Linh hoạt dạy – học và tổ chức thi
Giờ đây chẳng riêng gì Việt Nam, thế giới đang có trên nửa tỷ học sinh (HS) và sinh viên (SV) phải nghỉ học để phòng dịch Covid-19.
Xử lý bài toán xã hội, giải quyết những khó khăn ở các nhà trường trong thời điểm hiện nay là rất phức tạp vì nó liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người học. Do đó, không thể theo cách làm truyền thống mà cần linh hoạt, dựa vào đặc thù của từng trường và từng địa phương.
Học sinh có thể học miễn phí nhiều môn từ mẫu giáo đến lớp 12 qua mạng. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Quỹ thời gian eo hẹp
Tính đến nay HS toàn quốc đã nghỉ học được 6 tuần. Nhiều trường, nhiều địa phương đã có công văn tiếp tục cho HS nghỉ tiếp 2 tuần nữa, tức là nghỉ hết tháng 3/2020. Đến ngày nào của tháng 4 các trường sẽ chắc chắn cho HS trở lại học, đến nay vẫn là câu hỏi. Việc nghỉ học và đi học là do mỗi địa phương quyết định, điều này gây khó khăn cho các trường trong việc xây dựng kế hoạch cũng như tổ chức dạy học để phù hợp được với thời gian này.
Trước đó, ngay từ giữa tháng 2, UBND TP Hồ Chí Minh, đã có văn bản gửi Bộ GDĐT đề nghị cho HS nghỉ học 8 tuần, tức là hết tháng 3/2020. Đây có thể hiểu là sự quyết đoán và có tầm nhìn xa.
Mới đây, ngày 13/3/2020, Bộ GDĐT, đã có công văn hỏa tốc số 803/BGDĐT-GDTrH về điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần thứ 2), theo đó năm học kết thúc trước 15/7/2020 và kỳ thi THPT quốc gia sẽ bắt đầu sau đó khoảng 3 tuần lễ. Với quyết định này đồng nghĩa HS chỉ được nghỉ hè tháng rưỡi so với được nghỉ 3 tháng như hàng năm. Theo đó, nên cho HS trở lại trường vào giữa tháng 4, tức là kết thúc năm học vào giữa tháng 8/2020.
Kỳ thi THPT quốc gia và khai giảng năm học mới lùi lại sau đó là 4 tuần. Đối với cách này có lợi là các trường chủ động được hoạt động dạy học trong 4 tuần tới, để HS và gia đình các em yên tâm tiếp tục nghỉ học phòng chống dịch Covid-19. Có bất lợi là các trường quá vất vả khi vừa tập huấn hè (nhất là tập huấn thay SGK lớp 1), tuyển sinh, tổ chức thi chuyển cấp và chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới lại vừa dạy học để hoàn thành chương trình năm học.
Video đang HOT
Giảm nhẹ chương trình
Với thời điểm kết thúc năm học vào giữa tháng 7 (hay giữa tháng 8 như đã đề cập ở trên) là rất vất vả cho cả thầy và trò. Liệu có giữ được chất lượng giáo dục, thực hiện nghiêm túc quy chế thi THPT quốc gia và đảm bảo hiệu quả tập huấn thay SGK lớp 1, trong khi các nhà trường đã quá tải công việc, nhất là phải làm việc trong thời tiết của mùa hè nóng bức?
Do đó cần điều chỉnh linh hoạt, cụ thể như sau: Giảm thời lượng và nội dung giáo dục từ 20% đến 25% của kế hoạch học kỳ II năm học 2019-2020 cho tất cả các trường phổ thông. Tức là kế hoạch giáo dục của 4 tháng được hoàn thành trong 3 tháng. Điều này là khả thi vì các địa phương dựa trên khung kế hoạch của Bộ GDĐT đã xây dựng kế hoạch riêng cho mỗi trường.
Vì thế khi chương trình kỳ I đã hoàn thành, thường là các nơi đã chủ động “chờm” sang thời gian giáo dục của học kỳ II, nhất là các lớp cuối cấp lớp 9 và lớp 12. Ngoài ra, thời gian vừa qua và sắp tới các lớp cuối cấp tiếp tục được ôn tập và học bài mới bằng hình thức trực tuyến theo kế hoạch giáo dục học kỳ II của Bộ GDĐT.
Cùng với đó, Bộ GDĐT cần mạnh dạn thay đổi các môn thi THPT quốc gia: từ 5 môn rút xuống còn 3 môn (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ). Tức là bỏ hai bài thi tự chọn là tổ hợp KHXH và tổ hợp KHTN. Bên cạnh đó Bộ GDĐT cần sớm có đề bài thi minh họa để GV và HS có căn cứ ôn luyện một cách tập trung hơn; Đề nghị các địa phương (nếu có thi) thì tổ chức thi 3 môn (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) vào lớp 10 năm học 2020-2021.
Gỡ khó cho việc tổ chức dạy học trực tuyến
Dạy học trực tuyến hiện nay ở các trường là rất bất cập, không đồng đều về điều kiện, phương tiện, học liệu, giáo trình và giáo viên (GV) giảng dạy. Ở các nước có nhiều điều kiện tốt hơn Việt Nam họ cũng coi là hình thức dạy học hỗ trợ và không chỉ đạo tổ chức dạy học chung cho tất cả các cơ sở giáo dục. Dạy học trực tuyến đòi hỏi tính tự giác, tự lập cao và khâu kiểm tra đánh giá phải rất sát sao cũng như có quy trình rất chặt chẽ.
Mặc dù Bộ GDĐT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai các hình thức dạy học và đánh giá công nhận kết quả (khi HS đi học trở lại) qua internet và trên truyền hình. Xung quanh vấn đề phức tạp này, còn nhiều vấn đề cần lưu tâm.
Trước hết là ưu tiên dạy học trực tuyến cho HS lớp 9 và lớp 12, kể cả học bài mới. Không dạy đồng loạt nhất là những địa phương khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc không đủ điều kiện dạy học.
Chỉ dạy học trực tuyến ở những nơi đã từng dạy học trực tuyến, chủ yếu là ôn tập bài học cũ hoặc các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống khác. Ở những nơi còn lại sẽ khuyến khích tận dụng thời gian này để học hỏi, nâng cao khả năng tổ chức và chuyên môn dạy học trực tuyến.
Về các khoản thu, nguyên tắc là có làm phải có trả công, song cần phân biệt cụ thể từng cơ sở giáo khác nhau. Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông thu 9 tháng/năm và theo hướng dẫn trong Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Việc thu học phí học trực tuyến dịp Covid-19 là không đúng với văn bản của Chính phủ. Tuy nhiên, chống dịch bệnh là hoạt động phi truyền thống, không ai muốn xảy ra, thiết nghĩ Bộ GDĐT cần xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để có chế độ hỗ trợ cho những cá nhân và những trường thực sự dạy học trực tuyến có hiệu quả.
Đối với các trường quốc tế và tư thục phải dựa vào cam kết đóng học phí đầu năm và thực tế dạy học trực tuyến hiện nay để thống nhất cùng thỏa thuận lại giữa người học và nhà trường, trên tinh thần dân chủ công khai về mức thu và về mức chi.
Đặng Tự Ân (nguyên Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học – Bộ GDĐT)
Theo daidoanket.vn
Thanh Hóa thí điểm dạy học trực tuyến khối THCS và THPT
Sở GD-ĐT Thanh Hóa sẽ triển khai dạy học trực tuyến thí điểm tại 8 trường, sau một tháng sẽ tổng kết, nhân rộng.
Tại Thanh Hóa, từ ngày 2/3, học sinh THPT, học viên Giáo dục thường xuyên và sinh viên các trường ĐH, CĐ đã trở lại trường sau thời gian nghỉ học phòng chống Covid-19, các cấp học từ Mầm non đến THCS vẫn tiếp tục nghỉ cho đến khi có thông báo tiếp theo. Theo Sở GD-ĐT Thanh Hóa, học sinh THPT và Giáo dục thường xuyên đi học đạt 97-98%, tình hình ổn định.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang có 35 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trẻ mầm non, học sinh đang được cách ly, giám sát y tế do tiếp xúc với người thuộc diện cách ly. Trong đó có 4 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 31 trẻ em, học sinh.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu mục tiêu đặt ra trong thời điểm này đối với ngành giáo dục là phải có giải pháp hữu hiệu để duy trì và củng cố kiến thức cho các em học sinh.
Sở đang xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến để báo cáo UBND tỉnh, trước hết, thí điểm trong 8 trường ở các khối THCS và THPT ở TP Thanh Hóa, huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa...
Bà Hằng triển khai công tác dạy thí điểm trực tuyến
Theo bà Hằng, việc dạy thí điểm trực tuyến do Viễn thông Thanh Hóa và Viettel Thanh Hóa đề nghị chỉ áp dụng cho những nơi có điều kiện, học sinh ở nhà có máy tính, điện thoại thông minh. Còn ở vùng sâu, vùng xa sẽ rất khó khăn để thực hiện.
"Sở đã họp, nêu yêu cầu, ý tưởng là phải chọn những trường có đủ điều kiện, giáo viên có thể ứng dụng công nghệ thông tin được. Mỗi khối chọn một lớp, dạy một tháng sau đó đánh giá, sơ kết lại xem có hiểu quả và triển khai tiếp được không, chưa áp dụng đại trà", bà Hằng cho biết thêm.
Liên quan tới khối Tiểu học, trao đổi với VietNamNet, ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng phòng GD-ĐT TP Thanh Hóa cho biết, Phòng đã thông tin cho các trường về việc hỗ trợ của mạng Viettel và VNPT để các cô có thể triển khai dạy trực tuyến cho các cháu.
Tuy nhiên, việc này rất bất cập bởi học sinh tiểu học không có các phương tiện như máy tính, điện thoại thông minh, bên cạnh đó còn liên quan tới vấn đề phụ huynh có cho dùng điện thoại hay không... nên rất khó, không thể đồng bộ được.
"Nếu như có phương án dạy trên truyền hình cho học sinh tiểu học, thì nhà ai cũng có ti vi, sẽ khả thi hơn", ông Lựu nhận xét.
Lê Anh (vietnamnet.vn)
Tăng cường dạy học qua Internet, truyền hình Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương, trường đại học tăng cường dạy trực tuyến trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ phòng Covid-19. Ảnh minh họa Công văn Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi đi ngày 12/3 nêu rõ các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nhà trường lựa chọn công cụ dạy qua...