Liệt chân sau nhiều ngày liên tục hít bóng cười
Nam thanh niên ngoài 20 tuổi, đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu do yếu liệt hai chân, không đi lại được, tê tay chân.
Ảnh minh họa
Bác sĩ thấy dấu hiệu bất thường trên phim MRI tủy sống ở cột sau tủy sống cổ, ngực, đo điện cơ ghi nhận bất thường. Bệnh nhân cho biết đã hít bóng cười liên tục nhiều ngày.
Bác sĩ Doãn Uyên Vy, chuyên gia về bệnh nhiễm độc của Bệnh viện Chợ Rẫy, hôm 28/1 cho biết gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm độc khí N2O do hít bóng cười thường xuyên. Đa số bệnh nhân còn khá trẻ, trước đó khỏe mạnh, không có các bệnh mạn tính.
Bệnh nhân sẽ được theo dõi điều trị đặc hiệu nội trú và tiếp tục chữa trị ngoại trú đến khi bình phục. “Để hết hẳn bệnh nhiễm độc thần kinh dạng này, người bệnh phải từ bỏ việc hít bóng cười”, bác sĩ Uyên phân tích.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Uyên, khí cười sẽ khiến người dùng bị nhiễm độc khí N2O với các triệu chứng như thiếu máu đại hồng cầu, da dày sừng, bệnh lý thần kinh trung ương và ngoại biên gây tê chân tay. Nặng hơn có thể tê lan tỏa trên cơ thể, dáng đi mất thăng bằng, mất cảm giác và làm tổn thương thần kinh thị giác.
Triệu chứng nhiễm độc khí N2O nặng hay nhẹ tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân, thời gian sử dụng ngắn hay dài, liều lượng và số lượng mỗi lần hít bóng cười hoặc bình khí cười. Dấu hiệu khởi đầu là triệu chứng thấy mỏi khi đi lại và leo cầu thang đoạn ngắn, sau đó người bệnh không leo nổi lên cầu thang, đi lại phải vịn và cần sự giúp đỡ của người khác.
Nghiện khí cười N2O còn gây tình trạng rối loạn tâm thần, làm người nghiện bị trầm cảm, lo lắng, sợ hãi, thái độ cư xử bất đồng, hung hăng, ảo giác, ảo tưởng. Người viêm xoang dùng bóng cười sẽ làm tăng đau xoang, có thể thủng màng nhĩ khi có tăng áp lực của N2O đi qua tai giữa.
Ngoài ra, sử dụng bóng cười với lượng nhiều làm tổn thương não và thiếu oxy trầm trọng, dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Trường hợp dùng loại bóng cười pha trộn lượng khí oxy dưới 20% có nguy cơ tử vong cao do trụy tim mạch, thiếu oxy nặng.
Bóng cười là quả bóng được bơm khí N2O, gây hưng phấn thần kinh, tạo cảm giác muốn cười khi hít vào nên còn được gọi là khí cười. Trong y học, N2O được sử dụng để gây mê bệnh nhân khi phẫu thuật. Khí cười là nhóm chất gây nghiện, ảo giác và có xu hướng tăng liều. Người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự các loại ma túy khác.
Năm 2019, Bộ Y tế cấm sử dụng bóng cười trong giải trí. Khí N2O chỉ được phép sản xuất với mục đích công nghiệp, không sử dụng cho người trừ khi được bác sĩ chỉ định dùng trong y tế.
Chàng trai 24 tuổi thoát chết nhờ tung cửa ra ngoài cầu cứu
Cảm thấy mệt, khó thở và tức ngực, chàng trai cố gắng hết sức đẩy tung cửa phòng để ra ngoài cầu cứu và đổ gục ngoài hành lang.
Ngày 29-1, BS CKII Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết Khoa đã chẩn đoán kịp thời và tiến hành mổ cấp cứu cứu sống một bệnh nhân trẻ bị vỡ quai động mạch chủ sau một buổi tiệc có sử dụng rượu bia.
Trước đó, sau buổi tiệc với bạn bè, anh LMH (24 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) về ngủ trong phòng riêng tại nhà. Gần sáng, anh cảm thấy mệt, khó thở và tức ngực. Anh cố gắng hết sức đẩy tung cửa phòng để ra ngoài cầu cứu.
Chỉ đi được một đoạn ngắn ở hành lang, anh H. đã đổ gục xuống và bất tỉnh. Anh được người nhà phát hiện, đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó chuyển lên BV Chợ Rẫy.
Tại đây, các BS đã khẩn trương làm các xét nghiệm, chẩn đoán, xác định anh bị vỡ đoạn quai động mạch chủ và đã ngay lập tức mổ cấp cứu giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử.
Chàng trai thoát chết sau khi vỡ quai động mạch chủ. Ảnh: BVCC
Theo BS Nguyễn Thái An, bệnh nhân có bệnh nền là một dị tật bẩm sinh, hẹp đoạn eo động mạch chủ. Sau đoạn động mạch bị hẹp, mạch máu bị phình to và căng mỏng ra. Ngoài ra, hẹp đoạn eo động mạch chủ cũng dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị cao huyết áp. Từ trước đến nay, bệnh nhân không phát hiện triệu chứng nên không rõ về tình trạng của mình.
BS An phân tích khi gặp những yếu tố thúc đẩy làm huyết áp tăng lên, cụ thể ở trường hợp này, các chất kích thích là rượu, bia đã làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp thì mạch máu của bệnh nhân vốn dĩ đã yếu sẽ bị vỡ ra, chèn ép vào đường thở khiến bệnh nhân khó thở.
"Điều rất may mắn cho bệnh nhân là lúc nằm ngủ và cảm thấy khó thở đã cố gắng vùng dậy, thoát ra khỏi phòng để cầu cứu. Nếu không được người nhà đưa đến bệnh viện kịp thời chắc chắn bệnh nhân không thể qua khỏi" - BS An cho biết.
Sau 4 ngày hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, đã có thể đi đứng, sinh hoạt bình thường, sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Những người ở độ tuổi thanh niên nếu phát hiện bị cao huyết áp nên đến BV để thăm khám, tìm nguyên nhân giải quyết. Chẳng hạn, tăng huyết áp có thể không có nguyên nhân hoặc tăng huyết áp có thể đến từ nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau. Khi biết mình bị cao huyết áp, người bệnh cần điều chỉnh cách ăn uống, sinh hoạt cho phù hợp, tránh để xảy ra những biến chứng với hậu quả khôn lường, đe dọa đến mạng sống.
BS CKII NGUYỄN THÁI AN, Trưởng khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy
Mắt mờ, hóa ra u não Ngày 12/1, anh Lê Văn D., 47 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng đã được các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật cắt bỏ khối u lớn ở não. Trong khi suốt hai năm qua, anh D. đến nhiều cơ sở y tế để trị bệnh mắt mờ mà không biết đó là triệu chứng của u não....