Lộ diện chiến đấu cơ thế hệ 5 TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ
Các tính năng kỹ chiến thuật của TF-X được cho là sẽ không hề thua kém F-35.
Kỳ vọng
Ankara từ lâu đã có tham vọng sở hữu máy bay chiến đấu nội địa thế hệ 5. TF-X (Turkish Fighter-Experimental, còn được gọi là Máy bay chiến đấu quốc gia (bằng tiếng Thổ MMU)) là mẫu máy bay kỳ vọng được Công ty Turkish Aerospace Industries (TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phát triển vào năm 2010. Từ năm 2015, TAI đã đề xuất ít nhất ba cấu hình khác nhau, bao gồm hai thiết kế với động cơ đơn và một động cơ đôi; mô hình mới nhất đã được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Paris 6/2019.
Ba cấu hình TF-X được TAI đề xuất. Ảnh: airforce-technology.
Dòng máy bay mới này sẽ thay thế phi đội máy bay chiến đấu đã lỗi thời F-16 C/D “Viper”, được lắp ráp tại Thổ Nhĩ Kỳ theo giấy phép Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ. Ankara có thể chi tới 33 tỷ USD cho dự án TF-X, dự kiến cho ra mắt nguyên mẫu TF-X năm 2023 – nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến bay đầu tiên sẽ được tiến hành vào 2025, năm 2028 – đưa vào sử dụng, từ năm 2032 – sản xuất đại trà; phục vụ trong lực lượng không quân của nước này ít nhất đến năm 2060.
Bên cạnh việc hợp tác với nhiều hãng nước ngoài như Saab của Thụy Điển hay BAE Systems của Anh, Ankara dự định sẽ tự thiết kế động cơ, cũng như phát triển vũ khí trang bị cho TF-X. Trước mắt, họ sẽ chọn động cơ F-110 của GE để trang bị cho T-FX trước khi tự sản suất động cơ nội địa. Nước này có thể cũng nhờ đến công nghệ từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ và Anh để rút ngắn thời gian phát triển. Dù vẫn giữ kín các tính năng kỹ chiến thuật của TF-X, Thổ nhĩ Kỳ khẳng định nó sẽ không hề thua kém F-35.
TF-X sẽ có hai động cơ, mỗi chiếc sẽ có thể tạo được lực đẩy lên đến hơn 9.000 kg, tương đương với động cơ máy bay F-35, đuôi thẳng đứng, dài 20m, thân máy bay có phần hẹp hơn và sải cánh 12m. TF-X sẽ có vận tốc tối đa Mach 2, tải trọng khoảng 27 tấn khi cất cánh, trần bay 18.000m và bán kính chiến đấu 1.300km; sẽ có thể tương tác với máy bay ném bom chiến đấu F-35 của Mỹ.
Theo đại diện của TAI, quá trình phát triển của máy bay TF-X hiện đang trong giai đoạn tích cực. Các đặc tính kỹ thuật của máy bay đang được cập nhật và các nhà cung cấp các hệ thống phụ khác nhau cho TF-X cũng đang được TAI tìm kiếm. Rocketsan – nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển các mẫu tên lửa tấn công cho máy bay TF-X. Hãng BAE Systems, công ty hợp tác với TAI phát triển TF-X, khẳng định máy bay này sẽ là “tiêm kích tốt nhất châu Âu” và có thể được trang bị tên lửa tầm xa, không đối không Meteor do hãng MBDA chế tạo.
Và những thách thức không nhỏ
Các sự kiện gần đây cho thấy, với Ankara có thể phát sinh những bất đồng với các đối tác nước ngoài, không chỉ trong việc cùng hợp tác phát triển dự án quốc phòng, mà còn về cung cấp vũ khí. Để ngăn cản thương vụ S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Washington đã sử dụng nhiều biện pháp hòng buộc Ankara quay về quỹ đạo điều khiển của mình. Mỹ đe dọa ngừng chuyển giao 100 chiếc F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và ngưng hợp tác với Ankara phát triển chiến đấu cơ này.
Video đang HOT
Mô hình TF-X trưng bày tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Paris. Ảnh: flightglobal.com.
Ngược lại, chính quyền Tổng thống Erdogan cũng tỏ ra rất cứng rắn, tuyên bố, Ankara đã chuẩn bị sẵn cho các phương án B, C, D để trang bị tiêm kích thế hệ năm trong tương lai. Theo Sputnik, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tỏ ra quan tâm tới các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 khác, bao gồm Su-57 của Nga và FC-31 của Trung Quốc. Tháng 11/2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố, Ankara cần phải vượt qua sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí trước năm 2023. Bằng cách triển khai dự án TF-X cũng như các dự án khác, Ankara muốn chứng minh sự độc lập trong sản xuất vũ khí của mình.
Các chiến đấu cơ hiện đại đều là những cỗ máy phức tạp và không phải quốc gia nào cũng có khả năng tự chế tạo, Phát triển một máy bay chiến đấu tàng hình rất tốn kém. Tướng không quân Nhật Bản Yoshioka – người giám sát chương trình máy bay chiến đấu tàng hình của Nhật Bản vào năm 2011 – ước tính chi phí vào khoảng 100 tỷ USD. Chỉ có ba quốc gia trên lý thuyết có thể làm điều đó mà chi phí khổng lồ không biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế đó là Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Trên thực tế chỉ hai quốc gia là Mỹ và Trung Quốc thực sự đã làm được việc đó. Lầu Năm Góc dự kiến chi phí không dưới 400 tỷ USD cho 2.300 chiếc F-35 và chi phí này không bao gồm khoản dành cho vận hành. F-35 sẽ tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng hằng năm tương ứng 700 tỷ USD của Hoa Kỳ (1,5%) – là phần chi hợp lý. Chương trình Su-57 của Nga đã phải vật lộn với chi phí để sản xuất một số lượng máy bay khiêm tốn.
Việc phát triển tiêm kích thế hệ 5 đã tiêu tốn của các nước như Nga và Mỹ hàng tỉ USD, cùng với đó là thời gian nhiều năm ròng rã. Mỹ đã mất 20 năm để hoàn thiện F-35 trong khi Nga cũng dành tới 9 năm cho chiếc Su-57 nhưng đến giờ vẫn chưa thế đưa vào sản xuất đại trà. Trong bối cảnh Mỹ ngừng cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ưu tiên sản phẩm trong nước hơn là tìm kiếm từ nguồn nước ngoài để tránh bị lệ thuộc. Do đó, nước này sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển mẫu TF-X.
Tuy nhiên, với nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể tham gia câu lạc bộ của những “đại gia” trên. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chi 20 tỷ USD cho toàn bộ lực lượng vũ trang của mình. Thật vô lý khi đưa một dự án máy bay chiến đấu tàng hình trị giá 100 tỷ USD vào ngân sách như vậy. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chế tạo ra các bộ phận phức tạp như radar, hệ thống tác chiến tử, hệ thống định vị và các màn hình chỉ báo trong khoang lái như thế nào vẫn là câu hỏi lớn.
TF-X là một ví dụ về những gì mà nhà phân tích Aboulafia của Teal Group gọi là khái niệm “máy bay chiến đấu quốc gia” – một loại máy bay chiến đấu tiên tiến phù hợp với nhu cầu của một quốc gia nhưng lại thiếu tiềm năng xuất khẩu. Khái niệm “máy bay chiến đấu quốc gia” gần như luôn luôn kết thúc bằng kết quả tồi tệ mà các ví dụ là Lavi của Israel, máy bay ném bom chiến đấu đắt đỏ L-159 của Séc. Và thảm khốc nhất là Ấn Độ, đã dành 30 năm để phát triển, tiêu tốn hàng tỷ USD trước khi sản phẩm là một máy bay chiến đấu hạng nhẹ nhưng thô sơ Tejas vào năm 2011.
TF-X có thể chỉ là lợi thế khi Ankara dùng để gây áp lực với Washington về những nỗ lực bắt Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn giữa máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất và hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Khi giới thiệu máy bay chiến đấu tàng hình của riêng mình, Ankara có thể chỉ đơn giản là cố gắng chứng minh với Washington rằng họ có thể đe dọa sự độc quyền của F-35 về xuất khẩu máy bay chiến đấu tàng hình, bằng cách tự chế tạo hoặc giúp Nga hoàn thiện Su-57.
Theo nhiều nhà quan sát, ngay cả chiến lược đó dường như cũng có nhiều khả năng thất bại. Chương trình F-35 đủ lớn và hấp dẫn để tồn tại mà không cần tới Thổ Nhĩ Kỳ, và đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ có thể không đủ để cứu chương trình máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 của Nga./.
Theo CTV Lê Ngọc/VOV.VN
Thổ Nhĩ Kỳ ra mắt máy bay thế hệ 5 nội địa thay thế F-35
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng năm 2023 sẽ cho ra mắt máy bay TF-X thực sự và đến năm 2025 nó sẽ có chuyến bay đầu tiên, sau đó sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2028.
Không lâu sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mất quyền tiếp cận tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, Công ty Công nghiệp Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) ra mắt một nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 do chính nước này sản xuất tại Triển lãm hàng không Paris hôm 17-6. Mẫu máy bay này lấy tên là TF-X.
Nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 nội địa TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ được trình làng tại Triển lãm hàng không Paris hôm 17-6. Ảnh: Military.com
TF-X được coi là máy bay nội địa đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu quyền tiếp cận F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ bị hạn chế vĩnh viễn, TF-X có thể là hy vọng tốt nhất của nước này trong phát triển nền tàng công nghiệp hàng không vũ trụ của đất nước, dù rằng một số nhà quan sát đặt câu hỏi về khả năng sản xuất máy bay thế hệ 5 thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Xuất hiện trên đường băng của sân bay Paris - Le Bourget là một mô hình kích thước thật của máy bay chiến đấu có tên là TF-X hai động cơ, đuôi thẳng đứng trông giống như F-35, nhưng thân máy bay có phần hẹp hơn và sải cánh dài hơn so với tiêm kích hiện đại của Mỹ, trang tin Military.com đưa tin.
Hình dáng của TF-X ít nhiều gây ra sự bất ngờ.
Lý giải về sự giống nhau của hai máy bay chiến đấu, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của TAI - ông Temel Kotil cho hay công ty của ông "là đơn vị đã tham gia chế tạo thân máy bay" của F-35. TAI là nhà cung cấp thứ cấp của nhà thầu Northrop Grumman có trụ sở ở Mỹ, một trong những công ty tham gia chế tạo F-35 và đóng vai trò lắp ráp phần lớn các bộ phận thân máy bay chiến đấu này.
"Nói như vậy có nghĩa là, về mặt sản xuất, TAI có đủ năng lực để chế tạo máy bay chiến đấu TF-X. Mặc dù những gì chúng ta được thấy ở đây là một mô hình, song vào năm 2023 chúng tôi sẽ cho ra mắt máy bay thực sự và đến năm 2025 nó sẽ có chuyến bay đầu tiên, sau đó sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2028", ông Kotil nhấn mạnh.
Theo trang tin Defense News, TF-X sẽ có vận tốc tối đa Mach 2, tầm hoạt động trên 960 km và có tải trọng là khoảng 27 tấn khi cất cánh. Máy bay có hai động cơ, mỗi chiếc sẽ có thể tạo được lực đẩy lên đến hơn 9.000 kg, gần như tương đương với khả năng của động cơ máy bay F-35.
Hãng BAE Systems, công ty hợp tác với TAI phát triển TF-X, khẳng định máy bay này sẽ là "tiêm kích tốt nhất châu Âu" và có thể được trang bị tên lửa tầm xa, không đối không Meteor do hãng MBDA của châu Âu chế tạo.
Lầu Năm Góc hiện chưa đưa ra bình luận về loại máy bay mới mà Thổ Nhĩ Kỳ vừa trình làng. Một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc bày tỏ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấp thuận cách nghĩ của Mỹ và chịu từ bỏ thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Ankara cũng bày tỏ quan tâm tới các máy bay thế hệ thứ 5 khác, trong đó có Su-57 của Nga và FC-31 của Trung Quốc, hãng tin Sputnik cho hay.
Tiêm kích F-35 của Mỹ. Ảnh: SPUTNIK
Đầu tháng 6, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan gửi một lá thư tới Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó vạch ra những bước đi đầu tiên loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển F-35. Thư yêu cầu các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới chương trình gồm phi công, nhân viên bảo dưỡng và nhân viên tại Văn phòng chương trình F-35 phải rời khỏi Mỹ trước ngày 31-7.
Kể từ đó, Tư lệnh của Căn cứ không quân Luke, bang Arizona (Mỹ), đảm nhiệm huấn luyện phi công lái F-35, đã lệnh ngừng huấn luyện các phi công Thổ Nhĩ Kỳ.
Bà Ellen Lord, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần ngày 17-6 cho hay "không có tiến bộ đáng kể" với Thổ Nhĩ Kỳ từ sau lá thư của ông Shanahan, song nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Mỹ vấn hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ đảo ngược quyết định mua S-400.
Bà Lord từ chối trả lời câu hỏi liệu bà có nhìn nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ mẫu máy bay TF-X là phát đi tín hiệu nước này đang rút khỏi chương trình F-35 hay không. Bà Lord cũng ám chỉ có thể có những hậu quả thêm nữa đối với ngành hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ nếu quyết mua S-400.
Trong khi đó, các quan chức Tập đoàn Lockheed Martin ngày 17-6 thì cho hay họ vẫn tiếp tục chương trình theo kế hoạch cho tới khi nhận được chỉ đạo khác từ chính phủ Mỹ.
"Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đối tác của chương trình. Chúng tôi vẫn đang sản xuất máy bay cho Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi vẫn đang mua nguyên liệu từ Thổ Nhĩ Kỳ", ông Greg Ulmer, phó Chủ tịch của Lockheed Martin khẳng định.
Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất 937 linh kiện khác nhau cho tiêm kích F-35, trong đó có linh kiện cho khung thân, càng đáp.
Theo PLO
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện dự án đường ống khí đốt và nhà máy hạt nhân Ngày 29/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện hai dự án chung quan trọng, bao gồm nhà máy điện hạt nhân Akkuyu (NPP) và đường ống khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP/TTXVN Phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ...