Loay hoay giải bài toán thiếu giáo viên tại Thái Bình – Bài 1: Cơ chế ‘làm khó’ trường học
Thiếu giáo viên không còn là câu chuyện mới ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại Thái Bình, tình trạng này diễn ra khá phổ biến.
Năm học 2019 – 2020 tiếp tục là năm học nhiều thách thức đối với ngành Giáo dục tỉnh Thái Bình. Đặc biệt là giải bài toán thiếu giáo viên, nhất là ở các bậc học Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở.
Trường mầm non xã Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) đang trong tình trạng thiếu giáo viên. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Khó khăn khi Nghị định 161 có hiệu lực
Năm nay là năm thứ 7 cô giáo Đặng Thị Huyền dạy học tại Trường Mầm non Thụy Sơn (xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) theo hình thức hợp đồng. Hàng ngày, cô phải có mặt tại trường từ 6 giờ 30 phút và kết thúc ngày làm việc vào 17 – 18 giờ. Công việc vất vả nhưng từ năm 2012 đến nay mức lương của cô không thay đổi nhiều do vẫn là giáo viên được nhà trường thuê dạy.
Cô Đặng Thị Huyền chia sẻ, mức lương hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng không đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Nếu kéo dài tình trạng này, cô không chắc chắn mình sẽ bám trụ, cống hiến với ngành giáo dục đến khi nào.
Đây cũng là tâm tư, trăn trở của nhiều giáo viên thuộc diện hợp đồng tại tỉnh Thái Bình. Cô Đặng Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụy Sơn (xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy) cho biết, Nhà trường hiện có 17 nhóm, lớp với 606 trẻ, gồm 5 nhóm trẻ và 12 lớp mẫu giáo. Theo Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, các cơ sở giáo dục mầm non bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học hai buổi/ngày sẽ bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp.
Video đang HOT
Tính theo định mức 2 giáo viên/lớp, nhóm trẻ, Trường Mầm non Thụy Sơn sẽ phải có ít nhất 34 giáo viên. Tuy nhiên thực tế, nhà trường hiện chỉ có 32 giáo viên đứng lớp, không đủ so với định mức quy định tại Thông tư liên tịch 06. Mặt khác, trong số giáo viên này, cũng chỉ có 12 giáo viên trong biên chế, còn lại là giáo viên hợp đồng trong diện được đóng bảo hiểm hoặc được nhà trường thuê phục vụ công tác dạy học. Không chỉ vậy, trong 3 năm tới, Nhà trường sẽ có 5 giáo viên nghỉ hưu. Nếu không được bổ sung, tình trạng thiếu giáo viên của Trường Mầm non Thụy Sơn sẽ tiếp diễn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của nhà trường.
Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Hường cho biết thêm, những năm học trước, Trường Mầm non Thụy Sơn dùng kinh phí của trường để trả lương cho giáo viên dạy hợp đồng để có đủ giáo viên đứng lớp, bảo đảm 2 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, từ năm học 2019 – 2020 sẽ không còn hình thức hợp đồng do hiệu trưởng ký kết không thông qua thi hoặc xét tuyển theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là khó khăn chung của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh trong điều kiện thiếu giáo viên, đặc biệt là thiếu giáo viên mầm non diễn ra ở nhiều nơi và kéo dài nhiều năm học.
Ông Nguyễn Duy Cam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết, chỉ tính riêng năm học 2019 – 2020, toàn huyện cần có 1.006 giáo viên mầm non. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 796 giáo viên biên chế và hợp đồng, hiện còn thiếu 210 giáo viên. Hơn nữa, trong năm học này, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng hơn, do vậy việc thiếu giáo viên mầm non là vấn đề đáng lo ngại và cần sớm được quan tâm giải quyết.
Thiếu do dành biên chế cho giáo viên Ngoại ngữ
Thiếu giáo viên không chỉ diễn ra ở bậc mầm non mà cấp tiểu học cũng trong tình trạng tương tự. Thầy Đỗ Đình Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Hội (xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư) cho biết, năm học này, trường có gần 900 học sinh, với 25 lớp học, 35 giáo viên, cán bộ nhân viên trong biên chế. Việc thiếu giáo viên là thực trạng kéo dài nhiều năm nay tại đơn vị này. Hiện trường có 2 giáo viên tin học theo hình thức hợp đồng.
Theo Thông tư liên tịch 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, đối với trường Tiểu học dạy 2 buổi/ngày được bố trí biên chế không quá 1,5 giáo viên/lớp. Chiếu theo định mức này, Trường Tiểu học Vũ Hội phải có 38 giáo viên, nhân viên trong biên chế song hiện nay trường chỉ có 35 biên chế.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên nhiều năm nay, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Hội cho rằng, theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành quy định tại Quyết định số 16/2006/QĐ- BGDĐT, môn Ngoại ngữ và Tin học là môn học tự chọn, các trường bắt đầu thực hiện từ lớp 3. Tại Thái Bình, từ nhiều năm nay, môn Ngoại ngữ đã được xem là môn học quan trọng như những môn học văn hóa khác, học sinh tiếp cận với 2 môn học tự chọn, đặc biệt là Ngoại ngữ từ rất sớm.
Quan điểm này của tỉnh được đánh giá đi trước một bước theo xu thế hội nhập, dự đoán về nhu cầu khả năng sử dụng Ngoại ngữ. Để tạo động lực cho đội ngũ giáo viên dạy Ngoại ngữ bậc Tiểu học trên địa bàn, nhiều năm nay, tỉnh Thái Bình đã xếp giáo viên Ngoại ngữ vào biên chế. Đây cũng là mấu chốt khiến nhiều trường Tiểu học tại Thái Bình bị thiếu giáo viên so với định mức biên chế được giao do đã dành một phần biên chế cho giáo viên Ngoại ngữ.
Thầy Nguyễn Văn Chanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Sơn (xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy) cho biết, do thiếu giáo viên, nhà trường đang phải thuê thêm 3 giáo viên dạy các môn văn hóa, Tin học và Ngoại ngữ để đáp ứng đủ số tiết học theo quy định, đảm bảo quyền lợi của học sinh. Đặc biệt, năm 2019, khi Nghị định 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực, Nhà trường chưa có hướng giải quyết đối với các giáo viên dạy hợp đồng bởi nếu không hợp đồng thêm giáo viên sẽ không đủ giáo viên dạy. Nhưng ký hợp đồng giáo viên lại không nằm trong quyền hạn được quy định. Vì vậy, nhà trường trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong năm học này.
Bài 2 – Cần sớm có giải pháp đồng bộ
Thu Hoài
Theo TTXVN
Giáo dục mầm non: Cả nước thiếu hơn 49.000 giáo viên, 89 xã chưa có trường
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, giáo dục mầm non ở nước ta đang thiếu giáo viên trầm trọng, tới hơn 49.000. Cả nước có gần 10.000 phòng học tạm, học nhờ, 89 xã chưa có trường độc lập.
Ảnh minh họa
Tình trạng thiếu giáo viên gây áp lực lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhiều địa phương thiếu hơn 1.000 giáo viên mầm non như: Sơn La (3.355); Thái Bình (3.167); Thanh Hóa (2.877); Bình Dương (2.811); Gia Lai (2.572); Vĩnh Phúc (2.300); Nghệ An (1.939); Hải Dương (1.823); Đồng Nai (1.762); Hưng Yên (1.742); Bắc Ninh (1.479); Nam Định (1.169); Bắc Giang (1.019); Kiên Giang (1.008).
Tỉ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương rất thấp, điển hình như: Kiên Giang (1,47); An Giang (1,44); Gia Lai (1,4); Kon Tum (1,36); Trà Vinh (1,32).
Bộ GD-ĐT đã đề xuất bổ sung hơn 20.000 biên chế GVMN cho 14 địa phương tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên, bao gồm: Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Bắc Ninh, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Kon Tum, Đăk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Nông.
Cũng theo số liệu thông kê, hiện nay, cả nước có 5.159 phòng học tạm, 3.789 phòng học nhờ, 89 xã chưa có trường mầm non độc lập.
Thanh Hóa, Hà Giang là hai tỉnh có cả lượng phòng học tạm và phòng học còn thiếu cho trẻ mầm non thuộc top đầu cả nước. Số phòng học tạm của Thanh Hóa là 862, số lượng phòng học thiếu là 948. Hà Giang có số phòng học tạm là 397, số phòng học thiếu là 384.
Một số tỉnh thiếu nhiều phòng học khác như: Cà Mau (859), Hải Dương (409), Sơn La (391).
Khánh Hòa
Theo vietnamnet
Đức sẽ thiếu giáo viên tiểu học trầm trọng vào năm 2025 Một nghiên cứu mới từ Tổ chức Bertelsmann ước tính nước Đức sẽ thiếu ít nhất 26.300 giáo viên tiểu học vào năm 2025, cao hơn nhiều so với con số tính toán hồi năm 2018 là 15.300 giáo viên. Một lớp học ở Đức - Chụp màn hình Dw.com Giới chuyên gia phát hiện Đức sẽ cần có thêm 11.000 giáo viên...