Loạn các lớp kỹ năng sống
Thực trạng các khóa học kỹ năng sống đang ngày một nhiều như nấm mọc sau mưa khiến không ít phụ huynh thấy như lạc vào ma trận, không phân biệt được chất lượng của các khóa học này là “nấm lành” hay “nấm độc”.
Các hình thức giáo dục kỹ năng sống cần gần gũi và thiết thực với đời sống hiện tại. Ảnh: Hữu Cường
Những lớp học kỹ năng sống lệch lạc
Cách đây chưa lâu, dư luận hoảng hốt trước việc tại một cơ sở trông trẻ mầm non tư thục ở xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, các cô giáo đã tổ chức dạy cho khoảng 25 trẻ (từ 1-5 tuổi) học về kỹ năng phòng chống cháy nổ bằng cách đổ cồn vào mâm làm giáo cụ rồi châm lửa.
Do gió lớn thổi từ cửa sổ, ngọn lửa đã bốc cháy và tạt vào 3 cháu nhỏ khiến các cháu bị bỏng nặng phải nhập viện cấp cứu. Sự việc trên đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bức xúc cho rằng chính các cô giáo không hiểu về kỹ năng sống hoặc hiểu một cách sai lệch, thiếu cơ sở khoa học nên đã gây ra hậu quả tai hại mà người gánh chịu đau đớn cả về thể xác và tinh thần lại chính là những đứa trẻ.
Mới đây là vụ việc bé trai 11 tuổi ( sống tại Phan Thiết) có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại tình dục khi được mẹ cho tham gia khóa tu mùa hè kéo dài 3 tháng tại một cơ sở tu tập thuộc huyện Hàm Thuận Bắc ( Bình Thuận).
Cách đây vài năm, dư luận cả nước ngỡ ngàng khi sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1″ của một tiến sĩ được phát hành đã dạy học sinh bài học về lòng dũng cảm bằng cách đi qua thảm thủy tinh, lấy kim tiêm tự đâm vào tay, rút ra, sau đó tự thoa thuốc đỏ rồi dùng bông băng lại.
Chưa bàn đến việc đó có phải là kỹ năng sống hay chỉ là thái độ, hành vi thuộc phạm trù đạo đức, thì việc để trẻ trải nghiệm những bài học quái gở ấy cũng khiến nhiều chuyên gia và phụ huynh bất bình. Rất may, trước những phản ứng của phụ huynh và các nhà giáo, NXB Giáo dục Việt Nam đã thu hồi hàng loạt sách dạy kỹ năng sống có những bài học phản cảm như vậy.
Hiện nay “mảnh đất” kỹ năng sống, kỹ năng mềm rất màu mỡ và đánh trúng tâm lý các bậc cha mẹ. Vì vậy, trung tâm mở ra rầm rộ nhưng nhiều nơi chỉ tập trung lợi nhuận. Nhiều giáo viên tự vạch ra kỹ năng để dạy nhưng chính bản thân họ không phân biệt được đâu là kỹ năng sống, đâu là kỹ năng mềm, đâu là giá trị đạo đức.
Ai cũng có thể trở thành “diễn giả”, “chuyên gia” kỹ năng sống
Điều đáng nói là hiện nay, kỹ năng sống là chuyên ngành mới, chưa có cơ sở giáo dục sư phạm bậc đại học nào ở Việt Nam đào tạo chuyên sâu. Bắt đầu từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các trung tâm dạy kỹ năng sống phải được sự thẩm định chương trình của các viện nghiên cứu. Một chương trình phải được thẩm định bởi 7 chuyên gia. Các giáo viên mầm non và tiểu học muốn dạy kỹ năng sống phải có chứng chỉ dạy kỹ năng sống.
Video đang HOT
Học kỹ năng sống thông qua hoạt động lao động tại vườn trường. Ảnh minh họa/ INT
Việc giáo dục kỹ năng cho học sinh được thực hiện theo Công văn số 463 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, Bộ không xác định thời gian giáo dục kỹ năng sống ở các cấp học là bao nhiêu mà để các trường tự xác định.
Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT cũng nêu rõ các cơ sở giáo dục có quyền tự lựa chọn hoặc tự xây dựng giáo trình, tài liệu, miễn là được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động hoặc cơ quan xác nhận đăng ký hoạt động chấp thuận; có nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, không trái với các quy định của pháp luật.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng đã ban hành những quy định trong thủ tục cấp phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Theo đó, những điều kiện để thực hiện thủ tục cấp phép hoạt động kỹ năng sống bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất, ban lãnh đạo, huấn luyện viên, giáo viên…
Về cơ sở vật chất, các đơn vị xin cấp phép phải có phòng học, phòng chức năng đủ ánh sáng, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh trường học. Thiết bị dạy học phải an toàn, phù hợp với nội dung dạy học, hoạt động và tâm lý lứa tuổi học sinh. Giáo viên, huấn luyện viên, báo cáo viên có đủ điều kiện sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, am hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống hoặc giáo dục có liên quan.
Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh- Xã hội, chính quy định chung chung và lỏng lẻo đã dẫn đến việc không có một quy định chuẩn nào từ phương pháp, chương trình lẫn trình độ người dạy, dẫn đến “lợi bất cập hại”, học sinh không những không thu nhận được kiến thức mà còn có thể gây ra những tổn thương cả về thể chất và tinh thần cho trẻ.
Các tài liệu, giáo trình do Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành hoặc phê duyệt, nếu giáo trình, tài liệu lựa chọn hoặc tự xây dựng thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động hoặc cơ quan xác nhận đăng ký hoạt động theo quy định chấp thuận. Các tài liệu đảm bảo yêu cầu, có nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, không trái với các quy định của pháp luật.
Quy định là như vậy nhưng trên thực tế, nhiều trung tâm kỹ năng sống quảng cáo, truyền thông rất hoành tráng nhưng không có một giảng viên, diễn giả chuyên trách mà hoàn toàn đi thuê ngoài. Chất lượng giảng viên, diễn giả không có ai thẩm định, thậm chí có người chỉ tham gia một vài khóa học ngắn hạn, không có chuyên môn rồi tự phong là “Phù thủy”, “Diễn giả số 1″… Giáo trình của các công ty tư vấn, giáo dục kỹ năng sống chủ yếu là “tự biên tự diễn”, cóp nhặt từ nhiều nơi mà không qua một cấp thẩm định nào.
Hiện nay “mảnh đất” kỹ năng sống, kỹ năng mềm rất màu mỡ và đánh trúng tâm lý các bậc cha mẹ. Vì vậy, trung tâm mở ra rầm rộ nhưng nhiều nơi chỉ tập trung lợi nhuận. Nhiều giáo viên tự vạch ra kỹ năng để dạy nhưng chính bản thân họ không phân biệt được đâu là kỹ năng sống, đâu là kỹ năng mềm, đâu là giá trị đạo đức.
Trẻ học kỹ năng ứng phó với hỏa hoạn. Ảnh: Hữu Cường
Học kỹ năng sống thế nào cho đúng?
Theo các chuyên gia, tâm lý đám đông đang tác động lên nhiều bậc phụ huynh với mong muốn con có kiến thức, kỹ năng và thái độ tốt khi trưởng thành. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng tìm được lựa chọn đúng đắn. Gia đình chị Trần Thảo Nguyên (quận Tân Phú, TPHCM) lo lắng khi thấy con biến đổi tâm lý tuổi dậy thì nên vào dịp hè đã đăng ký cho con một khóa học kỹ năng sống tại một ngôi chùa.
Khóa học kéo dài từ 1 đến 1,5 tháng, mỗi tuần học hai ngày với các bài giảng về đạo lý, cách đối nhân xử thế, sự sẻ chia, cảm thông và những bài học nhỏ trong cuộc sống… Nhưng chị càng lo lắng hơn khi kết thúc khóa học, con chị không có thay đổi gì, thậm chí thu mình, ít nói, ít chia sẻ và xa lánh mọi người hơn trước.
Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh cho rằng, ngoài việc chọn chương trình học phải phù hợp với độ tuổi, phù hợp với nhu cầu, mong muốn của con, quan trọng là phụ huynh phải lưu ý việc chọn người dạy cho con. Cách thức truyền tải thông tin đến trẻ phải gần gũi, sinh động, thiết thực thì mới làm cho trẻ hứng thú, quan tâm, thấy được tầm quan trọng của kỹ năng để có ý thức tìm hiểu, trau dồi, nâng cao… Không nên chỉ nghe theo quảng cáo mà nên tìm hiểu những khóa học kỹ năng sống từ thực tế, tìm những khóa học có các hoạt động chăm sóc hậu kỳ như các CLB cho con sau khóa học, các nhóm kết nối phụ huynh giúp con cùng tiến bộ…
Quan trọng hơn, tại gia đình, cha mẹ cũng cần tạo môi trường cùng con rèn luyện thường xuyên để những kỹ năng sống thành phản xạ, không nên trông chờ vào một chương trình nào đó có thể giúp con ngay lập tức trở nên hoàn hảo. Các kỹ năng trẻ được học ở các lớp, khóa học hè phần lớn là bổ ích tuy nhiên, để các kỹ năng thực sự là phản xạ, thói quen của trẻ, không có phương pháp nào khác hiệu quả hơn là giáo dục gia đình.
Theo các chuyên gia, kỹ năng sống là hành vi mà mỗi người cần dùng mọi lúc, mọi nơi, suốt đời, không chỉ cho bản thân mà cho cả người khác. Kỹ năng sống đầu tiên phải dạy từ gia đình, từ những việc rất nhỏ như sắp xếp đồ vật, rửa bát, xếp sách vở, vứt rác… sao cho gọn gàng, cẩn thận nhất đến những lĩnh vực khác như kỹ năng sống tự lập, thuyết trình, giao tiếp, tư duy học tập hiệu quả, ứng phó sự cố…
Đặc biệt, kỹ năng sống là môn học thay đổi từ nhận thức cho đến hành vi, cảm xúc nên cần cả một tiến trình lâu dài, phụ huynh cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng sau một khóa học, trẻ sẽ thay đổi thành người khác hẳn. Phụ huynh thường có tâm lý muốn con phải đạt được sự thay đổi ngay lập tức, càng nhanh càng tốt mà quên mất rằng việc thay đổi một thói quen, thay đổi tính cách của một con người là việc chẳng thể đạt được trong một sớm một chiều mà cần có thời gian, có sự kiên trì rèn luyện.
Trẻ em nước ngoài học kỹ năng sống như thế nào?
Tại Mỹ, trẻ 1 tuổi đã được khuyến khích học bơi. Lớn hơn một chút, ngoài các kỹ năng vệ sinh cá nhân, văn hóa ứng xử, trẻ còn được các dạy kỹ năng sinh tồn để có thể tự mình sống sót khi phải rơi vào những tình huống nguy hiểm. Những chương trình hướng đạo sinh diễn ra trong môi trường tự nhiên với nhiều khó khăn, thử thách như những chuyến đi bộ đường dài, leo núi, cắm trại hay những cuộc phiêu lưu trong rừng… giúp trẻ rèn luyện thói quen tự chủ và vận dụng trí thông minh, khả năng sáng tạo để thoát hiểm trong những tình huống nguy cấp.
Tại Nhật Bản, ngay từ năm học đầu tiên trong trường mẫu giáo, trẻ được rèn luyện để thích nghi với môi trường sống và tôi luyện bản năng sinh tồn, xử lý các tình huống trong cuộc sống. Tiếp đó, trẻ được dạy cách kiềm chế sợ hãi, bình tĩnh xử lý vấn đề và cách bảo vệ bản thân trong trường hợp xảy ra những tình huống nguy hiểm, bao gồm cả động đất, sóng thần…
Singapore chú trọng dạy học sinh cách suy nghĩ, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, tăng cường hoạt động ngoại khóa, xã hội và giáo dục công dân được quan tâm ngang hàng với việc truyền tải kiến thức. Nhiều trường học ở Singapore phát triển các chương trình nhằm rèn luyện thể lực và kỹ năng sinh tồn cho trẻ như: Leo núi, học xem bản đồ, đu dây qua vực, sơ cứu khi bị thương, bịt mắt đi đường mòn, chế tạo bè gỗ, nấu ăn ngoài trời…
Lê Dương
Theo GDTĐ
Đừng để "sai một li..."
Trên bản tin thời sự VTV1 ngày 10/8, tiếng khóc đau đớn của 3 học sinh độ tuổi mầm non hẳn khiến nhiều ông bố, bà mẹ xót xa. Tai nạn đáng tiếc xảy ra tại lớp học do cô giáo dùng cồn để dạy trẻ kỹ năng phòng chống cháy nổ.
Ảnh intenet
Vụ việc xảy ra khi các cô giáo dạy kỹ năng phòng chống cháy nổ tại một lớp học mầm non tư thục cho khoảng 25 học sinh. Khi cô giáo dùng cồn đổ vào mâm giáo cụ, rồi châm lửa để dạy trẻ cách dập lửa, không may gió thổi tạt cồn đang cháy vào 3 trong số 25 trẻ đang đứng xung quanh. Có 3 trẻ bị bỏng nặng phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng quốc gia.
Trước nay, trong các nhà trường, việc GD kỹ năng sống cho HS rất được chú trọng, nhưng luôn có quy định rõ: Nội dung dạy học phải phù hợp với độ tuổi HS; giáo viên, người hướng dẫn kỹ năng phải đủ kiến thức, được đào tạo bài bản; nội dung GD kỹ năng sống cần có giáo trình, giáo án, được phê duyệt... cùng các điều kiện về cơ sở vật chất khác.
Với HS mầm non, việc GD kỹ năng thoát hiểm khi cháy nổ là cần thiết. Tuy nhiên, khi cho HS ở độ tuổi quá nhỏ (độ tuổi mầm non), trực tiếp tiếp xúc với các chất nguy hiểm như lửa, cồn... là hoàn toàn sai lầm, đi ngược lại những nguyên tắc về giáo dục phòng chống cháy nổ. Rất nhiều hiểm họa khi cho trẻ ở gần lửa như vậy.
Tưởng tượng hơn 20 trẻ ngồi vây quanh một cái mâm có cồn, có lửa, chưa cần một cơn gió tạt qua, việc các cháu còn quá nhỏ, hiếu động, nô đùa cũng có thể ngã vào cái mâm đó đã thấy quá nguy hiểm. Bản thân cô giáo không thực hiện an toàn phòng chống cháy nổ trong giờ dạy của mình.
Một hiệu trưởng trường THPT chia sẻ về việc năm nào nhà trường cũng tổ chức đưa HS đến tận Trường ĐH Phòng cháy Chữa cháy để thực hành thoát hiểm khi gặp tình huống cháy nổ. Trường phải đưa HS đến tận nơi có các mô hình mô phỏng tình huống thoát hiểm, có GV am hiểu sâu, có các điều kiện bảo đảm an toàn cho HS. Vậy nhưng mỗi lần đưa HS đi, GV toàn trường cũng đều được thông báo phải dồn tâm sức quản lý lớp, cùng phối hợp, nhắc nhở HS. Bởi chỉ sểnh ra một chút thôi là HS có thể bị tím chân, xước tay... chỉ vì nô đùa, đùn đẩy nhau khi thực hành thoát hiểm...
Hay như để tổ chức một lớp dạy bơi cho HS, phải sắp xếp số lượng HS, GV rất cẩn trọng, người dưới nước, người trên bờ quan sát, nếu sơ sẩy không để ý là xảy ra chuyện không thể cứu vãn được... Vị hiệu trưởng nhận định: Dạy HS học kỹ năng cần sự cẩn trọng; đầu tư kỹ lưỡng cả về kiến thức lẫn cơ sở vật chất.
Trong thực tế, ở độ tuổi HS mầm non, các cháu chỉ nên xem các video clip hoặc thực hành thoát khỏi nơi cháy nổ theo phương pháp minh họa. Không nên dạy học theo cách trực tiếp. Ở độ tuổi lớn hơn, việc cho HS tiến hành các thí nghiệm liên quan đến những tình huống nguy hiểm cũng cần hết sức cẩn trọng. Còn nhớ cách đây 2 năm, sau khi kết thúc giờ thí nghiệm, khi cô giáo rời lớp sớm, do tò mò, một số HS Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã đốt giấy phenolphtalein và lấy lọ cồn dưới gầm bàn lên đổ vào, gây ra vụ nổ phòng thí nghiệm và làm bỏng một số bạn đứng bên cạnh...
Các hoạt động trong nhà trường, dù là giờ GD kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng đều đòi hỏi sự quản lý kỹ lưỡng, không được bất cẩn dù chỉ một phút giây. Nhà trường, người quản lý đơn vị phải bảo đảm GV có đủ kiến thức và trách nhiệm, lớp học có đủ các điều kiện về an toàn. Bởi nếu không, sai một li, đi một dặm.
Tâm An
Theo GDTĐ
Cô hiệu phó mở lớp dạy kỹ năng sống miễn phí cho học sinh "Con đường để rèn mình trở thành người tử tế bắt đầu từ những việc tử tế" - cô Phạm Thị Thùy Loan - Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Đà Nẵng) đã nhắn nhủ như thế đến các học trò của mình ở lớp dạy kỹ năng sống miễn phí do cô đứng lớp vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần....