Loay hoay mô hình trường học mới
Năm học 2013-2014, TP HCM sẽ tổ chức thí điểm ở mỗi quận, huyện một trường tiểu học dạy theo mô hình trường học mới. Việc áp dụng mô hình này tại TP HCM cho thấy nhiều điều bất ổn.
Mô hình trường học mới (VNEN) khởi nguồn từ Colombia vào những năm 1995-2000 để dạy học sinh (HS)trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn. Dù được đánh giá là mô hình có thể góp phần đổi mới dạy và học nhưng thực tế khi áp dụng mô hình này, nhiều tiêu chí được đánh giá là không phù hợp.
Học sinh tiểu học “tự bơi”
Tại TP HCM, Trường Tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi) là trường đầu tiên áp dụng mô hình VNEN từ năm học 2012-2013 ở khối lớp 2 và 3. Năm học 2013-2014, trường tiếp tục thực hiện ở khối lớp 4. Qua năm đầu tiên triển khai, bà Phan Thị Mỵ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thông, đánh giá điểm nổi bật của mô hình chủ yếu ở cách tổ chức lớp học, quản lý lớp học là do hội đồng tự quản HS và các nhóm trưởng trong lớp thực hiện. Đây là biện pháp giúp HS tự học, tự quản, tự làm chủ quá trình học tập. Giáo viên gần như thoát ly khỏi bảng đen, phấn trắng, chủ động tổ chức các hoạt động cho HS theo nhóm.
Một giờ học theo mô hình trường học mới (VNEN) tại Trường Tiểu học Tân Thông,huyện Củ Chi, TP HCM
Theo ông Nguyễn Tuấn Lê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thông, thay đổi lớn của mô hình này là sắp xếp bàn ghế theo nhóm (5-8 em/nhóm). Nội dung làm việc của từng nhóm không giống nhau, giáo viên không hướng dẫn chung mà làm việc với từng HS hoặc từng nhóm một. Việc đánh giá HS cũng đổi mới theo tiêu chuẩn VNEN, đó là bằng nhận xét, đánh giá vì sự tiến bộ của HS; coi trọng việc động viên, khuyến khích HS.
Tuy là năm thứ hai thực hiện nhưng khó khăn mà Trường Tiểu học Tân Thông gặp phải không ít. Bà Phan Thị Mỵ cho biết một số HS lớp 2 còn hạn chế về kỹ năng sử dụng tiếng Việt, vì vậy còn khó khăn trong việc giải quyết các yêu cầu trong bài. Theo một số chuyên gia giáo dục, mô hình này đề cao vai trò tự học của HS nhưng ở bậc tiểu học, việc để HS “tự bơi” mà thiếu vai trò của giáo viên chưa hẳn đã tốt.
Áp lực sĩ số
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, bắt đầu từ năm học này, mỗi quận – huyện sẽ chọn một trường tiểu học để thí điểm giảng dạy theo VNEN. Việc thí điểm trên nguyên tắc tự nguyện, thiết thực và hiệu quả, không gây khó khăn cho cha mẹ HS và bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT, xuất thân của mô hình là giảng dạy trong điều kiện sĩ số ít, trong khi do áp lực về sĩ số, tại TP HCM rất ít trường có thể đáp ứng các tiêu chí của mô hình.
Video đang HOT
Bà Mỵ cũng cho biết thực trạng tại Trường Tiểu học Tân Thông, sĩ số bình quân ở mỗi lớp khá cao nên gây khó khăn cho giáo viên trong việc theo dõi, uốn nắn các hoạt động của từng nhóm, từng HS. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Gò Vấp cũng nhận định nếu áp dụng theo mô hình VNEN, nhà trường phải mời gần nửa số HS trong mỗi lớp ra ngoài mới có khoảng trống để xoay bàn ghế và sắp xếp cho HS học tập theo nhóm. “Trong điều kiện các trường gặp áp lực về sĩ số như hiện nay thì việc áp dụng mô hình VNEN rất khó khả thi” – vị hiệu trưởng này cho biết.
Một chuyên gia giáo dục phân tích: Mô hình xuất phát để giảng dạy tại các địa phương miền núi nhưng khi triển khai ở một đô thị lớn như TP HCM thì chỉ các trường chuẩn quốc gia mới tự tin tham gia, còn những trường khác thì không khả thi là bởi chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là sĩ số HS đông. Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho biết tại quận này, nhìn đi nhìn lại chỉ có Trường Tiểu học Hàm Tử có thể áp dụng được bởi hiện mỗi lớp chỉ 30-35 HS, trường mới được cải tạo, xây mới nên cơ sở vật chất có khả năng đáp ứng.
Tại quận 7, mô hình VNEN sẽ được tổ chức thí điểm tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Hưởng. Trường này được chọn để thí điểm vì là trường chuẩn quốc gia, chuẩn về sĩ số; các phòng thư viện, tài liệu học tập cũng bảo đảm. Phòng GD-ĐT quận 7 sẽ chọn một vài khối lớp để học tập theo mô hình VNEN và chọn lọc một số tiêu chí trong mô hình này để học tập chứ không bắt chước nguyên xi.
Không ổn!
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi sẽ là trường đầu tiên ở quận 4 tổ chức thí điểm theo mô hình này. Bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng, phân tích mô hình này bộc lộ nhiều hạn chế bởi giáo viên giảng dạy và tổ chức lớp học theo khuôn mẫu, tài liệu dạy học cũng được hướng dẫn tỉ mỉ, giáo viên cứ thế mà làm theo. Phương pháp này tuy tránh quá tải nhưng không phát huy khả năng sáng tạo của giáo viên. Chẳng hạn, ở môn toán lớp 4, có bài “biểu thức có chứa hai chữ”, “tính chất giao hoán của phép cộng”… Tuy nhiên, những hoạt động ứng dụng cho HS rất rập khuôn như yêu cầu giáo viên hướng dẫn HS làm bài tập về nhà bằng phép toán: “Em nghĩ ra biểu thức chứa hai chữ rồi cùng bố, mẹ tính giá trị biểu thức khi thay hai chữ bằng các số khác nhau”. Theo bà Hà, đáng lẽ những hoạt động ứng dụng này nên để giáo viên sáng tạo, không nên cầm tay chỉ việc. Ngoài ra, thời đại công nghệ thông tin phát triển nhưng mô hình VNEN hầu như không nhắc tới việc sử dụng các thiết bị.
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhận định đúng là việc dạy học theo hướng dẫn trong sách quá rập khuôn. Giáo viên rập khuôn từ việc ghi bảng, trình bày đến tổ chức các hoạt động trong lớp, HS thì có thao tác giống nhau. Như thế là không ổn.
Thi điêm trên diên rông
Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD giai đoạn 2011-2015 sau khi triển khai thí điểm tại 24 trường học thuộc 12 huyện ở 6 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Lắk). Năm học 2012-2013 là năm học thứ hai mô hình VNEN được Bộ GD-ĐT triển khai trên diện rộng và thí điểm tại 1.447 trường tiểu học trên 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Theo TNO
Loay hoay với bảng tương tác
Chủ trương đưa bảng tương tác thông minh vào các trường mầm non và tiểu học từ tháng 5 đến nay vẫn gây không ít khó khăn cho các trường khi thực hiện.
Năm học 2013-2014, TP.HCM đưa vào sử dụng gần 1.000 bảng tương tác với tổng kinh phí hơn 180 tỉ đồng tại 412 trường mầm non và 194 trường tiểu học. Chủ trương này do UBND TP.HCM phê duyệt để thực hiện Đề án "Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp" và Đề án "Phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi". Chủ trương từ trên ấn xuống này đang khiến các trường lúng túng không biết phải thực hiện ra sao, ăn nói với phụ huynh như thế nào.
Chưa biết sử dụng
Ngay từ tháng 10, quận 2 đã triển khai đưa vào sử dụng 30 bộ bảng tương tác tại 20 trường mầm non và tiểu học. Trong quận chỉ có Trường Tiểu học Giồng Ông Tố có phòng học riêng để gắn bảng cố định, còn lại là phải lắp thêm chân di động, lớp nào có tiết thì đưa máy tới.
Bà Phạm Thị Thùy Trang, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận 2, lo ngại: "Dạy thử thì HS rất thích nhưng đến nay các trường và giáo viên vẫn chưa thể sử dụng được vì mới được tập huấn có bốn buổi. Nhiều giáo viên bận đứng lớp không theo học được, nhiều cán bộ quản lý lại lớn tuổi nên ngại tiếp cận công nghệ. Do vậy, công ty phải tập huấn nhiều hơn thì giáo viên mới nắm bắt và sử dụng được".
Trẻ lớp lá Trường Mầm non Vàng Anh, quận 5 đang thao tác trên bảng tương tác trong một tiết học. Ảnh: Phạm Anh
Ngay như tại quận 1, khi triển khai cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD&ĐT quận 1, hiện quận đã đưa bảng tương tác vào sử dụng ở các trường học nhưng với mầm non thì hơi khó vì các trường nhiều điểm lẻ, có trường đến năm điểm nên không biết lắp đặt máy móc như thế nào. Số trẻ năm tuổi lại ít nên nếu chỉ dành cho trẻ năm tuổi học thì trong hai năm không thể thu hồi vốn trả nợ. Vì thế, nhiều trường buộc phải thực hiện theo cách thức, lớp nào sử dụng thì phải đóng tiền, dù đó là lớp 3-4 tuổi.
Làm cho hiệu quả rồi hãy thu tiền!
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 là một trong rất ít trường trong TP có đến bảy bộ bảng tương tác thông minh để phục vụ giảng dạy. Theo bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường, thành quả này là do phụ huynh HS trong trường đã sớm tiếp cận bảng này ngay từ năm 2011 mà không phải góp tiền vì trường trích tiền thưởng của giải ứng dụng khoa học công nghệ tự mua được một bảng. Sau một thời gian tập huấn cho giáo viên, HS được học thử, thậm chí trường mang bảng này xuống sân trường để dạy cho phụ huynh xem. Từ đó phụ huynh thấy thích và đề nghị góp tiền mua thêm các bộ bảng khác để con em mình cũng được tiếp cận với bảng tương tác.
Bà Điệp cho rằng việc phụ huynh và dư luận hoang mang về bảng tương tác là điều dễ hiểu vì họ chưa biết hiệu quả thế nào, mặt mũi cái bảng ra sao mà đã phải đóng tiền. Vì vậy, quan trọng nhất là phải làm sao cho phụ huynh hiểu trước. Phía công ty cũng phải tập huấn kỹ càng và liên tục cho giáo viên vì thiết bị hiện đại đến đâu mà con người không sử dụng được thì cũng vô ích. "Nên chăng TP nên hỗ trợ 100% kinh phí để đưa vào sử dụng một nửa số bảng tương tác theo như kế hoạch để các trường, phụ huynh, HS tiếp cận trước. Nếu thấy hiệu quả và có điều kiện tài chính, phụ huynh sẽ tự nguyện góp tiền để mua sắm thêm thì tốt hơn và không gây lo ngại" - bà Điệp góp ý.
Sẽ đề xuất hỗ trợ 100% cho trường khó khăn
Phát biểu tại tọa đàm "Đổi mới trang thiết bị trường học - những vấn đề đặt ra" do báo SGGP và Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức sáng 12-11, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết ban đầu dự kiến TP sẽ hỗ trợ 100% kinh phí nhưng vì khó khăn về tài chính nên rút lại còn 50%. TP cũng đã giao quận 5 tiến hành đấu thầu theo đúng luật đấu thầu, công ty trúng thầu sẽ là đơn vị chính thức cung cấp trang thiết bị này cho 24 quận/huyện để đảm bảo về chất lượng.
TP sẽ thực hiện theo hai giai đoạn, giai đoạn một cho khối mầm non và tiểu học, giai đoạn hai sẽ là khối THCS và THPT để các trường tiếp cận, làm quen. Trung bình mỗi phụ huynh chỉ đóng 10.000-15.000 đồng/tháng và đóng trong hai năm. Trường nào khó khăn về tài chính, Sở sẽ đề nghị TP hỗ trợ 100%, riêng những HS nghèo sẽ không phải đóng số tiền này.
"Bộ này chỉ để tích hợp trong giảng dạy với các bộ môn khác nhau chứ không phải dạy xuyên suốt. Sở cũng đề nghị phía công ty phải có kế hoạch tập huấn thật nhuần nhuyễn cho giáo viên để phát huy hết hiệu quả. Đồng thời, công ty phải làm việc với các phòng ban chuyên môn của Sở để xây dựng các phần mềm giảng dạy phù hợp" - ông Nam nhấn mạnh.
Đắt tiền vì cộng dồn nhiều chi phí liên quan
Trả lời thắc mắc về vấn đề bộ bảng tương tác do Công ty AIC đang cung cấp cho các trường có giá cao hơn nhiều so với thị trường, bà Hoàng Thị Thúy Nga, Giám đốc Công ty AIC đại diện khu vực phía Nam, giải thích công ty đã thực hiện đấu thầu theo đúng Luật Đấu thầu tại quận 5.
Kinh phí này bao gồm cả thuế nhập khẩu, phí vận chuyển bằng đường biển, phí lắp đặt, đào tạo, tập huấn, phí bảo hành một năm và kinh phí xã hội hóa trả trong hai năm. Một bộ bảng tương tác này gồm đầy đủ các máy móc liên quan như bảng trình chiếu, máy chiếu, chân máy di chuyển, bộ đếm, các phần mềm liên quan....
Hiện đã có 17 quận/huyện triển khai lắp đặt bảng tương tác, bảy quận/huyện đang làm thủ tục, riêng huyện Cần Giờ sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí.
Giải ngân cho kịp tiến độ!
UBND TP.HCM đã phê duyệt dành 2.200 tỉ đồng đầu tư cho giáo dục giai đoạn 2010-2020, trong đó hơn 1.600 tỉ đầu tư cho mua sắm trang thiết bị trường học. Riêng từ năm 2011 đến 2015, TP phải đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy tiếng Anh là 740 tỉ đồng nên ngành giáo dục phải giải quyết cho được theo nhiệm vụ được giao!
Ông Nguyễn Đình Thái Châu, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở GD&ĐT TP.HCM
Theo TNO
TP.HCM mở rộng thí điểm mô hình VNEN Sở GD-ĐT TP.HCM vưa có văn bản hướng dẫn việc triển khai mô hình trường học mới VNEN ở bậc tiểu học. Mô hình trường học mới VNEN (viết tắt của chữ "trường học mới Việt Nam" theo tiếng Tây Ban Nha) được triển khai trong ba năm (2012-2015). Đặc trưng của mô hình này là chuyển đổi hình thức dạy học từ...