Lợi nhuận LienVietPostBank lao dốc, nợ xấu tăng
Công bố tài chính mới nhất cho thấy, lợi nhuận sau thuế quý 3/2018 của LienVietPostBank giảm 33,2%, 9 tháng đầu năm giảm 26,6%, trong khi nợ xấu tăng 41,8%.
Lãi giảm sâu
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã chứng khoán LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng đầu năm 2018 với kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng.
Trong ba tháng 7, 8 và 9, lợi nhuận sau thuế nhà băng này chỉ đạt hơn 280 tỷ đồng, giảm mạnh so với hơn 419,3 tỷ đồng của cùng quý 3 năm ngoái, tức giảm 33,2%.
Lợi nhuận trước thuế cũng giảm 33,4%, chỉ đạt hơn 348 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này được coi là khiêm tốn so với ngân hàng có vốn sở hữu hơn 10.067 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 167.328 tỷ đồng.
Lợi nhuận quý 3 và 9 tháng đầu năm 2018 của LienVietPostBank giảm sâu. (Ảnh: LienVietPostBank)
Thu nhập lãi thuần trong thời gian trên là hơn 1.266 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% so cùng quý 3/2017. Hoạt động dịch vụ và mua bán chứng khoán đầu tư mang về khoản lãi khá lớn, lần lượt đạt hơn 41,7 tỷ đồng và 86 tỷ đồng.
Trái lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác vẫn chưa thoát lỗ, lần lượt 21,2 tỷ đồng và 57,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí hoạt động dịch vụ, chi phí hoạt động tăng mạnh, lần lượt đạt 41,4 tỷ đồng và 763,5 tỷ đồng.
Theo lý giải của LienVietPostBank, chi phí hoạt động tăng do ngân hàng đang trong giai đoạn mở rộng mạng lưới nên các chi phí phát sinh tăng.
Cùng đó, ngân hàng chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới trong quản trị điều hành và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro, nâng cao năng suất lao động, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực… nhằm mục tiêu phát triển mạnh kinh doanh hiệu quả, an toàn hơn trong các năm tới.
Cộng dồn 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của LienVietPostBank giảm 26,6%, đạt hơn 826 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần giảm 0,8%.
Nợ xấu tăng
Video đang HOT
Thu nhập lãi thuần không tăng, lợi nhuận sau thuế giảm nhưng nợ xấu ngân hàng trong 9 tháng đầu năm lại tăng cao tới 41,8%. Trong đó, nợ dưới chuẩn tăng 239,8%, nợ nghi ngờ tăng 92,9%, riêng nợ có khả năng mất vốn giảm 18,9%. Hiện, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng là hơn 1,3%, vẫn trong tầm kiểm soát.
Tính đến 30/9, dư nợ cho vay khách hàng của LienVietPostBank đạt hơn 113.900 tỷ đồng, tăng 14,5% so hồi cuối 2017.
Nợ xấu tăng, dự nợ cho vay tăng tuy nhiên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm 25,7% so cùng kỳ 2017, chỉ đạt hơn 351 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 14.073 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 16,9 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 6,3 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 15/8, LienVietPostBank đã công bố quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh 2018 của ngân hàng.
Cụ thể, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 điều chỉnh giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng, tổng tài sản từ 190.000 tỷ đồng xuống còn 180.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 từ 170.000 tỷ đồng xuống còn 160.000 tỷ đồng, dư nợ thị trường 1 từ 123.500 tỷ đồng xuống 117.557 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu từ 12% xuống còn 10%.
HOÀNG HƯNG
Theo vtc.vn
Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng 9 tháng đầu năm: Nỗi lo nợ xấu vẫn tiếp diễn
Mặc dù kết quả kinh doanh của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng cùng xử lí nợ xấu có những kết quả khả quan nhưng nỗi "ám ảnh" về nợ xấu vẫn chưa dừng lại.
Nợ xấu ngân hàng vẫn là gánh nặng của nền kinh tế (Ảnh minh hoạ).
Lợi nhuận tăng, nợ xấu cũng tăng
Kết thúc ba quí đầu năm, lợi nhuận các ngân hàng khởi sắc khi tăng gần 46% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, số dư nợ xấu các ngân hàng lại có chiều hướng tăng mạnh hơn tăng trưởng cho vay khách hàng.
Theo báo cáo kinh doanh công bố của 22 ngân hàng, tổng số dư nợ xấu đã tăng 26,5% so với cuối năm trước với 75.826 tỉ đồng (chưa xét đến số dư nợ xấu tại VAMC). Trong khi đó, tăng trưởng cho vay khách hàng lại ở mức khiêm tốn chỉ bằng một nửa là 11,3%.
Hầu hết ngân hàng khảo sát có số dư nợ xấu tăng, có ngân hàng tăng hơn 80%. Nhóm ngân hàng tăng mạnh nợ xấu gồm NCB (80%); OCB (65,2%); VPBank (51,6%); MBBank (45,1%); LienVietPostBank (41,9%); VietBank (40,4%),...
Chỉ có 3 trong số 22 ngân hàng khảo sát có số dư nợ xấu giảm gồm Nam A Bank, SeABank và Eximbank. Trong đó, nợ xấu tại Nam A Bank giảm gần một nửa (48,5%); Eximbank giảm 11,3% và SeABank giảm 5,2% so với con số cuối năm trước.
Bảng tổng hợp thông tin nợ xấu các ngân hàng (Nguồn: DB tổng hợp).
Do đó, tỉ lệ nợ xấu của phần lớn ngân hàng trên đều tăng trừ 4 ngân hàng là Nam A Bank; SeABank; HDBank và Eximbank.
Có 4 ngân hàng duy trì tỉ lệ nợ xấu dưới mức 1% gồm: SCB, Bac A Bank, Nam A Bank và ACB. Trong đó, SCB có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất ở mức 0,52%. Có hai ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao trên mức qui định của NHNN là PG Bank (4,49%) và VPBank (4,7%).
Xét về số dư tuyệt đối, BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất với 17.042 tỉ đồng. Tiếp đó là các ngân hàng VietinBank (12.127 tỉ đồng); VPBank (9.401 tỉ đồng); Vietcombank (7.424 tỉ đồng).
Biểu đồ thể hiện số dư nợ xấu các ngân hàng.
Những con số tích cực từ số dư trái phiếu VAMC
Ngoài số dư nợ xấu trên bảng cân đối tài sản, các ngân hàng vẫn còn "gửi nhờ" một lượng nợ xấu nhất định tại VAMC. Do đó, nếu chỉ nhìn số dư nợ xấu tại các ngân hàng sẽ không có được đánh giá chính xác về số dư nợ xấu thực tế hiện tại.
Tuy vậy, không phải ngân hàng nào cũng công bố giá trị nợ đã bán cho VAMC trên báo cáo tài chính.
Các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VIB và MBBank đã thực hiện mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC.
Số dư trái phiếu VAMC tại các ngân hàng (Nguồn: DB tổng hợp).
Theo số liệu này có thể thấy số dư trái phiếu VAMC của các ngân hàng đang có chiều hướng giảm. Ngoại trừ Maritime Bank tăng 8,1% và Bac A Bank không đổi thì những ngân hàng còn lại đều giảm từ 5,9% đến 66,7%.
SCB là ngân hàng có số dư trái phiếu VAMC lớn nhất với 19.740 tỉ đồng, mặc dù đã giảm hơn 17% so với đầu năm. OCB là ngân hàng giảm mạnh nhất và trở thành ngân hàng có số dư trái phiếu VAMC ít nhất 242 tỉ đồng (không kể các ngân hàng đã tất toán hết).
Nợ xấu tiếp tục là tâm điểm chú ý của hệ thống
Trong báo cáo gửi Quốc hội vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 7/2018, nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn 2,13%, giảm so với mức 2,46% vào năm 2016.
Tính từ năm 2012 đến tháng 7/2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 794.200 tỉ đồng nợ xấu. Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, toàn hệ thống đã xử lý được 141.300 tỉ đồng nợ xấu.
Có thể thấy rằng xét về mặt con số đây là một kết quả đáng mừng cho nền kinh tế, tuy nhiên nếu xét trên tình hình thực tế thì nợ xấu vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại. Theo cho biết từ đại diện NHNN trong buổi tổng hết một năm áp dụng Nghị quyết 42, việc xử lí nợ xấu hiện tại vẫn chủ yếu từ nguồn dự phòng rủi ro.
Trong khi đó, việc mua bán nợ chưa sôi động, chưa có thị trường mua bán nợ, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều. Nhiều khoản nợ xấu có nguồn gốc là từ các khoản đầu tư cơ bản, nợ đọng từ Ngân sách Nhà nước khó xử lý, tiêu biểu như khoản nợ tại 12 dự án thua lỗ.
Nhiều khoản nợ của VAMC sau khi được rao bán vẫn "ế ẩm", không thu hút người mua. Tiêu biểu như vụ thu giữ cao ốc Saigon One Tower, mặc dù đã rao bán một khoảng thời gian không ngắn nhưng vẫn chưa có thông tin mới nào từ bên mua.
Mới đây, VAMC cũng liên tục rao bán đấu giá nhiều tài sản lớn như dự án Trung Đông Palaza; dự án Chung cư Thành phố xanh (TP HCM); khoản nợ gần 2.400 tỷ đồng của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng khác tại BIDV; ...
Nhiều khoản nợ xấu rao bán nhiều lần và phải giảm giá khá nhiều nhưng vẫn không thu hút người mua. Tình cảnh này cũng xảy ra tương tự với các vụ đấu giá tài sản xử lý nợ xấu tại các ngân hàng.
Có lẽ, may mắn nhất là vụ bán đấu giá thành công tòa tháp V-Ikon ở TP HCM, giá trúng thầu là hơn 300 tỷ đồng, vượt 1,6 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm sau những lần không thành công trước đó.
Trong năm 2018, VAMC lên kế hoạch phát hành tối đa 32.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu. Đồng thời, theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt thì trong năm 2018, VAMC sẽ chi 3.500 tỷ đồng để mua nợ xấu theo giá trị thị trường.
Giai đoạn 2017 - 2018 và hướng tới năm 2022, VAMC dự kiến xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (theo dư nợ gốc) và riêng năm 2018 là hơn 34.504 tỷ.
Ngày hôm qua (7/11), Thống đốc NHNN gửi văn bản yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục thực hiện một số nội dung nhằm đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Trong đó, yêu cầu rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42 để nhận diện đầy đủ thực trạng nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu lớn.
Cùng với đó, chủ động phối hợp tích cực với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong khi thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã bán cho VAMC.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Diệp Bình
Các ngân hàng tích cực thu hồi nợ xấu 9 tháng đầu năm nay đã không ít nhà băng xóa được gần hết các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đó. Điển hình tại Nam A Bank, tổng mệnh giá trái phiếu VAMC chỉ còn 7%. Tổng mệnh giá trái phiếu VAMC tại Nam A Bank chỉ còn 7% so với đầu năm Tích cực thu hồi nợ xấu Theo...