Lời tâm sự đẫm nước mắt của cô giáo ngày 20/11: ‘Cô đã quá khắt khe khiến các con tổn thương’
20/11 là dịp để chúng ta tri ân tất cả những người đang hoạt động trong ngành Giáo dục, đặc biệt là những thầy cô giáo đứng trên bục giảng, trực tiếp truyền đạt tri thức cho học trò.
Cùng chung mục đích ý nghĩa ấy, chương trình Một ngày khác chọn cho mình một nhân vật đặc biệt, một cô giáo sắp nghỉ hưu sau 31 năm gắn bó với bảng đen, bụi phấn. Đó chính là cô giáo Tô Ngọc Giàu (54 tuổi).
Cô Giàu là giáo viên dạy Văn và chủ nhiệm lớp tự nhiên 12A4, trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3, TP.HCM).
Năm học 2019 – 2020 là năm cuối cùng cô Giàu còn đứng trên bục giảng, cũng là năm cuối cùng lớp 12A4 còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi đề cập đến chuyện tổ chức cho cô ngày lễ 20/11 cuối cùng, các bạn học sinh đưa ra nhiều chia sẻ cùng với sự lo lắng: ‘ Cô chưa hiểu tụi em lắm chị ạ ‘ , ‘em sợ cô la’, ‘không biết cô có xúc động không nữa’,…
‘Thế có bao giờ các em nói thẳng với cô những tâm tư và suy nghĩ của mình chưa?’ – đám học trò ngơ ngác nhìn nhau.Và rồi, ekip thực hiện chương trình cùng tập thể lớp 12A4 bí mật tổ chức một ngày lễ đặc biệt cho cô Giàu. Ngày đó, cả cô và trò cùng sống khác…
Một buổi sáng cuối tuần không có tiết, cô Giàu lo lắng khi nhận được lệnh của thầy hiệu trưởng lên sinh hoạt với lớp.Vừa bước đến hành lang, đám học trò lại nhao nhao khiến lòng cô chộn rộn hơn.
‘Chúng em chào cô ạ’ – cả lớp đồng thanh trên nền những tiếng vỗ tay giòn giã. Giữa lúc hoang mang cực độ, cô Giàu được hướng dẫn di chuyển đến khu vực ‘tâm sự mỏng’ – nơi cất giữ những nỗi niềm, những điều mà đám học trò nghịch ngợm, bướng bỉnh chưa một lần dám nói với cô.
‘Cô hay la tụi con nhưng con biết cô luôn giúp tụi con đạt được những kết quả tốt nhất để chúng con có một tương lai tươi đẹp hơn.
Nhưng có thể là do cách cô truyền đạt, do tụi con phải chịu áp lực nặng nề của năm lớp 12 này nên giữa cô và tụi con vẫn còn rất nhiều những hiểu lầm không thể hóa giải được. Tụi con mong cô và tụi con có thể gần nhau hơn, hiểu nhau hơn’.
‘Có thể là do cách cô truyền tải, quan tâm tụi em mà tụi em chưa tiếp nhận rõ nên có nhiều hiểu lầm giữa cô và tụi em. Mong cô thấu hiểu cho tụi em’.
‘Năm nay có lẽ là năm cuối của cả chúng con và cô bên mái trường thân yêu này. Con không mong gì nhiều, chỉ hy vọng cô có thể lắng nghe, thấu hiểu và đừng la tụi con nữa có được không cô? Vì tụi con đã bị áp lực rất nhiều trong năm học lớp 12 này.
Chỉ mong dù áp lực hay gặp vấn đề khó khăn bên ngoài thì khi về lớp 12A4 này vẫn luôn có người mẹ dấu yêu luôn bên cạnh lắng nghe và thấu hiểu chúng con. Yêu cô’ – những lời chưa nói, cuối cùng đã được viết nên.
Clip: Nước mắt lăn dài trên má khi cô Giàu đọc được những dòng tâm sự của học trò
Không có nét chữ, không được đề tên, thế nhưng cô Giàu vẫn nhanh chóng ‘điểm mặt gọi tên’ người viết qua lối văn quen thuộc.
Cầm trên tay những dòng tâm sự của học trò, những giọt nước mắt cô lăn dài. Lần đầu tiên sau 31 năm đứng trên bục giảng, cô đã khóc như mưa trước mặt lứa học trò cuối cùng mà cô chủ nhiệm.
‘Xúc động tới mức đọc không được, vì các con nói rất thật. Đây là lúc mà cô thấy các em nó nói thật nhất. Tự nhiên nó xưng hô là má – con, nó không còn là tình cảm cô trò nữa mà giống như là con của mình. Đứa con sắp thi vô Đại học, sắp bước ra đời’ – cô Giàu nghẹn ngào, từng câu nói cứ đứt đoạn không trọn vẹn.
Món quà đặc biệt nhất mà chương trình dày công chuẩn bị tặng cô Giàu và tập thể lớp 12A4 chính là sự xuất hiện của các học trò cũ, những anh chị khóa trước nay được dịp về lại trường xưa.
Ngay khoảnh khắc nhìn thấy những học trò cũ của mình, cô Giàu một lần nữa vỡ òa vì xúc động, cô không nói được gì trong giây phút lắng đọng ấy, chỉ biết ôm chầm lấy các cô cậu học trò, niềm hạnh phúc không thể che giấu trên khuôn mặt cô…
Quay lại trường xưa, kỉ niệm ùa về đã làm bạn Khánh Linh (học sinh khóa 2018-2019) thổn thức : ‘Em còn nhớ như in những lần em với nhỏ bạn đi khắp nơi trong trường để chụp hình cho cô, cứ góc nào đẹp là 3 cô trò lại đến chụp’. Thời gian trôi nhanh, những lứa học trò như những cánh chim bay đến mọi nẻo đường, vẫn luôn chực chờ quay lại.
Nghĩ về cô Giàu trong thời gian qua, trong mắt 12A4 chỉ là những khó khăn, những áp lực chồng chất, nhưng các bạn không hiểu, cô phải mang những tâm tư gì. ‘ Lúc đầu tụi em cũng cảm thấy khá khó chịu vì cô hay nhắc nhở, la mắng, nhưng qua những lần kiểm tra, tụi em mới nhận ra cô làm vậy là muốn tốt cho mình. Nếu cứ giữ được nề nếp như vậy thì chắc chắn các em thế hệ sau sẽ đạt kết quả tốt ‘ – Yến Nhi (bạn cùng lớp Khánh Linh) tâm sự.
Có lẽ, chỉ khi những khó khăn qua đi và đóa hoa dày công chăm sóc đã nở rộ, người ta mới biết quý công sức của người thầy, người cô.
‘ Năm ấy, trước kỳ thi tốt nghiệp, cô Giàu rất tận tâm ôn thi cho cả lớp kể cả ngày chủ nhật cô cũng không nghỉ. Không chỉ vậy, sát giờ thi cô còn gọi điện cho từng bạn dậy để chuẩn bị đi thi nữa ‘ – Bạn Lê Đức Huy, học trò cũ của cô Giàu kể lại.
Năm cuối cùng chuyến đò văn chương rời bến, lại thấy ‘khách xưa’ quen lối trở về, với cô Giàu chẳng còn gì hạnh phúc hơn thế.
Một ngày khác – ngày đầu tiên trong 31 năm giảng dạy, cô Giàu khóc trước mặt học trò. ‘Ngày hôm nay thật sự rất bất ngờ, chuyện này có mơ cô cũng không mơ thấy được’ – cô Giàu tâm sự.
Clip: Cô Giàu xúc động trải lòng với lứa học trò cuối cùng
Mấy mươi năm giảng dạy, biết bao lớp người trưởng thành, cô cứ ngỡ đường mình đi là lối thẳng, chỉ có học trò không hiểu lòng cô. Vậy mà, hôm nay, lắng đọng sau những lời chúc, những tâm tư đã được giải bày, có lẽ, cô đã quên rằng không chỉ mình có áp lực, mà những ‘đứa con’ chưa kịp vào đời cũng đầy ắp những nỗi niềm.
‘ Có lẽ là do cách cô truyền đạt và do thái độ của cô làm cho các con hiểu lầm. Cô hứa sẽ lắng nghe các con nhiều hơn để có thể hiểu các con hơn. Cô đã quá khắt khe khiến các con tổn thương ‘ – cô nói trong nghẹn ngào.
Clip: Cô trò nói hết nỗi lòng, gần gũi và thấu hiểu nhau hơn
Một ngày khác – ngày mà những đứa học trò biết lắng nghe, biết thông cảm cho cô của mình. Trước khi chúng tôi tổ chức chương trình, bắt đầu tiếp xúc với các em, chưa từng dám nghĩ đến việc cả cô và trò đều rơi nước mắt.
Các em, từ những đứa trẻ không cảm mến, không thân thiết với cô mình, sau khi nghe những lời tâm sự, trông thấy những giọt nước mắt của cô, đã chẳng ngần ngại gọi cô bằng ‘má’, dành cho cô những cái ôm ngọt ngào của những ‘đứa con’.
Clip: Tập thể lớp 12A4 đồng thanh gửi lời yêu thương đến cô giáo chủ nhiệm cuối cùng trong đời học sinh
‘ Lúc trước, em cảm thấy cô rất là khó, nhưng sau buổi hôm nay, em biết cô là một giáo viên rất tận tâm, tận tụy và yêu thương học sinh của mình. Năm nay là năm cuối cùng của cả cô và em, em hứa sẽ cố gắng học tập thật nhiều để không phụ lòng cô’ - Lớp trưởng Duy Khang chia sẻ.
Chúng tôi thật sự vui mừng khi chiếc cầu nối cô trò đã được ‘xây dựng’ thành công. Hình ảnh các em tìm đến cô để trao những cái ôm chứa cả lời cảm ơn và lời xin lỗi đã in sâu trong đầu, và câu nói: ‘Chúng em yêu cô Giàu’ vẫn còn văng vẳng bên tai.
Team Sài Gòn
Theo baodatviet
Nhọc nhằn cõng chữ lên non
Gần 2 giờ đồng hồ băng qua con đường đầy đất đỏ, chúng tôi mới đến được với làng Khe Chữ, xã vùng cao Trà Vân, H. Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Ngôi làng hiện ra trước mắt với những ngôi nhà vững chãi mọc san sát nhau. Đặc biệt nhất là ngôi trường dành cho các em học sinh nơi đây, giờ đã được xây mới, khang trang, đẹp đẽ hơn trước rất nhiều. Ngôi trường ấy có một cô giáo không ngại gian khó, đã 10 năm miệt mài đem con chữ đến cho trẻ em vùng cao.
Đường đến làng Khe Chữ đầy gian nan, nhưng cô giáo Võ Thị Kinh vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường.
Gian nan thử sức
Chúng tôi tìm đến ngôi trường ấy và bắt gặp cô giáo Võ Thị Kinh (42 tuổi, ở H. Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đang dạy cho học trò viết nắn nót từng chữ. Bên ngoài trông mảnh khảnh, nhỏ bé nhưng khi tiếp xúc chúng tôi nhận thấy bên trong cô giáo nhỏ nhắn ấy lại tràn đầy nhiệt huyết.
Năm 2009, cô giáo Võ Thị Kinh được ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam phân công đến với điểm trường Khe Chữ dạy học - một điểm trường dành cho học sinh Mầm non và Tiểu học ở vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Nam Trà My. Lúc ấy, tâm trạng của cô vui buồn lẫn lộn. Cô Võ Thị Kinh nhớ lại: "Thời gian đầu đi dạy, cô phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ, từ trung tâm xã Trà Vân, đi bộ băng qua con đường mòn gồ ghề, đầy sỏi đá, mới có thể đến được điểm trường nơi đây. Ngoài ra, việc phải mang vác hơn 40kg thực phẩm và nước uống để bám trường thực sự là một thách thức lớn đối với một cô giáo trẻ. Không những thế, có lúc phải hết một học kỳ, cô mới có thể trở về miền xuôi thăm gia đình". Ngoài những khó khăn về địa hình đồi núi, cô còn gặp phải muôn vàn khó khăn trong việc giảng dạy, vì 100% học sinh nơi đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số, để giảng cho các em hiểu được bài học là việc làm rất khó. Và việc vận động các đến trường còn là một nhiệm vụ khó khăn hơn nữa.
Thời gian cứ thế trôi qua, nhiều lúc, cô đã nản chí, muốn từ bỏ tất cả để trở về miền xuôi, tìm kiếm một công việc nhẹ nhàng, đỡ vất vả hơn. Mỗi lần như vậy, cô lại dằn vặt suy nghĩ, phần vì nỗi nhớ nhà, phần vì không nỡ xa đám trẻ. Cô Võ Thị Kinh quyết tâm học tiếng đồng bào để có thể gần gũi và truyền đạt kiến thức dễ dàng hơn cho các em học sinh. Và cô cũng dần thay đổi đi cách dạy thông thường.
10 năm gieo mầm ước mơ
Trải qua khoảng thời gian hơn 10 năm dành cho sự nghiệp "trồng người", đối với cô Võ Thị Kinh khoảng thời gian ấy đã hằn sâu vào trong tâm trí với đầy ắp những kỷ niệm mà có lẽ cô sẽ không bao giờ quên. Hình ảnh cô trò cùng nhau quây quần bên bếp lửa sưởi ấm, hay một bữa ăn chỉ có măng rừng và ốc cũng thật gần gũi và đáng quý biết bao.
Từ sau đợt sạt lở kinh hoàng tại làng Khe Chữ cũ vào năm 2017, nỗi đau thương, mất mát ngày nào của người dân nơi đây đang dần nguôi ngoai. Thay vào đó, họ luôn có niềm tin, niềm khát khao mãnh liệt về một cuộc sống tốt đẹp. Giờ đây, tại ngôi làng mới, tiếng đánh vần, đọc bài ê a từ ngôi trường vang lên vọng khắp cả núi đồi. Điều đó như báo hiệu rằng một cuộc sống tươi mới đang đến với những người dân nơi đây. "Dù có cơ hội để chuyển về miền xuôi công tác, nhưng sau thời gian dài bám bản, tôi cảm thấy như mình cần phải ở lại đây, phải có trách nhiệm hơn đối với các em học sinh, bởi bọn trẻ còn nhiều thiếu thốn, chúng cần phải được yêu thương và chăm sóc nhiều hơn. Chính vì vậy, tôi đã quyết định sẽ tiếp tục ở lại đây, đem hết công sức, quyết tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao", cô Võ Thị Kinh chia sẻ.
Chuyện học ở vùng cao là vậy, các thầy, cô giáo đã cống hiến gần như cả tuổi thanh xuân của mình để tình nguyện gắn bó với vùng cao, làm công việc "cõng chữ lên non", cứ như một chữ duyên vậy. Cũng từ những ngôi trường trên vùng cao này, bao nhiêu thế hệ là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nay đã trưởng thành, một số đi làm ăn xa, một số đã có công việc ổn định...
T.TĨNH - K.CHƯƠNG
Theo cadn
Những "người đưa đò" thầm lặng Tháng 11 về, khắp nơi trên dải đất hình chữ S tràn ngập không khí từng bừng, phấn khởi kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là dịp để cả xã hội tôn vinh các thầy giáo, cô giáo - những "người đưa đò" thầm lặng... Mặc dù ở nhiều nơi, điều kiện dạy và học còn khó khăn, thiếu thốn,...