Licogi có dễ huy động 4.000 tỷ cho Dự án Khu đô thị Thịnh Liệt?
Sau 14 năm bỏ hoang, Dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) có cơ hội “ hồi sinh” khi mới đây Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng ( Licogi) công bố xin ý kiến cổ đông bằng văn bản kế hoạch phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu của Công ty con – Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi để đầu tư dự án này.
Licogi được UBND TP. Hà Nội giao đất triển khai Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt từ tháng 8/2004, nhưng đến nay Dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Ảnh: Lê Tiên
Kế hoạch phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu
Theo nội dung công bố, đây là lô trái phiếu phát hành riêng lẻ không được chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn tối thiểu trên 1 năm. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2018 và có thể sang năm 2019.
Một trong những biện pháp chính bảo đảm cho lô trái phiếu trên là toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của Công ty Nhà ở và Đô thị Licogi tại Dự án KĐTM Thịnh Liệt (Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 15/9/2017) bao gồm nhưng không giới hạn quyền phát triển Dự án, quyền sử dụng đất, công trình hình thành trên đất, động sản và quyền tài sản khác phát sinh từ Dự án đã hình thành hoặc sẽ hình thành trong tương lai. Đồng thời, Licogi dự định thế chấp 100% phần vốn góp và bảo lãnh thanh toán cho doanh nghiệp này như là các biện pháp bảo đảm bổ sung cho đợt phát hành trái phiếu.
Dự án hiện được Licogi sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Tính đến ngày 30/6/2018, Licogi đang vay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 349,3 tỷ đồng và khoảng 25 tỷ đồng từ các cá nhân nhằm mục đích phát triển dự án này và mua sắm tài sản.
Video đang HOT
Tính đến thời điểm 30/6/2018, ba cổ đông lớn nắm giữ tới 94,24% vốn điều lệ của Licogi gồm Bộ Xây dựng (40%); Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông (35%) và Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường (19,24%). Vì vậy, kế hoạch phát hành trái phiếu có được thông qua hay không sẽ phụ thuộc lớn vào quyết định của ba cổ đông này. Chưa rõ kết quá của kế hoạch này ra sao nhưng sức khỏe tài chính của Licogi và Công ty Nhà ở và Đô thị Licogi mới là vấn đề đáng bàn.
Theo tài liệu kèm theo tờ trình kế hoạch phát hành trái phiếu của Licogi, tính đến 31/12/2017, Công ty Nhà ở và Đô thị Licogi có vốn điều lệ 900 tỷ đồng trên tổng tài sản là 1.052 tỷ đồng. Mặc dù tổng nợ vay (137 tỷ đồng) ở mức thấp so với vốn chủ sở hữu nhưng áp lực nợ vay sẽ là rất lớn nếu phải gánh thêm 4.000 tỷ đồng nợ từ trái phiếu.
Trong khi đó, sức khỏe tài chính của Công ty mẹ – Licogi còn khó khăn hơn nhiều. Tại thời điểm 30/6/2018, tổng nợ phải trả của Licogi là 2.269 tỷ đồng (trong đó nợ vay là 1.337 tỷ đồng), gấp 4,4 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, tổng nợ ngắn hạn của Công ty mẹ đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.337 tỷ đồng, lỗ lũy kế lên tới 392,88 tỷ đồng, chiếm 44% vốn điều lệ của Tổng công ty. Điều này đã dẫn đến sự hoài nghi của kiểm toán viên về khả năng hoạt động liên tục của Licogi.
Với tình trạng tài chính nhiều khó khăn, Công ty mẹ khó có thể hỗ trợ cho Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi thực hiện chi trả gốc và lãi trái phiếu đến hạn.
Hoàng Việt
Theo baodauthau.vn
Tổng công ty Giấy đề xuất "cơ chế đặc thù" bán dự án bột giấy nợ nghìn tỷ
Báo cáo mới đây của Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết, hiện nay đã có nhà đầu tư quan tâm mua dự án Bột giấy Phương Nam nhưng hồ sơ đấu giá được phê duyệt đã hết hiệu lực pháp luật. Tổng công ty Giấy đề xuất việc ban hành cơ chế đặc thù.
Dự án nhà máy Bột giấy Phương Nam
Liên quan đến việc bán đấu giá dự án nhà máy Bột giấy Phương Nam, trong báo cáo mới đây Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết hiện nay đã có nhà đầu tư quan tâm mua dự án. Nhưng hồ sơ đấu giá được phê duyệt đã hết hiệu lực pháp luật.
Do đó, Tổng công ty báo cáo và Bộ Công Thương chỉ đạo các thủ tục xử lý theo quy định hiện hành. Tổng công ty Giấy đang triển khai công tác đấu giá để lựa chọn nhà thầu thẩm định lại giá trị tài sản cố định và hàng tồn kho của dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam để tiếp tục đấu giá theo quy định.
Theo đánh giá của Tổng công ty Giấy Việt Nam, việc xử lý bán đấu giá dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, có thể kéo dài làm ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hoá Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Việc cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Giấy Việt Nam cùng với Công ty con là Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy miền Nam hiện đang chậm tiến độ không thể triển khai được trong năm 2018 như kế hoạch được Chính phủ giao.
Theo đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đề xuất "cần thiết phải ban hành cơ chế đặc thù tương tự cơ chế tại Nghị định số 61 về xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng để bán đấu giá tài sản của dự án".
Đây không phải lần đầu tiên, phương án này được đề cập đến, trước đó, hồi tháng 2/2018, Bộ Công Thương từng ban hành công văn báo cáo Thủ tướng về việc triển khai bán đấu giá dự án, đề nghị Thủ tướng ban hành Nghị quyết cơ chế đặc thù tương tự cơ chế tại Nghị định 61 về bán đấu giá tài sản dự án theo phương thức khi đấu giá không thành công cho phép giảm giá khởi điểm 10% để tiếp tục đấu giá, số lần giảm tối đa không quá 2 lần.
Trường hợp sau 2 lần giảm giá mà việc tổ chức bán đấu giá vẫn không thành công đề nghị cho phép Tổng công ty tổ chức định giá từng phần của dự án để tiếp tục tổ chức bán đấu giá dự án, báo cáo Chính phủ.
Tháng 8/2017, Bộ Công Thương đã từng đề nghị cho phép giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành công liền trước đó đối với dự án Bột giấy Phương Nam, thời gian mỗi lần giảm giá không quá 30 ngày và không giới hạn số lần giảm giá cho tới khi đấu giá thành công.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đề xuất của Bộ Công Thương cho phép Tổng công ty Giấy Việt Nam giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành công liền trước đó đối với dự án Bột giấy Phương Nam, thời gian mỗi lần giảm giá không quá 30 ngày và không giới hạn số lần giảm giá cho tới khi đấu giá thành công là chưa phù hợp với Luật Đấu giá số 01/2016/QH14.
Bộ Tài chính cũng đề nghị xây dựng quy chế cuộc đấu giá bao gồm hình thức đấu giá, phương thức đấu giá phù hợp với Luật Đấu giá tài sản, đảm bảo lợi ích của Tổng công ty và Nhà nước.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp cũng có ý kiến "trường hợp bán đấu giá tài sản và hàng hoá tồn kho của dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam thực hiện theo Nghị định số 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 61 của Chính phủ".
Giá khởi điểm của dự án được phê duyệt là 1.885,412 tỷ đồng, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã tiến hành tổ chức bán đấu giá lần 1 từ ngày 12/6/2017 đến ngày 14/7/2017; Từ ngày 20/7/2017 đến ngày 9/8/2017 (gia hạn 15 ngày); từ ngày 23/8/2017 đến ngày 22/9/2017 (gia hạn thêm 30 ngày). Việc tổ chức đấu giá đã không thành công do không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá.
Trong một báo cáo trước đó, Bộ Công Thương từng cho biết, số liệu quyết toán dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã được kiểm toán của công ty TNHH Kiểm toán Việt Anh tại thời điểm 31/12/2015 tổng nguồn vốn là 2.703 tỷ đồng. Trong đó đáng lưu ý, khoản nợ dài hạn lên đến 2.426 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 225,8 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 107,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại báo cáo này, Bộ Công Thương chưa phản ánh được nguồn vốn thực tế đã giải ngân tính đến thời điểm 31/12/2015 lên đến 2.759 tỷ đồng.
NGUYỄN THẢO
Theo bizlive.vn
Đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng năm 2018 Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017. Theo cpv.org.vn