Logic – Sức mạnh của phản biện
Hiện nay, có nhiều vấn đề nghiệp vụ làm báo được người trong nghề rất quan tâm, ý kiến hay “va” nhau, trong đó có vấn đề viết bài tranh luận, bài phản biện.
Logic – Sức mạnh của phản biện. Ảnh: TL
Trong những bài báo có tính thuyết phục cao, được bạn đọc yêu thích, bài bình luận, bài phản biện là những bài được xem là khó viết nhất. Tất nhiên, về lý thuyết, bài báo thể loại nào cũng có cái khó riêng của nó, nhưng phản biện vẫn là bài viết không dễ thực hiện, khó “nhằn” nhất. Đó là ý kiến chung của những người làm báo, và cũng là cảm nhận của độc giả.
Về mặt nghiệp vụ, theo tôi, nếu viết được những bài báo có tính phản biện cao, có trách nhiệm, chứ không phải chỉ “bới móc”, nhà báo đã hội đủ những yếu tố cần nhất của một “cây bút báo chí” thực thụ, báo hiệu thành công nghề nghiệp.
Có thể lấy nội dung một bài báo in làm ví dụ. Trên những trang báo của tờ báo chính trị – xã hội, có những bài viết thuộc các thể loại (tin, bình luận, phỏng vấn, phóng sự…) khác nhau. Mỗi bài nội dung có tính chất khác nhau. Người làm báo dễ dàng nhận thấy ngay một thực tế khó có thể bác bỏ: Bài viết có tính tranh luận, tính phản biện cao về một vấn đề nào đó đòi hỏi người viết phải có những phẩm chất “bắt buộc”: Bản lĩnh, chính kiến, hiểu biết và yêu lẽ phải… Không có bản lĩnh, không có chính kiến không thể tranh luận, phản biện.
Riêng về yếu tố “yêu lẽ phải” cần có không thể thiếu. Vì người viết bài phản biện là người trực tiếp đấu tranh cho cái đúng, cái đẹp, chân – thiện – mỹ, mang lại sự công bằng, công lý cho cộng đồng và xã hội. Đó là cái đích để nhà báo phản biện. Thực ra, người làm báo nào mà chả yêu lẽ phải, không thế thì nghề báo sẽ loại bỏ họ.
Riêng với người viết phê phán, phản biện, như bất công xã hội chẳng hạn, điều kiện “yêu lẽ phải” còn cao hơn nhiều, mang đậm chất đạo đức nghề nghiệp. Nếu không, nhà báo dễ nản lòng trong quá trình tác nghiệp, khó khăn rình rập, trắc trở thường trực, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Có yêu lẽ phải, người viết mới đi đến tận cùng để đạt được điều mình mong muốn, điều bạn đọc chờ đợi.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa có buổi làm việc từ ngày 02 đến 04/7/2019 và xem xét kỷ luật nhiều cán bộ tại Bộ Giao thông Vận tải, Đăk Nông và Đồng Nai. Ảnh: TL
Xin đưa một ví dụ, hiện nay cuộc đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng đang ở cao trào, bước vào năm 2019 mức độ ngày càng quyết liệt. Đủ các loại “củi”, trong đó có “củi tươi” cỡ lớn đã được đưa vào “lò”, như mọi người đều biết. Vậy mà, báo chí đưa tin, bài không phải “thuận buồm xuôi gió”, không gặp khó khăn, cản trở vì những lý do khác nhau.
Nhà báo tranh luận lại, phản biện thế nào với những luồng dư luận không thuận với truyền thông chống tham nhũng tiêu cực? Công dân có quyền cung cấp tài liệu, thông tin cho nhà báo. Các quyền này được pháp luật bảo hộ, cụ thể là Luật Báo chí (2016). Sự phản biện của nhà báo, lên án kẻ xấu cũng dựa vào cơ sở pháp lý này. Đó là logic. Logic tạo nên sức mạnh của phản biện.
Video đang HOT
Trong Luật Báo chí (2016), Chương II. Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, được quy định tại Điều 10 “Quyền tự do báo chí của công dân”. Công dân có 6 quyền tự do báo chí: 1- Sáng tạo tác phẩm báo chí; 2- Cung cấp thông tin cho báo chí; 3-Phản hồi thông tin trên báo chí; 4- Tiếp cận thông tin trên báo chí; 5- Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; 6- In, phát hành báo in. Như vậy, tác giả bài báo phản biệnnắm được logic này sẽ ở một tư thế làm chủ sự phản biện của mình khi phân tích, diễn giải vấn đề một cách logic. Tác giả làm được như vậy, khó có thể bác bỏ được sự phản biện thể hiện trong bài viết.
Một vấn đề khác, lâu nay, trong hoạt động báo chí, nhất là ở các địa phương, dư luận rất băn khoăn, bức xúc về vấn đề bổ nhiệm người lãnh đạo cơ quan báo chí không được đào tạo báo chí. Không có nghiệp vụ làm báo, không hiểu tác nghiệp báo chí và nhiều yêu cầu đối với người làm báo thì lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan báo chí sao được? Nghề báo đòi hỏi rất cao về nghiệp vụ và trình độ, hiểu biết mới có thể sáng tạo tác phẩm báo chí, quản lý cơ quan báo chí. Lãnh đạo là người có vai trò, vị trí quyết định chất lượng tờ báo, đài phát thanh truyền hình. Nếu không có đủ trình độ làm báo sẽ dẫn đến hệ quả tờ báo kém hấp dẫn, đài PT&TH chất lượng thấp, ít người xem, hiệu quả không cao.
Vậy, chúng ta viết bài phê phán, phản biện vấn đề này như thế nào? Không phải dễ nếu không có chính kiến, bản lĩnh, lại chủ quan, thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về báo chí. Để phản biện thuyết phục, người làm báo cần bản lĩnh mạnh mẽ khi khẳng định: Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo báo chí như thế, về nguyên tắc là không sai.
Mỗi nhà báo cần có tư duy phản biện tốt. Ảnh: TL
Trong Luật Báo chí (2016), Mục 2. Tiêu chuẩn bổ nhiệm người đúng đầu cơ quan báo chí, quy định, có 4 tiêu chuẩn, trong đó “có thẻ nhà báo còn hiệu lực”. Hiện nay, đang tiến hành quy hoạch lại hệ thống báo chí theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước. Một trong những vấn đề đáng quan tâm, cần phải “quy hoạch” là đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí.
Trong tình hình mới, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, vấn đề người lãnh đạo báo chí không có nghiệp vụ làm báo sẽ phải thay đổi. Đó là logic của sự phản biện.
Tôi đã thực hiện bài viết phản biện vào năm 2013, 2014 về công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Thành Cổ Loa. Trên tạp chí Người Làm Báo có đăng bài “Cái mới là… cái cũ được phát hiện”. Qua bài viết, tôi kể lại việc đã đi điều tra thực địa ở Thành Cổ Loa, xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) sau hơn nửa thế kỷ (1962) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vẫn chưa được cắm mốc giới trên thực địa và xác định 3 khu vực bảo vệ (K1,K2,K3) di tích theo yêu cầu của Luật Di sản – nguyên nhân sâu xa và trực tiếp gây hại làm xuống cấp di sản vô giá này.
Tôi đã phản biện, qua bài viết của mình một cách khách quan, có trách nhiệm do đã phát hiện tương quan logic giữa yêu cầu bảo tồn di tích Quốc gia đặc biệt (QGĐB) Thành Cổ Loa và thực trạng xuống cấp hiện hữu ở những vòng thành cổ này. Và năm sau, năm 2015, tin vui đã đến: Chính phủ phê duyệt và công bố Bản Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Loa! Vấn đề cắm mốc giới thực địa và xác định các khu vực bảo vệ di tích sẽ sớm được tiến hành.
Đối với bài báo phê phán, phản biện, bạn đọc là người được hưởng lợi nhất. Nó chở ý kiến, suy nghĩ, mong muốn của họ. Chúng nuôi dưỡng lòng tin đang suy giảm trong xã hội, góp tiếng nói đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, góp phần mang lại sự công bằng trong xã hội. Tuy nhiên, cần nhắc lại: Viết phản biện không dễ, không bao giờ dễ dàng.
Để viết bài báo phản biện thành công, cuộc sống, nghề nghiệp, công chúng đòi hỏi người làm báo rất nhiều như đã đề cập. Người làm báo cần “nhìn” sâu vào hành trang nghề nghiệp mình đang có xem còn thiếu những gì để bổ khuyết./.
Nguyễn Minh Nguyên
Theo nguoilambao.vn
Bạn đọc viết: Hãy định hướng để con trẻ phản biện!
Tư duy thời đại và triết lý giáo dục biến chuyển theo hướng khuyến khích người học phát huy năng lực cá nhân, khuyến khích học sinh phản biện.
Hòa mình vào xu thế mới, mỗi người thầy buộc phải thay đổi chính mình trước ánh mắt phân vân, cái nhìn hoài nghi, suy nghĩ trăn trở và câu nói chất vấn của trò...
Ảnh minh họa
Đọc bài viết "Học sinh Việt Nam sợ bị hỏi và lười phản biện" của nhà báo Lan Phương cùng trao đổi "Làm thế nào để tăng cường tư duy phản biện cho giới trẻ?" của bạn đọc Thùy Mai, tôi bất chợt nhớ về những thế hệ học trò của mình.
Niềm vui mỗi ngày của người giáo viên đứng lớp có lẽ là những giây phút cô trò hăng say, tập trung khám phá kiến thức mới hay hình thành một kỹ năng. Để có những tiết học sôi động, người thầy phải đầu tư nhiều cho khâu xây dựng kế hoạch dạy học và thiết kế các hoạt động học tập của học sinh.
Tuy nhiên, trang giáo án của thầy cô chẳng bao giờ có thể dự đoán được những tình huống sư phạm xảy ra trong tiết học. Những thắc mắc, phát vấn của học trò không ít lần làm thầy cô phải chững lại vài giây, thậm chí là "đứng hình".
Mới đây thôi, trong hội giảng cuối năm chào mừng các ngày lễ lớn, chúng tôi đã tham dự một tiết dự giờ môn lịch sử ở lớp 7. Cô giáo say sưa giảng bài, ghi bảng còn giáo viên dự giờ ngồi kín mít hàng ghế cuối lớp. Bỗng nhiên, một cánh tay giơ lên xin được ý kiến dù cô giáo không hề đặt câu hỏi.
Bao nhiêu ánh mắt lúc ấy đều tập trung nhìn về cậu bé lớp phó học tập. Con chững chạc đứng lên, nói rành mạch: "Thưa cô, cô ghi sai năm diễn ra trận đánh". Cô giáo hơi đỏ mặt, luống cuống lật lại trang sách sử và xin lỗi cả lớp vì thông tin chưa chính xác trên bảng.
Những tiếng xầm xì bắt đầu nổi lên. Mấy học sinh bên cạnh to nhỏ, đại ý là cô giáo đang dạy dự giờ, đừng "vạch lỗi" vậy mà tội cô. Giáo viên dự giờ cạnh tôi cũng có ý không hài lòng bởi có nhiều cách "nhắc khéo" cô chứ không thể "huỵch toẹt" ngay giữa đám đông như thế. Nhìn cậu bé học giỏi, năng động, tự tin đi ngược đám đông ấy, tôi bỗng thấy thương con vô cùng.
Tâm hồn con trẻ trong sáng, ngây thơ lắm. Chẳng như chúng ta, cảm xúc đôi khi bị chai sạn mất rồi. Tư duy của các con nhanh nhạy, sáng tạo lắm, chẳng bị gò bó vào những khuôn khổ vô hình hay hay bị quẩn quanh chuyện cơm áo gạo tiền. Và với tâm hồn, tư duy cùng trí tưởng tượng phong phú, các con phản biện là điều tất nhiên.
Trong thực tế, không phải người giáo viên nào cũng sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng cùng học sinh đào sâu kiến thức, giải quyết những thắc mắc, nghi vấn và chấp nhận sự phản biện của con trẻ.
Cách đây hai chục năm về trước, thế hệ 8X chúng tôi đến trường với tâm thế cực kỳ bị động. Chúng tôi học tập, cũng phát biểu xây dựng bài, cũng được mời trình bày ý kiến nhưng dường như mọi hoạt động cá nhân đều được bó khuôn trong quy chuẩn: Thầy cô luôn luôn đúng, học sinh tiếp thu tri thức theo lối truyền thụ một chiều và cực kỳ xa lạ với tư duy phản biện.
Giờ mọi thứ đã khác, tư duy thời đại cùng triết lý giáo dục biến chuyển theo hướng khuyến khích người học phát huy năng lực cá nhân, khuyến khích học sinh tư duy phản biện. Và hòa mình vào xu thế mới, mỗi người thầy buộc phải thay đổi chính mình trước ánh mắt phân vân, cái nhìn hoài nghi, suy nghĩ trăn trở và câu nói chất vấn của trò.
Đầu tiên, chúng ta cần khẳng định: Trò tư duy phản biện là điều đáng mừng. Điều đó có nghĩa là các con đang học tập có sự tập trung chú ý. Chứ không phải người ngồi trong lớp học mà tâm hồn vẩn vơ tận đâu đâu. Mừng vì các con thật sự sáng ý, sáng dạ để có thể tư duy và phản biện. Và mừng vì con trẻ đã mạnh dạn nêu lên suy nghĩ, thắc mắc của mình để thầy cô có cơ hội giải đáp, uốn nắn và định hướng chân - thiện - mĩ.
Một điều chúng ta phải thừa nhận là trong cuộc sống hiện đại này, việc dạy dỗ, uốn nắn con trẻ thật khó. Các thế hệ 8X, 9X trở về trước có vẻ thuần hơn rất nhiều. Sự phản kháng của các con cũng nhẹ nhàng hơn. Còn bây giờ, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cùng sự tiếp thu nhiều luồng thông tin một cách thiếu định hướng khiến tư duy phản biện của các con trở thành một nỗi lo của chúng ta.
Thực trạng học sinh lên mạng xã hội nói xấu thầy cô, nói xấu bố mẹ hay bình luận tiêu cực về các vấn đề đạo lí, nhân cách là điều không hiếm gặp. Sự thiếu hụt kĩ năng sống cùng với sự cổ xúy các đám đông khiến cái "tôi" của con trẻ bỗng lớn hơn và muốn thể hiện mình nhiều hơn. Chẳng suy nghĩ, chẳng đắn đo, các con thoải mái tư duy phản biện và mạng xã hội giúp lan truyền những thông điệp không đẹp đó thật nhanh.
Vấn đề cấp thiết lúc này chính là vai trò định hướng của thầy cô về thái độ phản biện của học sinh. Nếu bọn trẻ phản biện mang tính tích cực theo hướng xây dựng, học hỏi, chúng ta nên động viên, khuyến khích. Nhưng cũng có lúc chúng ta bắt gặp một thái độ phản biện rất tiêu cực theo hướng phủ định, bác bỏ và khăng khăng bảo vệ quan điểm ý kiến của mình.
Điều này không chỉ xảy ra trong học tập mà cả trong cuộc sống. Bố mẹ nhiều lúc bất lực với chính con cái của mình. Từ thảo luận chuyển sang tranh luận rồi tranh cãi gay gắt. Mâu thuẫn đôi khi kết thúc với sự ấm ức của con trẻ và sự tức giận của bố mẹ, thầy cô. Và khoảng cách giữa bố mẹ - con cái, thầy cô - học trò ngày càng xa nhau hơn.
Vì vậy, trước khi khuyến khích trẻ tư duy phản biện, phải chăng chúng ta cần phải định hướng về ý thức, định hướng thái độ, định hướng hành động cho con trẻ? Mọi định hướng đúng đắn đều thể hiện ngay trong nếp nghĩ, nếp sinh hoạt và cách ứng xử của chúng ta với các con.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Cuộc thi Hành trình kinh doanh 2019 sân chơi lý thú cho sinh viên Chung kết cuộc thi Hành trình kinh doanh 2019 đã khép lại với chiến thắng thuộc về ba chàng trai của đội Inception đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân. Chiến thắng thuộc về ba chàng trai của đội Inception đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân Hành trình kinh doanh là cuộc thi giải Case Study thường niên...