Lời tâm sự của cậu học sinh ngang bướng tới cô giáo dạy Văn
Giờ đây, khi đã rời xa mái trường cấp hai thân yêu từ lâu nhưng tôi không sao quên được cô Lan – cô giáo chủ nhiệm trong bốn năm học cấp hai của tôi…
Bởi trong những tháng ngày căng thẳng chuẩn bị ra trường thì đã có một kỉ niệm buồn xảy ra giữa tôi và cô. Giờ ngẫm nghĩ lại, mới thấy mình quả là một cậu học sinh nhu nhược. Khi ấy nếu không có sự giúp đỡ của cô liệu bây giờ tôi còn có cơ hội được ngồi trên ghế nhà trường!? – Chuyện chẳng ai có thể đoán trước được!
Cô giáo thường hiện lên trong trang Văn của người học trò với mái tóc dài đen mượt, khuôn mặt trái xoan thanh lịch, tính tình hiền hậu. Nhưng cô Lan của tôi tại sao lại không được như vậy!? Mái tóc của cô xơ cả ra, đôi mắt cô lúc nào cũng đằng đằng “sát khí” còn khuôn mặt của cô lại đầy tàn nhang. Cô tuy còn trẻ nhưng không hiểu tại sao với chúng tôi, cô lại rất khó tính. Tự lúc nào, tụi học trò chúng tôi đã bí mật truyền tai nhau cùng gọi cô là “bà cô già”.
Sau một chấn thương nặng ở chân vì đá bóng vào giữa học kì hai năm lớp 9. Tôi – một học sinh cá biệt quay trở lại trường học. Biết bao tháng ngày vắng mặt trên lớp, xa rời tụi bạn thân “thích chơi hơn học” sao mà làm lòng tôi háo hức đến thế!? Hôm nay, tụi lớp tôi sẽ biết thế nào là sự trở về của Hoàng Anh Tuấn!
Giờ Toán đúng là “chán như con gián”. Tôi đang “chăm chỉ” chép đề cương ôn thi học kì thì thằng bạn tên Cường quay xuống, tay lăm le con kiến đen, hất hàm hỏi tôi:
- Ê, chăn kiến không ?
- Ok, mày quên tao là bá chủ chăn kiến Tuấn KiLúc hay sao hả, thằng nhãi kia!
Chăn kiến là một trò chơi thú vị đối với tụi học trò chúng tôi. Hai con kiến được thả vào một vòng tròn bằng giấy bìa. Con kiến của thằng nào thoát ra khỏi vòng tròn trước tiên thì coi như thằng ấy thua. Chơi trò này thú vị ra phết, vừa vui, vừa giải trí, lại hồi hộp, hấp dẫn. Khi tôi đang chuẩn bị lập cú đúp thắng hai ván liên tiếp thì phi vụ bị bại lộ. Y rằng tên tôi cùng tên thằng Cường đã chễm chệ ngay trong sổ đầu bài với tội danh “làm việc riêng trong giờ học, không tôn trọng giáo viên”. Bực mình thật nhưng với tôi mọi chuyện vẫn chưa kết thúc ở đây!
Giờ Công nghệ Chăn nuôi – môn học không đội trời chung với tôi. Ngồi nghe cô “tụng kinh” sao mà buồn ngủ quá trời, hai mắt tôi không thể díp lại được, bởi Quân lé đã chộp lấy tuýp thuốc màu vẽ mới mua của tôi, bôi nhoe nhoét ra trêu tụi bạn. Tức giận, tôi cũng chụp lấy tuýp màu đỏ bôi lên môi mình rồi in lên nền áo trắng của nó, một “nụ cười xinh nhờ có Lipice”. Mọi chuyện rắc rối lại xảy ra. Nó thưa chuyện với cô, đồng nghĩa với việc tên của tôi lại yên vị trên “bảng vàng”!
Giờ Văn – giờ cô Lan chủ nhiệm! Không khí lớp nặng nề đến lạ thường, bởi ai cũng biết chuyện gì sắp xảy ra. Tôi là người biết rõ nhất – biết bản thân mình đang mang lắm tội!
Cô giáo bước vào lớp với khuôn mặt nặng nề! Chắc hẳn mấy thầy cô bộ môn cũng đã phản ánh chuyện của tôi với cô. Chưa ngồi ấm chỗ, không cần xem qua sổ đầu bài, cô đã thét lên:
Video đang HOT
- Tôi mời những anh vừa bị ghi vào sổ đầu bài đứng lên cho tôi chiêm ngưỡng bộ mặt cái nào!!!
Tôi giật bắn người! Sao lúc này, bản thân tôi lại có cảm giác sợ hãi đến thế!? Nếu đem so sánh bộ dạng của tôi lúc này với cái lúc nghịch ngầm trong giờ học chắc hẳn chúng phải khác xa nhau lắm. Quay sang nhìn mấy thằng chiến hữu, tôi thấy chúng cũng chẳng khác gì mình, vừa đứng vừa run, mặt cúi gằm vì xấu hổ! Cũng may là lớp không chỉ có mình tôi bị phê bình, như vậy tôi cũng đỡ xấu mặt với tụi bạn!
Ảnh minh họa.
Cô bắt đầu quát chúng tôi:
- Sao các anh lại có thể vô ý thức đến như vậy nhỉ? Không tôn trọng giờ học của thầy cô và các bạn cùng lớp! Nếu từ sau các anh không muốn học nữa thì xin mời các anh ra khỏi lớp để cho những người cần học người ta được yên! Giờ thì xin mời tất cả ra khỏi lớp ngay! Tôi và tập thể lớp 9A này không cần đến những học sinh hư và khó bảo như các anh!
Bị chạm vào tự ái to như con khủng long của một thằng con trai tuổi 15, tôi khác hẳn lúc đầu giờ – vênh váo bước ra khỏi lớp như để chọc tức cô, chả cần phải bị cưỡng ép ra. Cả lớp nhìn tôi đầy ái ngại. Nhưng cũng có vài đứa ghét tôi, chúng ngồi đấy toe toét cười! Điên thật! Từ bé đến giờ chưa lần nào tôi bị thầy cô đuổi ra khỏi lớp cả, thế mà lần này… Dù gì đi chăng nữa thì mẹ tôi và cô Lan cũng là bạn thân suốt ba năm cấp ba, vậy mà cô chẳng nể nang gì tôi cả! Năm học này với bao nhiêu tên tôi trong sổ đầu bài, và cả tội đánh nhau trong sổ đen của nhà trường, cầm chắc là tôi đúp. Thôi, đằng nào thì cũng lưu ban, quả này thì tôi sẽ cho cô Lan biết tay!
Giải quyết xong xuôi, cô Lan quay vào bắt đầu giảng bài cuối cùng của năm lớp 9. Đứng ngoài cửa sổ lớp, tôi chăm chú theo dõi cô giảng bài và ngạc nhiên thay, chưa bao giờ tôi thấy cô giảng bài hay đến như vậy. Tôi nghe mà quên mất rằng mình đang ở ngoài lớp học. Bất giác tôi muốn mình có thể quay trở lại lớp, vào đúng vị trí của mình để tiếp tục theo dõi bài giảng Văn của cô. Thế là tôi nghĩ kế gây sự chú ý cho cô và cả lớp bằng một tiếng ho sặc sụa. Nhưng… chẳng có một ai trong lớp, kể cả cô để ý tới bản thân tôi. Vậy là tôi đã bị chính tập thể lớp mình và cả cô bỏ rơi, ghét bỏ. Hai thằng bạn bị phạt đứng cùng tôi giờ đã trốn ra quán điện tử từ đời nào. Đứng ngoài một mình, vừa buồn, vừa xấu hổ, tôi thấy mình hơi tủi thân… Nhưng cái bản tính ương ngạnh, ngang bướng trong tôi, nó đã không cho phép tôi vào lớp xin lỗi cô. Tôi là thế!
Bắt đầu từ đấy, tôi phá bĩnh trong những buổi ôn tập thi học kì môn Văn của cô. Đi học tôi không thèm mang vở, mà nếu có mang, tôi cũng chẳng chép bài. Ngồi trong lớp, trêu chọc tụi bạn, rồi lại mở máy MP3 nghe nhạc, lẩm nhẩm hát theo. Lớp ồn hẳn lên. Cô thấy vậy nhưng không buồn nhắc nhở gì cả. Được thế, tôi càng lấn tới, làm già….
Vì không chú ý gì trong những buổi ôn tập môn Văn của cô, tôi học hành sa sút đi rõ rệt. Bài kiểm tra toàn “gậy, trứng” nên tôi xé chúng ngay trước mặt cô, nhét vào ngăn bàn và bốc đồng cho rằng cô đang trù dập mình. Nhưng tôi đã sai lầm một cách tai hại… Ngay sau buổi thi học kì, cô đã gọi điện tới nhà tôi, yêu cầu tôi đến gặp cô tại nhà riêng. Tôi chẳng biết cô sẽ xử lí mình như thế nào. Bởi sáng nay, khi làm bài thi môn Văn, vì tức cô, tôi đã dại dột bỏ giấy trắng!
Tới nhà cô Lan, tôi thấy hai “tiểu quỷ” bị cô mời ra ngoài giờ văn hôm ấy cũng đang đứng ngoài cổng, có lẽ do xấu hổ nên chưa dám vào trong nhà. Tụi này công nhận nhát, phải tôi, tôi đã hùng hổ xông vào trước tiên để được cô mời uống… nước chè rồi! – “Tôi đã từng nghĩ như thế đấy…”
Khi vào trong. Hóa ra cô mời chúng tôi đến để giảng lại những bài văn mà ngày nào chúng tôi chưa được nghe vì bị phạt ngoài cửa lớp. Cô giảng vẫn hay như hôm ấy, tôi chăm chú nghe đến nỗi không biết mình phải ghi chép những ý gì. Hôm ấy tôi chỉ ghi vào trong vở đúng một câu thôi: Văn học là nhân học, học Văn tức là học làm người.
Tôi biết mình đã quá sai lầm. Hồi đi mẫu giáo, tôi đã từng tưởng tượng ra cô giáo như một mụ phù thủy thường xuất hiện trong các cuốn truyện cổ tích, tay lúc nào cũng lăm lăm cây thước vụt dọa học sinh, nhưng đến khi đi học tôi mới biết là mình đã lầm. Giờ đây thì tôi còn phạm phải một sai lầm trầm trọng hơn. Vì một phút bất cần đáng trách của bản thân, tôi đã khiến cho cô Lan bị tổn thương. Đến lúc nhận ra tình cảm thương yêu mà cô dành cho chúng tôi thì đã quá muộn. Ngày ra trường, tôi rất muốn nói một lời xin lỗi với cô, vậy mà tại sao tôi lại không thể nói ra được…
Như cảm động trước tình cảm mà cô đã dành cho lũ học trò chúng tôi, đề thi vào lớp mười năm ấy đã rơi vào chính bài giảng Văn ngày nào của cô. Tôi đã hoàn thành bài thi ấy bằng chính khả năng của mình và bằng nghị lực mà cô đã truyền cho chúng tôi. Kì thi ấy tôi thi được 8 điểm – con số 8 môn Văn đầu tiên trong cuộc đời của mình. Tôi biết đó là tình cảm thương yêu mà cô đã dành cho chúng tôi. Mãi mãi tôi sẽ không thể quên được!
Cô Lan ơi, giờ đây em mới có thể nói với cô “Cảm ơn cô… Cô đã giúp đỡ em, đã truyền cho em bầu nhiệt huyết, niềm hăng say để em có thể vượt qua những phút yếu mềm của bản thân mình. Từ đáy lòng, em xin gửi tới cô lời cảm ơn chân thành nhất!”.
Theo PLXH
Từ điển "mượn" của teen khi đi học
Hết mượn tập, mượn đề kiểm tra,... cho đến mượn cả đôi giày Thể dục. Muôn kiểu "mượn" của teen chúng mình khi đến lớp!
Bắt đầu bước vào môi trường THPT, teen dường như chỉ chú tâm vào ba môn chính của khối thi đại học mà quên đi việc học tập các môn khác. Chính vì thế mà teen đã nghĩ ra rất nhiều "chiêu" để "đối phó" các thầy cô giáo mỗi khi kiểm tra hay gặp sự cố ngoài ý muốn nào đó.
Mượn vở bài tập, vở soạn
Đây là việc rất phổ biến với teen. Đặc biệt đối với các môn theo quan niệm lâu nay là phụ, không thi tốt nghiệp cũng như vắng bóng trong các kì thi đại học như: Công nghệ, Giáo dục công dân hay Tin học... Với dân khối A thì vở soạn văn, hay bài tập Lịch sử cũng là cả một vấn đề.
Thường thì với các môn này, thầy cô giáo hay chấm vở soạn, vở ghi hoặc vở bài tập để lấy điểm thay điểm kiểm tra miệng. Và bao giờ chuẩn bị thu để chấm, thầy cô giáo cũng báo trước một tuần để chuẩn bị. Nhưng thay bằng việc mượn vở của các bạn khác chép bài đầy đủ để về nhà chép lại thì teen lại nghĩ ra một cách khá sáng tạo. Đó là sang lớp khác mượn một quyển vở đã được ghi chép đầy đủ và chỉ cần một chiếc nhãn vở mới, một bìa bọc mới, một cái tên mới và thế là ok. Thầy cô chấm với số lượng nhiều cộng thêm thời gian không cho phép nên cũng không thể nhớ hết được tất cả mặt chữ hay chi tiết quyển vở thế nào.
Trung (17t) nói: "Thường thì mình rất ngại chép bài các môn như văn hay lịch sử vì chúng quá dài. Mỗi lần cô giáo thông báo chấm điểm, tớ thường mượn vở của bạn lớp bên. Nếu lớp đó cô khác dạy và chưa chấm điểm thì chỉ cần thay nhãn vở vào là xong. Còn nếu cô chấm điểm vào rồi thì mất công hơn một chút nhưng vẫn còn nhàn hơn so với việc ngồi chép từ đầu. Chỉ cần dùng bút xóa xóa điểm cô đã chấm đi rồi viết đè lên đấy thêm một đoạn nữa là cô sẽ không biết. Vừa tiện lại vừa nhanh, mà điểm cũng không đến nỗi nào."
Việc ghi chép bài khi học tập là một cách giúp ta ghi nhớ kiến thức, bởi mỗi lần ghi là một lần thêm nhớ. Hơn nữa, nếu teen ghi chép bài cẩn thận thì nên dùng vở đó để ôn tập cho thi học kì (rất hiệu quả) và còn có thể để lại cho "thế hệ sau" tham khảo.
Mượn đề kiểm tra
Thường thì với teen học chuyên theo khối thường rất hay thờ ơ các môn khác. Thế nên mỗi khi kiểm tra 1 tiết như "cực hình" với teen. Vì thế nên cứ trước giờ kiểm tra teen lại rục rịch chạy từ lớp này qua lớp khác để hỏi và mượn đề. Biết trước đề teen sẽ không cần ngồi nhà ôn rồi học thuộc lòng nữa. Chỉ cần học những câu mà thầy cô giao trong đề kiểm tra mà thôi. Có bạn sẽ làm trước những câu đó ra giấy nháp và "tén tèn ten" trong tiết kiểm tra teen tha hồ giở ra chép mà không cần dùng đến sách giáo khoa hay vở ghi - những thứ vốn bị "niêm phong" khi giờ kiểm tra đến.
T.Hà (16t) chia sẻ: "Mình là dân khối A nên rất ngại mấy môn phải học thuộc lòng. Vì thế một mặt để dành thời gian học Toán, Lí, Hóa thì mỗi khi kiểm tra các môn kia mình đều nhờ bạn lớp khác kiểm tra trước ghi đề lại cho mình. Hơn nữa điểm của mình lại cao hơn. Đỡ phải lo lắng về chuyện điểm số với bố mẹ."
Nhiều thầy cô giáo cũng biết được hiện tượng này, nên đã làm khá nhiều đề, thậm chí có lớp lên đến 10 mã đề khác nhau. Nhưng teen cũng chẳng vừa. Bởi số lượng bạn bè đông đảo. Mỗi người trong lớp chỉ cần mượn bạn mình một đề và thế là cả lớp tập hợp lại đã có đủ trong tay cả 10 đề đó.
Chúng ta thường cho rằng, những môn không thi đại học là không quan trọng và không cần phải học vì sẽ mất thời gian để học các môn kia. Nhưng dù không thi thì các môn học khác vẫn bổ trợ cho ta những kiến thức vô cùng bổ ích và thú vị khác trong đời sống hàng ngày.
Mượn đồ dùng
Điều này phổ biến nhất trong môn Thể dục và Quân sự. Bởi đây là hai môn cần có dụng cụ học tập như giày hay mũ cối. Nhất là với các trường ở vùng quê, việc không có đồng phục Thể dục học riêng, và môn này được học xen giữa các môn học khác nên các bạn phải mặc chung với quần áo học bình thường. Thêm nữa, vào mùa hè thì teen thích đi xăng đan hơn là đi giày. Việc phải đem theo giày đến lớp để học Thể dục khiến nhiều teen ngại hoặc quên. Với tâm lí, lên lớp mượn bạn lớp khác cho tiện nên mỗi lần giải lao giữa hai tiết chuẩn bị cho tiết Thể dục hay Quân sự teen lại chạy qua chạy lại để mượn cho mình đôi giày, cái áo, chiếc mũ, tránh trường hợp thiếu đồ sẽ bị cô ghi sổ đầu bài, trừ điểm, bị phê bình, có khi phải mời cả phụ huynh.
Đi học thì bắt buộc bạn phải chuẩn bị thật chu đáo tất tần tật! Không chỉ là đôi giày thể dục hay cây cờ để học Quân sự,... teen đều phải nhớ chuẩn bị thật tốt chứ đừng nói đến việc lười chép bài để phải mượn tập, vở của bạn bè hay mượn luôn cả đề kiểm tra thì không tốt chút nào đâu. Như thế sẽ ảnh hưởng đến việc học của chính bạn, rồi lỡ dính trường hợp bị giáo viên phát hiện, bạn sẽ khiến người bạn kia bị liên lụy mất điểm, thậm chí còn vị mời phụ huynh nữa đấy! Teen chúng mình chớ sử dụng từ "mượn" quá nhiều trong trường học nhé!
Theo PLXH
Khổ thân vì làm trò cưng Những học trò cưng của thầy cô luôn có những ưu tiên đặc biệt hơn những thành viên khác trong lớp, nhưng lại khiến các bạn ấy rơi vào những tình huống hết sức khó xử. Học trò cưng = bị tẩy chay Một số teen khi nghe thấy cụm từ "học trò cưng" hay "con cưng của thầy cô" sẽ nói ngay:...