Liên quan đến Trường THCS Sơn Đồng (Hoài Đức): Đã làm rõ các sai phạm
Trong thời gian qua, nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) Trường THCS Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) có đơn thư phản ánh những sai phạm của lãnh đạo Trường THCS Sơn Đồng đã, đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh nhà trường. Phóng viên Hànộimới đã tìm gặp những bên liên quan và làm việc với cơ quan chức năng huyện Hoài Đức để tìm câu trả lời.
Sai phạm về quản lý thu, chi tài chính
Trao đổi với phóng viên Hànộimới, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, ngay sau khi nhận được đơn thư phản ánh của PHHS, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 5358/QĐ-UBND thụ lý giải quyết đơn tố cáo và thành lập đoàn thanh tra. Tại Kết luận thanh tra số 4659/KL-UBND vừa được UBND huyện Hoài Đức công bố đã chỉ rõ nhiều sai phạm về quản lý thu, chi tài chính của nhà trường. Nổi cộm nhất là vụ việc bà Lê Thị Loan, Hiệu trưởng đã chỉ đạo triển khai thu 200.000 đồng/học sinh để tổ chức bồi dưỡng và thi thử vào lớp 10 cho học sinh. Điều đáng nói là trong quá trình triển khai, bà Loan tự ý để phụ huynh các lớp thu tiền, sau đó chuyển cho giáo viên chủ nhiệm từng lớp, giáo viên chủ nhiệm lớp chuyển cho bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu phó cầm giữ. Bà Hồ Thị Na, Phó Chánh thanh tra huyện Hoài Đức cho biết, việc nhà trường thu tiền không thông qua bộ phận tài vụ, không nhập quỹ, để cho Hiệu phó giữ tiền là vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính.
Một số tài liệu liên quan tố cáo sai phạm tại Trường THCS Sơn Đồng.
Một vi phạm nghiêm trọng khác là Trường THCS Sơn Đồng đã tổ chức thu, quản lý và sử dụng Quỹ Hội Cha mẹ học sinh năm học 2014-2015 (thu 300.000 đồng/học sinh, tổng số quỹ hơn 162 triệu đồng). Điều đáng nói, việc làm này được núp bóng dưới chiêu thức “ủy quyền” và “ứng tiền” qua lại rất khó hiểu giữa Hội Cha mẹ học sinh và Trường THCS Sơn Đồng. Cụ thể, trong tháng 11-2014, nhà trường và Hội Cha mẹ học sinh đã ban hành hai văn bản bất thường. Đó là Giấy đề nghị tạm ứng của Hội Cha mẹ học sinh ngày 17-11-2014 đề nghị Trường THCS Sơn Đồng tạm ứng 15 triệu đồng để chi các hoạt động hội; đến ngày 21-11-2014 xuất hiện văn bản thứ hai hoàn toàn trái ngược, tức là Hội Cha mẹ học sinh viết giấy ứng số tiền trích từ quỹ cha mẹ học sinh là 147,6 triệu đồng cho Trường THCS Sơn Đồng.
Trong quá trình quản lý, sử dụng số tiền này nhà trường đã để xảy ra nhiều sai phạm, có khoản chi nhà trường thông qua Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh, có khoản nhà trường tự chi. Kết quả thanh tra cho thấy, có 17 chứng từ chi Quỹ Hội Cha mẹ học sinh do hiệu trưởng nhà trường duyệt chi, trong đó có một số khoản chi không đúng quy định với tổng số tiền hơn 32 triệu đồng như chi bồi dưỡng giáo viên coi chấm thi hè, bồi dưỡng giáo viên là ban giám khảo chấm văn nghệ, chấm kiến thức liên môn, chi giáo viên chủ nhiệm thu quỹ hội… Để hiểu rõ hơn, phóng viên đã có buổi làm việc với những người nguyên là Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh năm học 2014-2015, đều nhận được lời khẳng định, “Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh không biết nhà trường chi những khoản nêu trên”. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng thể hiện rõ, toàn bộ chứng từ do bà Lê Thị Loan, Hiệu trưởng ký duyệt chi, không thể hiện có sự thỏa thuận thống nhất với Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh. Đối chiếu với các quy định của pháp luật, bà Lê Thị Loan đã vi phạm quy định tại Thông tư số 55/2011/TT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Gần đây nhất, trong năm học 2015-2016, Ban đại diện Cha mẹ học sinh mới đưa ra mức “dự thu” Quỹ Hội cha mẹ học sinh là 200.000 đồng/học sinh, nhưng bà Lê Thị Loan đã tùy tiện triển khai trên quan điểm “đã thống nhất thu”, nên cũng gây ra nhiều bức xúc cho PHHS trong trường.
Có hay không việc cắt xén chương trình dạy nghề?
Video đang HOT
Trong đơn thư phản ánh đến Báo Hànộimới, một số PHHS có con em là học sinh năm học 2014-2015 đã viết: “Chúng tôi vô cùng bức xúc trước việc làm của cô giáo Lê Thị Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Đồng năm học 2014-2015. Trong quy chế chuyên môn, cô để giáo viên cắt xén gần 60 tiết (môn nghề không dạy vẫn thi), chỉ dạy vài tiết rồi làm quyết toán khống để chi tiêu, vì vậy kế toán đã không ký duyệt cô vẫn chi”. Nhằm xác minh ý kiến PHHS đã nêu, phóng viên nhiều lần liên lạc (qua điện thoại) để đặt lịch làm việc với cô giáo Lê Thị Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Đồng nhưng đều không nhận được sự hợp tác.
Trao đổi với đại diện UBND huyện Hoài Đức về vấn đề này được biết: Trường THCS Sơn Đồng đã triển khai việc dạy nghề cho học sinh theo quy định tại Văn bản số 1897/SGDĐT- GDTrH ngày 3-9-2013 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hướng dẫn dạy nghề phổ thông năm học 2014-2015; Kế hoạch số 03 ngày 4-7-2014 về hoạt động giáo dục nghề phổ thông THCS Sơn Đồng năm 2014-2015 được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phê duyệt. Theo kết quả xác minh của Thanh tra huyện Hoài Đức, bà Bùi Thị Mai được nhà trường phân công dạy nghề điện dân dụng cho 5 lớp, mỗi lớp 70 tiết. “Kết quả thể hiện lịch báo giảng, sổ ghi đầu bài môn điện dân dụng với 5 lớp học cho thấy, bà Mai đã lên lớp, dạy đủ 70 tiết theo sự phân công của nhà trường và theo phân phối chương trình. Việc thanh quyết toán tiền dạy nghề hướng nghiệp cho học sinh được Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trường THCS Sơn Đồng thực hiện theo quy định”.
Như vậy, chiểu theo kết quả xác minh của cơ quan thanh tra huyện Hoài Đức là không có tình trạng “cắt xén chương trình dạy học nghề” và làm “quyết toán khống để chi tiêu”. Tuy nhiên, khi phóng viên tiến hành xem xét, đối chiếu với những căn cứ của một số phụ huynh và học sinh khối 9 năm học 2014-2015 đưa ra thì rõ ràng vấn đề này còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cần tiếp tục được các cơ quan chức năng làm rõ. Chứng minh cho quan điểm “cắt xén chương trình” rồi “quyết toán khống”, một số PHHS đã chuyển cho phóng viên những quyển vở học sinh ghi bài học nghề, nội dung trong vở ghi gồm 12 bài học nghề điện dân dụng (lý thuyết và thực hành). Kèm với các quyển vở học sinh là một số biên bản của học sinh khối 9 năm học 2014-2015 xác nhận: “Môn nghề học sinh chỉ được học từ cuối tháng 11-2014 đến hết tháng 12-2014 và tổ chức thi”. Thời gian thực học, theo các biên bản này ghi “chưa được 10 tiết” và “bài trong vở cô giáo đọc cho chúng em chép đủ”.
Để tìm hiểu rõ hơn, PV Hànộimới đã gặp trực tiếp một số em nguyên là học sinh lớp 9A, 9C và được khẳng định những thông tin đưa ra trong biên bản xác nhận là chính xác. Những học sinh này hiện nay đang học lớp 10 tại Trường THPT Hoài Đức A, cũng cung cấp thêm một số thông tin như thời kỳ đầu học một tuần một tiết, về sau tăng lên một tuần 2 tiết và có lớp phải học ngoài giờ học hoặc tan học rất muộn. “Ngoài việc dạy ở lớp, cô Bùi Mai có phôtô cho chúng em một quyển sách, rồi yêu cầu học sinh về nhà chép bài ở đó vào vở cho đầy đủ số tiết” – một học sinh cho biết. Thậm chí, có học sinh còn khẳng định cô giáo chỉ “ghi đề bài lên bảng rồi bảo học sinh về nhà chép bài ở trong sách!?”
Trao đổi về quan điểm của cơ quan thanh tra huyện Hoài Đức, bà Hồ Thị Na, Phó Chánh thanh tra huyện Hoài Đức giải thích, trong đơn thư gửi đến UBND huyện Hoài Đức một số PHHS chỉ “kiến nghị việc xem xét phân công giáo viên dạy bộ môn nghề” và “dạy không đủ tiết nhưng làm chứng từ đủ tiết để rút tiền” chứ không đề cập đến việc “tổ chức dạy bộ môn nghề”. Về việc này, cơ quan thanh tra đã làm việc trực tiếp với cô Bùi Thị Mai cùng các bên liên quan và kết quả cho thấy các giấy tờ, thủ tục pháp lý bảo đảm đầy đủ theo quy định. Điều đáng tiếc nhất ở đây chính là thời gian thực học nghề của học sinh thì chưa được làm rõ, học từ tháng 7 đến tháng 11-2014 (như phản ánh trong kế hoạch của nhà trường và các chứng từ pháp lý) hay chỉ học từ cuối tháng 11 đến hết tháng 12-2014 như phụ huynh và học sinh đã nêu? Bà Na giải thích ngắn gọn: Nếu kiến nghị liên quan đến việc “tổ chức dạy nghề của nhà trường” thì chúng tôi mới kiểm tra toàn bộ.
Thực tế cho thấy, để bảo đảm các chứng từ pháp lý có phù hợp hay không thì điều cần làm đầu tiên là phải làm rõ thời gian thực học của học sinh (tức mỗi lớp phải bảo đảm đủ 70 tiết học) và học trong thời gian nào, bao lâu để đủ chương trình đề ra.
Hơn nữa, khi xác định việc này, ngoài làm việc với giáo viên dạy nghề, Ban Giám hiệu nhà trường thì cũng cần tham khảo ý kiến từ các em học sinh, một số giáo viên trong trường được phân công trực hè thời điểm bắt đầu học như trong kế hoạch nêu (tức từ tháng 7) để bảo đảm tính khách quan. Nếu đúng như PHHS và một số giáo viên trong trường phản ánh là thời gian học chỉ kéo dài từ cuối tháng 11 đến hết tháng 12 thì 5 lớp với 350 tiết học (lý thuyết và thực hành), lại trùng vào thời gian học chính khóa thì thực tế không bảo đảm đủ chương trình học là điều dễ xảy ra.
Ngoài những vấn đề nêu trên, trong công tác quản lý của Hiệu trưởng Lê Thị Loan tại Trường THCS Sơn Đồng còn một số tồn tại như triển khai kế hoạch tuyển sinh chưa công khai, dân chủ; để cho giáo viên chủ nhiệm lớp tự thu, chi khoản tiền bồi dưỡng hè cho giáo viên bộ môn, không thực hiện thu, chi qua bộ phận tài vụ; nhà trường tự thu tiền, chủ động tổ chức may đồng phục cho học sinh, sau đó mới mời Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh đến để ký hợp đồng… Trao đổi với phóng viên về hướng xử lý, bà Hồ Thị Na cho biết, trách nhiệm chính thuộc về tập thể Ban Giám hiệu và cá nhân Hiệu trưởng Lê Thị Loan, Hiệu phó Nguyễn Thị Thanh và các cá nhân liên quan. Rút kinh nghiệm vụ việc ở Trường THCS Sơn Đồng, UBND huyện Hoài Đức đã yêu cầu các trường học trên địa bàn tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm và giao các cơ quan liên quan xử lý kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân theo đúng quy định pháp luật.
Theo hanoimoi.com.vn
Phát hiện nhiều sai phạm tại hàng loạt bệnh viện thuộc Bộ Y tế
Thanh tra Chính phủ chỉ ra Bộ Y tế chưa ban hành các quy chuẩn về thiết bị y tế...
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: HT
Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận về công tác quản lý trang thiết bị và công trình y tế tại Bộ Y tế giai đoạn (2011-2014).
Thanh tra Chính phủ chỉ ra Bộ Y tế chưa ban hành các quy chuẩn về thiết bị y tế; chưa ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các quy định về danh mục, thiết bị y tế thiết yếu của các tuyến và quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh...
Tại Dự án cải tạo, mở rộng và nâng cấp Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2, BV này và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đã quyết định thành lập Ban điều hành thi công gói thầu EPC.201, là Tổng thầu thiết kế, cung cấp lắp đặt thiết bị, vật tư và xây lắp nhà hợp khối 15 tầng thuộc dự án này.
Theo Thanh tra Chính phủ, Hancorp là nhà thầu chính không giao cho đơn vị trực thuộc Hancorp thực hiện thi công hạng mục cọc khoan nhồi mà ký hợp đồng giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 4 - Vạn Xuân (nhà thầu phụ) thi công. Sau đó, nhà thầu phụ này cũng không thi công mà tiếp tục "bán" gói thầu cho 4 Công ty con thuộc Hancorp để hưởng chênh lệch hơn 13 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đã đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ.
Tại một số bệnh viện đa khoa tỉnh đầu tư lớn song hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh. Trong số này có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định có quy mô điều trị 300 giường, mới đưa vào sử dụng từ tháng 2/2014 nhưng hiện hư hỏng hệ thống làm lạnh tại phòng mổ cùng máy bơm nước, hệ thống thang máy chuyển bệnh nhân trước và sau phẫu thuật...
Tại Sở Y tế Hà Nội có một số gói thầu xây dựng các bệnh viện không tuân thủ quy định. Chẳng hạn tại Bệnh viện Ung Bướu và Đa khoa Xanh Pôn một số gói thầu không đăng tải thông tin kế hoạch trên báo, hồ sơ dự thầu có bảo lãnh dự thầu không có giấy uỷ quyền...
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra nhiều sai sót, vi phạm kinh tế trong đầu tư xây dựng công trình y tế tại một số Bệnh viện khác như: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba, Bệnh viện Phong - Da Liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Thống Nhất, BV Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TPHCM...
Trước hàng loạt sai phạm của Bộ Y tế về quản lý nhà nước về trang thiết bị và công trình y tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ này sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về trang thiết bị y tế, hoàn thiện khung pháp lý về danh mục này.
Bộ Y tế cần kiểm điểm một số cá nhân hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm các cá nhân trong việc không tham mưu cho Bộ trưởng phê duyệt lại dự án xây dựng trạm xử lý nước thải Bệnh viện Chợ Rẫy; xử lý số tiền trên 5,2 tỷ đồng thu sai, thu vượt quy định của Viện trang thiết bị và Công trình y tế.
Trong nhiệm kỳ 2011-2016 ngành Thanh tra đã triển khai 41.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 910.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền hơn 265.000 tỷ đồng, đã kiến nghị thu hồi gần 136.000 tỷ đồng, 25.500 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính gần 39.000 tỷ đồng; xử lý khác hơn 129.500 tỷ đồng, 294.000 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 7.738 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 351 vụ, 397 đối tượng.
Theo Tú Ân
baodautu.vn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Năm 2015, thanh tra phát hiện sai phạm hơn 97.000 tỷ đồng Ngoài 97.000 tỷ đồng, năm 2015, ngành thanh tra còn phát hiện vi phạm hơn 16.000 héc-ta đất. Năm 2015, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 24.000 tỷ đồng và thực tế đã thu hồi được 16.223 tỷ đồng (Ảnh: Internet) Sáng nay (5/1), Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công...