Lợi ích của các bài tập thể dục đối với sức khỏe sinh sản
Đối với các cặp vợ chồng trẻ đang mong ngóng có con, việc giữ cho mình có một cơ thể khỏe mạnh là điều rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, các bài tập thể dục nhẹ nhàng có thể đem lại rất nhiều lợi ích đối với khả năng sinh sản của cả nam và nữ.
Làm thế nào để mang thai nhanh nhất? Nếu bạn đem thắc mắc này đi hỏi người thân, bạn bè thì chắc chắn bạn sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, dù có áp dụng cách nào đi nữa thì cơ thể khỏe mạnh vẫn là điều mấu chốt ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản ở cả phụ nữ lẫn nam giới. Để làm được điều này, ngoài một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, việc tập thể dục thường xuyên cũng là một điều bạn cần chú ý. Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu thêm về một số lợi ích của việc tập thể dục đối với khả năng sinh sản thông qua những chia sẻ dưới đây.
Tập thể dục có thực sự cải thiện khả năng sinh sản của cả nam và nữ?
Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định chính xác điều này nhưng theo nhiều chuyên gia, tập thể dục thực sự có thể đem đến nhiều lợi ích đối với khả năng sinh sản. Ngoài ra, những thay đổi về chế độ ăn, lối sống cũng có những ảnh hưởng lâu dài đến khả năng sinh sản.
Lợi ích của các bài tập thể dục đối với khả năng sinh sản
Thường xuyên tập thể dục có thể đem đến rất nhiều lợi ích cho cơ thể, đặc biệt là đối với khả năng sinh sản:
1. Cải thiện giấc ngủ
Giấc ngủ ngon là một điều rất cần thiết đối với cơ thể con người vì ngủ là lúc cơ thể tiến hành các hoạt động “sửa chữa” và “bảo trì”. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào cho thấy giấc ngủ có liên quan mật thiết đến khả năng sinh sản nhưng nếu bạn ngủ không đủ giấc thì có thể dẫn đến nguy cơ béo phì. Béo phì và khả năng sinh sản lại có mối quan hệ với nhau. Nếu bạn bị béo phì thì khả năng sinh sản sẽ giảm. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp “thiết lập” cơ thể theo đúng nhịp điệu, giúp bạn ngủ ngon, sâu và đủ giấc.
2. Giảm cân
Thừa cân, béo phì có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả nam và nữ. Đối với đàn ông, béo phì có thể làm giảm số lượng tinh trùng. Đối với phụ nữ, béo phì có thể khiến họ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong việc thụ thai cũng như các biến chứng có thể xảy ra trong suốt thai kỳ, thậm chí có thể dẫn đến sẩy thai. Vì vậy, để không rơi vào tình huống này, việc duy trì cân nặng là một điều cần thiết và để làm được điều này, tập thể dục sẽ là một lựa chọn khôn ngoan.
3. Giảm căng thẳng
Sức khỏe tinh thần đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự khỏe mạnh của cơ thể. Việc lo lắng và căng thẳng quá mức có thể ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là nó có thể làm giảm khả năng sinh sản. Đôi khi căng thẳng có thể khiến bạn có những thói quen không tốt như hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy… Tập thể dục có thể giúp giải phóng các hormone trong cơ thể, giúp giảm căng thẳng và khiến bạn cảm thấy khỏe hơn.
Tập thể dục quá mức ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào?
Nhiều người rất ngạc nhiên khi biết rằng tập thể dục quá sức và vô sinh lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
1. Đối với phụ nữ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục quá sức có thể dẫn đến vô sinh ở phụ nữ, đặc biệt là với những người bị béo phì. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này có thể là do:
Tăng nồng độ cortisol
Nghiên cứu đã cho thấy rằng việc phụ nữ tập thể dục quá mức sẽ làm ảnh hưởng đến sự cân bằng của các hormone trong cơ thể. Cụ thể, hormone tuyến giáp sẽ giảm. Điều này không tốt cho sức khỏe vì tuyến giáp giúp tăng cường hoạt động trao đổi chất trong cơ thể.
Ngoài ra, tập thể dục quá sức cũng làm tăng nồng độ cortisol. Hai điều này có thể khiến tuyến thượng thận trong cơ thể bị căng thẳng, gây mất cân bằng nội tiết tố, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Video đang HOT
Giảm mỡ
Trong cơ thể tồn tại hai loại chất béo tốt và chất béo xấu. Đây là lý do tại sao hầu hết phụ nữ chọn các bài tập thể dục mạnh để đốt cháy lượng mỡ thừa trong cơ thể càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy rằng lượng chất béo thấp có thể làm giảm khả năng sinh sản. Ngoài ra, các bài tập thể dục quá sức và lượng chất béo thấp cũng có thể khiến kinh nguyệt bị rối loạn làm giảm nồng độ estrogen.
2. Đối với đàn ông
Tập thể dục có thể cải thiện khả năng di chuyển của tinh trùng. Tuy nhiên, nếu bạn tập quá nhanh và quá sức, thì lợi sẽ biến thành hại.
Giảm số lượng tinh trùng
Tập thể dục có thể cải thiện sức khỏe và chất lượng tinh trùng nhưng việc tập thể dục với cường độ cao lại cho thấy kết quả ngược lại. Nguyên nhân là do nhiệt độ cơ thể. Khi bạn tập quá nhiều, nhiệt độ ở vùng sản xuất tinh trùng sẽ tăng khiến lượng tinh trùng bị giảm thay vì tăng lên.
Giảm hormone luteinizing và testosterone
Một lý do quan trọng khiến số lượng tinh trùng bị giảm khi đàn ông tập thể dục quá sức trong thời gian dài là do hai hormone testosterone và luteinizing bị giảm đi. Tuy nhiên, điều này có thể trở lại bình thường khi bạn điều chỉnh lại chế độ tập luyện của mình.
Làm thế nào để biết mình có đang tập thể dục quá sức hay không?
Để trả lời cho câu hỏi này, bạn cần phải theo dõi một số dấu hiệu sau:
1. Mệt mỏi
Cơ thể sẽ cho bạn thấy những dấu hiệu không đúng nếu bạn tập thể dục quá sức. Tập thể dục vừa phải có thể khiến cơ thể khỏe khoắn nhưng nếu bạn tập quá nhiều, cơ thể sẽ cảm thấy đau, ngủ không ngon. Nguyên nhân là do các bài tập này đã vượt qua khỏi khả năng chịu đựng của cơ thể.
2. Thực hiện quá nhiều bài tập mỗi ngày
Tùy thuộc vào độ tuổi và thể lực mà bạn sẽ có một số bài tập thể dục phù hợp. Tuy nhiên, những người tập thể dục quá sức thường có xu hướng tập rất nhiều bài tập thể dục khác nhau. Điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến cơ thể.
3. Chu kỳ kinh nguyệt không đúng
Việc trễ kinh một thời gian có thể khiến bạn nghĩ rằng mình đã mang thai. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến kinh nguyệt bị trễ có thể là do việc tập thể dục với cường độ cao. Nguyên nhân là do khi tập quá sức, lượng hormone trong cơ thể sẽ thay đổi rất nhiều, làm ảnh hưởng đến nhịp tự nhiên của kinh nguyệt. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự rụng trứng trong cơ thể, nên làm giảm khả năng sinh sản.
Những bài tập giúp tăng khả năng sinh sản
Việc tìm hiểu về các bài tập thể dục phù hợp giúp tăng khả năng sinh sản là điều cần thiết để duy trì sức khỏe mà không ảnh hưởng đến khả năng mang thai:
1. Các bài tập giúp hỗ trợ tim mạch
Các bài tập thể dục này gồm đi bộ, chạy bộ, tập thể dục nhịp điệu… có tác dụng giúp tăng lưu thông máu trong cơ thể. Bạn có thể bắt đầu với 15 phút đi bộ nhanh hoặc chạy bộ mỗi ngày và tăng dần đến 30 phút.
2. Nâng tạ
Bạn có thể thử các bài tập nâng tạ để tăng cơ bắp và sức chịu đựng của cơ thể. Hãy thử các bài tập nâng tạ vừa phải, tốt nhất là bạn nên tập với huấn luyện viên 3 – 4 ngày/tuần.
3. Khởi động trước khi tập
Luôn thực hiện các bài tập khởi động trước khi tập luyện. Những điều này sẽ làm tăng tính linh hoạt của cơ thể, giảm căng thẳng và giảm nguy cơ chấn thương khi tập.
4. Yoga
Yoga là một trong những bài tập rất hữu ích để làm tăng khả năng sinh sản. Những bài tập này giúp duy trì sự linh hoạt, giảm căng thẳng, lo lắng và cải thiện tâm trạng một cách hiệu quả.
Những bài tập cần tránh
Bạn nên tránh một số bài tập sau:
Những bài tập thể dục nhịp điệu mạnh có thể gây tổn thương cho cơ thểTập thể dục trong thời gian dài, thường là hơn một giờChạy nước rút và chạy đường dài mỗi ngàyTập thể dục suốt cả tuần mà không có ngày nghỉThực hiện các bài tập thể dục mạnh trong thời gian rụng trứng.
Tập thể dục thường xuyên có thể đem đến nhiều lợi ích đối với khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Tuy nhiên, bạn cần tập một cách điều độ để tránh phản tác dụng nhé.
Theo Hellobacsi
7 điều bạn nên làm trước khi sinh để mẹ tròn con vuông
Không chỉ quá trình sinh con mà cả quá trình chuẩn bị trước khi sinh về mặt tâm lý, sức khỏe và kiến thức cũng rất quan trọng. Nếu chuẩn bị chu đáo mọi thứ, bạn sẽ vượt cạn suôn sẻ và bớt mệt mỏi hơn sau sinh.
Quá trình sinh con là trải nghiệm ý nghĩa nhưng cũng đầy thử thách đối với các bà mẹ. Sự chuẩn bị chu đáo về sức khỏe và tinh thần trước khi sinh sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn vượt cạn. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những điều bạn nên làm trước khi sinh.
1. Lựa chọn nơi sinh con
Việc lựa chọn bệnh viện để sinh con là điều rất quan trọng bạn cần quyết định trước khi sinh. Khi lựa chọn nơi sinh con, bạn cần xem xét một số khía cạnh sau:
Khoảng cách tới bệnh viện: Khi chuyển dạ, bạn sẽ cần di chuyển tới bệnh viện thật nhanh. Thời điểm chuyển dạ có thể vào đêm khuya hoặc giờ cao điểm nên những vấn đề như phương tiện di chuyển, tình hình giao thông... đều cần xem xét. Đặc biệt nếu sản phụ bị vỡ ối hoặc ra máu sẽ càng cần đến bệnh viện sớm. Bạn hãy chọn bệnh viện gần nhà hoặc chuyển tới sống ở nhà họ hàng, bạn bè hoặc thuê nhà ở gần bệnh viện khi gần tới ngày sinh.
H ình thức sinh con: Tuy rất khó có thể biết trước mẹ sẽ sinh con theo cách sinh thường, kích sinh hay sinh mổ nhưng trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định mổ vào những tuần cuối của thai kỳ. Dựa theo hình thức sinh con và sức khỏe của mẹ và bé, bạn nên lựa chọn bệnh viện có các trang thiết bị giúp hỗ trợ ca sinh thuận lợi.
Bác sĩ và y tá hộ sinh: Trong một số trường hợp, sản phụ có thể lựa chọn bác sĩ phụ sản cho ca sinh của mình. Nếu có cơ hội liên hệ trước với bác sĩ và y tá hộ sinh, bạn hãy trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình và kế hoạch sinh con phù hợp nhất. Tuy nhiên, đa số trường hợp, bệnh viện sẽ chỉ định bác sĩ và y tá hộ sinh khi bạn tới bệnh viện. Bệnh viện và các bác sĩ trong ca trực sẽ làm hết sức để hỗ trợ mẹ và bé nên bạn hãy tin tưởng và làm theo hướng dẫn để mẹ tròn con vuông nhé.
Tham quan bệnh viện trước sinh: Dịch vụ tham quan trước bệnh viện, đặc biệt là phòng sinh và biết trước những quy định của bệnh viện sẽ giúp bạn chuẩn bị trước và hình dung về những gì sẽ xảy ra để bình tĩnh và phối hợp với bác sĩ tốt hơn. Trước khi sinh, bạn hãy tìm hiểu và liên hệ để có thể tham quan hoặc hình dung về quá trình sinh con tại bệnh viện nơi bạn lựa chọn nhé.
2. Lựa chọn hình thức sinh con
Bạn có thể sinh con theo hình thức sinh thường qua đường âm đạo, kích sinh hoặc sinh mổ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định kích sinh hoặc mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé nếu quá trình chuyển dạ không thuận lợi. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ và cùng thảo luận về thời điểm sinh mổ nếu tình trạng sức khỏe của bạn hoặc bé không cho phép sinh thường.
Lựa chọn hình thức sinh con trước khi sinh quyết định rất lớn tới thời điểm sinh, nơi sinh và những việc cần chuẩn bị. Do đó, bạn hãy thảo luận với bác sĩ khám thai để lựa chọn hình thức sinh phù hợp trong những tuần cuối thai kỳ.
3. Chọn người sẽ cùng bạn vượt cạn
Một số bệnh viện cho phép người thân ở cùng bạn nếu sinh thường nên bạn hãy chọn người này trước khi sinh. Người đó có thể là chồng, mẹ, bạn bè hoặc người thân thiết với bạn. Nếu bệnh viện cho phép, bạn hãy liên hệ và thu xếp để người đó có thể ở cùng bạn khi vượt cạn.
Ngay sau khi sinh dù sinh thường hay sinh mổ, cơ thể bạn chưa hồi phục và còn rất yếu. Em bé mới chào đời lại cần được bú mẹ và chăm sóc rất cẩn thận. Vì vậy, bạn cũng nên chuẩn bị một người sẽ đỡ đần bạn chăm sóc con 2 tuần đầu sau sinh để giúp bạn cảm thấy an tâm hơn.
4. Cân bằng chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của bạn và em bé trong bụng và điều này cũng có ảnh hưởng quyết định tới quá trình vượt cạn. Các chuyên gia sức khỏe khuyên mẹ bầu nên ăn nhiều protein, rau xanh, hoa quả và hạn chế ăn đường để tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng thai kỳ.
Trong thai kỳ, đặc biệt là trước khi sinh, bạn có thể sẽ mệt mỏi, bị ợ nóng, táo bón hoặc tiêu chảy... Vậy nên chế độ dinh dưỡng của bạn cần đảm bảo đầy đủ dưỡng chất và dễ tiêu hóa. Bạn có thể ăn nhiều bữa nhỏ và uống bổ sung sữa để đảm bảo dinh dưỡng.
5. Tập thể dục rèn luyện sức khỏe
Phụ nữ cần có sức khỏe và sức chịu đựng rất tốt trong suốt thời gian vượt cạn để mẹ tròn con vuông. Nếu bạn là người ít rèn luyện sức khỏe thì quá trình vượt cạn có thể sẽ kéo dài và khó khăn hơn do sức chịu đựng của bạn kém hơn. Vậy nên, các bác sĩ khuyên phụ nữ mang thai nên tập thể thao ít nhất 150 phút mỗi tuần để rèn luyện sức khỏe. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm sưng, phù nề trong thai kỳ và giúp mẹ bầu kiểm soát tốt cân nặng.
Tuy nhiên, bạn cần tuân theo hướng dẫn của các huấn luyện viên có kinh nghiệm và đảm bảo an toàn khi tập. Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ xem tình trạng sức khỏe của bạn và em bé trong bụng có cho phép thực hiện các động tác luyện tập đó hay không.
6. Chủ động tìm hiểu quá trình sinh
Những cơn đau chuyển dạ và thời gian chuyển dạ kéo dài có thể khiến bạn kiệt sức và mất bình tĩnh. Nếu không biết cách rặn, kiểm soát cơn đau hay thở khi chuyển dạ, quá trình vượt cạn của bạn sẽ kéo dài và đau đớn hơn khiến em bé bị ngạt hoặc tăng nguy cơ sinh mổ. Bạn có thể hạn chế tình trạng này bằng cách chủ động tìm hiểu về quá trình vượt cạn để chuẩn bị tư tưởng và biết cách kiểm soát cơn đau cũng như vượt cạn nhẹ nhàng hơn. Bạn nên nắm vững những kiến thức về sinh sản sau đây:
Tư thế chuyển dạCách thở, cách rặn ở từng giai đoạn chuyển dạCơ chế của từng giai đoạn trong quá trình chuyển dạCác can thiệp y khoa như bấm ối, tách nhau, gây tê màng cứng, sinh mổ... để đưa ra lựa chọn trong quá trình sinh nếu cần
7. Tham gia lớp học trước khi sinh
Lớp học tiền sản là một lựa chọn tốt nếu trước khi sinh con bạn có thể thu xếp thời gian học ở nơi bạn sống. Lớp học tiền sản sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức về dinh dưỡng, thể dục, sự phát triển của bào thai, cách theo dõi sức khỏe trong thai kỳ và đặc biệt là các kiến thức về quá trình sinh và chăm sóc sau sinh. Những kiến thức được dạy ở lớp học tiền sản sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn vượt cạn, giúp mẹ tròn con vuông.
Quá trình sinh con tuy đau đớn nhưng vô cùng thiêng liêng vì bạn đã mang một sinh linh tới với thế giới này. Bạn có thể giúp quá trình này bớt khó khăn hơn bằng cách chuẩn bị về sức khỏe và kiến thức trước khi sinh.
Theo Hellobacsi.
Để hai bên cùng "muốn" sắc dục thăng hoa Hành vi sắc dục là hoạt động sinh lý tất yếu của con người. Ngoài yếu tố bản năng, hoạt động này còn được chi phối bởi rất nhiều điều kiện sức khỏe thể chất, tinh thần và môi trường xã hội. Hành vi sắc dục là hoạt động sinh lý tất yếu của con người. Ngoài yếu tố bản năng, hoạt động...