Loạn trung tâm gia sư
Thế nhưng thay vì ý nghĩa tích cực của nghề nghiệp cao quý vốn có, tình trạng “loạn” phí dịch vụ, “loạn” chất lượng không ai kiểm soát của các TTGS đã và đang gây nên không ít tình cảnh “dở khóc dở cười” cho những sinh viên và cả phụ huynh.
Sinh viên làm gia sư: khóc!
Với mục đích chỉ kiếm lợi nhuận, sống chết… khách hàng lo, không ít các TTGS có những hoạt động mờ ám.
Để có một công việc làm thêm vào những lúc không phải tới lớp, nhiều sinh viên tìm đến các TTGS, nhưng không ít trong số họ đã gặp phải cảnh oái oăm. An (sinh viên (SV) năm thứ 3 ĐH Văn Hiến) đến một TTGS trên đường Hồng Lạc, quận Tân Bình để tìm việc. Sau một hồi chọn lớp dạy cô quyết định chọn thông tin trên tờ giấy mang mã số 232 có ghi lịch: dạy lớp 6, môn Toán, Lý, Anh, tuần 3 buổi, lương 600.000đ. Thủ tục làm hợp đồng diễn ra nhanh chóng, không cần phải xuất trình giấy tờ cá nhân, đến cả thẻ sinh viên TT cũng không quan tâm. Lo chi vì hợp đồng của cô có cam kết rõ ràng: dạy một tuần. Nếu không đồng ý thì quay lại TT sẽ được hoàn lại tiền phí.
Video đang HOT
Để khỏi “tiền mất, tật mang”, phụ huynh và sinh viên hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi tìm tới các trung tâm gia sư.
Tìm tới đúng địa chỉ, dạy chưa hết buổi, cô bàng hoàng trước thằng bé con chủ nhà vừa ngỗ ngược, vừa ngang tàng. Bất lực trước tính cách của đứa bé An quay lại TT mong được hoàn khoản phí dịch vụ. Song cô đã thất vọng khi nghe anh nhân viên TT nói: “TT không hoàn phí vì phụ huynh của học sinh (HS) đã nhận cô rồi”!
Lan (SV năm thứ 3, Trường ĐH KHXH&NV), thì gặp phải tình cảnh oái oăm hơn. Đóng 200.000đ phí dịch vụ, cô được giới thiệu tới nhà HS. Song cô thật sự “sốc” khi biết học trò của mình bị bệnh trầm cảm. Cả ngày cậu bé lầm lì ít nói, thỉnh thoảng còn nổi “quạu”, hung hăng mấy lần muốn “choảng” cả cô giáo. Quá hoảng, cô quay lại TT phản ánh thì được giải thích: “Đó không phải là việc của TT. Việc đó em phải tự thoả thuận với gia đình học sinh”. Vậy là thu nhập làm thêm đâu chưa thấy, đã mất không 200.000đ…
Không chỉ “nuốt” lời cam kết, có những TT lại duy trì hoạt động dựa trên những “kinh nghiệm nhà nghề”, bằng cách dạy SV… nói dối! Ví dụ như trước khi tới dạy, nhân viên các TT “dặn dò”: “Nhớ nói mình đang là SV Trường Đại học Sư Phạm, đang học năm thứ tư, phải nói như vậy phụ huynh sẽ mới nhận” hay: “Nếu bị phụ huynh hỏi giấy tờ thì nói: “Em để ở TT gia sư để làm tin rồi”…
Phụ huynh cũng… “nổi đoá!”
Chúng tôi tìm đến một TTGS trên đường Trần Văn Đang, quận 3 với yêu cầu tìm việc làm cho em gái đang là SV. Nhân viên TT nói: “Lớp nào cũng có, muốn dạy ở đâu cũng được. Nhưng nếu muốn có lương cao thì em của các chị phải giả là giáo viên, hoặc là SV năm cuối của ĐH Sư phạm TP HCM. Vì nếu là SV, trung bình dạy mỗi tuần 5 buổi thì cũng chỉ được khoảng 600.000 đồng. Nhưng nếu là giáo viên hay SV sư phạm thì có thể có mức lương từ 800.000 đến 1 triệu đồng/ tháng”.
Không ít phụ huynh đã “mắng vốn” thậm chí “nổi đoá” khi khám phá ra “chiêu” biến SV thành giáo viên của các TT. Chị Nguyễn Thị Thương, nhà ở quận 9 bức xúc: Con tôi chuẩn bị học thi học kỳ, tôi đã nói rõ tìm giáo viên dạy cho con mình môn Văn. Cứ tưởng trung tâm giới thiệu giáo viên thật, nào ngờ mới dạy được 2 tuần thì “giáo viên” bỗng “hóa” thành SV khi trong “giáo án” của “cô giáo” lọt ra ngoài tấm thẻ SV.
Một phụ huynh nhà quận 5 lại kể: Tôi tìm gia sư về dạy cho đứa con trai duy nhất đang học lớp 5. Ghé ngang một TTGS trong quận, nhờ tìm giáo viên. Người tới dạy xưng là giáo viên X. đang dạy ở Trường Tiểu học Kỳ Đồng, quận 3. Nhưng khi liên lạc đến trường, Ban giám hiệu cho hay trường không có thầy giáo nào tên như vậy?
Qua những câu chuyện của các SV, chúng tôi còn được biết, có không ít những TT gia sư lập lên chỉ để “cất một mẻ” rồi biến mất một cách khó hiểu.
Từ những ghi nhận trên cho thấy rất cần thiết có ngay những đợt kiểm tra gắt gao của các ngành chức năng và chính quyền địa phương với hoạt động hành nghề của các TTGS. Chấm dứt tình trạng hoạt động bát nháo của những TTGS có những sai phạm.