Loạn chuẩn tiếng Việt: Rối bời phiên âm, chuyển tự
Trong nhà trường, văn bản hành chính và các phương tiện truyền thông ở Việt Nam, tên riêng tiếng nước ngoài đang được sử dụng hết sức tùy tiện.
Đối với tên riêng tiếng nước ngoài khi dùng trong sách giáo khoa và trên các phương tiện truyền thông, việc phiên âm ra tiếng Việt hay giữ nguyên dạng là rất quan trọng vì nó tác động đến sự phát triển tư duy, trình độ văn hóa và cảm thức thẩm mỹ của cả một hoặc nhiều thế hệ.
Hại nhiều hơn lợi
Với quan điểm “phải tôn trọng tuyệt đối người bản ngữ”, GS-TS Đinh Văn Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học ứng dụng, Khoa Ngôn ngữ học – Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, cho rằng các tên riêng nước ngoài phải được phiên sang âmtiếng Việt khi sử dụng (ví dụ: Moskva -> Mát-xcơ-va, Indonesia -> In-đô-nê-xia, Washington -> Oa-sinh-tơn).
Ông dẫn lý luận của F. de Saussure, cha đẻ của ngôn ngữ học đại cương: “Ngôn ngữ học đồng đại chỉ chấp nhận quan điểm duy nhất: Quan điểm của người bản ngữ” và khẳng định: dân gian ta có câu “nhập gia tùy tục”, ngôn ngữ cũng vậy. Việt Nam có gần 90 triệu dân, nhiều lắm là khoảng 30% dân số biết ngoại ngữ, vậy tại sao không phiên âm, chuyển tự mà để nguyên dạng tên riêng nước ngoài trên sách, báo, đài… tiếng Việt?
Tuy nhiên, trong giới nghiên cứu, rất ít người đồng tình với quan điểm nói trên. GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, chỉ ra nhiều bất cập: “Phiên âm hỗn loạn: Người Hà Nội trong phát âm không phân biệt được [s]/[x] nên tên của nhà viết kịch vĩ đại người Anh Shakespeare khi thì phiên thành Xếch-xpia, khi thì Sếch-spia; Newton có người đọc Niu-tơn, có người đọc Niu-tân. Phiên âm do phát âm sai: Đội bóng Tottenham được phiên âm là Tốt-ten-ham, đúng ra phải là Tôt-nâm; đội Fulham được phiên là Ful-ham, đúng ra phải phiên thành Ful-lâm vì trong các danh từ này, h là âm “câm”, không phát âm. Phiên âm gây phản cảm: HLV tuyển Đức là Joachim Loew – có nơi phiên thành Hoa-kim lớp, có khi phiên thành… Xoa-chim lâu! Danh thủ người Brazil Ronaldinho được phiên âm là Rô-na-đit-nhô. Tên của chủ tịch Hạ viện Thái Lan (Somsak Kiatsuranont) được một tờ báo phiên âm thành Sổm sặc Kiệt-sụ-ra-nôn”.
Một bìa sách của NXB Mỹ thuật viết “Thánh Dóng” nhưng ở một bìa khác cũng của NXB này lại viết “Thánh Gióng”.
Về hiện trạng phiên âm, chuyển tự tên riêng tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt, PGS-TS Đoàn Lê Giang, Khoa Văn học và Ngôn ngữ – ĐH KHXH&NV TPHCM, nêu thực trạng đáng giật mình: Người Việt Nam chúng ta trước nay đã đọc/viết gần như toàn bộ nhân danh/địa danh Trung Quốc bằng âm Hán – Việt, như: Khổng Tử, Lưu Bang, Lỗ Tấn, Giang Thanh, Đặng Tiểu Bình, Mạc Ngôn, Hồng Lỗi, Bắc Kinh, Tô Châu, Tây Tạng…; thậm chí nhiều cái tên Âu châu chúng ta cũng phiên thành âm Hán – Việt: Rousseau -> Lư Thoa, Karl Marx -> Mã Khắc Tư, Stalin -> Tư Đại Lâm, Montesquieu -> Mạnh Đức Tư Cưu, Bulgaria -> Bảo Gia Lợi…
Video đang HOT
Ưu điểm là dễ đọc, dễ viết, dễ nhớ nhưng nhược điểm lớn hơn, đó là: không phát âm đúng tên người, tên đất Trung Quốc, gây trở ngại trong tra cứu; dễ lẫn lộn với các nhân danh, địa danh Việt Nam, ví dụ TP Chángsha thuộc tỉnh Hồ Nam (Hunán) của Trung Quốc nếu phiên âm thành Trường Sa thì dễ gây nhầm lẫn với quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam…
Tìm tiếng nói chung
Cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào về cách giải quyết vấn đề này, vì thế mỗi nơi, mỗi tổ chức mạnh ai nấy làm.
Theo TS Lê Vinh Quốc, ĐH Sư phạm TPHCM, việc phiên âm tên tiếng nước ngoài bằng chữ quốc ngữ và dùng dấu gạch ngang (-) để chia tách những từ đa âm sẽ gây bất tiện trong giao tiếp lẫn khoa học khi trình độ ngoại ngữ của người dân được nâng cao, đất nước đã hội nhập.
GS-TS Nguyễn Đức Dân, ĐH KHXH&NV TPHCM, cho rằng giải pháp phiên âm tên riêng gặp nhiều rắc rối hơn so với giữ nguyên dạng, vì thế cần “viết đúng tới mức tối đa có thể”. Đối với những nước theo hệ chữ Latin thì tên riêng nên được giữ nguyên dạng. Đối với những nước không phải hệ chữ Latin, họ phiên tên riêng sang chữ Latin thế nào thì ta theo thế ấy. Ví dụ, người Hàn Quốc viết Seoul thì ta cũng viết Seoul chứ không gọi là Hán Thành. Ngoài ra, cần tôn trọng yếu tố truyền thống quen thuộc, lâu đời như trong cách dùng tên riêng Trung Quốc trước nay. Với những tên riêng Trung Quốc không quen thuộc thì nên giữ nguyên, chẳng hạn VĐV bóng bàn Wang Hao thì cứ để Wang Hao, không cần phải theo Hán – Việt là Vương Hạo.
Đồng tình, GS-TS Nguyễn Văn Hiệp đề xuất: Những tên riêng tiếng nước ngoài trước nay được phiên qua dạng đọc Hán – Việt đã trở nên quen thuộc thì “xứng đáng được tiếp tục sử dụng”, còn những tên gọi đã lỗi thời (như Ba Lê/Paris, Lí Ninh/Lenin, Mễ Tây Cơ/Mehico…) thì nên bỏ đi, thay vào đó là cách viết nguyên dạng.
Theo Người Lao Động
Đỏ mặt đọc phiên âm tiếng Việt
Phiên âm tên riêng nước ngoài ra tiếng Việt đôi khi đọc đỏ mặt, "méo cả mồm" cũng không biết đúng sai...
Đỏ mặt đọc phiên âm
Khi HLV trưởng đội bóng đá Việt Nam, ông Falko Goetz, đặt chân đến Việt Nam nhận nhiệm vụ, việc đọc tên chính xác của ông từng là chủ đề tranh luận. Trong buổi họp báo ra mắt vị HLV, có PV hỏi: "Đọc tên ông Falko Goetz như thế nào cho đúng?". Một người biết tiếng Đức đã trả lời: "Tiếng Đức viết thế nào thì đọc thế, đọc thế nào thì viết thế". Cuối cùng, cho đến nay, cuộc tranh luận tên HLV trưởng này vẫn chưa ngã ngũ, đọc "méo cả mồm" vẫn chưa biết đúng sai. Có người gọi là "ông Phan-cô Oết", "ông Phan-cao Ghêt", ông Gu-ết", "ông Oét"...
Vị huấn luyện viên người Áo của đội tuyển Việt Nam trước đó, ông Alfred Riedl cũng từng lên báo ta thán việc phiên âm tên của mình "lung tung". Có tờ báo phiên âm tên ông này thành "ông Ri- Ét", chỗ lại phiên âm là "ông Rít- Đừ" hay "Rít- Đồ"...
Đến nay, cuộc tranh luận về tên HLV Falko Goetz vẫn chưa ngã ngũ
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, kể lại câu chuyện: "Nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo có lần hỏi nhà ngữ học Pháp Ferlus là phát âm thế nào tên Ferlus cho đúng. Ferlus trả lời rằng bản thân cũng chẳng biết phát âm thế nào cho đúng, và nói thêm là bố ông ấy cũng không biết. Ferlus còn nói vui là ông chẳng quan tâm tên mình được phát âm như thế nào, mà chỉ quan tâm là nó được viết đúng để nếu có ai gửi tiền cho ông thì nó đến được đúng địa chỉ của ông."
Ông Hiệp nhấn mạnh, người bản ngữ còn như vậy, thì chắc chắn khi người Việt phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài, tình trạng thiếu thống nhất là "chuyện thường ngày ở huyện". Ví dụ, về nguyên tắc thì phiên âm là đọc thế nào phiên thế ấy nên một từ như tên nhà vật lý học nổi tiếng Newton, có thể được phiên âm thành Niu-tơn hoặc Niu-tân.
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Chủ nhiêm Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng tình trạng phiên âm hiện đang đang hỗn loạn, mỗi nơi một "phách". Ông Cổn phân tích những điểm yếu của phiên âm như gây khó khăn cho việc tra cứu thông tin, đôi khi phản cảm... Ví dụ, chúng ta thường đọc tên bác sĩ Yersin là Y-éc-xanh, nhưng khi ra phố bỗng thấy tên đường Yersin, chắc hẳn nhiều người phân vân, có khi nhầm lẫn hai cái tên này là hai người khác nhau.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp phân tích, âm tiết tiếng Việt có khả năng mang nghĩa rất cao nên việc phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài có thể dẫn đến những kết quả phản cảm. Nhà máy quân sự El Yarmouk phiên âm thành En Y-ác-múc; HLV bóng đá Mourinho phiên âm thành Mu-ri-nhô... "Dĩ nhiên, nếu để nguyên dạng mà đọc thì vẫn có khả năng đồng âm như vậy, nhưng "lời nói gió bay", ấn tượng phản cảm không đậm và lâu như khi phiên âm ra, ghi lại bằng chữ viết", ông Hiệp nói.
Giữ nguyên ngữ hay phiên âm?
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn cho rằng người dân không phải ai cũng biết ngoại ngữ. Do vậy mới có chủ trương ủng hộ phiên âm tên nước ngoài ra tiếng Việt. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân ông, phiên âm chỉ phù hợp với một giai đoạn trong quá khứ, dân trí thấp, ít người biết ngoại ngữ. Hiện nay, dân trí cao hơn, người biết ngoại ngữ tăng, vai trò của truyền thông lớn nên việc khó đọc tiếng nước ngoài đã cơ bản được giải quyết. Do vậy, nên thống nhất chuẩn chính tả theo hướng để nguyên dạng.
Đồng tình quan điểm trên, nhưng GS.TS Nguyễn Văn Hiệp lưu ý đối với tên riêng nước ngoài không thuộc hệ chữ La Tinh có thể tham khảo cách viết của tiếng Anh. Ông Hiệp lấy ví dụ: "Thủ đô nước Nga được viết trong tiếng Anh là Moscow, còn tiếng Pháp là Moscou. Ta cứ Moscow mà dùng, không băn khoăn gì cả". Ngoài ra, những trường hợp tên riêng tiếng nước ngoài phổ biến đã phiên âm qua tiếng Hán như Pháp, Mỹ, Úc... nên tiếp tục sử dụng.
Cẩn thận quá hóa thừa?
Ủng hộ quan điểm để nguyên dạng tên riêng nước ngoài, nhưng ông Nguyễn Hồng Cổn cũng để ngỏ một số trường hợp văn bản có tính đại chúng. Ví dụ một số báo phục vụ công chúng toàn dân, vẫn dùng nguyên dạng, có chú thích cách đọc. Tuy nhiên, chỉ dùng với những từ mới, khó và dần tiến tới bỏ hẳn chú thích. Với các báo phục vụ độc giả trẻ tuổi, nên để nguyên ngữ.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, có quan điểm gần với quan điểm của PGS Nguyễn Hồng Cổn. Theo ông, tên riêng nước ngoài trên các loại sách báo, văn bản có tính phổ cập cần được phiên âm; nếu cần, bên cạnh tên phiên âm chua thêm nguyên dạng.
"Đồng bào ta bây giờ nhiều người đọc, viết còn khó khăn, viết nguyên dạng tên nước ngoài sẽ gây trở ngại cho việc tiếp nhận thông tin. Việc viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài cũng chỉ nên áp dụng đối với sách báo, văn bản chuyên môn".
Ông Thuyết đưa ra giải pháp tránh phiên âm lộn xộn, Chính phủ cần giao cho một cơ quan hướng dẫn nguyên tắc phiên âm (ví dụ: giao Viện Khoa học Xã hội VN) và theo nguyên tắc đó hướng dẫn cách phiên âm tên riêng nước ngoài xuất hiện hằng ngày (ví dụ giao Thông tấn xã VN). Người biết tiếng Đức đọc tên HLV Falko Goetz còn khó, bởi vậy cũng không nên đòi hỏi phiên âm hoàn toàn chính xác. Người Anh gọi Moskva là Moscow, người Pháp gọi là Moscou, chẳng ai coi đó là chuyện "quê mùa". Người nước ngoài cũng chưa bao giờ đặt vấn đề phải viết nguyên dạng tên người Việt, đất Việt và phát âm thật đúng các tên đó.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "Muốn tránh những trường hợp phải "đỏ mặt" thì phiên âm trại đi một chút, có sao đâu. Các nước người ta đều làm thế cả. Hồi tôi học ở Nga, những ai tên là "Huy", người Nga đều viết trại đi là "Ghiu" cho khỏi liên tưởng đến từ tục".
Theo 24h
Nghịch lý tiếng mẹ đẻ Tại một hội thảo mới đây, dự thảo đề án đổi mới tuyển sinh Đại học Quốc gia TP.HCM đã tách môn tiếng Việt thành môn thi độc lập. Với quan điểm này, tiếng mẹ đẻ ở nước ta được đánh giá đúng tầm quan trọng của nó. Thí sinh dự thi vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tại kỳ thi tuyển sinh...