Linh hoạt điều chỉnh mô hình trường học mới
Các phụ huynh ở Lâm Đồng cho rằng từ khi theo chương trình mô hình trường học mới, con em họ học sút kém, kết quả thi lên lớp 6 đa phần không đạt điểm trung bình.
Ông Biện Văn Ánh – Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng – xác nhận: “Cách đây khoảng 2 tuần, nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) kiến nghị bỏ giảng dạy theo mô hình trường học mới (VNEN). Tôi cũng đã giải thích và tuyên truyền cho phụ huynh và sẽ linh hoạt điều chỉnh phương pháp dạy học để tháo gỡ những khó khăn mà học trò vướng phải. Không ép học trò học theo một cách máy móc kém hiệu quả, nhà trường cũng đã họp phụ huynh nhưng phần lớn họ không đồng ý”.
Chỉ 4/285 phiếu đồng ý dạy học theo VNEN
Theo ông Ánh, ngày 13/10, nhà trường kết hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), phòng GD&ĐT, Đảng ủy UBND thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai tổ chức cuộc họp với toàn thể PHHS và các thầy cô giáo của trường về vấn đề này.
Qua đó, chỉ 285 PHHS có mặt nghe ý kiến và phản ánh những mặt tồn tại trong chương trình VNEN. Cuộc họp có 3 hướng là xin ý kiến phụ huynh tiếp tục dạy theo mô hình VNEN; theo phương pháp truyền thống và kết hợp giữa truyền thống và mô hình VNEN.
“Kết quả, có 4 phiếu nhất trí dạy theo mô hình VNEN, 131 phiếu đồng ý phương pháp truyền thống và 154 phiếu là kết hợp cả 2 mô hình trên. Nhà trường đang tổng hợp ý kiến để xin chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Đạ Huoai”, ông Ánh cho biết thêm.
Sáng 16/10, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi tổ chức cuộc họp phụ huynh học sinh liên quan đến chương trình học mới VNEN. Ảnh: Người Lao Động.
Sau nhiều cuộc họp giữa nhà trường và PHHS nhưng vẫn không mang lại kết quả, ngày 15/10, PHHS của trường cử đại diện chi hội phụ huynh tiếp tục lên sở GD&ĐT và UBND tỉnh Lâm Đồng để đề nghị nên bãi bỏ chương trình học mới VNEN.
Không chỉ ở bậc tiểu học, làn sóng phản đối chương trình này đã lan sang cả các trường THCS. Sáng 16/10, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai đã tổ chức buổi họp PHHS liên quan đến việc nên hay không nên học theo mô hình mới VNEN.
Ông Trần Tấn Công, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: “Hiện trường có 2 khối 6 và 7 đang thực hiện mô hình dạy học mới VNEN, qua cuộc họp phụ huynh có tới 131/138 phiếu (hơn 90%) PHHS đồng ý bỏ mô hình học mới này.
Video đang HOT
Nhà trường sẽ làm văn bản báo cáo lên phòng GD&ĐT có hướng giải quyết. Trước mắt, nhà trường vẫn thực hiện theo phương pháp “chữa cháy” nghĩa là kết hợp giữa phương pháp cũ và mới”.
Càng học càng mất căn bản
Nguyên nhân dẫn đến việc phụ huynh đòi bỏ chương trình vì VNEN không mang lại hiệu quả cho con em họ mà ngược lại, nhiều em học sa sút.
Một PHHS lớp 4B trường Tiểu học thị trấn Đạ M’ri bức xúc: “Gia đình tôi có 4 cháu đang đi học, trong đó cháu lớn học lớp 9 học theo phương pháp truyền thống thì học rất khá, 8 năm liền đạt học sinh giỏi.
Ba cháu còn lại học theo mô hình VNEN này thì học lực rất yếu, trong đó cháu học tiểu học 3 năm học sinh tiên tiến, 2 năm học sinh giỏi nhưng lên cấp 2 thì học không tiếp thu được mà phải thi lại các môn, chúng tôi rất đau lòng vì mỗi lần họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm nói cháu mất căn bản từ cấp 1″.
“PHHS chúng tôi không hiểu vì lý do gì chương trình VNEN không hiệu quả ở địa phương, PHHS chúng tôi phản đối kịch liệt mà nhà trường, phòng GD&ĐT không thay đổi. Bậc tiểu học mà mất căn bản cũng ví như móng nhà xây không chắc thì khi căn nhà hoàn thành ắt sẽ bị đổ sập…”, chị Th., phụ huynh của 2 cháu đang theo học lớp 4A và 2C tại Trường Tiểu học Đạ M’ri, cho biết.
Ngoài ra, bà H., một trong những PHHS có con đang theo học mô hình VNEN, cho biết: “Nếu nhà trường không thay đổi phương pháp dạy học, gia đình tôi sẽ làm đơn xin được phép chuyển trường chứ học ở đây, các cháu không tiếp thu được”.
Trao đổi với phóng viên Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Trinh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đạ Huoai, cho rằng PHHS sinh lo lắng về chương trình VNEN là có cơ sở bởi mỗi lớp có tới 30 – 35 em nên việc áp dụng chương trình này còn nhiều hạn chế.
Toàn huyện có 6 trường tiểu học và 1 trường THCS đang áp dụng theo chương trình VNEN. Trong đó, 6 trường tiểu học áp dụng đến nay được 5 năm, trường THCS mới áp dụng thí điểm 2 năm vừa qua.
“Trước những phản ánh của các bậc phụ huynh, chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm những mặt hạn chế, qua đó phòng GD&ĐT huyện sẽ tổng hợp những ý kiến của PHHS.
Nếu đa số PHHS chưa yên tâm mô hình này thì chúng tôi sẽ sắp xếp lại theo phương pháp học truyền thống và kết hợp những mặt tích cực của phương pháp VNEN với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học”.
Triển khai chương trình trên cơ sở tự nguyện
Bộ GD&ĐT từng có văn bản rút kinh nghiệm về chương trình VNEN vào ngày 18-8.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đánh giá chương trình VNEN là mô hình đã được thử nghiệm ở một số nước cho kết quả tốt, được UNESCO và chuyên gia giáo dục quốc tế khuyến cáo chọn thử nghiệm tại Việt Nam.
Kết quả 3 năm thử nghiệm cho thấy mô hình có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập.
Đồng thời, mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường.
Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình trường học mới này chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn.
Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở GD&ĐT tiếp tục chủ động nghiên cứu, áp dụng các phương thức giáo dục tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục.
Đồng thời chủ động nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng.
Cụ thể như sau: Khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai VNEN tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, bảo đảm đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.
Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, bảo đảm nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.
Theo Đình Thi / Người lao động
Bộ Giáo dục: Triển khai mô hình VNEN còn máy móc, nóng vội
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá, mô hình trường học mới (VNEN) có nhiều điểm tích cực, song triển khai còn máy móc, nóng vội.
Ngày 18/8, Bộ trưởng GD&ĐT gửi công văn tới các địa phương về mô hình trường học mới, nêu rõ: "Kết quả 3 năm thử nghiệm cho thấy mô hình có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường".
Tuy nhiên, việc áp dụng chưa thực sự phù hợp điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp khó khăn. Do chưa nhận thức đầy đủ, chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình máy móc; việc triển khai nóng vội... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
Học sinh tại Hà Nội trong lễ khai giảng. Ảnh: Hoàng Hà.
Từ đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chủ động nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng; đồng thời tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục ở địa phương mình.
Bộ GD&ĐT vẫn khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.
Những cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.
Bên cạnh đó, địa phương các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học; áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp điều kiện thực tiễn.
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. Mô hình này áp dụng tại Việt Nam từ đầu năm 2013, đến nay đã nhân rộng trên toàn quốc với hơn 2.000 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS.
Theo mô hình này, quản lý lớp học là "Hội đồng tự quản học sinh", các ban do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm.
"Hội đồng tự quản học sinh" là biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục... Tổ chức bộ máy Hội đồng tự quản học sinh bao gồm: Chủ tịch Hội đồng, Phó chủ tịch Hội đồng, Ban học tập, Ban quyền lợi, Ban đối ngoại...
Theo Zing