Lo ngại về tâm lý thực dụng trong phụ huynh, học sinh
(GDVN) – Tâm lý thực dụng đang chi phối chất lượng giáo dục Nhà trường, ảnh hưởng đến hình thành nhân cách và tri thức cho đối tượng học sinh phổ thông.
LTS: Học sinh đến trường ngoài để học chữ thì còn học làm người. Vậy nhưng không ít người mang theo tâm lý thực dụng rất đáng buồn. Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã nêu ra vấn đề này, Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Nhiều phụ huynh bây giờ không còn mấy phấn khởi, tự hào khi biết con em mình làm cán bộ lớp, hoạt động Đội, Đoàn, văn thể, đi tham gia hoạt động ngoài ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp nghề….
Bởi họ nghĩ rất “thiết thực” rằng những công việc, hoạt động ấy là thứ vô tích sự, mất thời gian, ảnh hưởng đến chuyện học hành của con em.
Thậm chí, có phụ huynh còn thẳng thừng bác ra, có biểu hiện nghiêm cấm con tham gia, đề nghị, can thiệp giáo viên chủ nhiệm, Nhà trường cho thôi, chọn bầu em khác.
Thật sự, nhiều em rất thích tham gia, đóng góp cho hoạt động, phong trào mang tính tập thể, xã hội. Nhưng lại bị cha mẹ cấm đoán, đành tháo lui trong niềm ấm ức, tiếc nuối.
Video đang HOT
Mong mỏi con em mình chăm chỉ học tập, thi đâu, đỗ đạt đó, đấy là điều tốt.
Song giáo dục Nhà trường, đâu chỉ có học văn hóa không, mà còn có nhiều hình thức, hoạt động giáo dục khác, rất cần cho hành trang của trẻ khi học lên cấp trên và bước vào đời .
Tâm lí thực dụng của phụ huynh, của xã hội là tác nhân xô đẩy các em đến chỗ có lối sống khép kín, ít giao tiếp, thiếu quan tâm đến đời sống cộng đồng, thiếu những giá trị nhân văn, chỉ thiên về vui chơi, hưởng thụ…
Hình thành những lớp học sinh, sinh viên, thanh niên nghèo nàn, phiến diện về những hiểu biết xã hội, về kĩ năng, thái độ sống tích cực, đúng đắn.
Đợt khảo sát giá mới nhất do Bộ GD & ĐT phối hợp với Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ, trong 59 trường ĐH được khảo sát, và cuộc điều tra của Bộ LĐ – TB & XH về khả năng vận dụng kiến thức vào công việc nghề nghiệp, môi trường lao động của sinh viên, học sinh ta, thì cho ngay những con số, kết quả không mấy khả quan, hạn chế nhiều thứ.
Việc học tập các môn văn hóa ở Nhà trường hiện nay, nhất là bậc THPT, nhiều học sinh đã có biểu hiện, thái độ, tư tưởng học lệch lạc.
Các em chủ yếu tập trung vào các môn tự nhiên để thi, xét tuyển Đại học, mà xếp các môn xã hội: Văn, Sử, Địa.
Còn các môn không bao giờ liên quan đến thi cử như : Giáo dục công dân, Công nghệ, Kỹ thuật…vào hàng thứ yếu, không để tâm học hành nghiêm túc, chỉ học với tính chất đối phó, đến giờ đó thì đem bài tập Toán, Lý ra làm , khi ” nước đến chân” mới nháo nhào tìm kiếm tài liệu, để chép, ôn thi.
Học theo kiểu ” mì ăn liền” thì làm sao có kiến thức vững chắc, thi cử làm sao có được điểm nhiều?
Chương trình phân ban, mục tiêu của nó là tạo điều kiện cho học sinh phát huy sở trường, thế mạnh của các em ở những môn có khả năng học tốt, học giỏi.
Thời gian, số tiết các môn chọn theo ban có phần được tăng cường, nhiều lên. Chứ không có nghĩa là học phân ban, là bỏ luôn các môn khác, không thuộc ban mình như nhiều học sinh đang thực hiện. Làm méo mó, biến dạng đi mục tiêu của Chương trình phân ban.
Tình trạng học sinh yếu kém, tù mù, hụt hẫng trầm trọng về kiến thức xã hội, kỹ năng sống, cái chính là do lỗi các em, lỗi phụ huynh. Là hệ quả tất yếu của tính thực dụng đã lan rộng, ăn sâu, bám chặt.
Để thay đổi được nó không thể một sớm, một chiều, đòi hỏi có quá trình, với các biện pháp đồng bộ, phối kết hợp từ xã hội, đến Nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh.
Chương trình, sách giáo khoa phải thể hiện được tinh thần đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá.
Chống học lệch, khuyến khích phong trào học toàn diện, hiểu biết sâu rộng cần được cổ súy, tuyên truyền, tác động mạnh mẽ trong học sinh, trong phụ huynh.
Mục tiêu: “Học để thi Đại học, học để làm ” thầy”" tồn tại lâu nay trong giáo dục, phụ huynh, học sinh ta, cần được thay thế bằng mục tiêu: ” Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để tự khẳng định mình”, mang tính toàn diện, sâu sắc hơn mà nhiều nền giáo dục trên thế giới đang hướng đến.
Theo GDVN