Liên hợp quốc cảnh báo nạn đói đang gia tăng và trẻ em đang chết dần ở Afghanistan
Ngày 25/10, các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) bày tỏ lo ngại hơn 22 triệu người Afghanistan sẽ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong mùa Đông này, đồng thời cảnh báo quốc gia Tây Nam Á bất ổn đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Trẻ em tại một trại tị nạn ở Kabul, Afghanistan ngày 21/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời các quan chức LHQ nhận định rằng xét về quy mô, cuộc khủng hoảng hiện nay tại Afghanistan lớn hơn so với tại Yemen hoặc Syria. Bên cạnh đó, tình trạng mất an ninh lương thực tại quốc gia này cũng trầm trọng hơn bất kỳ tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp nào từng xảy ra tại CHDC Congo.
Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), ông David Beasley, nhấn mạnh: “Vào mùa Đông này, hàng triệu người Afghanistan sẽ buộc phải lựa chọn giữa di cư và chết đói, trừ khi chúng ta có thể đẩy mạnh chương trình hỗ trợ để bảo vệ mạng sống của họ. Afghanistan đang lâm vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới – nếu không nói là tồi tệ nhất – và tình hình an ninh lương thực tại nước này đã sụp đổ hoàn toàn”.
Ông Beasley nhấn mạnh thêm:”Chúng ta đang đếm ngược tới thời điểm thảm kịch và nếu không hành động ngay lập tức, chúng ta sẽ phải đối mặt với thảm họa toàn diện. Nạn đói đang gia tăng và trẻ em đang chết dần. Chúng ta không thể nuôi sống mọi người bằng những lời hứa mà phải biến các cam kết hỗ trợ thành tiền mặt. Cộng đồng quốc tế phải cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng đang nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát này.”
Theo tuyên bố của WFP và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), cứ 2 công dân Afghanistan lại có 1 người đối mặt với khủng hoảng giai đoạn 3 hoặc tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp giai đoạn 4. Giai đoạn 4 là giai đoạn tiệm cận nạn đói và các quan chức cho rằng quốc gia Tây Nam Á này đang đối mặt với mùa Đông tồi tệ nhất trong thập kỷ qua.
Các cơ quan LHQ cảnh báo kế hoạch ứng phó nhân đạo của họ chỉ đảm bảo hỗ trợ được 1/3 nhu cầu cần thiết hiện nay tại Afghanistan. FAO đang huy động 11,4 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp và thêm 200 triệu USD hỗ trợ cho mùa canh tác nông nghiệp trong năm 2022.
Video đang HOT
Trước đó, ngày 24/10, khi được hỏi về cuộc khủng hoảng nhân đạo, người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid, cho biết chính phủ lâm thời đang nỗ lực để người dân Afghanistan thoát ra khỏi tình trạng hiện nay, cũng như nỗ lực để giúp đỡ họ. Ngoài ra, ông Zabihullah cho biết thêm các nguồn viện trợ nhân đạo toàn cầu đã được chuyển đến nước này. Hiện chính quyền Taliban đang cố gắng sắp xếp và phân phối đồ viện trợ, trong đó có cả thực phẩm và quần áo. Ông cam kết “các vấn đề gây quan ngại sẽ được giải quyết”, đồng thời nhấn mạnh nếu tình trạng hạn hán còn tiếp diễn, Taliban sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp vào mùa Xuân.
Thúc đẩy an ninh lương thực bền vững vì tương lai
"Lương thực là sự sống,...là sự hy vọng... Hệ thống lương thực cần và phải đóng vai trò hàng đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của chương trình nghị sự 2030".
Tuyên bố trên được Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về các hệ thống lương thực, do ông chủ trì, đã nêu bật sự cấp thiết của việc chuyển đổi hệ thống lương thực một cách hiệu quả, bao trùm và bền vững nhằm đạt được mục tiêu "Không còn nạn đói" mà tổ chức đa phương này đặt ra vào năm 2030.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại phiên khai mạc khóa họp lần thứ 76 Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) ngày 21/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị đều coi đây là cơ hội lịch sử để tăng cường hợp tác đa phương, chung tay thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, thay đổi cách thức sản xuất, xử lý và tiêu thụ lương thực, thực phẩm để chuyển đổi các hệ thống lương thực theo hướng lành mạnh hơn, bền vững hơn và bình đẳng hơn, bảo vệ tốt hơn con người và hành tinh, không để ai bị bỏ lại phía sau, đưa thế giới phục hồi hậu COVID-19 cũng như trở lại lộ trình đạt được toàn bộ 17 SDG đến năm 2030.
Do đó, hơn 100.000 đại biểu tham dự hội nghị, với nhiều thành phần từ các nguyên thủ quốc gia, tới nông dân, thanh niên, người thiểu số, đều nhất trí cho rằng việc chuyển đổi các hệ thống lương thực nhằm chống đói nghèo, giảm bất bình đẳng và bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm và hành động của riêng nước nào hay cá nhân nào.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chấm dứt nạn đói, đặc biệt là việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, đã có 85 nhà lãnh đạo đưa ra phát biểu tại hội nghị, với các cam kết tài chính lớn, trong đó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố dành 10 tỷ USD cho nỗ lực xóa đói, đầu tư vào các hệ thống lương thực tại cường quốc này cũng như trên thế giới. Quỹ Bill và Melinda Gates cũng thông báo đóng góp 900 triệu USD.
Hội nghị diễn ra khi các hệ thống lương thực toàn cầu vốn đã rơi vào khủng hoảng từ trước đại dịch COVID-19, đang chịu ảnh hưởng ngày một lớn của dịch bệnh. Lâu nay, cách thức sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ, lãng phí thực phẩm vẫn "tàn sát" thiên nhiên, là nguyên nhân làm suy thoái đất, ô nhiễm không khí và nước, làm gia tăng biến đổi khí hậu khi các hoạt động này chiếm tới 1/3 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn chưa từng có trong các tương tác xã hội, ảnh hưởng đến cả việc cung và cầu lương thực thực phẩm, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có.
Trong khi mỗi ngày có hàng trăm triệu người phải nhịn đói đi ngủ, 3 tỷ người không có được bữa ăn đủ dinh dưỡng, 462 triệu người nhẹ cân thì thế giới vẫn có tới 2 tỷ người trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Nhiều chương trình an sinh xã hội đã bị gián đoạn, trì hoãn hoặc tạm dừng, cản trở tiến trình xóa đói giảm nghèo, xóa suy dinh dưỡng và mù chữ đã được thực hiện trong nhiều thập niên.
Dù thế giới được đánh giá là đang có những bước phát triển vượt bậc, lượng lương thực đang được sản xuất nhiều hơn bao giờ hết, nhưng sau nhiều thập niên, số người bị mất an ninh lương thực và cần hỗ trợ khẩn cấp tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua, lên tới 811 triệu người vào năm 2020, có nghĩa cứ 10 người lại có hơn 1 người bị đói.
Thậm chí nạn đói còn "nghiêm trọng hơn rất nhiều" như LHQ nhận xét do đại dịch COVID-19. Đáng buồn là số người đói lại tập trung phần lớn ở nông dân - những người trực tiếp tham gia vào việc sản xuất lương thực. Chính vì vậy, tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Guterres đã đề nghị "nhìn nhận lại cách chúng ta đánh giá lương thực - không chỉ đơn giản như một loại hàng hóa để trao đổi mà là một quyền mà mỗi người đều có".
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) cùng nhiều đại biểu đều nhìn nhận hệ thống nông sản thực phẩm là "chìa khóa" để giảm bớt những bất bình đẳng này, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Tiến sĩ Jyotsna Puri thuộc Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) khẳng định: "Rõ ràng là chúng ta cần một cuộc cách mạng".
IFAD cùng nhiều tổ chức và các nước đã đưa ra một loạt khuyến nghị về lộ trình thực hiện các hành động cụ thể nhằm chuyển đổi các hệ thống lương thực, trong đó có việc tập trung đầu tư và thay đổi chính sách vào chuỗi giá trị lương thực nông thôn để mọi người dân "đều có thể tiếp cận thực phẩm giàu dinh dưỡng theo cách không gây hại cho môi trường và mang lại mức thu nhập khá cho các nhà sản xuất thực phẩm", tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ mới dựa theo điều kiện tự nhiên, sinh thái nông nghiệp, các công nghệ kỹ thuật số để thúc đẩy sản xuất quy mô nhỏ của nông dân nhằm giúp họ sớm thích nghi với điều kiện canh tác biến đổi khí hậu, sử dụng các kỹ thuật carbon thấp và bền vững.
Trước việc 3 tỷ người chưa thể có được chế độ ăn uống lành mạnh, các đại biểu đề xuất cần đưa ra mô hình truyền thông, giáo dục thực phẩm dinh dưỡng dễ tiếp cận, hỗ trợ để người dân có thể tiếp cận được các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng với giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, cần chú ý tới việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm cũng như sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả.
Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nước tích cực tham gia thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm toàn cầu, cung cấp lương thực thực phẩm "minh bạch, trách nhiệm, bền vững" và muốn trở thành trung tâm sáng tạo về lương thực, thực phẩm ở khu vực. Do đó, trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam đã chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững...
Trên tinh thần ấy, trong thông điệp gửi tới hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất một số giải pháp đảm bảo an ninh lương thực trước bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh COVID-19, được các đại biểu đánh giá cao. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trước hết, cần chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp sang tích hợp đa giá trị bao gồm các giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, cảnh quan môi trường; bảo đảm phát triển nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp và thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.
Chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, bảo đảm cung ứng lương thực, giảm thất thoát và lãng phí trong lương thực; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học. Cùng với đó, các quốc gia cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân, xây dựng và cập nhật bản cân đối dinh dưỡng quốc gia làm cơ sở định hướng sản xuất, phân phối, tăng cường giáo dục truyền thông để tạo môi trường thực phẩm lành mạnh, thói quen ăn uống hợp lý, cân đối dinh dưỡng, xu thế tiêu dùng xanh, có trách nhiệm tránh thất thoát và lãng phí; chuyển đổi số cần đi liền với đổi mới an sinh xã hội, thể chế, trong đó lấy người nông dân và người tiêu dùng là trung tâm.
Để phát triển bền vững hệ thống lương thực, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề xuất cần mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, dự báo, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro về thiên tai, dịch bệnh; Quản lý bền vững các nguồn tài nguyên đất nước, đa dạng sinh học và rừng; Quản lý nguồn nước xuyên biên giới, tài nguyên biển.
Trẻ em Afghanistan chờ nhận thực phẩm viện trợ tại Jalalabad. Ảnh: AFP/TTXVN
Xác định an ninh lương thực là một trong những yếu tố quyết định việc thực thi các SDG, đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cộng đồng, cũng như xu hướng tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển đổi nông nghiệp tại một số quốc gia, hội nghị đã công bố việc thành lập 2 liên minh mới, trong đó có Liên minh Bữa ăn học đường nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các chế độ ăn uống lành mạnh từ các hệ thống thực phẩm bền vững, đặc biệt là trẻ nhỏ - đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi trong xã hội.
Có thể nói, tiếp sau thành công của hội nghị trù bị vào tháng 7, Hội nghị thượng đỉnh về các hệ thống lương thực tiếp tục thu được những kết quả khả quan, đúng như mục đích của Tổng Thư ký LHQ đề ra vào tháng 10/2019 khi công bố việc tổ chức hội nghị nhằm huy động "những cam kết đầy tham vọng để nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn". Việc chung tay thúc đẩy hành động để đạt được mục tiêu "Không còn nạn đói" tại hội nghị chắc chắn sẽ góp phần đặt nền móng giúp Diễn đàn Lương thực thế giới - một mạng lưới các đối tác toàn cầu độc lập, do giới trẻ thành lập và lãnh đạo, tổ chức sự kiện quan trọng đầu tiên tại Rome từ ngày 1-5/10, đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần hướng tới việc thực hiện toàn bộ 17 Mục tiêu phát triển bền vững.
Đảm bảo tương lai tiếp cận lương thực công bằng và bền vững Đại dịch COVID-19 đã len lỏi ở khắp mọi nơi trên thế giới, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực và việc tiếp cận lương thực của hàng triệu người trên toàn cầu. Trẻ em Syria nhận lương thực cứu trợ tại trại tị nạn ở gần làng Yazi...