Loạn các khóa học ‘giúp con học giỏi’
‘Con bạn học dốt, bị bạn bè chê cười? Chỉ cần tham gia khóa học này phụ huynh sẽ giúp con mình học giỏi’, ‘Bạn có muốn nuôi dạy con toàn diện theo phương pháp của người Nhật?’… là những lời quảng cáo rất hấp dẫn thu hút sự quan tâm của phụ huynh.
Không có lý thuyết nào áp dụng cho mọi đứa trẻ, mỗi người có tố chất, năng lực riêng – MỸ QUYÊN
Anh Hoàng Tùng (chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) có con đang học lớp 1 và mầm non ở Q.Tân Phú, cho biết: “Tôi lúc đầu cũng rất quan tâm tới các lớp học được quảng cáo giúp nuôi dạy con tốt, giúp con học giỏi nên có tham gia vài khóa học. Sau tìm hiểu, tôi biết đa số các chuyên gia dạy mình toàn là người… chưa có con. Học xong mới thấy những bài học đó toàn là lý thuyết và rất khó áp dụng ở VN. Tôi nhận ra do nền tảng của mình không như thế, chính mình cũng không được giáo dục như vậy nên khó có thể áp dụng cho con mình. Hơn nữa, môi trường xung quanh khó giúp cho mình có cơ hội giáo dục con như vậy”.
Đánh trúng tâm lý phụ huynh
Anh Hoàng Tùng cho rằng, những lớp học ngày càng được quảng cáo tràn lan trên mạng, đánh trúng vào tâm lý của phụ huynh, thường là luôn muốn con mình giỏi, ngoan ngoãn, đạt điểm cao, không bị người khác chê cười, lớn lên thành công trong cuộc sống…
“Vì áp lực con phải đạt điểm cao quá lớn, nên phụ huynh không tiếc 500.000 – 1 triệu đồng, thậm chí hơn để đăng ký các lớp học như vậy, với khao khát về nhà áp dụng thành công. Nhưng tôi thấy không có lý thuyết nào có thể áp dụng cho mọi đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ có một tố chất, năng lực riêng, học giỏi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như sự tập trung trên lớp, trí nhớ, khả năng quan sát, phân tích, khả năng tư duy, phương pháp dạy của thầy cô… Việc của cha mẹ là quan tâm, khuyến khích, động viên tinh thần con là đủ”, anh Hoàng Tùng nhìn nhận.
Chị Nguyễn Thu Hương có con đang học lớp 2 Trường tiểu học Phú Thọ Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM, cũng chia sẻ: “Con tôi luôn sợ ngồi vào bàn học, làm một bài toán hết cả nửa tiếng mà ra kết quả sai. Vì vậy khi trên mạng quảng có khóa học online giúp con “hết học dốt”, có thể thành tài, thông minh vượt trội, tôi bèn đăng ký ngay. Tôi làm theo lời chuyên gia, buổi tối bỏ hết công việc ngồi vào bàn học cùng con. Nhưng rốt cuộc chính tôi lại vẫn phải làm toán thay con. Tôi không thể áp dụng khóa học với con mình, vì cháu không có sự tập trung, không thích học toán… Những lời quảng cáo chỉ là đánh vào tâm lý phụ huynh có con học yếu như tôi, chứ thực ra hiệu quả không nhiều…”.
Cha mẹ cần lựa chọn thông minh
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Hồ Thanh Bình, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng bố mẹ muốn giúp con học giỏi là “phản khoa học”. Ông Bình nhận định: “Không ai có thể giúp ai giỏi được mà giỏi là do tự bản thân người đó giỏi. Cái này có rất nhiều sách về tâm lý giáo dục đã chứng minh. Các lớp học đã đánh tráo khái niệm để thu hút khách hàng một cách tinh vi và phản khoa học. Nó giống như quảng cáo “sữa giúp trẻ thông minh”. Thực tế không có thực phẩm nào giúp con người thông minh hơn. Gia đình – nhà trường – xã hội là 3 yếu tố hỗ trợ cho trẻ hình thành nhân cách, tuy nhiên phải có sự phân công rõ ràng, không ai làm thay ai. Càng không thể học hộ con được. Cha mẹ chủ yếu khích lệ con học tập, tạo các điều kiện khách quan, thuận lợi cho con học thôi”.
Video đang HOT
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, nhấn mạnh các bậc cha mẹ cần thông minh trước khi tiếp cận các khóa học đang xuất hiện tràn lan trên mạng. “Có những người chỉ đi học lập trình tư duy vài bữa rồi về mở khóa học như một chuyên gia, có người trước đó là dân kinh doanh nắm bắt được nhu cầu của phụ huynh cũng mở khóa học rồi dùng những ngôn từ “câu view”, mua like và comment ca ngợi khiến phụ huynh lầm tưởng đó là khóa học uy tín, hiệu quả. Học hỏi để có phương pháp dạy con là cần thiết nhưng cần tìm hiểu kỹ người dạy là ai, có bằng cấp chuyên môn, có kinh nghiệm hay không”, tiến sĩ Thúy nói.
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng lưu ý phụ huynh về những khóa học này, thường là chủ đề quảng cáo nghe rất hấp dẫn nhưng chỉ là “lừa phỉnh”, không giúp phụ huynh gặt hái được gì. “Có những nội dung được trình bày rất hời hợt, thậm chí vớ vẩn do người truyền đạt cũng chỉ đọc qua vài cuốn sách sau đó làm thành clip, không có sự nghiên cứu chuyên sâu, thiếu cơ sở khoa học, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy phụ huynh cần tìm hiểu kỹ, tránh việc không những mất tiền mà còn bị “rối loạn” trong quá trình dạy con”, tiến sĩ Điệp khuyên.
Ý kiến
Nên chú trọng phát triển kỹ năng mềm hơn là học giỏi
Tôi chỉ quan tâm nhiều về việc phát triển kỹ năng mềm của trẻ hơn là “học giỏi”. Với sự phát triển của công nghệ thời nay, cũng như thế giới toàn cầu hóa, thì những tố chất như sự linh hoạt, sáng tạo, khả năng thích nghi khi hoàn cảnh thay đổi, kỹ năng giải quyết vấn đề… mới là nền tảng cho sự thành công sau này. Trường học chỉ chủ yếu đào tạo về kỹ năng cứng, do đó bố mẹ muốn hỗ trợ con thì nên giúp con có được kỹ năng mềm thay vì tiếp tục nhồi nhét để con được khen là “học giỏi”.
Lê Muôn Xuân
(Giám đốc Chương trình ngôn ngữ, Tập đoàn giáo dục EF)
Dạy con tinh thần ham học, tự học
Quan điểm của vợ chồng tôi trong việc học kiến thức của con là đầu tư những gì con thích chứ không ép con làm những việc không thích. Nên trong việc học tôi để con tự lo, tự do, chúng tôi chỉ tạo điều kiện, động viên con có tinh thần ham học, tự học. Tôi muốn con được vui chơi và hoạt động thể chất nhiều hơn. Cái chúng tôi muốn đầu tư nhất là kỹ năng sống, nên thời gian buổi tối về nhà, ba mẹ cố gắng chơi, trò chuyện với con về kỹ năng. Chuyện học giỏi hay yếu còn là do tố chất và sự chăm chỉ, sự ham học hỏi. Thế nên đừng ép con mình, đừng tự tạo áp lực con mình phải có kết quả cao trong học tập.
Nguyễn Thùy Dương
(Phụ huynh ngụ tại chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Theo thanhnien
Học sinh Việt Nam đầu tiên giành HCV Olympic Thiên văn học quốc tế
Trần Xuân Tùng xếp thứ 11 trên 26 thí sinh được trao huy chương vàng và có lời giải một bài thi được công nhận "hay hơn cả đáp án".
Tại kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế 2018 ở Trung Quốc, Trần Xuân Tùng (lớp 12 Vật lý 1 trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam) là học sinh duy nhất và đầu tiên của Việt Nam giành huy chương vàng. Em xếp thứ 11/26 thí sinh được trao huy chương này và là người có lời giải một bài thi được Ban tổ chức công nhận "hay hơn cả đáp án".
"Đó là câu hỏi thuộc phần lý thuyết. Ban tổ chức cho thông số di chuyển trong năm của hai ngôi sao Ngưu Lang, Chức Nữ và hỏi chúng có thể gặp nhau. Đáp án dùng hình học để giải, còn em đi theo hướng sử dụng véctơ", Tùng kể.
Trần Xuân Tùng (lớp 12 Vật lý 1 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) tại góc học tập ở gia đình. Ảnh: Quỳnh Trang.
Cách giải khác biệt của Tùng ban đầu không được Ban giám khảo công nhận. Em sau đó đã chủ động trao đổi với thầy phụ trách đội để khiếu nại. Đêm trước ngày phản biện, Tùng thức đến 5h sáng dò kết quả chấm của ban giám khảo để tìm chỗ cho điểm chưa chính xác. Em giải lại, diễn giải chi tiết cách làm để chứng minh mình đúng và giúp thầy giáo phản biện hiểu chính xác.
"Khi chấm bài và trao đổi với Tùng, tôi chắc chắn hướng làm của em đúng. Tùng có khả năng trình bày bài tốt, ngắn gọn, đủ ý, nhưng đôi khi ngắn quá khiến người chấm chưa hiểu hết ý đồ. Buổi phản biện hôm đó bốn giám khảo đã mất nhiều thời gian giải bài theo hướng của Tùng mới có thể công nhận lời giải hay hơn đáp án", giáo viên phụ trách đội tuyển Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế 2018 - thầy Lê Mạnh Cường nói.
Với hai câu phản biện thành công, được cộng 20 điểm, Trần Xuân Tùng lọt vào tốp điểm cao, đạt huy chương vàng. Em tính toán, nếu không có thêm số điểm đó sẽ chỉ giành huy chương bạc. "Thầy cô dẫn đoàn nói đùa rằng mùa tham dự Olympic năm nay quá đau tim. Lúc Ban tổ chức công bố đến giải bạc mà chưa có tên em, tất cả đều vui sướng vì biết chắc Việt Nam sẽ có chiếc huy chương vàng đầu tiên", nam sinh chia sẻ.
Trở về từ cuộc thi, Tùng tập trung ôn thi học sinh giỏi Vật lý quốc gia và đạt giải nhất. Vật lý không chỉ là môn học yêu thích mà còn là nền tảng của Thiên văn học, Vật lý thiên văn nên Trần Xuân Tùng rất ý thức, đầu tư học tập. Bàn học của em trong ngôi nhà tại ngõ Thông Phong (Đống Đa, Hà Nội) chất đầy tạp chí Vật lý và Tuổi trẻ; sách vở môn học này.
Tùng bảo từ bé đã say mê xem tivi, đọc sách về khoa học vũ trụ vì "ở đó có nhiều bí ẩn nhân loại chưa giải thích được và em muốn khám phá nó". Khao khát đó thôi thúc Tùng tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia để dự thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế 2018. Đó là cách giúp em tiếp cận bản chất, gần hơn các trí thức khoa học vũ trụ, được cọ xát, giao lưu với bạn bè cùng đam mê.
Trần Xuân Tùng (thứ ba từ trái sang) cùng đoàn Việt Nam dự thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế 2018. Ảnh: TTXVN.
Trong khoảng 40 ứng viên dự thi vòng quốc gia, Trần Xuân Tùng lọt tốp 5 người xuất sắc, trở thành đại diện của Việt Nam tham gia Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế. Gần 3 tháng ôn đội tuyển với các thầy cô ở trường, Viện Vật lý, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, em hạnh phúc khi được trải nghiệm nhiều kiến thức mới.
Tùng được học về vụ nổ Big Bang, các dạng thiên hà, quá trình giãn nở vũ trụ, thuyết tương đối rộng với nhiều ứng dụng như GPS... Lần đầu tiên, em biết cách làm thế nào để xác định được khoảng cách giữa các thiên thể, vận tốc, chu trình hoạt động của một vật thể trong không gian...
Mỗi ngày đội tuyển ôn tập ba ca sáng, trưa, tối, tuần 2-3 buổi mang kính viễn vọng đi ngắm sao đêm đến 4-5h sáng để học về bản đồ sao. Có những ngày em và các bạn chỉ được ngủ 2-3 giờ trên ôtô khi di chuyển về nội thành Hà Nội để học tiếp ca sáng. Vất vả, nhưng với đam mê khám phá thế giới vũ trụ bí ẩn, Tùng vẫn cố gắng vượt qua để mang về chiếc huy chương vàng đầu tiên Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế cho đất nước.
Tương lai, em muốn du học để được thỏa sức khám phá tri thức này và học ngành nghiên cứu.
Olympic về Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế 2018 diễn ra từ ngày 3 đến 11/11/2018 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với sự tham gia của 214 học sinh. Trong 39 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, có Nga, Mỹ, Trung Quốc, Canada, Ấn Độ...
Tại cuộc thi, thí sinh phải thực hiện 4 bài bằng tiếng Anh gồm: thực hành, lý thuyết, thi xử lý số liệu và bài thi đồng đội. Việt Nam đã tham dự ba năm, đều do học sinh Hà Nội đại diện.
Năm 2018, 5 thí sinh đều đến từ trường Amsterdam. Kết quả, 4 em được huy chương, trong đó có một giải vàng, một giải bạc và hai giải đồng. Thành tích trên đưa đoàn Việt Nam đứng vị trí thứ 10.
Quỳnh Trang
Theo VNE
Tại sao người Đan Mạch khuyến khích trẻ trèo cây, nghịch lửa? Giáo viên sẽ không bị phạt khi để trẻ về nhà với vết bầm tím do chơi đùa, bởi đó được xem là cách để trải nghiệm cuộc sống. Heidi Vikkels Nielsen cần tìm một hình ảnh để mô tả về "tuổi thơ" ở đất nước cô. Cựu giáo viên và hiện là giáo sư giáo dục ở Đan Mạch ngừng lại ở...