‘Lời nguyền tuổi 35′ đối với người lao động Trung Quốc
Những người trong độ tuổi 35 ở Trung Quốc đang lo lắng về “ lời nguyền tuổi 35″, bởi họ quá già để làm những công việc cấp thấp nhưng lại quá trẻ và nghèo để nghỉ hưu.
Đài CNN dẫn một số báo cáo gần đây chỉ ra rằng các nhà tuyển dụng ở Trung Quốc dường như chỉ đang tập trung thuê công nhân chưa đến 35 tuổi, độ tuổi thậm chí chưa được gọi là trung niên.
Cụm từ “lời nguyền tuổi 35″ ban đầu được dùng để mô tả việc các công ty sa thải các lao động từ 35 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện nó cũng được “áp dụng” để gọi việc các nhà tuyển dụng chỉ tìm kiếm những sinh viên mới ra trường.
Văn hóa làm việc 996
Việc ưa thích những người lao động trẻ tuổi một phần là do văn hóa làm việc đòi hỏi mọi người phải làm việc nhiều giờ ở Trung Quốc.
Hội chợ việc làm ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc vào tháng 8.2020. Ảnh AFP
“Lời nguyền tuổi 35″ là một nhánh của “văn hóa làm việc 996″ đầy áp lực của quốc gia tỉ dân. Đối với “996″, những công nhân Trung Quốc muốn thăng tiến phải tuân theo một lịch trình khắt khe, làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, liên tục 6 ngày trong tuần.
Do yêu cầu khắc nghiệt, các nhà tuyển dụng ưu ái những người trẻ, khỏe mạnh và sẵn sàng làm việc nhiều giờ. Tờ Business Insider dẫn lời chuyên gia Tianlei Huang của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) cho biết: “Những người lao động trẻ có điều kiện sức khỏe tốt hơn những người lớn tuổi và họ có ít nghĩa vụ gia đình hơn những người trên 35 tuổi, vì vậy họ có thể làm việc nhiều giờ hơn”.
Nhiều học giả và quan chức hàng đầu của Trung Quốc cũng đã thừa nhận vấn đề này. Tờ China Youth Daily dẫn phát biểu của nhà lâp pháp Tưởng Thắng Nam, trong đó nói rằng “sự phân biệt đối xử vô hình về độ tuổi đối với những người 35 tuổi luôn tồn tại ở nơi làm việc” và việc từ chối những ứng viên ở độ tuổi 35 là một sự lãng phí rất lớn về tài năng”.
Lái xe công nghệ cũng khó kiếm tiền khi thất nghiệp tăng kỉ lục ở Trung Quốc
Giải pháp pháp lý
Các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để chống lại chủ nghĩa phân biệt tuổi tác và bất bình đẳng giới là thông qua cải cách pháp lý. Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã trong năm nay đã đề xuất một số chính sách đặc biệt ưu tiên người lao động trên 35 tuổi, cùng với hỗ trợ tài chính và các quy định chống phân biệt tuổi tác.
Tuy nhiên, nhiều người không thể đợi đến khi các giải pháp trên được thực hiện. Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang nỗ lực phục hồi sau thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra và có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, tình trạng thất nghiệp đã trở thành mối lo ngại cấp bách đối với nhiều lao động.
Trên toàn quốc, tỷ lệ thất nghiệp chính thức đã tăng lên mức cao gần kỷ lục 6,1% vào năm ngoái và mặc dù việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã giúp giảm nhẹ nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức 5,2%.
Trung Quốc nổi tiếng với “văn hóa làm việc 996″. Ảnh AFP
Đối với nhiều phụ nữ Trung Quốc, “lời nguyền” càng làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt giới tính vốn đã ăn sâu bám rễ ở nơi làm việc.
Phụ nữ ở độ tuổi 35 thường cho biết họ phải đối mặt với áp lực từ phía người sử dụng lao động bởi các doanh nghiệp không muốn trả lương cho thời gian nghỉ thai sản. Nhiều người cho biết họ đã mất cơ hội thăng tiến vì người chủ sợ họ sẽ nghỉ việc lâu dài.
Nam giới cũng có thể bị ảnh hưởng. Nhiều lao động nam thậm chí bị giao những nhiệm vụ được cho là không phù hợp, ví dụ như đi công tác vào lúc vợ vừa mới sinh.
Nhà nghiên cứu Yiran Zhang, trợ lý giáo sư tại Trường Luật Cornell (Mỹ), cho biết mặc dù luật lao động của Trung Quốc cấm phân biệt đối xử vì lý do sắc tộc, giới tính và tín ngưỡng tôn giáo nhưng lại không cấm phân biệt việc đối xử không công bằng vì lý do tuổi tác, theo CNN.
Và ngay cả ở những đối tượng được cung cấp một số biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như đối với các bà mẹ đang nghỉ thai sản, việc thực thi luật còn yếu và tình trạng phân biệt đối xử về giới vẫn còn phổ biến.
Những nhân viên thành công khởi kiện chủ lao động có thể chỉ nhận được mức bồi thường thiệt hại thấp, khiến một số người không mặn mà với việc theo đuổi hành động pháp lý.
Những tín hiệu không mấy lạc quan về đà phục hồi kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc hôm 15/8 đã công bố một loạt số liệu kinh tế yếu hơn dự kiến, với tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ chậm lại cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có phần lung lay.
Người tiêu dùng mua hàng tại một siêu thị ở Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trong báo cáo mới nhất, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết doanh số bán lẻ - thước đo tiêu dùng chính của nước này trong tháng 7/2023 đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm từ mức 3,1% ghi nhận hồi tháng Sáu và không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước vào thời gian gần đây. Quốc vụ viện Trung Quốc hồi tháng trước đã đưa ra kế hoạch 20 điểm để khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn cho các lĩnh vực bao gồm xe cộ, du lịch và thiết bị gia dụng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) - lãi suất cho các khoản vay kỳ hạn một năm đối với các tổ chức tài chính - từ 2,65% xuống 2,5%. Lãi suất MLF thấp hơn làm giảm chi phí tài chính của các ngân hàng thương mại, từ đó khuyến khích họ cho vay nhiều hơn và có khả năng thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cũng cảnh báo rằng nền kinh tế phải đối mặt với "những khó khăn và thách thức mới", cũng như "những nguy cơ tiềm ẩn trong các lĩnh vực trọng điểm".
Cũng trong ngày thứ Ba, NBS cho hay tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng từ 5,2% trong tháng Sáu lên 5,3% trong tháng Bảy. Tuy nhiên, NBS không đưa ra con số cụ thể về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, vốn đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng Sáu.
Cùng giai đoạn, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tháng trước tăng 3,7% so với cùng kỳ một năm trước. Mức tăng này yếu hơn so với con số 4,4% của tháng Sáu.
Một loạt số liệu đáng thất vọng trong những tháng gần đây đã phản ánh tình trạng suy yếu trong đà phục hồi hậu đại dịch COVID-19 của Trung Quốc. Quốc gia châu Á cũng có thể gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% đã đề ra trong năm nay. Theo số liệu chính thức, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý II/2023 chỉ tăng trưởng 0,8% so với quý đầu năm nay.
Nhiều nhà kinh tế đang kêu gọi Chính phủ Trung Quốc đưa ra một kế hoạch phục hồi rộng lớn để thúc đẩy hoạt động trong nền kinh tế. Nhưng hiện tại, giới chức nước này vẫn đang tuân theo các biện pháp có mục tiêu và đưa ra những tuyên bố hỗ trợ cho khu vực tư nhân - song có rất ít động thái cụ thể.
Vì sao Tổng thống Biden gọi Trung Quốc là 'quả bom hẹn giờ'? Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10.8 gọi Trung Quốc là "quả bom hẹn giờ" vì những thách thức kinh tế của nước này, theo Reuters. "Trung Quốc đang gặp rắc rối", Tổng thống Biden nói tại một buổi gây quỹ chính trị ở bang Utah (Mỹ). Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Salt Lake...