Lo rối vì điều chỉnh nguyện vọng
Việc cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi THPT quốc gia đang khiến nhiều trường lo lắng, đặc biệt là giải pháp kỹ thuật để chống ảo.
Một điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm nay là thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng, đăng ký nguyện vọng xét tuyển khi đăng ký dự thi và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.
Điểm mới này dù được đánh giá có lợi cho thí sinh nhưng lại gây nhiều khó khăn, lo lắng cho các trường.
Nhiều nguyện vọng, dễ phân tâm
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo, ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng năm nay, khi thí sinh làm hồ sơ thi tốt nghiệp THPT cũng đồng thời đăng ký xét tuyển ĐH. Đây chưa phải là kết quả đăng ký cuối cùng vì thí sinh còn được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết kết quả thi THPT quốc gia.
Sự thay đổi này thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh vì nếu như không cho điều chỉnh nguyện vọng thì quả là sự đánh đố, bởi kỳ thi năm nay có 2 bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Với cách thi mới này, thí sinh rất khó đoán điểm của mình. Với các trường ĐH, việc cho thí sinh đăng ký xét tuyển ngay khi đăng ký thi THPT quốc gia cũng giúp các trường nắm được thông tin số lượng thí sinh, ngành đăng ký xét tuyển.
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào ĐH Công nghệ TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
TS Nguyễn Chí Thông, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng quy chế không giới hạn số nguyện vọng, đồng thời cho điều chỉnh giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường phù hợp. Bởi trước đây, khi đang làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia, chưa chắc các em đã có sự lựa chọn ngành nghề hợp lý.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm tuyển sinh ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, việc điều chỉnh nguyện vọng là cần thiết trong thời điểm hiện tại bởi các em chưa có thói quen tự chủ lựa chọn ngành nghề, chọn trường.
Việc lựa chọn giúp các em có cơ hội sửa sai. Việc chọn trước và cho điều chỉnh cũng giúp thí sinh có thời gian xem xét và điều chỉnh ngành nghề.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn. PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng có quá nhiều nguyện vọng cũng không phải tốt đối với thí sinh bởi các em sẽ phân tâm.
Thêm vào đó, việc cho các em thay đổi nguyện vọng trong thời gian ngắn cũng không chắc chắn sẽ có quyết định đúng đắn.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, thí sinh cần có sự lựa chọn thông minh để không bị rối khi có kết quả điểm thi THPT quốc gia. Không nên ghi quá nhiều lựa chọn trong phiếu đăng ký để không bị rối khi có kết quả và chuẩn bị xét tuyển.
Thí sinh nên lựa chọn các ngành theo nhóm ngành phù hợp và chọn không quá 3 trường theo điều kiện điểm trúng tuyển của mình và điều kiện kinh tế của gia đình.
Lo phần mềm xét tuyển chung
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng thay vì sau khi có kết quả thi THPT quốc gia mới cho thí sinh đăng ký xét tuyển như 2 năm trước thì nay thí sinh đăng ký ngay từ đầu. Việc này giúp các trường nắm trước được lượng thí sinh.
Sau khi có kết quả thi, thí sinh có thể điều chỉnh nhưng cũng không nhiều, chừng vài chục phần trăm nên tính chủ động của người quản lý dữ liệu cao hơn.
Khi có kết quả thi, bộ cũng cần công bố phổ điểm để thí sinh điều chỉnh sẽ phù hợp hơn. Điều cần lưu ý là bộ phải chuẩn bị tốt hạ tầng để không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, trục trặc.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đức Minh lại nhận xét dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển khi làm hồ sơ thi THPT quốc gia thực ra không có giá trị gì vì khi có kết quả thi, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng nên dữ liệu thay đổi.
Điều khiến các trường đang lo lắng lúc này là không biết sau khi có kết quả thi, Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp dữ liệu gì để các trường sử dụng cho mục đích xét tuyển.
Bên cạnh đó, vì có quá nhiều nguyện vọng nên tính ảo sẽ rất cao, không rõ phần mềm xét tuyển của bộ có bảo đảm trong khi chỉ cần một sự thay đổi nhỏ của một trường là ảnh hưởng đến toàn hệ thống.
Theo TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng đào tạo ĐH Sài Gòn, thí sinh có nhiều nguyện vọng ảo cao thì cần giải pháp kỹ thuật tốt từ Bộ GD&ĐT. Nếu không, việc xét tuyển sẽ vô cùng phức tạp.
Theo Huy Lân / Người Lao Động
Nhiều nguyện vọng càng dễ đậu đại học?
Bộ GD&ĐT tạo điều kiện tối đa cho thí sinh bằng quy định được thoải mái lựa chọn số nguyện vọng. Tuy nhiên, điều này đang tạo nên sự băn khoăn, lo lắng.
Kỳ tuyển sinh 2016, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, 75% thí sinh đăng ký 2 trường cùng lúc đã tạo ra một tỷ lệ "ảo" rất cao. Các trường bị đẩy vào thế tuyển mãi chưa đủ chỉ tiêu, trong khi thí sinh lao đao vì không trúng tuyển trường như ý muốn.
Làm sao tránh ảo?
Theo dự thảo tuyển sinh 2017, thí sinh được thoải mái lựa chọn số NV, số trường khi tham gia xét tuyển nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (NV1 là cao nhất).
Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một NV ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách đã đăng ký. Nhiều thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét theo tiêu chí người đăng ký NV ưu tiên cao hơn và theo điều kiện phụ mỗi trường.
Như vậy, so với năm 2016, kỳ tuyển sinh năm 2017, số NV và số trường được đăng ký đều nhiều hơn, nguy cơ tăng tỷ lệ ảo là không tránh khỏi. Lãnh đạo nhiều trường cũng bày tỏ lo lắng sẽ lao đao khi giải bài toán gọi thí sinh nhập học như thế nào để vừa tránh ảo vừa đủ chỉ tiêu.
Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Thủy lợi, cho rằng thí sinh đăng ký càng nhiều NV thì tình trạng hồ sơ ảo càng lớn. Dù các trường đều biết thông tin đăng ký của thí sinh nhưng rất khó biết được các em có đến trường nhập học hay không.
Theo ông Thạc, tăng lựa chọn cho các thí sinh cũng đồng nghĩa việc các trường, đặc biệt là trường tốp dưới, sẽ gặp một số khó khăn trong xét tuyển.
Ông Thạc cho rằng nếu thí sinh đăng ký tới 5 - 7 NV, nhiều khả năng các em hướng tới các NV sau chứ chưa chắc đi học. Đó cũng là vấn đề mà các trường cần lưu tâm.
Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển vào ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất
Trước những lo lắng của các chuyên gia về việc cho thí sinh đăng ký nhiều NV dẫn đến nhiều thí sinh ảo, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định cho thí sinh đăng ký nhiều NV là nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh được trúng tuyển vào ngành mình yêu thích ở các trường có mức độ cạnh tranh khác nhau.
Theo ông Ga, dù đăng ký nhiều NV nhưng thí sinh phải sắp xếp các NV theo thứ tự ưu tiên và trong đợt xét tuyển chính (đợt 1), thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 NV cao nhất có thể trong danh sách các NV đã đăng ký.
Điều này được thực hiện nhờ phần mềm thống kê NV xét tuyển của thí sinh chạy tự động trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Do mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 NV nên hạn chế được tối đa tình trạng "thí sinh ảo" trong đợt xét tuyển chính.
Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, ủng hộ phương án thí sinh được chọn nhiều NV và nhiều trường.
"Khi có cơ sở dữ liệu của tất cả thí sinh đăng ký thì có khả năng lọc ảo và bộ sẽ giúp cho việc lọc ảo đó. Thí sinh chọn NV thì cũng sẽ chọn cả phương án dự phòng ở tốp trên, tốp giữa để bảo đảm mình có cơ hội vào ĐH", ông Tớp nói.
Để tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển, ông Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD&ĐT sẽ cho phép thí sinh được đăng ký trước khi thi, cùng lúc với làm thủ tục đăng ký dự thi.
Khi có kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh NV bằng phương thức trực tuyến trong khoảng thời gian quy định. Do đó, cổng thông tin tuyển sinh chỉ hỗ trợ cho một số ít thí sinh có nhu cầu điều chỉnh NV.
Khó xảy ra nghẽn mạng
Thứ trưởng GD&ĐT khẳng định việc công bố kết quả thi do các sở GD&ĐT thực hiện; xét tuyển ĐH do các trường thực hiện; còn cổng thông tin tuyển sinh của bộ chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ cơ sở dữ liệu để các trường khai thác, xét tuyển và chạy phần mềm thống kê NV giúp các trường loại bỏ "thí sinh ảo".
Do đó, so với năm 2016, hệ thống năm nay chạy nhẹ tải hơn nhiều nên khó có thể xảy ra nghẽn mạng.
Theo Zing
20 tuổi có được dự tuyển vào trường công an? Theo quy định, cán bộ, chiến sĩ công an trong biên chế không quá 30 tuổi (tính đến năm dự tuyển), học sinh không quá 20 tuổi được dự tuyển vào trường công an. - Bạn Nguyễn Thu hỏi: Em sinh ngày 10/2/1997, có được dự tuyển vào các trường công an năm nay không? Theo quy định, thí sinh chỉ được xét...