Liên tục gây áp lực, Mỹ tự tin Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chọn Patriot thay vì S-400
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hủy hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga để mua hệ thống Patriot của Mỹ.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan.
“Tôi đã nhiều lần trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. Tôi thực sự tin rằng chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề để họ mua được thiết bị quốc phòng phù hợp. Tôi rất tự tin vào hợp đồng Patriot mà chúng tôi đã đưa cho Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Shanahan phát biểu với các phóng viên ngày 2/4.
Cùng ngày, Tướng Tod Wolters, người được đề cử làm tư lệnh các lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ ở châu Âu, khẳng định với các nhà lập pháp rằng hệ thống vũ khí Mỹ và Nga “không tương thích”.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần khẳng định sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bằng bất cứ giá nào, Mỹ vẫn liên tục tạo áp lực nhằm khiến Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ này.
Lầu Năm Góc ngày 1/4 xác nhận đã thông báo với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ ngừng bàn giao thêm các thiết bị liên quan để chuẩn bị cho máy bay F-35.
“Trong khi chờ quyết định rõ ràng của Thổ Nhĩ Kỳ về việc từ bỏ mua S-400 (của Nga), chúng tôi tạm ngừng bàn giao các thiết bị và các hoạt động liên quan đến F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ”, Mike Andrews, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết.
Video đang HOT
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga và hệ thống Patriot của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ tham gia dự án phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 cùng 8 quốc gia khác từ năm 2002, với khoản đóng góp hàng tỷ USD. Đổi lại, Mỹ sẽ cung cấp 100 chiếc F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cho tới năm ngoái, Ankara được cho là đã đóng góp khoảng 1,25 tỷ USD, theo hãng tin Bloomberg.
Ngoài ra, 10 công ty của Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch sản xuất 12 tỷ USD các bộ phận chủ chốt như thân máy bay, thiết bị hạ cánh. Ankara cũng là nhà cung cấp duy nhất màn hình hiển thị trong buồng lái trong số các nước tham gia chương trình.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình này do lo ngại kế hoạch mua S-400 của Ankara có thể tạo điều kiện giúp hệ thống của Nga theo dõi và phát hiện F-35.
Đến nay Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ nhận được một đơn vị của dòng tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm này.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất thỏa thuận mua 4 tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga vào cuối năm 2017 với giá 2,5 tỷ USD và tổ hợp đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển tới Ankara vào tháng 7/2019.
Lầu Năm Góc đã nhiều lần đe dọa rằng Ankara sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nặng nề” nếu nước này tiếp tục kế hoạch mua hệ thống tên lửa của Nga.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn luôn khẳng định rằng nước này có quyền sử dụng các hệ thống phòng không khác nhau và các bên khác không có quyền chỉ trích Ankara về vấn đề này.
Nếu thương vụ này thành công, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành quốc gia thành viên đầu tiên của NATO mua loại vũ khí phòng không này từ Nga.
Theo VNF/Sputnik
Căng thẳng vì vũ khí của Nga, Mỹ ngừng bàn giao máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 1/4 thông báo đã tạm dừng tất cả các hoạt động bàn giao và các công việc chung với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến chương trình mua máy bay chiến đấu F-35 sau khi Ankara khăng khăng đòi thực hiện thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Ảnh minh họa.
Theo AFP, tuyên bố trên được Mỹ đưa ra sau vài tháng lên tiếng cảnh báo với Thổ Nhĩ Kỳ.
Giải thích về quyết định của Mỹ, người phát ngôn Lầu Năm Góc Charles E. Summers Jr. cho rằng hệ thống tên lửa S-400 của Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng muốn mua không tương thích với phần còn lại của chương trình máy bay chiến đấu mang tính biểu tượng của Mỹ.
"Cho tới khi Ankara từ bỏ việc bàn giao các tên lửa S-400 của Nga, Mỹ sẽ dừng việc cung cấp và các hoạt động liên quan tới đến việc nâng cao năng lực hoạt động của các máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ", ông Charles E. Summers Jr. tuyên bố.
Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua hệ thống S-400 thì khả năng nước này tiếp tục tham gia chương trình F-35 sẽ gặp rủi ro.
Ông Summers khẳng định Mỹ lấy làm tiếc trước tình trạng của hợp đồng mua máy bay F-35 nhưng đây là bước đi thận trọng nhằm bảo vệ những khoản đầu tư chung cho một công nghệ then chốt.
Giới chức Mỹ lo ngại rằng với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của cả 2 bên, Nga có thể sẽ có được dữ liệu của máy bay F-35 để cải thiện độ chính xác của hệ thống S-400 nhằm chống lại các máy bay phương Tây.
Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch mua 100 máy bay chiến đấu F-35A của Mỹ. Các phi công của nước này thậm chí đã được đào tạo tại Mỹ.
Theo nhà sản xuất máy bay Lockheed Martin, hợp đồng để chế tạo các bộ phận cho máy bay F-35 với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ đạt 12 tỷ USD.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 3, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo Mỹ sẽ phải đánh giá lại việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào thương vụ mua bán máy bay F-35 nếu Ankara tiếp tục xúc tiến mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Phía Mỹ cũng cảnh báo việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống vũ khí của Nga còn có thể ảnh hưởng đến những vụ chuyển giao vũ khí trong tương lai của Mỹ cho nước này.
Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã bảo vệ thỏa thuận mua S-400 của Nga, nhấn mạnh kế hoạch này không liên quan đến an ninh của Mỹ.
Theo các nguồn tin, Mỹ đến nay đã hủy bỏ kế hoạch giao các lô hàng thiết bị cho huấn luyện và các lô hàng thiết bị tiếp theo liên quan đến máy bay tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Hà Dung
Theo PLVN
Bị làm khó vì S-400, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục mua Su-35 thay thế F-35 của Mỹ? Giới phân tích tin rằng, nếu Mỹ không giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ như thỏa thuận, nước này sẽ chuyển sang mua máy bay chiến đấu của Nga. F-35 và Su-35. Washington có nguy cơ mất thị trường vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn nếu tiếp tục trì hoãn việc giao F-35 đã thỏa thuận với Ankara, vì quốc gia này...