Lo nhiều về ngoại ngữ
TT – Nhiều ý kiến lo lắng việc yếu kém về ngoại ngữ sẽ khiến lao động Việt thua sút…
Các bạn trẻ nhiều quốc tịch đang cùng chia sẻ với nhau những thông tin trên máy tính – Ảnh: Flickr
* ThS NGUYỄN ĐĂNG LÝ (hiệu trưởng Trường CĐ Nghề kinh tế công nghệ TP.HCM):
Chú trọng đào tạo ngôn ngữ bản địa
Video đang HOT
Tôi nghĩ sự dịch chuyển lao động sẽ chưa diễn ra ngay, có thể vài ba năm nữa điều này mới diễn ra mạnh mẽ. Thực tế các nước có thể dựng lên những rào cản để đảm bảo việc làm cho người lao động của nước họ. Trong đó, có thể họ buộc phải có chứng chỉ ngôn ngữ bản địa. Do vậy, bên cạnh việc đào tạo tiếng Anh cho người học, các trường có thể đào tạo thêm ngôn ngữ bản địa cho người muốn ra nước ngoài làm việc. Điều này hơi khó vì nhiều ngôn ngữ và đội ngũ giảng viên chưa nhiều.
Bên cạnh đó cần trang bị cho người học kiến thức về luật pháp để ứng xử phù hợp và bảo vệ quyền lợi của mình. Có thể nói, thách thức cho người lao động Việt Nam trong buổi đầu hội nhập nhiều hơn là cơ hội.
* TS VŨ XUÂN HÙNG (viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH):
Nhiều việc cho giáo dục nghề nghiệp
Ba quốc gia có tỉ trọng lao động lớn là Indonesia (40%), Philippines (16%) và VN (15%). Tuy nhiên lao động VN còn nhiều hạn chế, năng suất lao động thấp. Ngoài ra, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ để sẵn sàng di chuyển làm việc tại các nước Asean chưa cao, khả năng ngoại ngữ chỉ xếp mức trung bình thấp.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế, do trình độ phát triển không đồng đều nên lao động có tay nghề và kỹ năng cao chủ yếu di chuyển vào Singapore, Thái Lan và Malaysia. Ở các nước còn lại là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng. Để giải quyết những hạn chế về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, Bộ LĐ-TB&XH chuẩn bị xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, xây dựng thể chế, cơ chế chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư, mở rộng quyền tự chủ của cơ sở dạy nghề. Tái cấu trúc mạng lưới cơ sở dạy nghề, đánh giá lại tiến độ của 45 trường đã được định hướng tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao và các trường được quy hoạch các nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế.
Triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia theo tham chiếu khung ASEAN, xây dựng các chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia tham chiếu các tiêu chuẩn năng lực của các nước trong khu vực và quốc tế. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được các nước trong khu vực công nhận.
Ngoài ra, chương trình đào tạo cũng sẽ được đổi mới, tiếp cận trình độ của các nước phát triển trong khu vực và thế giới, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo. Tăng cường đào tạo tiếng Anh, xây dựng chương trình đào tạo tiếng Anh chuyên ngành và một số ngoại ngữ của các quốc gia khác trong khu vực, tăng cường kiểm định chất lượng dạy nghề.
Xây dựng kế hoạch đào tạo các lĩnh vực trong tám ngành nghề đã được ASEAN thỏa thuận công nhận. Kết nối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kiểm định và công nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn các nước chuyển giao…
* TS NGUYỄN QUỐC CHÍNH (trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM):
Đào tạo theo chuẩn khu vực và thế giới
Để sẵn sàng cho sự hội nhập này, ĐH Quốc gia đã có sự chuẩn bị từ lâu. Từ năm 2010 đến nay, ĐH Quốc gia đã mời các đoàn kiểm định quốc tế đến để kiểm định và công nhận chương trình đạt chuẩn. Trong đó có hai chương trình đạt chuẩn ABET (được nhiều nước công nhận), 21 chương trình đạt chuẩn Đông Nam Á (AUN).
Ngoài ra có 36 chương trình kiểm định nội bộ theo tiêu chuẩn của AUN. Bên cạnh việc kiểm định theo chuẩn quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thay đổi công nghệ đào tạo theo mô hình CDIO: chương trình được xây dựng tích hợp giữa kỹ năng và kiến thức nhằm giúp người học sẵn sàng hội nhập. Hiện đã có 60 chương trình đào tạo được xây dựng theo mô hình này.
Bên cạnh các kỹ năng và kiến thức chuyên môn, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có đề án ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT đánh giá cao và lấy làm mô hình cho các trường ĐH khác học tập. Việc trang bị ngoại ngữ cho người học là một trong những yếu tố quan trọng khi làm việc tại các nước trong khu vực.
Hơn nữa, ĐH Quốc gia TP.HCM có thế mạnh là có nhiều trường đào tạo nhiều lĩnh vực khác nhau nên có thể hỗ trợ trong việc đào tạo. Năm 2016 ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế, cung cấp cho người học những điều kiện cần thiết cho xu hướng hội nhập hiện nay.