LHQ quyết chặn bắt toàn bộ xe chở dầu của IS
Nếu bị phong tỏa hoạt động bán dầu lậu, IS sẽ phải hứng chịu thêm một đòn nặng nề từ cộng đồng quốc tế.
Ngày 17/11, một báo cáo của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh rằng cần phải bắt giữ toàn bộ những xe chở dầu ra vào các khu vực do phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát ở Iraq và Syria nhằm cắt đứt nguồn “tiền bẩn” giúp IS thực hiện các hoạt động man rợ của mình.
Dầu mỏ mang lại cho IS nguồn thu khổng lồ
Trong bản báo cáo này, cơ quan phụ trách cấm vận chống IS của Liên hợp quốc cũng đã đề xuất cấm tất cả các chuyến bay đi và đến những khu vực do IS kiểm soát để chặn đứng nguồn tiếp tế hàng hóa và vũ khí cho IS.
Các đề xuất trong bản báo cáo này sẽ được thảo luận trước Hội đồng Bảo an vào ngày mai nhằm xây dựng một nghị quyết cắt đứt nguồn tài chính cho phiến quân IS và các lực lượng cực đoan khác ở Iraq và Syria thông qua việc bán dầu thô với giá rẻ mạt cho các đối tác quốc tế.
Trước đây, nhiều chuyên gia ước tính rằng với số lượng mỏ dầu và nhà máy lọc dầu kiểm soát được ở Iraq và Syria, IS có thể thu về khoảng 1,65 triệu USD mỗi ngày bằng cách bán dầu với giá chỉ bằng một nửa so với giá thị trường.
IS đã kiểm soát được nhiều mỏ dầu lớn ở Iraq và Syria
Với số tiền khổng lồ thu về từ hoạt động bán dầu lậu, IS đã trở thành nhóm khủng bố giàu nhất trong lịch sử thế giới, và chúng có đủ tiền để trang trải cho các hoạt động trên một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria, đồng thời mua vũ khí từ nhiều nguồn khác nhau trên thế giới.
Video đang HOT
Trong phiên họp ngày mai, Hội đồng Bảo an sẽ thảo luận các biện pháp của cộng đồng quốc tế để tăng cường sức ép đối với phiến quân IS trước mối đe dọa của tổ chức khủng bố này đối vớian ninh toàn cầu.
Hồi tháng Tám, Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết nhằm ngăn chặn hoạt động gây quỹ của IS và phong tỏa các chiến binh nước ngoài tới Iraq và Syria tham gia thánh chiến cùng IS, đồng thời đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những quốc gia mua dầu của IS.
Mặc dù không nêu rõ những tuyến vận chuyển nào sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới này, song báo cáo của Liên hợp quốc coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đầu mối trung chuyển quan trọng cho các chuyến hàng chở dầu của IS.
Liên hợp quốc muốn chặn bắt toàn bộ xe chở dầu của IS
Báo cáo này nhấn mạnh rằng các lệnh cấm vận không thể ngăn chặn hoàn toàn hoạt động vận chuyển lậu dầu thô, nhưng chúng sẽ làm gián đoạn hoạt động chở dầu của IS vốn là khâu yếu nhất trong đường dây buôn lậu dầu của chúng.
Theo đó, Hội đồng Bảo an được khuyến nghị kêu gọi các quốc gia có chung biên giới với những khu vực do IS kiểm soát bắt giữ, ngăn chặn tất cả những xe bồn và xe tải chở dầu tham gia vào đường dây buôn lậu của IS.
Theo các chuyên gia phân tích, với việc Mỹ và liên quân đang tăng cường các cuộc không kích trên chiến trường, lệnh cấm mới của Liên hợp quốc có thể là cú đòn nặng nề giáng vào phiến quân IS, tạo điều kiện cho quân đội Iraq và dân quân người Kurd có thể thực hiện các chiến dịch phản công giải phóng lãnh thổ từ tay phiến quân.
Theo Trí Dũng (Theo AFP) (Khám phá)
IS sắp bị đánh gục ở thị trấn chiến lược Kobani
Liên tiếp bị mất các vị trí chiến lược, IS giờ đây đang co cụm ở một góc của thị trấn Kobani.
Ngày 17/11, lực lượng dân quân người Kurd chiến đấu chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thị trấn biên giới Kobani cho hay trận chiến đã chuyển sang một bước ngoặt mới, và IS sắp ngã gục dưới sự tấn công của bom Mỹ và lực lượng phòng thủ.
Bom Mỹ dội xuống mục tiêu IS ở thị trấn Kobani
Các chỉ huy của đơn vị dân quân người Kurd YPG cho biết những trận không kích tăng cường trong những ngày gần đây đã giúp họ chiếm thêm được vài ngọn đồi chiến lược từ tay phiến quân IS.
Trong ngày hôm qua, Mỹ đã thực hiện 9 lượt không kích vào thị trấn Kobani, thả bom trúng các vị trí chiến đấu của IS, dọn sạch nhiều khu vực và xóa sổ một đơn vị chiến thuật của phiến quân.
Hiện IS chỉ còn khoảng 250 tay súng ở thị trấn Kobani và đang co cụm lại góc đông nam thị trấn. Ông Rafiq Barardar, chỉ huy YPG ở Kobani tự tin tuyên bố: "Chúng chắc chắn sẽ bị đánh bại trong 4 hoặc 5 ngày tới".
Mặc dù vậy, YPG tin rằng họ sẽ mất nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng để quét sạch phiến quân ra khỏi thị trấn, bởi nhiều khả năng các tay súng bắn tỉa của IS vẫn còn lảng vảng, và chúng cũng sẽ tiếp tục thực hiện các vụ đánh bom tự sát hoặc cài bom ven đường hay trong các tòa nhà.
Ông Anwar Muslim, một lãnh đạo chính trị ở Kobani trả lời qua điện thoại: "IS chưa rút lui nhiều như chúng tôi mong đợi, nhưng sự thật là chúng đang rút chạy. Lợi thế giờ đây đang nghiêng về phía YPG và hỏa lực Mỹ".
Súng máy hạng nặng của dân quân người Kurd bắn về phía IS
Trong hai tháng vừa qua, IS đã mất hàng trăm chiến binh trên chiến trường Kobani khi chúng "cố sống cố chết" chiếm thị trấn này bằng được. Việc để thua trên chiến trường Kobani sẽ là một cú đòn nặng nề giáng vào IS vốn tự cho mình là lực lượng thánh chiến "bất khả chiến bại".
Với sự tăng viện của 150 chiến binh người Kurd Iraq, YPG đã đưa các khẩu súng máy hạng nặng lên một số đỉnh đồi xung quanh thị trấn và khống chế hoàn toàn tuyến đường quan trọng nối từ Kobani tới Raqqa, sào huyệt của IS ở miền bắc Syria. Các cuộc không kích tăng cường của Mỹ cũng khiến IS gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều quân tăng viện.
Một nữ chiến binh người Kurd tên là Nareen Khalil đang dưỡng thương cho biết: "Các cuộc không kích của Mỹ đã giúp chúng tôi chiếm được nhiều ngọn đồi quan trọng. Ngay khi vết thương lành, tôi sẽ quay trở lại chiến tuyến và chiến đấu hết mình ở đó".
Các chỉ huy người Kurd ở Kobani cho biết họ đang phối hợp với quân đội Mỹ để chỉ thị mục tiêu cho các vụ không kích ở Kobani. Ngoài ra, họ cũng đã nhận được nhiều vũ khí, đạn dược và đồ tiếp tế được Mỹ thả xuống bằng dù xuống thị trấn này, mặc dù một số kiện hàng đã rơi vào tay IS.
Phiến quân IS đang phải co cụm lại ở một góc thị trấn Kobani
Kể từ khi IS bắt đầu mở chiến dịch vây hãm thị trấn Kobani từ hai tháng trước, hơn 200.000 người dân thị trấn đã phải rời bỏ nhà cửa và chạy tị nạn sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện họ đang phải sống trong tình trạng thiếu thốn, tạm bợ tại khu tị nạn Suruc ở bên kia biên giới.
Người Kurd ở cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã coi thị trấn Kobani như một biểu tượng cho cuộc đấu tranh kiên cường chống IS của họ, trong khi IS cũng coi đây là một mục tiêu phải chiếm được bằng mọi giá để trấn áp tinh thần phản kháng của người dân bản địa.
Còn tại chiến trường Iraq, phiến quân IS cũng bắt đầu hứng chịu tổn thất sau khi quân đội chính phủ Iraq mở toang được hành lang tiến vào thị trấn bị vây hãm Banji, nơi có nhà máy lọc dầu lớn nhất nước.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng những thất bại liên tiếp trên chiến trường đang khiến IS giống như một con thú đang giãy chết và liên tiếp thực hiện những hành động điên cuồng, điển hình là vụ chặt đầu 18 phi công Syria và con tin người Mỹ Peter Kassig.
Theo Khampha
IS bắt tay với al Qaeda chống phe nổi dậy thân Mỹ Cú bắt tay giữa hai tổ chức khủng bố hùng mạnh sẽ khiến cuộc chiến chống IS của Mỹ thêm phần khó khăn. Ngày 14/11, báo chí phương Tây cho biết lãnh đạo phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria đã nhất trí bắt tay nhau cùng chiến đấu chống lại phe nổi dậy...