Loạt smartphone cao cấp nổi bật nửa cuối năm
Điện thoại cao cấp của Apple, Samsung, Sony, Vivo đều được trang bị chip mạnh, kết nối 5G, camera nhiều ống kính hỗ trợ đa tính năng chụp ảnh.
Samsung Galaxy Z Fold3
Smartphone gập cao cấp nhất của Samsung được bán tại Việt Nam giữa tháng 9 với giá từ 42 triệu đồng. Máy sử dụng màn hình ngoài 6,2 inch, màn hình trong 7,6 inch với tần số quét 120 Hz. Sản phẩm có ba camera sau đều 12 megapixel, camera trước 10 megapixel và thêm một camera 4 megapixel ẩn dưới màn hình.
Galaxy Z Fold3 tương thích với bút S Pen, chống nước IPX7, pin 4.400 mAh và sạc nhanh 25 W. Máy chạy Android 11 với giao diện One UI mới nhất hỗ trợ nhiều tính năng cho màn hình gập.
iPhone 13 Pro và 13 Pro Max
iPhone 13 Pro và 13 Pro Max được bán chính hãng từ ngày 22/10 với giá khởi điểm lần lượt là 30,99 và 33,99 triệu đồng. Cả hai không đổi thiết kế so với thế hệ cũ, vẫn sử dụng màn hình 6,1 inch và 6,7 inch, nhưng tai thỏ nhỏ hơn. Máy có bốn màu xanh, xám đen, vàng và bạc.
Dòng Pro mới lần đầu sử dụng màn hình Promotion cho phép điều chỉnh tần số quét từ 10 Hz đến 120 Hz. Cụm ba camera có cùng độ phân giải 12 “chấm” và cảm biến lidar, bổ sung nhiều tính năng mới. Sản phẩm sử dụng chip A15 Bionic, đồ họa 5 lõi, hỗ trợ quay video ProRes, và có bốn phiên bản bộ nhớ từ 128 GB đến 1 TB.
Sony Xperia 1 III
Smartphone cao cấp của Sony được giới thiệu giữa tháng 7 với giá 34,99 triệu đồng. Máy giữ thiết kế Ommi Balance đặc trưng, màn hình OLED 4K 6,5 inch với tần số quét 120 Hz và tỷ lệ 21:9. Sony là hãng smartphone duy nhất hiện không làm màn hình đục lỗ hay tai thỏ.
Sản phẩm sử dụng chip Snapdragon 888, RAM 12 GB, pin 4.500 mAh, sạc nhanh 30 W, vẫn có cổng tai nghe 3,5 mm và chống nước IP68. Xperia 1 III có hệ thống ba camera cùng độ phân giải 12 megapixel và cảm biến 3D TOF. Trong đó, camera tele có khả năng chuyển đổi tiêu cự 70 mm và 135 mm. Máy thu hút với tính năng chụp 20 khung hình mỗi giây, lấy nét và nhận diện mắt, kể cả mắt động vật…
Samsung Galaxy Z Flip3
Galaxy Z Flip3 ra mắt cùng Z Fold3 và có giá từ 25 triệu đồng. Sản phẩm có thiết kế nhỏ gọn với 7 màu sắc và đa dạng phụ kiện. Màn hình chính có kích cỡ 6,7 inch, tốc độ làm tươi 120 Hz và camera trước dạng đục lỗ nhỏ. Bên ngoài có thêm màn hình phụ 1,9 inch, hỗ trợ hiển thị thông báo, ảnh chụp từ camera… Máy sử dụng pin 3.300 mAh, sạc nhanh 15 W và sạc không dây 10 W.
Z Flip3 được trang bị chip Snapdragon 888, RAM 8 GB, khả năng chống nước IPX7 và hai phiên bản bộ nhớ trong là 128 GB và 256 GB.
iPhone 13 mini và iPhone 13
iPhone 13 mini và iPhone 13 có màn hình 5,4 inch và 6,1 inch với giá lần lượt là 21,99 triệu và 24,99 triệu đồng. Thiết kế máy không khác biệt so với thế hệ trước ngoài tai thỏ nhỏ hơn và cụm camera được đặt chéo thay vì thẳng hàng.
Video đang HOT
Camera là điểm nâng cấp lớn nhất của sản phẩm. Camera chính có khẩu độ f/1.6, cảm biến lớn hơn 47% so với trên iPhone 12 và thừa hưởng công nghệ sensor-shift giống 12 Pro Max giúp chống rung tốt hơn. Camera thứ hai có góc siêu rộng, khẩu độ f/2.4, còn máy ảnh selfie TrueDepth hỗ trợ tính năng Center Stage.
Bộ đôi tích hợp chip A15 Bionic, với các phiên bản bộ nhớ trong là 128 GB, 256 GB và 512 GB, không còn bản 64 GB.
Vivo X70 Pro
Ra mắt cuối tháng 9, Vivo X70 Pro có giá 20 triệu đồng. Sản phẩm được làm vuông vắn với khung kim loại và mặt lưng kính. Màn hình sử dụng tấm nền AMOLED 6,56 inch, độ phân giải Full HD với tần số làm tươi 120 Hz.
Camera trước của máy có độ phân giải 32 megapixel. Vivo hợp tác với hãng Zeiss phát triển cụm máy ảnh phía sau. Trong đó, camera chính 50 megapixel trang bị công nghệ chống rung gimbal cho phép di chuyển theo 5 hướng, được hãng khẳng định chống rung tốt hơn ba lần so với OIS hiện nay. Ba camera còn lại gồm ống tele 12 megapixel hỗ trợ zoom quang 2x, ống tiềm vọng 8 megapixel có zoom quang 5x và ống góc siêu rộng 12 “chấm” hỗ trợ chụp macro.
X70 Pro trang bị chip xử lý Dimensity 1200-vivo hỗ trợ kết nối 5G, RAM 12 GB và bộ nhớ trong 256 GB. Máy có pin 4.450 mAh hỗ trợ sạc nhanh 44 W
Đánh giá Samsung Galaxy Z Fold3: Khi Samsung hoàn toàn thoát khỏi cái bóng Apple
Kể từ khi ra mắt dòng Galaxy Z series với thiết kế màn hình gập, Samsung đã dần thay đổi cách nhìn nhận của người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Họ không chỉ là một hãng sản xuất điện thoại như bao kẻ khác - vốn cố gắng cạnh tranh để chiếm lấy thị phần và vượt qua cái bóng Apple - mà ngược lại, lần đầu tiên tạo được phân khúc điện thoại cao cấp ở ngưỡng trên 40 triệu đồng khiến nhiều người không thể làm ngơ.
Với một người tiêu dùng có dư dả tiền trong túi, họ không muốn 1 chiếc smartphone trông giống với hàng triệu sản phẩm khác trên thị trường và đó là lúc Samsung ra tay, với một form-factor hoàn toàn mới.
Thiết kế màn hình gập đã tạo một bước ngoặt lớn cho nhà Samsung, đem đến một kỷ nguyên trải nghiệm mới trên smartphone và hơn hết là thôi thúc nhiều người dùng muốn tìm đến để có được sự độc nhất. Dẫn chứng là trong đợt đặt hàng tháng 10 vừa qua, Galaxy Z Fold3 và Galaxy Z Flip3, thế hệ điện thoại màn hình gập mới nhất của Samsung, đã "cháy hàng" sau khi nhận được tổng cộng 10.000 đơn đặt hàng. Con số này cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng với dòng sản phẩm này ngày càng lớn qua từng thế hệ.
Trong số hàng chục ngàn người này, sẽ có những người muốn nếm trải nghiệm mới, tìm đến sự độc đáo, muốn người khác ngắm nhìn, hoặc thậm chí là vì cảm giác FOMO (Fear Of Missing Out). Nhưng, còn với tôi, một người chỉ đứng vai trò mượn sản phẩm để trải nghiệm, liệu có thấy chiếc điện thoại màn hình gập này xứng đáng không? Hay nói cách khác, Galaxy Z series này có gì mà hàng nghìn người sẵn sàng bỏ tiền ra để sở hữu?
Đây là câu hỏi đầu tiên mà không ít người bạn đã hỏi tôi trong những ngày qua trước khi xuống tiền mua máy. Trả lời một cách công tâm, bản thân tôi thích cả Galaxy Z Fold3 lẫn Galaxy Z Flip3, bởi mỗi cái có mục đích sử dụng khác nhau.
Với tôi, khi ra đường cầm Z Flip3 sẽ tiện hơn, bởi nó đúng nghĩa là một chiếc điện thoại "compact" khi có thể nhét gọn túi quần hay túi áo. Xu hướng smartphone đang ngày càng có thiết kế to ra vô tình làm cho trải nghiệm đi lại của chúng ta đôi khi gặp khó khăn, ví dụ như ngồi xe máy bị cấn túi quần chỉ vì chiếc flagship phone quá to chẳng hạn.
Ở Galaxy Z Flip3, tôi có thể gấp đôi nó lại cho gọn hơn, và "bật nắp" ra để dùng. Ngoài cái vẻ thanh lịch, độc lạ khi có thể gấp lại và trải nghiệm gọn gàng khi di chuyển, chiếc điện thoại này có thực sự mang lại trải nghiệm gì khác không? Câu trả lời là cũng còn tùy! Tôi có thể đọc 1 văn bản nhiều chữ, đọc 1 tờ báo online dễ dàng với chiếc điện thoại này nhờ tỉ lệ hiển thị khá dài theo chiều dọc, nhưng ngược lại khi xem phim hay chơi game, nó lại không hề tối ưu lắm.
Trải qua nhiều tháng giãn cách ở nhà, tôi lại dần chuyển sự quan tâm của mình sang chiếc Galaxy Z Fold3 nhiều hơn. Không thể phủ nhận rằng Galaxy Z Flip3 có những điểm hay riêng, nhưng dùng nó để trải nghiệm tại nhà thì lại không có gì ấn tượng cả.
Chắc chắn bất cứ ai Work From Home trong thời gian qua đều đã từng cảm thấy đôi lúc chán nản, tù túng trong 4 góc tường, bản thân tôi cũng như thế. Và thật bất ngờ khi tôi dần nhận ra, những hành động tìm nguồn cảm hứng trong công việc của tôi mỗi ngày đều không thể thiếu vắng bóng dáng của chiếc Galaxy Z Fold3.
Tôi là người thích ngồi làm việc tại các quán cafe, đi đây đi đó để tìm thêm cảm hứng cho công việc, vì vậy ngồi yên ở nhà đúng nghĩa là cực hình. Tình thế bắt buộc tôi phải tự tìm ra nguồn cảm hứng trong phòng mình, và Galaxy Z Fold3 cũng góp công không ít.
Khi ngồi trên ghế làm việc quá lâu, cột sống bắt đầu báo tín hiệu cần được thư giãn và đó cũng là lúc tôi tìm đến ghế sofa. Ngày trước tôi sẽ dùng laptop để ngồi trên sofa làm việc, nhưng giờ đây mọi thứ đã khác: Galaxy Z Fold3 được cầm trên tay nhiều hơn, xử lý được không ít công việc thay cho laptop.
Hay như những lúc lười cầm sách đọc, chỉ cần một thao tác mở màn hình bên trong của Z Fold3, tôi đã biến nó thành một cuốn sách điện tử to khá tiện lợi, lại vẫn có thể kiểm tra được tin nhắn của team để xử lý, phân công công việc mà không phải để laptop kề bên. Thú thật rằng thời gian qua, có những ngày tôi dùng Galaxy Z Fold3 để xử lý công việc nhiều hơn cả laptop, chắc có vẻ vì lười và cũng vì nó có màn hình to nên... tiện đủ đường.
Không ít người sẽ có suy nghĩ rằng dùng Galaxy Z Fold series là phải mở màn hình ra mọi lúc mọi nơi, giống như những clip quảng cáo của Samsung vậy. Nhưng thực tế sử dụng, tôi lại không thấy như vậy. Có lẽ vì thói quen dùng điện thoại với kiểu hiển thị dọc nên tôi vẫn lướt ngón tay thường xuyên ở màn hình ngoài hơn, ở đây tôi có thể kiểm tra nhanh email, trả lời tin nhắn, thậm chí là lướt web hoặc google nhanh một số thông tin.
Nhưng cũng vì thói quen dùng màn hình ngoài nhiều hơn mà tôi nhận ra một thứ khá khó chịu ở chiếc Fold3 này: chiều ngang màn hình quá hẹp khiến cho bàn phím bị bóp lại và kết quả là tôi thường xuyên gõ nhầm chữ. Có một nghịch lý là đa phần tôi sử dụng màn hình ngoài để trả lời nhanh tin nhắn, xử lý nhanh một tác vụ nào đó mà bỗng dưng chỉ vì cái tỉ lệ màn hình oái oăm mà tôi đã mất rất nhiều thời gian hơn chỉ để... xóa ký tự bị gõ nhầm.
Vậy còn màn hình bên trong, tôi sẽ dùng cho những lúc nào? Đó là khi tôi cần xem nội dung nào rõ hơn, ví dụ như có bức ảnh nào đó thú vị xuất hiện trên website hoặc mạng xã hội, tôi sẽ mở ra bên trong để xem với kích thước to hơn. Tương tự như xem phim, đọc sách, gõ văn bản hay chỉnh sửa ảnh..., tôi cũng đều làm thao tác này.
Cái hay của Galaxy Z Fold3 là tính liên tục, có nghĩa khi bạn đang xem nội dung nào đó ở màn hình ngoài, thay vì dùng ngón tay để zoom lên cho rõ hơn thì có thể mở ngay màn hình bên trong ra và mọi thứ sẽ được tiếp diễn ở màn hình to một cách nhanh chóng và không cần thêm thao tác gì khác.
Có rất nhiều thứ bàn về phần màn hình, bởi đây được xem là "linh hồn" tạo nên sự sang chảnh của Galaxy Z Fold3. Là người đã từng trải nghiệm qua tất cả các đời smartphone màn hình gập của Samsung, tôi phải thú thật rằng rất sợ cảnh một ngày nào đó tấm phim dẻo ấy dở chứng và hỏng mất. Nhưng may sao khi lên đến phiên bản thứ 3 này, Samsung đã làm cho nó bền hơn trước 30%, điều đó làm tôi yên tâm hơn chút đỉnh trong những lần gập mở hay di chuyển các ngón tay liên tục khi chơi game.
Samsung còn tăng thêm độ bền cho chiếc smartphone màn hình gập này khi trang bị khả năng chống nước IPX8, tức có thể sống sót ở độ sâu tầm 1 mét. Tất nhiên tôi cũng chẳng mang chiếc điện thoại này đi bơi làm gì, nhưng nó có một ưu điểm cực lớn trong thời điểm dịch hiện tại, đó là tôi có thể thoải mái xịt cồn khử khuẩn hoặc thậm chí là rửa điện thoại với nước vòi hàng ngày để nó trông sạch hơn cũng như tránh các vi khuẩn độc hại.
Một điều cần lưu ý là vết gập giữa vẫn còn đó và bạn nên chấp nhận sự xuất hiện này nếu chọn mua sản phẩm có màn hình gập, ít nhất là tại thời điểm hiện tại và trong tương lai gần. Ban đầu tôi vẫn khó chịu đôi chút nhưng khi dùng dần rồi lại thấy quen, nhất là khi cầm dọc thì nó không ảnh hưởng tới cảm giác vuốt bởi chúng ta cuộn trang web, cuộn app, Facebook, Instagram... thì đều là theo chiều dọc và chẳng bao giờ phải vuốt vào cái mép giữa màn hình cả. Ngược lại với Z Flip3, bạn lại phải "cấn cấn" ngón tay mỗi khi vuốt hàng ngày đấy.
Thêm nỗ lực khác của Samsung khi cố gắng làm hài lòng và tăng trải nghiệm của người dùng chính là đây: camera ẩn dưới màn hình. Dù nói là ẩn, chúng ta vẫn có thể thấy nó hiện diện nếu nhìn kỹ, nhưng cũng giống như phần nếp gấp giữa của màn hình, bạn sẽ nhanh chóng quên nó mỗi khi chơi game hay xem phim, bởi dẫu sao diện tích chiếm dụng của chiếc camera này khá nhỏ. Nếu có thể gửi một lời góp ý, tôi chỉ mong Samsung loại luôn phần camera này ở phiên bản sau vì người dùng có thể tận dụng camera sau để selfie với chất lượng tốt hơn nhiều.
Nhìn tổng quan về chất lượng màn hình, Galaxy Z Fold3 khiến tôi rất hài lòng khi tấm nền Dynamic AMOLED 2X cho màu sắc sặc sỡ, đặc biệt là hỗ trợ HDR10 nên xem các nội dung phim rất thích. Bên cạnh đó, việc trang bị bộ loa kép trên máy càng giúp cho trải nghiệm giải trí của người dùng được nâng cấp hơn hẳn. Nhìn chung, nếu bạn cần một chiếc tablet mini để giải trí thì đây chính là sản phẩm vô cùng phù hợp.
Sử dụng một chiếc smartphone cho công việc có được không? Đó là thắc mắc của không ít người nhưng thực tế nó vẫn còn tùy vào tính chất công việc của mỗi cá nhân. Trước đây một chiếc điện thoại có kích thước màn hình tầm 6 đến 6.8" theo tôi vẫn chưa thể đáp ứng được các tác vụ của công việc. Tất cả những gì tôi có thể làm với một chiếc điện thoại đó chỉ là xem lại văn bản, đọc/soạn thảo email hay liên lạc với các thành viên trong công ty thông qua các công cụ Messenger hay Whatsapp..., còn để soạn thảo văn bản hoàn chỉnh thì tôi thà chuyển sang tablet hoặc laptop.
Sinh ra màn hình gập với kích thước hiển thị lớn hơn ở Galaxy Z Fold3 đã giải quyết được thêm bài toán này. Nhờ không gian màn hình rộng rãi, tôi có thể dùng nó để soạn thảo bài viết này dễ dàng hơn thay vì phải nheo mắt để đọc như với các smartphone thông thường. Tất nhiên chúng ta có thể zoom cỡ chữ lên ở các smartphone khác, nhưng bù lại số dòng hiển thị bị hạn chế cũng khiến trải nghiệm bị ảnh hưởng, từ đó giảm hiệu suất công việc - điều mà chẳng ai muốn.
Samsung DeX là một giải pháp khác mà tôi rất ưng ý ở nhà Samsung. Ứng dụng này được phát triển từ nhiều năm qua, nhưng đến phiên bản hiện tại nó đã thể hiện được sự chín muồi khi người dùng có thể thoải mái kết nối không dây với máy tính để tiếp tục xử lý công việc, có thể tưởng tượng như đây là một CPU riêng và phóng lên màn hình to hơn, đa nhiệm, tận dụng bàn phím và chuột ngoài để có thể tăng hiệu suất công việc hơn.
Cũng nhờ DeX, tôi có thể kéo thả các file, hình ảnh, video từ điện thoại sang máy tính hoặc ngược lại một cách dễ dàng, thay cho trước đây cần phải cắm cáp. Chỉ cần một thay đổi nhỏ thôi nhưng trải nghiệm có thể sẽ khác đi nhiều, đó là những gì mà Samsung đang cố mang đến cho người dùng và tôi cho rằng đây là điểm đáng khen của họ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những gì bạn xử lý trên DeX cũng vẫn trong khuôn khổ của các ứng dụng Android, tức có nghĩa chúng ta chỉ có thể xử lý những thứ đơn giản như văn bản, bảng tính, chỉnh sửa hình ảnh đơn giản hay chơi game, còn một số công việc đặc thù sẽ không bao giờ thay thế được bởi đa phần chúng vẫn nằm ở nền tảng Windows và MacOS.
Cụm camera chính của Galaxy Z Fold3 bao gồm 3 ống kính: góc rộng, góc siêu rộng, tele zoom 2x tích hợp chống rung OIS và đều sở hữu độ phân giải 12MP. Chất lượng hình ảnh theo đánh giá nhanh là khá ổn, màu sắc tươi tắn đúng với cái chất của Samsung từ trước đến nay, đặc biệt khả năng xử lý xóa phông cũng đã cải thiện đáng kể, ít tình trạng bị lem như trước đây.
Bên cạnh đó, một yếu tố khiến Galaxy Z Fold3 lần này sẽ thu hút người dùng hơn trước là giờ đã hỗ trợ 2 SIM vật lý thay cho 1 SIM vật lý 1 eSIM như ở phiên bản tiền nhiệm. Với việc người dùng Việt Nam đã có thói quen sử dụng điện thoại 2 SIM và chưa sẵn sàng để đổi eSIM thì rõ ràng đây lại là điểm sáng giá để chiếc smartphone màn hình gập này "mời gọi" rút hầu bao.
Còn bây giờ, nếu có dư dả trong tay số tiền này, tôi nghĩ Galaxy Z Fold3 là một lựa chọn độc nhất mà không có chiếc điện thoại nào khác có thể cạnh tranh được. Đã bao năm Samsung bị gán với mác đi theo bóng Apple thì giờ đây họ đã có thể dõng dạc bước đi trên một con đường riêng, nơi mà chưa có kẻ nào khai phá và Galaxy Z Fold series đang đạt được những thành công lớn ở chặng đường này.
Galaxy Z series 'cháy hàng', người Việt hứng thú với smartphone gập Ra mắt bộ đôi smartphone gập có tích hợp 5G, Samsung ghi nhận đơn đặt hàng kỷ lục tại Việt Nam, tình trạng "cháy hàng" diễn ra ở nhiều kênh phân phối. Từ đầu tháng 10, tương ứng đợt mở bán thứ 2 của Galaxy Z series, hơn 10.000 đơn được ghi nhận, cho thấy nhu cầu thị trường trong nước dành cho...