Lôi kéo học trò nói xấu giáo viên là hành vi vô đạo đức!
“Tôi chỉ quan tâm tới việc một số người lớn đã lôi học trò vào việc ‘đấu tố’ cô giáo đang dạy mình. Vậy truyền thống tôn sư trọng đạo ở đâu?”, thầy Ngọc nói.
Dư luận xã hội những ngày này đang “dậy sóng” khi cô giáo Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) tố cáo bị lãnh đạo trường trù dập, bị học sinh cư xử hỗn láo…
Dư luận cũng băn khoăn vì sao sự việc lại xảy ra với cô Tuất (đã có 30 năm kinh nghiệm dạy học), nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, từng đạt giải Giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Cơ quan thanh tra đã vào cuộc làm rõ những khuất tất, bởi minh bạch là điều duy nhất để khép lại những điều không hay đang xảy ra ở ngôi trường này.
Chia sẻ quan điểm cá nhân về sự việc này, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc – nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Tôi hoàn toàn không có ý định đánh giá ai đúng, ai sai từ phía cô giáo và nhà trường. Tôi được biết việc này thanh tra Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội đã vào cuộc và sẽ có câu trả lời rõ ràng cho vụ việc này.
Tôi chỉ quan tâm tới việc có một số người lớn đã lôi học trò vào việc ‘đấu tố’ cô giáo đang dạy mình. Vậy truyền thống tôn sư trọng đạo ở đâu? Tại sao môi trường sư phạm lại có chuyện phản giáo dục như thế?
Tôi đã được xem clip xuất hiện một em học sinh được cho là học lớp 5 ở trường nơi cô Tuất giảng dạy, nói rằng cô Tuất đã không làm tốt nhiệm vụ, không quản lý lớp để các bạn quậy phá…
Trong clip này tôi được nghe những từ ngữ không thể do một cháu bé học sinh cấp tiểu học nói ra là đã gửi đơn lên Hiệu trưởng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vậy phải làm rõ xem cháu bé này có đúng là học sinh cô Tuất dạy không? Có đúng đây là suy nghĩ của học sinh lớp 5 không hay có ai đó đã chắp bút viết ra cho học sinh đó đọc?
Nếu có ai đó dàn dựng thì phải làm rõ để xử lý nghiêm vì đã làm tổn hại tới hình ảnh nhà trường, và đó cũng là hành vi vu khống, bịa đặt bôi nhọ danh dự người khác và theo Luật đã quy định thì người đăng tải clip này cần được các cơ quan chức năng xử lý, điều tra làm rõ động cơ.
Tôi thấy rằng lôi kéo trẻ nhỏ vào việc này là hành vi vô đạo đức, việc này không nên tồn tại trong nhà trường và xã hội”.
Thầy Nguyễn Văn Ngọc nói rằng, lôi kéo trẻ nhỏ vào sự việc xảy ra ở Trường Tiểu học Sài Sơn B là hành vi vô đạo đức và các cơ quan chức năng cần làm rõ việc này. Ảnh: Tùng Dương.
Vụ việc cô Tuất tố đang gây “sóng gió dư luận”, phía cô Tuất và nhà trường đã đưa ra những thông tin khác nhau và dù đúng sai thế nào thì việc đưa học trò vào vụ việc là không thể chấp nhận được dù nhìn ở bất kỳ góc độ nào.
“Đây là việc làm rất xấu, nó sẽ để lại nhiều hậu quả đáng tiếc với những đứa trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng còn quá nhỏ chưa kịp nhận ra điều gì đang xảy ra.
Theo tôi cần phải có những hành động mạnh để giữ đoàn kết nội bộ giữa các thầy cô, giữa nhà trường với vợ chồng cô giáo Tuất, việc này nhằm tôn trọng, trả lại danh dự của những người giáo viên, đồng thời cũng ổn định hoạt động dạy và học của trường”, thầy Ngọc chia sẻ.
Theo thầy Nguyễn Phú Cường, nếu đúng là trong ngôi trường này đang xảy ra chuyện học sinh hỗn láo với giáo viên thì phải làm rõ, xử lý dứt điểm. Ảnh: Tùng Dương.
Đồng quan điểm về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch Hội đồng hệ thống Giáo dục Lômônôxốp Hà Nội, cho biết: “Tôi đã dạy học rất nhiều năm nhưng không thể tưởng tượng nổi ngay giữa Thủ đô lại có những em học sinh như vậy, có thể nói là vô giáo dục nếu các em đã thực hiện những hành vi xấu nhằm vào cô giáo của mình.
Một ngôi trường tiểu học, nơi đào tạo những mầm non của đất nước mà lại có những học sinh như vậy sao? Không thể tin nổi! Tôi không bàn đến việc cô giáo ra sao, nhưng nếu học sinh ngỗ ngược và ban giám hiệu không biết thì cũng thật kỳ lạ.
Theo như cô Tuất phản ánh và một số phương tiện truyền thông đăng tải thì sự việc học sinh không chịu học, phá phách trong giờ học đã diễn ra từ lâu, không phải chỉ một lần.
Video đang HOT
Nếu đúng như vậy thì chất lượng giáo dục ở lớp đó thế nào, liệu các em học sinh trong lớp đó có đủ kiến thức để lên lớp cao hơn hay không? Câu hỏi này để ban giám hiệu Trường Tiểu học Sài Sơn B trả lời là rõ nhất.
Một ngôi trường có những học sinh đánh giáo viên, phá phách, có đạo đức kém như thế thì kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Ban giám hiệu thế nào, có thật tốt, có thật xuất sắc không? Việc này hãy để Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Quốc Oai trả lời”.
Theo thầy Cường: “Chúng ta đang thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, lấy người học làm trung tâm và áp dụng việc kỷ luật tích cực với học sinh, nhưng với những học sinh quậy phá thì cần phải có biện pháp giáo dục mạnh hơn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên – phụ huynh – nhà trường. Sự việc bùng nhùng như vậy mà để xảy ra quá lâu sẽ gây ảnh hưởng tới tâm lý của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh… cần phải được xem xét thấu đáo, công bằng, công khai, minh bạch để xử lý dứt điểm”.
Ai đã vấy bẩn tâm hồn những đứa trẻ ở Tiểu học Sài Sơn B?
Ai cũng mong câu chuyện được kết thúc nhanh nhất, rồi đây ai có lỗi sẽ bị xử lý nhưng những đứa trẻ ở ngôi trường này vẫn là đáng thương và chịu nhiều thiệt thòi.
Vụ cô giáo Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B huyện Quốc Oai thành phố Hà Nội tố mình bị nhà trường trù dập đang được cơ quan chức năng làm rõ hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Ai cũng mong ngóng câu chuyện được kết thúc nhanh nhất, rồi đây ai có lỗi sẽ bị xử lý nhưng những đứa trẻ ở ngôi trường này vẫn là đáng thương và chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Để thật sự khách quan, chúng tôi đề nghị cần phải làm rõ: Chất lượng rèn luyện đạo đức cũng như chất lượng học tập 2 môn học này của học sinh trước và sau khi cô Tuất nhận lớp thực sự thế nào? Học sinh viết bậy trên bài kiểm tra và vở bài tập sao không bị xử lý mà dồn trách nhiệm vào mình giáo viên bộ môn?
"Học sinh rất ngoan và mặt bằng kiến thức của các con tốt"
Đó là khẳng định của một giáo viên đồng nghiệp cô Nguyễn Thị Tuất tại Trường Tiểu học Sài Sơn B, Quốc Oai, Hà Nội với Báo Vietnamnet trong bài viết "Vụ cô giáo tố bị 'trù dập' ở Quốc Oai: Nghi ngờ về clip học trò láo, hỗn" đăng ngày 30/3/2021 [1].
Ảnh chụp màn hình ý kiến của một người được cho là giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B chia sẻ với VietnamNet về vụ việc đang gây bão dư luận liên quan đến tố cáo của cô Nguyễn Thị Tuất.
Chia sẻ với VietNamNet, một giáo viên khác của Trường Tiểu học Sài Sơn B cho hay tâm lý của bản thân bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau khi các thông tin về vụ việc liên quan đến trường được lan truyền trên mạng, khiến dư luận "dậy sóng".
"Việc này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các phụ huynh, học sinh của trường" , cô giáo này nói.
Theo cô giáo này, khi xem các hình ảnh trên các trang mạng, cô nghi ngại liệu có được cắt ghép hay không. Bởi khi xem kỹ thì thời gian ghi hình vào buổi trưa mà buổi trưa là thời gian các con ăn bán trú. Chưa kể thời gian vào ngày 20/5 - mốc thời gian rất xa thời điểm hiện tại.
Hay hình ảnh học sinh trùm chăn trong giờ học, đây là tấm chăn mà các con sử dụng trong giờ nghỉ trưa những ngày trời lạnh hoặc đắp thêm khi bật điều hòa, chứ không phải học sinh mang đi để làm việc gì đó nhằm mục đích xấu.
Cô giáo này cho hay, trong các giờ dạy của mình, các học sinh đều rất ngoan, lễ phép, lắng nghe và lớp học luôn trong tầm kiểm soát, không ảnh hưởng đến các lớp học bên cạnh.
"Tôi không hiểu sao cô Tuất luôn nghĩ xấu cho học sinh trong khi tâm hồn của các con rất non nớt, ngây thơ như một tờ giấy trắng như thế. Tại sao không lắng nghe, chia sẻ việc tại sao các con lại không muốn học cô, không muốn nghe cô giảng. Học sinh khối 4 và 5 đã có những bước phát triển tâm sinh lý nhất định, tôi nghĩ ngoài việc truyền thụ kiến thức, giáo viên khi lên lớp cần phải lắng nghe, chia sẻ với các em".
Theo cô, sự việc dù chưa rõ đúng sai nhưng ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường lẫn bản thân cô cũng như các đồng nghiệp. Do đó, cô giáo này mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ mọi việc.
Một thông tin khác về chất lượng rèn luyện đạo đức, học tập của học sinh Tiểu học Sài Sơn B
Tìm hiểu về Trường Tiểu học Sài Sơn B, chúng tôi vô tình đọc được bài viết "Trường tiểu học Sài Sơn B: Học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, coi thường giáo viên" của tác giả Đỗ Hùng/Sở hữu Trí tuệ đăng trên Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo ngày 16/12/2020 [2].
Bài viết dẫn lời cô N.T.T, giáo viên tại Trường tiểu học Sài Sơn B cho hay, thời gian qua, học lực của học sinh tại trường xuống mức rất thấp. Cá biệt, một số em còn vò nát bài, viết, vẽ bậy lên kiểm tra và vở bài tập.
Cụ thể, trong quá trình giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý của khối lớp 4, cô T. phát hiện nhiều học sinh "hổng" nặng về kiến thức. "Đối với môn Lịch sử, cả khối lớp 5 rất ít học sinh đạt điểm hoàn thành (trên trung bình). Cá biệt, tại một lớp 4, qua khảo sát có tới 100% học sinh đạt điểm dưới 5", cô N.T.T chia sẻ.
Theo phản ánh của cô T. và ghi nhận thực tế của phóng viên, trong các bài kiểm tra 2 môn Lịch sử và Địa lý của học sinh lớp 4, lớp 5, nhiều em có dấu hiệu "mất gốc" kiến thức.
Điển hình, bài kiểm tra môn Địa lý của em H. T. H. lớp 4 viết sai khá nhiều lỗi chính tả cơ bản như "rệt vải" (dệt vải), "chồng lúa" (trồng lúa),...
Không dừng lại ở đó, một số học sinh khác thể hiện sự nhầm lẫn, không phân biệt được các đơn vị đo lường. Trong bài kiểm tra môn Địa lý của em N. P. Y. N lớp 5, học sinh này viết "Diện tích nước ta dài 3300 km2".
Điều đáng nói, ở câu hỏi cuối cùng trong bài kiểm tra nói trên, học sinh này còn thể hiện thái độ coi thường, thách thức giáo viên khi viết: "Tại sao em phải trả lời cô?"
Ngoài các bài kiểm tra, trong vở bài tập của học sinh trường tiểu học Sài Sơn B cũng đầy rẫy các ngôn từ viết rất "bậy". Cụ thể, trong vở bài tập của em N.V.T lớp 4, học sinh này viết những từ ngữ như: "không biết", "đ... biết", "không nói", "cút" ,....
Ngôn từ "bậy" thể hiện ngay trong vở bài tập được cho là của học sinh Trường Tiểu học Sài Sơn B, ảnh chụp màn hình bài viết đăng trên Tạp chí Sở hữu trí tuệ)
Trước tình trạng nói trên, cô N.T.T cho biết đã phản ánh vấn đề này với Ban giám hiệu (BGH) nhà trường. Tuy nhiên, không những nhận được cảm thông và chỉ đạo khắc phục, BGH lại cho rằng cô N.T.T đang đi ngược với thông tư hướng dẫn của Bộ giáo dục & Đào tạo.
"Vừa qua, BGH giao cho tôi phải dạy và thực hiện với bản chất lượng quá cao, hơn số học sinh hoàn thành tốt. Điều này là bất thường so với lực học của học sinh. Cũng qua kiểm tra, tại lớp 4 của trường có duy nhất 01 em đạt điểm 5, còn lại đều dưới trung bình" - cô T. chia sẻ.
Theo nhà quản lý, tất cả lỗi thuộc về giáo viên?
Liên quan tới vấn đề này, PV ( tác giả bài viết đăng trên Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo, người viết chú thích ) đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng Phòng giáo dục huyện Quốc Oai để làm rõ thông tin phản ánh. Theo đó, ông Thắng cho biết, cô N.T.T đã có nhiều lần phản ánh tới Phòng giáo dục huyện,lãnh đạo phòng cũng đã nắm được vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, tất cả vấn đề nói trên nằm ở chỗ giáo viên không nắm được phương pháp, giảng dạy học sinh sai. Về việc học sinh viết bậy, coi thường giáo viên là do cô giáo dậy không "đến nơi đến chốn" nên chỉ có 1, 2 học sinh viết "linh tinh".
"Cô T tự ý khảo sát, cô ấy không nắm được phương pháp dạy. Thế bây giờ cô đọc kỹ hướng dẫn chưa, đi dự giờ chưa, học hỏi đồng nghiệp chưa?....
Làm gì có chuyện chất lượng, chỉ có 1-2 đứa học sinh cá biệt, cô ấy dạy không đến nơi đến chốn thì học sinh mới viết linh tinh vào đấy" , ông Thắng khẳng định.
Tuy ông Thắng cho biết, việc hổng kiến thức, viết, vẽ bậy vào bài kiểm tra chỉ là tình trạng cá biệt nhưng theo ghi nhận của PV, có rất nhiều bài kiểm tra, vở bài tập có dấu hiệu nói trên.
Bên cạnh cách giải thích thiếu hợp lý với thực tế PV ghi nhận, với tình trạng nêu trên, ông Thắng không nêu lên được trách nhiệm của lãnh đạo ngành giáo dục của huyện. Cùng với đó, các giải pháp để giải quyết tình trạng trên cũng không được đưa ra.
Để xác minh, làm rõ vụ việc nói trên, PV đã liên hệ tới BGH Trường Tiểu học Sài Sơn B nhưng chưa nhận được phản hồi [2].
Ai đang vấy bẩn tâm hồn trẻ?
Viết bậy, chửi bậy vào bài kiểm tra, vào vở bài tập với những lời lẽ ai nghe cũng sốc "Đ... biết" ; "không nói", "cút",.... Ở góc độ giáo dục là không thể chấp nhận được. Do đó, thiết nghĩ ông Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai - Nguyễn Khắc Thắng cần cho công luận biết, có đúng là ông đã trả lời tác giả Đỗ Hùng/Sở hữu Trí Tuệ như trong bài viết "Trường tiểu học Sài Sơn B: Học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, coi thường giáo viên" hay không?
Bởi nếu đúng như vậy, thì với tư cách là một nhà giáo, người viết cho rằng đây là một sự việc nghiêm trọng trong giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh.
Rõ ràng, những ngôn từ học sinh viết bậy lên bài kiểm tra, nó không còn dừng lại ở việc thiếu sự tôn trọng giáo viên mà là sự xúc phạm, coi thường chính người thầy đang dạy dỗ mình hằng ngày trên lớp. Một báo động về sự xuống cấp trầm trọng đạo đức của học sinh trong nhà trường.
Học sinh vi phạm nhưng không bị nhắc nhở, răn đe. Những đứa trẻ tiểu học dễ dàng ngộ nhận những hành vi của mình đối với giáo viên như thế là đúng, là không hề gì.
Và cứ như thế, lần này rồi còn nhiều lần khác sẽ trở thành thói quen, thành chuyện bình thường, dẫn đến hậu họa thật khôn lường. Sự thờ ơ của nhà trường sẽ đào tạo ra những đứa trẻ chẳng coi ai ra gì thì thật nguy hiểm cho xã hội.
Nguy hại hơn, nếu thông tin trong bài viết "Trường tiểu học Sài Sơn B: Học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, coi thường giáo viên" là chính xác, phản ánh đúng câu trả lời của ông Trưởng phòng Giáo dục huyện, thì còn gì để nói, khi người đứng đầu ngành giáo dục huyện Quốc Oai cho rằng đó chỉ là "viết linh tinh" và lỗi do giáo viên không biết dậy.
Học sinh tiểu học luôn được ví như tờ giấy trắng. Đây là giai đoạn vàng để hình thành nhân cách một con người. Cha mẹ, thầy cô chính là những người vẽ những nét chữ đầu tiên.
Nếu các em được dạy dỗ nghiêm túc sẽ trở thành những đứa trẻ ngoan. Ngược lại, những đứa trẻ hư, hỗn láo phản ánh sự dạy dỗ chưa đến nơi đến chốn mà trách nhiệm chính từ phía gia đình, sau mới là nhà trường.
Lẽ ra, trước tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức của học sinh, nhà trường sẽ mời phụ huynh lên thông báo và tìm cách phối hợp giáo dục. Và, chính nhà trường cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc này.
Cụ thể là, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường và sau cùng mới đến giáo viên bộ môn.
Bởi, một giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học sẽ có ít nhất 23 tiết dạy trong lớp/tuần. Hầu như ngày nào, giáo viên chủ nhiệm cũng có mặt trong lớp.
Còn giáo viên bộ môn chỉ có vài ba tiết một tuần, dạy lớp này vài tiết sẽ qua dạy lớp kia. Thời gian dạy để hoàn thành kiến thức còn chưa đủ thì lấy thì giờ đâu mà ngồi giảng dạy đạo đức cho các em?
Cô Tuất có sai sẽ có nhà trường giải quyết. Nhưng học sinh hành xử thế này cần phải có biện pháp răn đe nghiêm khắc. Mọi sự dung túng đều làm hại con trẻ.
Không xử lý học sinh nghiêm, hậu quả sẽ là khôn lường
Trong thực tế giảng dạy của chúng tôi, khi một học sinh hư, có những biểu hiện không tốt, giáo viên bộ môn sẽ trao đổi sự việc với giáo viên chủ nhiệm.
Thầy cô chủ nhiệm sau nhiều lần phối hợp với gia đình không đạt kết quả sẽ báo cáo với nhà trường.
Ban giám hiệu mà trực tiếp là hiệu trưởng sẽ có nhiều buổi làm việc với học sinh và phụ huynh. Sẽ có nhiều biện pháp giáo dục, răn đe để các em thấy sai mà sửa chữa cũng là làm gương cho những học sinh khác không dám vi phạm.
Những hành vi của học sinh trong video cô Tuất cũng cấp hay thông tin được cho là học sinh Tiểu học Sài Sơn Bị viết bậy vào sách là không thể chấp nhận được.
Trước khi làm rõ các thông tin này có đúng hay không, nhà trường và phòng giáo dục vội dồn trách nhiệm vào một giáo viên một tuần cũng chỉ có một hoặc vài tiết lên lớp, liệu có bất thường?
Nhiều câu hỏi thắc mắc được đặt ra: Tại sao hành vi hư hỏng của học trò lại được bao che, dung túng đến mức như thế?
Tại sao lại dồn trách nhiệm vào mỗi một giáo viên bộ môn? Còn trách nhiệm giáo chủ nhiệm? Trách nhiệm người quản lý nhà trường ở đâu?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/giao-vien-truong-sai-son-b-nghi-gi-vu-co-vu-co-giao-to-bi-tru-dap-723395.html?fbclid=IwAR3vK-yXM4O1DiXQqecFTNO83ZXhO4aSaxUbnqmU-HO5WQ6g5bItAbNxOhw
[2]https://sohuutritue.net.vn/truong-tieu-hoc-sai-son-b-hoc-sinh-viet-bay-vao-bai-kiem-tra-coi-thuong-giao-vien-d86263.html?fbclid=IwAR0SL9Gat6JHjri_CaauVwv8lhQQXYtgUFXrDXBoRjMFItyfeUtlcHQYMck
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Để học sinh "bắt nạt" cô giáo, đừng nghĩ chỉ riêng cô Tuất đau! Để học sinh "nổi loạn" trong giờ học và liên tục có những hành vi không đúng mực, không phải chỉ riêng lỗi của giáo viên mà còn là sự thờ ơ đáng trách của trường. Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Tuất (hiện là giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B, huyện...