Lời khuyên của bác sĩ phụ sản để có một thai kỳ khỏe mạnh
Mang thai là một hành trình trải nghiệm đầy hạnh phúc, song cũng vô cùng vất vả đối với người phụ nữ. Vì lẽ đó, làm thế nào để có một thai kỳ khỏe mạnh chính là niềm mong mỏi của mỗi sản phụ.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi tiếp tục có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Xuân Vinh – Trưởng khoa Đẻ A2 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
PV: Thưa bác sĩ, để dự phòng và có một thai kỳ khỏe mạnh, sản phụ nên làm gì?
Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Để có thai kỳ khỏe mạnh trọn vẹn, sản phụ cần lên kế hoạch chăm sóc bản thân từ trước khi mang thai, lúc mang thai, khi sinh và thời kỳ hậu sản.
Việc đầu tiên đó là người phụ nữ cần đi khám thai định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ để phát hiện ra bệnh lý toàn thân, bệnh lý tại chỗ. Ví dụ, nếu sản phụ mắc bệnh về máu thì lúc đẻ rất dễ bị băng huyết, nếu mắc tiểu đường thì khi đẻ rất dễ bị đờ tử cung… Bên cạnh đó, cần khám xem tử cung, phần phụ có gì bất thường hay không. Nếu sản phụ mắc tử cung nhi tính thì chỉ chứa thai được 30 tuần. Nếu quá thời gian này dẫn đến sảy thai hoặc vỡ tử cung. Hoặc nếu mắc tử cung hai sừng, tử cung đôi cũng rất dễ vỡ tử cung.
Thứ 2, cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, khoa học cho sản phụ trong cả thai kỳ.
Thứ 3, cần chăm sóc thai kỳ: trong lúc thai kỳ, trong lúc sinh và sau sinh, tránh stress lúc mang thai và sau sinh, tránh nhiễm khuẩn, giữ sạch vùng kín sau sinh để tránh nhiễm trùng hậu sản. Nhiễm trùng hậu sản rất nguy hiểm vì trong thời kỳ hậu sản, các bộ phận đều giãn nở đón nhận tất cả các nguy cơ xảy ra, cơ địa có sức đề kháng yếu. Các sản phụ cần chú ý giữ gìn trong cả quá trình hậu sản là 42 ngày chứ không chỉ 1 vài ngày đầu.
Ngoài ra, tôi cũng muốn lưu ý đặc biệt về vấn đề quan hệ tình dục trong thời kỳ hậu sản, nhất là lúc vẫn còn ra máu sau sinh. Thực tế nhiều người không nghĩ đến mốc 42 ngày, chỉ sau vài tuần đã bắt đầu quan hệ trở lại, nguy cơ nhiễm trùng lúc này rất cao và nguy hiểm. Điều này cần được tư vấn tốt cho cả sản phụ và chồng sản phụ. Tuyệt đối không nên quan niệm đẻ xong là xong mà cần chăm sóc sản phụ một cách tốt nhất cả thể chất là tinh thần trong cả quá trình như tôi vừa nêu.
PV: Vậy Bác sĩ có thể cụ thể hơn về các mốc siêu âm mà mẹ bầu không được bỏ qua trong thai kỳ?
Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Sản phụ cần đảm bảo 5 mốc siêu âm trong thai kỳ.
Thứ nhất, cần siêu âm trước khi mang thai để xem cơ thể có gì bất thường hay không để có hướng điều trị sớm nhất.
Thứ hai, khi bắt đầu chậm kinh, thử test HCG dương tính thì cần siêu âm để xem thai ở vị trí nào: trong tử cung, trên vết mổ tử cung, eo tử cung hay ngoài tử cung.
Thứ ba, sau khi có thai 12 tuần cần siêu âm xem phôi phát triển thành thai có bình thường hay không để tiên lượng rau bám ở vị trí nào. Chúng ta có thể sàng lọc tiền sản giật ở mốc này.
Thứ tư, siêu âm ở 3 tháng giữa, cần siêu âm xem thai có phát triển phù hợp với tuổi thai không, xem thai có dị tật gì không, có bị đa ối hay không, bánh rau bám đúng vị trí hay không?
Thứ 5, siêu âm ở 3 tháng cuối để tiên lượng cuộc đẻ xem thai có to quá không, có đẻ thường được không? Nếu thai trên 3,5kg cần khám kết hợp với khung chậu, đo kích thước đầu, mông, chân có bình thường hay không? Ngôi thai có phù hợp với cuộc đẻ không? Nếu ngôi ngang thì bắt buộc phải mổ. Rồi có thể tiên lượng được lượng ối, có bị rau tiền đạo, rau cài răng lược hay không để cuộc đẻ diễn ra an toàn nhất.
Ngoài ra, nếu thai có những bất thường cần đến siêu âm và khám theo chỉ định của bác sĩ. Thực ra, theo quan điểm của tôi, siêu âm là một phương pháp phổ biến, tiện lợi và hiệu quả rất cao có thể tiêu lượng được rất nhiều nguy cơ, biến cố sản khoa.
Video đang HOT
PV: Thực tế nhiều người vẫn còn xem nhẹ khám sức khỏe trước khi mang thai. Ý kiến của bác sĩ về vấn đề này như thế nào?
Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân và khám sức khỏe trước mang thai không còn mới. Tuy nhiên, để mọi người hiểu hết được vấn đề và thực hiện quả thực vẫn cần được truyền thông. Khi khám sức khỏe trước khi mang thai có thể phát hiện những bất thường để giúp các bác sĩ sau này có thể có chỉ định phù hợp. Việc siêu âm bây giờ rất thuận tiện, nhanh, hiện đại, khi siêu âm đầu dò có thể phát hiện ra hầu hết các bất thường.
PV: Bệnh viện phụ sản Hà Nội hiện đã làm chủ những kỹ thuật gì về phát hiện sớm và can thiệp tai biến sản khoa?
Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mỗi năm có trên 40.000 ca đẻ, riêng khoa Đẻ A2, cả mổ và đẻ mỗi ngày vào khoảng 50-60 ca. Đối với tai biến sản khoa nếu tiên lượng được sớm thì việc can thiệp sẽ đạt hiệu quả rất cao. Khi đến khám thai cần sàng lọc các bệnh lý như tiền sản giật, hoặc nguy cơ chảy máu về phần phụ để tính toán trước, xử trí sớm. Trong quá trình sinh đẻ thì luôn phải đảm bảo đúng quy trình theo dõi một cuộc chuyển dạ đẻ thì mới phát hiện tai biến đúng thời điểm. Tôi lấy ví dụ về trường hợp chảy máu sau đẻ tức là chảy máu sau 24 tiếng, nếu không chú ý từ việc cân gạc, cân bỉm của sản phụ thì rất dễ đánh giá sai có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
BS Đỗ Xuân Vinh đặc biệt nhấn mạnh 5 mốc siêu âm trong thai kỳ mà sản phụ cần nhớ và tuân thủ nghiêm ngặt. (Ảnh: BS cung cấp)
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có một hệ thống hội chẩn kịp thời và có chuyên gia đầu ngành xử trí. Chúng tôi có kỹ thuật truyền máu tối cấp cứu trong trường hợp băng huyết 1000ml. Và nếu sản phụ bị mất máu trên 1000ml phải chuyển ngay lập tức lên phòng mổ và nếu trên 1500ml phải mở bụng ra để khâu các mạch máu để cầm máu. Tất cả các kỹ thuật đều phải triển khai hết để xử lý đến tận cùng của tai biến.
Nếu sản phụ bị nhiễm trùng thì phải làm kháng sinh đồ chứ không thể điều trị mù mờ, bao vây. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện nay chỉ sau 24 tiếng có thể phát hiện ra vi khuẩn từ việc soi tươi dịch âm đạo. Và ngay lập tức định danh được kháng sinh nào phù hợp và điều trị triệt để. Bên cạnh đó, việc tư vấn sau sinh cũng được chúng tôi dặn dò kỹ lưỡng. Chính vì thế trong nhiều năm qua chúng tôi không có ca tử vong mẹ.
PV: Theo bác sĩ, hiện nay hệ thống khám chữa bệnh từ xa kết nối các bệnh viện đã góp phần giảm tử lệ tử vong mẹ như thế nào?
Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Quả thực hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth mang lại nhiều cơ hội cho các sản phụ ở xa, đặc biệt là trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, lúc đang chuyển dạ cấp cứu, mọi thứ diễn ra nhanh thì khó hơn nhưng nó vẫn hỗ trợ cho các y, bác sĩ tuyến dưới rất nhiều. Có bác sĩ khi vẫn đang trăn trở không biết có nên mổ hay không, vô tình bỏ qua mất thời gian vàng vô cùng quan trọng. Mọi tai biến khi phát hiện ở giai đoạn đầu được hỗ trợ xử trí đúng cách sẽ mang lại cơ hội hồi phục lớn cho bệnh nhân. Hy vọng dần dần các bác sĩ tuyến dưới sẽ nắm được các kỹ thuật, từ đó mang lại sự yên tâm cho sản phụ và gia đình của họ.
PV: Trân trọng cảm ơn Bác sĩ./.
Bác sĩ Phụ sản chỉ cách phát hiện sớm và can thiệp kịp thời tai biến sản khoa
Được biết, tai biến sản khoa có thể xảy ra trong lúc mang thai, chuyển dạ, sảy thai hay sinh non, thậm chí trong thời gian hậu sản (6 tuần sau sinh), có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và bé.
Tai biến sản khoa là điều mà bất kỳ sản phụ nào cũng nguy cơ phải đối mặt, nó có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ và trở nên nguy hiểm hơn vì không thể tiên lượng trước được, đồng thời còn đe dọa tính mạng của cả sản phụ lẫn thai nhi.
Theo các thống kê, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 515.000 phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai và sinh nở. Tại Việt Nam, gần 800 bà mẹ tử vong hàng năm do các tai biến sản khoa có thể phòng ngừa hoặc điều trị sớm. Bên cạnh đó, vẫn có gần 2 triệu phụ nữ có thai mỗi năm đang phải đối mặt với hàng loạt nguy hiểm gây ra bởi biến chứng sản khoa. Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 80 trong số 184 quốc gia về tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, VTV đưa tin.
Được biết, tai biến sản khoa có thể xảy ra trong lúc mang thai, chuyển dạ, sảy thai hay sinh non, thậm chí trong thời gian hậu sản (6 tuần sau sinh), có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và bé.
Trước tình hình này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Xuân Vinh - Trưởng khoa Đẻ A2 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để giúp các mẹ cùng tìm hiểu về cách phát hiện sớm và can thiệp kịp thời tai biến sản khoa.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Xuân Vinh - Trưởng khoa Đẻ A2 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
- PV: Thưa Bác sĩ, Bác sĩ có thể cho biết tai biến sản khoa là gì? Những loại tai biến sản khoa thường gặp?
- Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Trong thai kỳ 40 tuần người phụ nữ sẽ trải qua rất nhiều biến cố. Trong đó, có những biến cố được y văn thống kế cho rằng đó là tai biến sản khoa. Tôi có thể ví trong 9 tháng 10 ngày người phụ nữ vừa hưởng niềm hạnh phúc khi được làm mẹ lại vừa như ôm quả bom nổ chậm.
Có 5 tai biến sản khoa thường gặp đó là: băng huyết sau sinh, tiền sản giật, tổn thương tử cung vỡ tử cung, nhiễm trùng hậu sản sau sinh và uống ván sơ sinh. 5 tai biến này thường trực trong suốt quá trình mang thai, trong lúc sinh và sau khi sinh đều có thể xảy ra.
- PV: Xin Bác sĩ cho biết cụ thể hơn về từng loại tai biến sản khoa? Thời điểm nào trong thai kỳ dễ gặp tai biến sản khoa nhất?
- Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Tôi có thể kể ra những tai biến cụ thể như sau:
1. Băng huyết sau sinh: Sau một cuộc sinh nở của phụ nữ bao giờ cũng có hiện tượng chảy máu. Chảy máu từ đâu ra?
Thứ nhất, là chảy máu từ tử cung diện rau bám để co tử cung lại.
Thứ hai, là chảy máu ở ống đẻ toàn bộ hệ thống từ tầng sinh môn, âm đạo. Như vậy, mất máu trước, trong khi đẻ và sau đẻ 24 tiếng thì máu sản dịch chảy ra (màu co hồi tử cung). Nếu mất máu trên 500ml thì gọi là băng huyết sau sinh, còn đối với sinh mổ thì mất máu trên 1000ml được coi là băng huyết. Hoặc trong đẻ, người ta tính lượng máu mất đi bằng 1/10 lượng máu của cơ thể ( cơ thể mỗi người khoảng 4000ml máu).
Để phát hiện băng huyết sau sinh, tại Bệnh viện Phụ sản hiện nay tiến hành 3 khâu đo.
Thứ nhất, đo chảy máu bong rau (sau khi sổ thai) được đo bằng túi.
Thứ hai, cân lượng máu trong bông gạc.
Thứ ba, cân lượng máu trong bỉm của phụ sản, 6 tiếng 1 lần, cân 4 lần để tiên lượng mất mất. Ngoài ra còn nhiều yếu tố như: máu chảy liên tục trong 24h, máu đỏ; các triệu chứng lâm sàng da, niêm mạc nhợt nhạt.
Tai biến sản khoa có thể xảy ra trong lúc mang thai, chuyển dạ, sảy thai hay sinh non, thậm chí trong thời gian hậu sản (6 tuần sau sinh), có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và bé. (Ảnh: Internet)
2. Tăng huyết áp thai kỳ (hay còn gọi là tiền sản giật): bệnh lý này có thể xuất hiện trong lúc có thai hoặc lúc đang chuyển dạ hoặc sau khi đẻ đều có thể xuất hiện là rối loạn tăng huyết áp. Khi thăm khám sẽ thấy huyết áp cao, phù, xét nghiệm khối tiết niệu thì sẽ tiên lượng được tiền sản giật. Trong quá trình theo dõi thai nghén sẽ biểu hiện triệu chứng về thần kinh như đau đầu, phù não, suy tạng, gan thận. Tai biến xảy ra nếu ta không dự phòng tốt sẽ dẫn đến sản giật thậm chí gây tử vong.
3. Vỡ tử cung: Khi tử cung đang bình thường bị vỡ các lớp cơ từ lớp cơ, thanh mạc, niêm mạc tử cung. Vỡ tử cung có thể xảy ra trong quá trình mang thai và lúc chuyển dạ sinh.
Trong quá trình mang thai, tử cung vỡ do tử cung có tổn thương cũ như các sẹo mổ cũ ở tử cung, dị dạng tử cung ( tử cung nhi tính, tử cung hai sừng, tử cung đôi) thì mức độ chỉ chứa được giới hạn. Tử cung vỡ có thể do thai xuất hiện ngay trên vết mổ, rau thai ăn sâu vào lớp cơ gây vỡ. Nếu sản phụ mang đa thai, hoặc đa ối làm tử cung căng quá mức cũng gây vỡ.
Trong lúc chuyển dạ: vỡ tử cung do ngôi thai bất thường tiến triển nhanh và chưa kịp xử lý. Hoặc khi sản phụ chuyển dạ kéo dài gây yếu cơ tử cung, hoặc cơn co quá mức gây cường tính khi dùng thuốc tăng co cũng dẫn đến vỡ tử cung.
4. Nhiễm trùng hậu sản: Thời kỳ hậu sản là sau khi ổn định về giải phẫu và sinh lý (tầm khoảng 42 ngày). Trong suốt 6 tuần đó nếu có nhiễm trùng bộ phận sinh dục thì được coi là nhiễm trùng hậu sản. Trước đây, vấn đề này khá nặng nề nhưng hiện nay với nhiều loại kháng sinh mạnh được điều trị kịp thời nên đã hạn chế được nhiều. Nhưng đây là tiền đề của nhiễm trùng tử cung, nhiễm trùng huyết.
5. Uốn ván rốn sơ sinh: Trước đây uốn ván vốn sơ sinh là một thảm họa ở các nước kém phát triển khi các sản phụ không được chăm sóc y tế đúng cách. Uốn ván sơ sinh là bệnh nhiễm trùng vốn bởi trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani. Đây là loại độc tố xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua đường rốn, qua vết cắt dây rốn bằng dụng cụ có mang nha bào uốn ván như: dao, kéo, băng bông không được vệ sinh tiệt trùng đúng quy cách, không sạch sẽ.
Bệnh này tuy rất nguy hiểm, song việc phòng ngừa không hề khó bởi đã có vắc-xin. Bệnh thường xuất hiện khoảng ngày thứ 3 sau sinh đến ngày thứ 28.
Theo BS. Đỗ Xuân Vinh, khám thai định kỳ là điều quan trọng nhất để phòng tránh tai biển sản khoa. (Ảnh: Internet)
- PV: Vậy làm thế nào để có thể phòng tránh tai biến sản khoa?
- Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Khám thai định kỳ là điều quan trọng nhất.
Thứ hai, khi đứng trước các bệnh lý cần được xử lý sớm. Chẩn đoán sớm và xử trí đúng lúc trong thời gian vàng của các tai biến sẽ mang lại hiệu quả cao.
Thứ ba, chúng ta cần đào tạo, tập huấn cho đội ngũ đỡ đẻ, hộ sinh. Tôi lấy ví dụ có người đỡ đẻ không gây rách, có người lại làm rách hết tầng sinh môn, âm đạo của sản phụ.
Thứ 4 là phải chăm sóc thiết yếu cho mẹ và sơ sinh để tránh nhiễm trùng
Thứ 5 cần tránh chuyển dạ kéo dài ( với con so là trên 20 tiếng, với con dạ là 14 tiếng). Khi chuyển dạ kéo dài sẽ rất dễ nhiễm trùng nếu vì phải thăm khám nhiều.
Thứ 6 cần đảm bảo đúng nguyên tắc vô khuẩn. Đó là điều có thể dự phòng tai biến sản khoa trong suốt thai kỳ.
PV: Trân trọng cảm ơn Bác sĩ./.
Chế độ ăn uống hợp lý, an toàn cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ Để có một thai kỳ khỏe mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều mà mẹ bầu không nên bỏ qua. Đặc biệt khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ, việc lựa chọn thực phẩm sao cho an toàn là rất quan trọng. Mẹ bầu nên ăn sáng đầy đủ Ảnh minh họa Ăn sáng đầy đủ giúp điều chỉnh lượng đường...