Lỡ đăng ký nhầm tổ hợp hoặc sai phương thức, thí sinh phải làm sao?
Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT triển khai cách thức mới đăng ký xét tuyển , do đó nhiều thí sinh đã đăng ký nhầm tổ hợp hoặc sai phương thức xét tuyển.
Bộ GD&ĐT xử lý vấn đề này thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong những ngày đầu tiên khi các trường tải dữ liệu về và chạy thử điểm chuẩn đã phát hiện một số sai sót của thí sinh.
Cụ thể, nhiều em đăng ký vào hệ thống nhưng đăng ký nhầm tổ hợp hoặc sai phương thức xét tuyển. Do đó, Vụ Giáo dục Đại học đã đề xuất giải pháp cho phép các trường đại học chủ động làm việc, trao đổi với thí sinh bị sai sót. Các trường sẽ giúp thí sinh sửa lại thông tin cho chính xác và đưa vào danh sách tiếp tục lọc ảo như thí sinh bình thường khác. Từ đó, giảm thiểu được mọi sai sót về sau.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Bà Thủy giải thích nếu các trường tiếp tục lọc ảo trên thông tin bị sai, sau này vẫn phải giải quyết theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho người học. Do đó, việc trường chủ động hỗ trợ thí sinh ngay trong thời gian lọc ảo hiện tại là phương án hợp lý nhất.
Video đang HOT
Tại Hội nghị Tổng kết giáo dục đại học ngày 12/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã đồng tình với đề xuất của lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học. Trong năm đầu Bộ GD&ĐT triển khai cách thức mới đăng ký xét tuyển, thanh toán nguyện vọng, các em có thể bỡ ngỡ, chưa tiếp cận đầy đủ thông tin.
“Vì vậy, cùng với sự tự chủ của các trường, chúng ta tạo điều kiện tối đa cho thí sinh. Vụ Giáo dục Đại học có thể biên soạn hướng dẫn trên từng trường hợp sai sót cụ thể để các trường giải quyết, tránh để các em mất quyền lợi vì nhầm lẫn hay sai sót”, ông Sơn nói.
Đối với nhóm thí sinh chưa thanh toán được lệ phí xét tuyển, Vụ Giáo dục Đại học đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho phép các em này xét tuyển bình thường, các em sẽ thực hiện nộp lệ phí sau. Việc nộp lệ phí vẫn thực hiện trực tuyến, đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong toàn hệ thống, không gây khó khăn cho thí sinh.
“Năm nay, chúng ta để quyền chủ động cho thí sinh chịu trách nhiệm về đăng ký. Do đó, chắc chắn sẽ còn sai sót ít nhiều. Chúng ta sẽ cùng xem xét xử lý sau khi hệ thống công bố kết quả xét tuyển chung. Chúng tôi cũng đề xuất các trường được toàn quyền chủ động trong việc xử lý với những trường hợp có sai sót, để sau khi giải quyết sai sót thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào cơ sở đào tạo.
Với những trường hợp thí sinh đã trúng tuyển sớm nhưng không đăng ký trên hệ thống, nếu các em có sai sót, không thể đưa vào danh sách lọc ảo bây giờ thì các trường cũng có thể xem xét cụ thể sau khi đã có kết quả xét tuyển đợt 1″, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học thông tin.
Bộ GD&ĐT cho biết, đến nay có hơn 400.000 thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ 35% trong số này đặt ngành đã trúng tuyển sớm ở nguyện vọng 1; 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi) và 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, quy trình lọc ảo diễn ra sáu lần, từ ngày 10/9 đến 15/9 (mỗi ngày một lần). Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ trả danh sách trúng tuyển cuối cùng cho các trường.
Trước 17h ngày 17/9, các trường nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống; rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Nếu chưa đủ chỉ tiêu sẽ được tuyển bổ sung từ tháng 10 đến tháng 12.
Chạy đua xét tuyển, lọc ảo
Từ nay đến ngày 15-9, các trường ĐH tiến hành tải dữ liệu thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển và lọc ảo.
Cùng với đó, hệ thống của Bộ GD-ĐT thực hiện lọc ảo (loại bỏ TS đã đỗ nguyện vọng cao hơn vào trường khác khỏi danh sách dự kiến), sau đó gửi lại kết quả cho các trường. Đến ngày 17-9, các trường công bố điểm trúng tuyển cho tất cả phương thức xét tuyển.
Cán bộ kỹ thuật Trường ĐH Công nghệ TPHCM trực xử lý dữ liệu để tiến hành lọc ảo, xét tuyển ngày 10-9
Lọc ảo liên tục
Trong thời gian từ ngày 4 đến 9-9, các trường ĐH đã tải dữ liệu hồ sơ TS từ hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT và tiến hành xét tuyển. Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), để đảm bảo công tác xét tuyển thông suốt, hệ thống tuyển sinh chung đã được nâng cấp để đáp ứng những thay đổi của quy chế tuyển sinh và các văn bản quy định. Sau khoảng thời gian xét tuyển chung, trường ĐH sẽ tải kết quả xét tuyển lần 1 cho tất cả phương thức tuyển sinh lên hệ thống. Từ ngày 7 đến 14 giờ ngày 10-9, Bộ GD-ĐT sẽ trả kết quả xử lý nguyện vọng lần 1, các trường tải về kết quả xử lý nguyện vọng này. Từ ngày 11 đến 15-9, sẽ có thêm 5 lần xử lý nguyện vọng tương tự quy trình mỗi ngày như lần 1. Trước 17 giờ ngày 17-9, các trường nhập mức điểm trúng tuyển và chuyển kết quả xét tuyển lên hệ thống, tiến hành rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, đối với những TS trúng tuyển có điều kiện (ở các phương thức xét tuyển của từng trường) có thể kiểm tra thông tin đăng ký xét tuyển tại các trường. Các trường cần có website và hệ thống có chức năng để TS tra cứu kết quả trúng tuyển, đồng thời có thể xác nhận nhập học ngay trên hệ thống. Cùng với đó, hệ thống hỗ trợ các trường dữ liệu tuyển sinh để xét tuyển và xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển, cung cấp thông tin TS trúng tuyển xác nhận nhập học vào các trường. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung tiến hành xử lý nguyện vọng xét tuyển, chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những TS đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà các trường gửi lên hệ thống.
Để đảm bảo cho công tác xét tuyển được thông suốt, Vụ Giáo dục Đại học yêu cầu các trường phải triệt để tuân thủ: danh sách TS trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách được hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại trường lần cuối; không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này; với TS đã đáp ứng đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, các trường không được xét lại mà phải tải danh sách lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các đối tượng xét tuyển khác.
Sau khi công bố điểm chuẩn, nếu chưa đủ chỉ tiêu, các trường ĐH sẽ tiến hành tuyển bổ sung từ tháng 10 đến tháng 12. TS trúng tuyển xác nhận nhập học trước 30-9 theo hình thức trực tuyến. Nếu có nhu cầu xét tuyển đợt bổ sung, các em thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các trường.
Trực xét tuyển xuyên đêm
Nếu như năm 2021, việc lọc ảo, xét tuyển chỉ dành cho TS đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thì năm nay quy trình sẽ xử lý ở tất cả phương thức xét tuyển. Do đó, công tác lọc ảo, xét tuyển sẽ căng thẳng và phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, các trường phải cử nhiều cán bộ kỹ thuật, trung tâm xử lý dữ liệu và phòng tuyển sinh... túc trực cả ngày lẫn đêm để thực hiện quy trình lọc ảo, xét tuyển. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết, trường cử 4 cán bộ kỹ thuật và các cán bộ có kinh nghiệm tuyển sinh túc trực 24/24 giờ trong suốt những ngày thực hiện lọc ảo và xét tuyển. Ngoài việc tham gia 6 lần lọc ảo theo quy trình của Bộ GD-ĐT, trường còn tham gia nhóm lọc ảo phía Nam (do ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì).
Theo PGS-TS Lê Hiếu Giang, Phó hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, trường cử 4 cán bộ kỹ thuật chuyên phụ trách xử lý dữ liệu. Cùng với đó, trường bố trí một trung tâm phần mềm chuyên dụng để xử lý dữ liệu phục vụ công tác lọc ảo, xét tuyển. Trong đợt tải thử dữ liệu vừa qua từ hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, trường phát hiện dữ liệu bị sai sót, sau đó liên hệ với Bộ GD-ĐT để xử lý. Một vấn đề nhà trường cũng đang băn khoăn là rất nhiều TS trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm (xét tuyển bằng học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức) chưa đăng ký xác nhận nguyện vọng trên hệ thống và cả TS chưa nộp được lệ phí xét tuyển, nếu bị loại khi thực hiện xét tuyển thì thiệt thòi cho các em.
Tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), thành viên Ban điều phối nhóm lọc ảo phía Nam, cho biết, tham gia nhóm lọc ảo năm nay có 80 trường. Nhóm sẽ tuân thủ các quy định và sử dụng chung dữ liệu của Bộ GD-ĐT để làm căn cứ trong quy trình lọc ảo nhóm. Xen kẽ 6 lần lọc ảo chung toàn quốc thì nhóm sẽ có 10 lần lọc ảo từ ngày 10 đến ngày 17-9. Trong 2 lần lọc cuối cùng của nhóm, các trường có trách nhiệm giới hạn việc thay đổi tỷ lệ gọi trúng tuyển không quá 10% cho từng ngành, nhóm ngành so với lần trước đó.
Trong khi đó, đại diện nhiều trường phản ánh, hiện có nhiều TS, phụ huynh liên hệ với phòng tuyển sinh trình bày việc chưa thể thực hiện nộp lệ phí xét tuyển do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Những TS này có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn từ 20-25 điểm và đều trúng tuyển. Nếu vì lý do chưa hoàn thành nộp lệ phí xét tuyển mà loại các em thì thật không công bằng.
Từ ngày 16-9 đến trước 17 giờ ngày 30-9, tất cả TS phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Cơ sở đào tạo không được yêu cầu TS xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16-9 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 30-9. Theo Bộ GD-ĐT, kết thúc thời gian thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến (ngày 31-8), số nguyện vọng đã thực hiện thủ tục thanh toán trực tuyến đạt 97% tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH. Do năm đầu tiên TS còn bỡ ngỡ với phương thức thanh toán trực tuyến, nên đối với các TS chưa nộp lệ phí xét tuyển, Bộ GD-ĐT sẽ có phương án để tạo điều kiện cho thí sinh tiếp tục hoàn thành theo quy định, không để TS mất cơ hội xét tuyển. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục mở cổng hệ thống để TS nộp lệ phí xét tuyển từ ngày 10 đến 13-9.
Bộ GD&ĐT tiếp tục mở hệ thống thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến Bộ GD&ĐT vừa thông báo tiếp tục mở hệ thống thanh toán lệ phí tuyển sinh trực tuyến từ ngày 10/9 đến 17h ngày 13/9. Trong 4 ngày tiếp tục mở hệ thống, Bộ GD&ĐT yêu cầu các thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển dựa trên phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT cần hoàn thành trách nhiệm...