Lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi tiền tỷ, vợ chồng Lê Danh Tạo lĩnh án tù
Với hành vi “bảo kê” cho các chủ xe, lái xe tải đường dài để trục lợi số tiền hơn 2 tỷ đồng, Lê Danh Tạo cùng vợ và em vợ đã bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt tổng cộng 126 tháng tù.
Ngày 20/12, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên toà sơ thẩm hình sự xét xử các bị cáo: Lê Danh Tạo (SN 1966), Hồ Thị Hải (SN 1982), cùng trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng và Hồ Kim Cường (SN 1987), trú phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2022 đến tháng 11/2023, Lê Danh Tạo đã lợi dụng danh nghĩa từng là nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của một số cơ quan báo chí để liên hệ, trao đổi với các chủ xe, lái xe tải đường dài nói rằng Tạo là nhà báo; có nhiều mối quan hệ xã hội nên có thể can thiệp, tác động với lực lượng Cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố trên cả nước xin không xử phạt lỗi vi phạm, hoặc xử phạt nhẹ hơn khi ô tô bị kiểm tra.
Tạo yêu cầu chủ xe phải đóng tiền “bảo kê” mỗi tháng 5 – 8 triệu đồng. Để thực hiện hành vi phạm tội, Tạo đã thành lập Công ty CP Vận tải Newthoidai, Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển truyền thông Newthoidai và Hợp tác xã vận tải Toàn Cầu nhằm kêu gọi, lôi kéo các chủ xe, lái xe tải đường dài tham gia làm thành viên của công ty và hợp tác xã để Tạo tác động, can thiệp với lực lượng Cảnh sát giao thông khi xe ô tô bị yêu cầu dừng kiểm tra phương tiện tại các chốt giao thông.
Cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội với Lê Danh Tạo còn có Hồ Thị Hải (vợ của Tạo) có nhiệm vụ nhắc nhở trên nhóm Zalo các lái xe đóng tiền luật hàng tháng, thu và quản lý số tiền đã trục lợi được từ các lái xe. Còn Hồ Kim Cường là em vợ Tạo, có nhiệm vụ hỗ trợ Tạo trong việc trao đổi với các lái xe có nhu cầu nhờ Tạo “bảo kê”, đôn đốc các lái xe đóng tiền hàng tháng cùng với Hồ Thị Hải. Ngoài ra, Hồ Kim Cường cũng lấy danh nghĩa làm báo chí để cùng Lê Danh Tạo can thiệp, tác động với lực lượng Cảnh sát giao thông tạo điều kiện cho các lái xe lưu thông trên đường.
Lê Danh Tạo từng là phóng viên, được xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu trong vụ án.
Với phương thức, thủ đoạn nêu trên, Lê Danh Tạo và Hồ Thị Hải đã thực hiện hành vi phạm tội đối với 40 chủ xe, lái xe, trục lợi tổng số tiền hơn 1,56 tỷ đồng; Hồ Kim Cường giúp sức cho Lê Danh Tạo và Hồ Thị Hải thực hiện hành vi phạm tội đối với 26 chủ xe, lái xe, trục lợi tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Trong vụ án này, Lê Danh Tạo là người chủ mưu, cầm đầu, người thực hành trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, Hồ Thị Hải trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, Hồ Kim Cường tham gia thực hiện hành vi phạm tội với vai trò là đồng phạm.
Xác định tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Lê Danh Tạo 5 năm tù giam, Hồ Thị Hải 36 tháng tù cho hưởng án treo và Hồ Kim Cường 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Ngậm trái đắng vì giấc mơ đổi đời sau màn hình điện thoại
Trong thời đại công nghệ phát triển, mạng xã hội trở thành cầu nối hàng triệu người tìm kiếm cơ hội việc làm. Nhưng bên cạnh những lợi ích to lớn, đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho các chiêu trò lừa đảo.
Một trong những "mồi câu" phổ biến nhất chính là các tin tuyển dụng hấp dẫn với tiêu đề: "Việc nhẹ lương cao", "Không cần kinh nghiệm, thu nhập hàng chục triệu/tháng". Một trong những vụ việc điển hình rúng động dư luận vừa qua chính là "xâu hạt gỗ tại nhà".
Video đang HOT
Trò cũ, chiêu mới
Thông qua mạng xã hội, Công ty có tên Thuận Trung Thông đã cho đăng tuyển dụng cộng tác viên làm gia công với "việc nhẹ, lương cao" là xâu hạt gỗ thành vòng tay, lồng kẹp tóc vào trong vỏ nhựa và được trả công sau khi hoàn thành sản phẩm.
Tờ quảng cáo tri ân khách hàng cuối năm của Công ty Thuận Trung Thông.
Để được làm công việc này, khách hàng bắt buộc phải đóng cọc một số tiền tương ứng với giá trị sản phẩm theo quy định của công ty thông qua ứng dụng tải về trên điện thoại có tên là app Shopnew.
Cụ thể, khách hàng sẽ phải nạp tiền cọc vào app Shopnew. Sau khi nhận tiền cọc qua app, công ty sẽ gửi hàng cho người tham gia qua các đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Gia công xong, sản phẩm sẽ được gửi về đại lý, công ty chuyển lại tiền cọc và tiền công cho khách hàng về ví ảo được tạo trên app Shopnew. Từ app này, khách hàng có thể rút tiền về tài khoản riêng của mình.
Quá trình trao, nhận hàng và chi trả công diễn ra suôn sẻ trong khoảng 6 tháng đầu, sau đó, hàng chục ngàn nạn nhân khắp cả nước điêu đứng khi biết bị lừa đảo. Lúc này, họ mới để ý đến số tiền cọc và tiền công cao bất thường mà công ty đưa ra để dụ họ vào bẫy.
Đặc biệt hơn, vòng tay bằng gỗ này được bán trên mạng chỉ với giá từ 5.000 -7.000 đồng/chiếc nhưng Công ty Thuận Trung Thông lại trả công xâu vòng lên đến 35.000 đồng/chiếc. Để tham gia gia công, khách hàng phải cọc 200.000 đồng/chiếc. Tương tự, công đoạn gia công làm kẹp tóc cũng được yêu cầu đặt cọc một khoản tiền lớn so với giá trị thật của nó.
"Việc nhẹ, lương cao" nên hàng chục nghìn người trong cả nước (chủ yếu người già, trẻ em, mẹ bỉm sữa, mẹ đơn thân, người bệnh) đã bị "mê hoặc" khi trong 1 giờ, họ gia công được 800 cái kẹp tóc, tiền công 1,2 triệu đồng; xâu 1 vòng tay bằng gỗ 5 phút được trả tiền công 35.000 đồng. Nhiều người vay mượn vốn liếng, vận động họ hàng, bạn bè tham gia.
Để tạo lòng tin cho "con mồi", công ty này thường xuyên đăng tải hình ảnh hoạt động, những trụ sở chi nhánh lớn, đầy ắp hàng hóa, kẻ ra, người vào tấp nập; tiền bạc thanh toán sòng phẳng. Đặc biệt hơn, khách hàng liên tục được mời đi dự sự kiện, tặng quà...
Để tiếp tục dẫn dụ khách hàng, Công ty này đưa ra những món quà có giá trị vật chất cao như 1 đơn 6 cái là 180.000 đồng, sau tăng lên 200.000 đồng. Cứ 10 đơn sẽ cho 1 cái mã mời (mời thêm được người làm gia công) thì sẽ được tiền hoa hồng (40.000 đồng/đơn), mức chiết khấu cho các đại lý cũng rất cao (30.000 đồng/đơn) nên dễ hiểu vì sao Công ty này không cần bỏ vốn liếng, công sức mà vẫn có hàng nghìn chi nhánh trải dài trên khắp cả nước.
Anh Vũ Văn Thưởng là một trong số hàng nghìn nạn nhân của Công ty Thuận Trung Thông tại Phú Thọ. Anh Thưởng cho biết, anh đã đặt hơn 150 đơn hàng để nhận về làm gia công với tổng giá trị là 190 triệu đồng. Chỉ trong vỏn vẹn 20 ngày, anh đã được công ty tri ân nửa chỉ vàng bởi sự nhiệt huyết của mình.
"Mình phải đặt nhiều đơn lên thì họ mới tặng vàng. Một cái vòng gỗ này làm mất tầm 5 đến 10 phút là xong. Một đơn của họ là 6 vòng, trả công là 170.000 đồng mỗi đơn thì tính ra một vòng là 30.000 đồng", anh Thưởng cho biết.
Trên fanpage của công ty, còn thường xuyên quay video tự quảng cáo với nội dung: "Những mặt hàng bên em cho gia công là kẹp ngọc trai, kẹp màu và chuỗi hạt. Bây giờ đang trong thời gian ưu đãi thì mình sẽ được ưu đãi về công nha cả nhà ơi. Quan tâm công việc thì mình cứ nhanh tay nhắn tin ngay cho để được tư vấn nha".
Thậm chí, một ứng dụng có tên Shopnew đã được công ty tạo ra để khách hàng có thể theo dõi đơn hàng, rồi đặt cọc và nhận công một cách nhanh chóng. Các kho hàng cũng liên tiếp được mở ra tại hầu hết các tỉnh, thành trên toàn quốc để khách hàng có thể trực tiếp nhận và gửi hàng. Ai cũng hồ hởi với công việc này, bởi đây đích thực là "việc nhẹ lương cao".
Cảnh hàng hóa nhập kho rồi xuất đi của Công ty Thuận Trung Thông đăng tải lên mạng để tạo lòng tin với khách hàng.
Anh Ngô Quang Trường, nạn nhân của Công ty Thuận Trung Thông tại Lào Cai cho biết, nếu mỗi ngày bản thân cọc 70 đơn thì tiền công của mình có thể được 8 triệu đồng. Như vậy, một tháng làm tiền công của bản thân có thể được gần 200 triệu. Tuy nhiên, số tiền công sẽ chỉ nhiều với người có vốn làm ăn. Bởi thử thách duy nhất của công việc này đối với người làm, chính là số tiền mà doanh nghiệp bắt buộc phải đặt cọc để lấy hàng. Cọc càng nhiều tiền công càng cao.
Theo như doanh nghiệp này giải thích, số tiền cọc như vậy là không cao. Công ty bắt đóng tiền cho khách hàng là để có trách nhiệm giữ gìn hàng hóa của công ty không bị thất thoát. Sau khi làm xong, công ty vẫn hoàn lại tiền cho mọi người chứ không giữ. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng chi trả đúng hẹn, thì hàng nghìn khách hàng của Công ty Thuận Trung Thông trên cả nước đã không còn được trả cả cọc lẫn công.
Anh Nguyễn Văn Bình (Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết: "Trong ứng dụng của tôi vẫn còn ghi số tiền 261 triệu đồng sẽ được thanh toán về ví nhưng vẫn bị giam, chưa rút về tài khoản được. Một số người quen của tôi cũng đã xác định mình bị lừa vì không rút được tiền và ứng dụng đã sập".
Khắp các tỉnh, thành phố, hàng chục ngàn nạn nhân đã lên tiếng chia sẻ về số tiền mà họ đã đầu tư vào Công ty này ít nhất là hàng trăm tỉ đồng và hết sức tuyệt vọng khi không thể lấy lại số tiền đã đầu tư. Trong khi họ phải đi vay nợ để đóng cọc tiền hàng.
Ngoài những nạn nhân riêng lẻ, có cả chủ đại lý đã trở thành nạn nhân của Công ty Thuận Trung Thông. Việc đóng cửa đột ngột và mất hết thông tin liên lạc đã khiến họ mất không chỉ tiền mà còn cả danh dự và uy tín trong cộng đồng.
Tại Hải Dương, qua quá trình kiểm tra, xác minh ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương xác định từ 10/2023 đến tháng 2/2024, Công ty TNHH Thương mại Thuận Trung Thông có địa chỉ tại ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc (Kiên Giang) thuê nhiều người dân ở Hải Dương gia công các sản phẩm vòng hạt, kẹp tóc (việc thuê làm không ký hợp đồng).
Để tạo lòng tin, thời gian đầu công ty trên thanh toán đầy đủ tiền đặt cọc và tiền công cho những người nhận gia công qua "ví điện tử" của mỗi người trên ứng dụng Shopnew. Từ tháng 1/2024, sau khi gia công rồi giao hàng cho Công ty TNHH Thương mại Thuận Trung Thông xong thì sau 7 ngày, trên "ví điện tử" vẫn thể hiện tiền được chuyển đến như trước nhưng khi mọi người chuyển rút tiền từ "ví điện tử" về tài khoản ngân hàng của mình thì không chuyển được.
Sau đó ít ngày, ứng dụng Shopnew bị sập, không đăng nhập được. Đến nay, mọi người không liên lạc được và cũng không được Công ty TNHH Thương mại Thuận Trung Thông trả lại tiền đặt cọc và tiền công gia công hàng hoá.
Người dân cần đặc biệt cảnh giác
Có thể thấy, những vụ lừa đảo "việc nhẹ lương cao" không còn hiếm, đã từng được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn rất nhiều người sập bẫy. Những đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý thiếu việc làm hoặc mong muốn kiếm tiền nhanh chóng của người lao động. Chúng sử dụng các tài khoản mạng xã hội giả mạo, tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp với giấy tờ "uy tín" hoặc các phản hồi giả từ "người thật".
Mới đây, ngày 23/6, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên sơ thẩm xét xử và tuyên phạt Trần Thị Thanh Ánh (sinh năm 1992, ngụ tại Đắk Lắk) tù chung thân và Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1985, ngụ tại Vĩnh Long) 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cặp vợ chồng hờ Ánh - Tuấn tại tòa.
Theo cáo trạng, tháng 7/2018, Trần Thị Thanh Ánh và Nguyễn Anh Tuấn thuê nhà tại địa chỉ số 16 đường Trường Chinh, phường 4, quận Tân Bình. Cuối tháng 8/2018, Ánh tự đi liên hệ tìm mua hạt nhựa nguyên liệu. Lúc đầu, Ánh chỉ mua số lượng khoảng vài chục kg loại hạt đá sữa với giá mua là 200 ngàn đồng/kg, hạt hình mặt Phật với giá 250 ngàn đồng/kg để giao cho những người nhận gia công. Đồng thời, Ánh sử dụng trang mạng xã hội Facebook với tài khoản mang tên "Hoàng Linh" rồi đăng thông tin cho nhận gia công xâu chuỗi tại địa chỉ mà Ánh và Tuấn thuê trọ. Sau đó, Ánh chụp hình các loại hàng nguyên liệu và hàng thành phẩm cần gia công kèm theo số điện thoại để mọi người đến liên hệ.
Ánh đưa ra giá tiền cọc, tiền công như sau: hạt đá sữa tiền đặt cọc 500 ngàn đồng/kg, tiền công 150 ngàn đồng/kg; hạt hình mặt Phật tiền đặt cọc 600 ngàn đồng/kg, tiền công 200 ngàn đồng/kg. Ánh yêu cầu phải đặt tiền cọc trước, khi nhận hàng thành phẩm Ánh sẽ thanh toán tiền đặt cọc, tiền công đầy đủ.
Do thấy tiền công cao nên nhiều người đã đồng ý đặt tiền để nhận hàng gia công. Tiền đặt cọc gia công hàng có thể đưa trực tiếp cho Ánh hoặc chuyển khoản đến tài khoản do Nguyễn Anh Tuấn đứng tên. Lúc mới bắt đầu lượng người nhận gia công rất ít, nên khi nhận hàng thành phẩm thì Ánh thanh toán đầy đủ, sòng phẳng, từ đó tạo được sự tin tưởng.
Khi nhận hàng thành phẩm Ánh không bán mà cùng với Tuấn cắt hàng thành phẩm thành hàng nguyên liệu, tiếp tục giao cho người nhận gia công để lấy tiền cọc. Đến khoảng tháng 10/2018, khi số lượng người nhận gia công tăng lên, tiền đặt cọc nhiều, Ánh lấy tiền cọc của người đến sau thanh toán lại một phần tiền cọc, tiền công cho người đến trước, số còn lại, Ánh tiêu xài cá nhân và sử dụng mua tiếp hạt nhựa nguyên liệu để giao cho những người gia công.
Từ khoảng tháng 8/2018 đến khi bỏ trốn, cặp vợ chồng hờ này đã nhận tiền đặt cọc của khoảng hơn 300 người nhận gia công xâu chuỗi hạt với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng. Hiện Cơ quan CSĐT đã xác định được 127 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 32 tỷ đồng.
Phân tích về chiêu thức lừa đảo trên mạng xã hội, chuyên gia của Cục An toàn thông tin cho biết, đối tượng tuyển dụng mà các đối tượng lừa đảo nhắm đến thường là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình và thấp có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập.
Để tạo lòng tin với nạn nhân, các đối tượng lừa đảo tự xưng là nhân viên sàn thương mại điện tử, nhân viên của công ty môi giới việc làm hoặc các doanh nghiệp lớn, uy tín để đăng giả mạo tuyển dụng. Dấu hiệu dễ nhận biết của những bài đăng này là tuyển người lao động làm việc thời vụ với lời hứa hẹn việc nhẹ lương cao, làm việc tại nhà.
Đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội đánh vào ham muốn nhanh kiếm được tiền của nạn nhân. Và đặc biệt, trong quá trình lừa đảo, các đối tượng liên tục dồn ép nạn nhân khiến họ bị ảnh hưởng tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ rằng sẽ không lấy lại được số tiền buộc nạn nhân phải tiếp tục chuyển tiền. Khi số tiền nạp lên đến giá trị lớn, đối tượng lừa đảo đưa ra nhiều lý do rất khó tin như tài khoản bị đóng băng; hệ thống lỗi... để trì hoãn việc rút tiền, từ đó chiếm đoạt hoàn toàn tài sản của nạn nhân.
Ông Nguyễn Phú Lương, Phó giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin cho biết: "Để tránh sập bẫy các đối tượng lừa đảo, người dân cần tuyệt đối nâng cao cảnh giác, đồng thời chia sẻ cho người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nên tìm đến những văn phòng, công ty có danh tiếng, uy tín hoặc các trang web chính thống của họ"
Chủ tịch Tập đoàn Capel chiếm đoạt 700 tỷ đồng bằng chiêu huy động vốn Ngày 23/10, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đang điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Capel (Tập đoàn Capel) do bị can Lã Quốc Trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, thực hiện. Theo hồ sơ, để có tiền mua nhà, ôtô và...