập hiện nay. "Không biết ở trường, sinh viên được dạy cái gì mà đi thực tập chúng tôi phải cầm tay chỉ việc tất cả, từ chuyên môn đến ý thức người thầy thuốc" - Bà N.M.Y, nguyên bác sĩ bệnh viện Đống Đa cho biết. Đây là nhận xét của người trong ngành rút ra từ nhiều năm chứng kiến lượng sinh viên ngành y các trường CĐ, trung cấp được gửi đến thực tập tại các bệnh viện ở Hà Nội.
Điều này còn có thể thấy rõ qua đánh giá khách quan của người nhà, bệnh nhân. "Đã đến khám ở bệnh viện toàn là người có bệnh, vậy mà các cô cậu sinh viên thực tập cứ ngồi tràn lan hết các ghế chờ, không ai có ý định nhường chỗ cho bệnh nhân. Chưa kể là trong bệnh viện cần yên tĩnh thì các cô cậu này nói cười thoải mái, vui vẻ cứ như ngoài đường vậy" - chị Nguyễn Mai Hạnh, đưa con đến khám tại bệnh viện Xanh Pôn cho biết.
Thực tế cho thấy, ngành y dược hiện nay là một trong những ngành đào tạo hút đầu vào nhất không chỉ với các trường ĐH, CĐ mà cả và trung cấp, vốn là hệ đào tạo khó tuyển sinh nhất hiện nay. Ông Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết, ngoài hơn 20 trường ĐH đào tạo nhân lực y tế với các chuyên ngành bác sỹ, điều dưỡng, dược sỹ thì cả nước có 35 trường CĐ y, dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sỹ..., 44 trường trung cấp và 16 viện, bệnh viện đào tạo sau ĐH. Hàng năm, số sinh viên y, dược đều tăng, năm 2011 tăng gấp 7 lần năm 2003 và gấp 2 lần năm 2007. Sự gia tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh cùng sự "bùng nổ"các cơ sở đào tạo trong ngành này đang khiến cho nhiều người lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt này.
Khó đảm bảo chất lượng
Điều dễ nhận thấy là điểm chuẩn trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa năm nay ở các trường ĐH công lập y dược luôn dẫn đầu trong các khối ngành đào tạo hiện nay. Trong đó, ĐH Y Hà Nội đưa ra điểm chuẩn năm nay 26 điểm, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, khoa Y (ĐHQG TP.HCM) 24 điểm, ĐH Y dược Cần Thơ 23,5 điểm... Trái ngược với bức tranh công lập này là sự dễ dãi đến không ngờ của khối ngoài công lập, đào tạo nhóm ngành liên quan đến sức khỏe con người nhưng lại có điểm chuẩn trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn. ĐH Hồng Bàng, ngành điều dưỡng và kỹ thuật y học bậc ĐH có điểm chuẩn bằng điểm sàn khối B là 14 điểm. Ngành điều dưỡng, y tế cộng đồng ĐH Thăng Long cũng chỉ đưa ra điểm trúng tuyển khối A, A1 là 14 điểm. Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) ngành dược sĩ ĐH (khối A, B) và điều dưỡng (khối B) đều có điểm chuẩn trúng tuyển bằng sàn.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết, so với bất cứ ngành đào tạo nào hiện nay thì ngành khoa học sức khỏe cần có sự tuyển chọn đầu vào rất cẩn thận. Thực tế giảng dạy trong một trường, có thể nhận thấy giữa các ngành với điểm đầu vào khác nhau, năng lực của sinh viên đã có sự chênh lệch khá lớn. Có thể hiểu việc phải khắt khe với đầu vào ngành y, dược của các cơ sở đào tạo trong nước là do những bất cập trong chương trình đào tạo. Với nhiều nước phát triển, để được hành nghề bác sĩ đa khoa, sinh viên phải được đào tạo theo một chương trình y khoa được kiểm định và công nhận bởi cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia, phải thi đỗ kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề. Còn để trở thành bác sĩ chuyên khoa, họ còn phải học thêm ít nhất 2 năm tại cơ sở đào tạo chuyên khoa. Trong khi đó, ở Việt Nam, học sinh phổ thông thi đỗ ĐH Y, sau 6 năm học, có bằng bác sĩ đa khoa là có thể hành nghề. Trong khi chưa thể áp dụng cách thức siết chặt đầu ra, ông Nguyễn Hữu Tú cho rằng, để tránh lãng phí trong đào tạo và những hậu quả lâu dài đối với lĩnh vực đào tạo đặc biệt này thì việc thu hút đầu vào có đủ năng lực học tập là một yếu tố quan trọng.
Trong khi đó, theo đánh giá của ngành Y tế, tới năm 2020, dù lượng sinh viên ra trường gấp hai lần hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực y tế. Đây chính là lý do nở rộ các cơ sở, khoa ngành đào tạo nhân lực liên quan đến sức khỏe hiện nay. Vấn đề là chất lượng đào tạo của các cơ sở này khó có thể khẳng định khi chưa có đơn vị kiểm định độc lập. Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Khẩn cho biết, Bộ Y tế sẽ thành lập đơn vị kiểm định, tổ chức kiểm định các chương trình giáo dục, hỗ trợ các trường để đạt được chuẩn, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, qua đó tiến hành xếp hạng các trường, để sinh viên trường y ra trường xứng đáng là thầy thuốc.
Theo Vinh Hương
An Ninh Thủ Đô
Phụ huynh bức xúc vì con bị "giam" bằng tốt nghiệp Con thi tốt nghiệp Học viện Bưu chính Viễn thông, cơ sở TPHCM đã 3 tháng nhưng chưa được nhận bằng, phụ huynh đến tận trường tìm hiểu thì không được trả lời thỏa đáng. Trao đổi với PV Dân trí, Trưởng phòng đào tạo cho biết chậm nhất là 2 tháng nữa mới cấp bằng. Bà H.T.L (ngụ Q.7, TPHCM) bức xúc...