LG ngừng kinh doanh smartphone
LG sẽ đóng cửa bộ phận di động trước ngày 31/7 năm nay sau khi lập kỷ lục thua lỗ 23 quý liên tục.
Hôm 5/4, LG Electronics thông báo ngừng kinh doanh smartphone sau khi được Ban Giám đốc chấp thuận phương án. Dự kiến, bộ phận sẽ bị đóng cửa trước ngày 31/7 năm nay.
Công ty tiếp tục bán số hàng tồn kho còn lại, đồng thời tiếp tục sản xuất đến cuối tháng 5 để giữ cam kết với nhà mạng và đối tác. Hãng sẽ hỗ trợ dịch vụ và cập nhật phần mềm cho khách hàng đang sử dụng sản phẩm trong một thời gian nhất định, phụ thuộc vào từng vùng và khu vực.
Theo LG, rút khỏi thị trường smartphone “đặc biệt cạnh tranh” cho phép công ty tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực tăng trưởng khác như linh kiện xe ô tô điện, robot, trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, LG vẫn nghiên cứu và đầu tư vào các công nghệ di động lõi như 6G.
Các công nghệ do LG phát triển trong hai thập kỷ kinh doanh smartphone được giữ lại và ứng dụng trong các sản phẩm hiện tại, tương lai. Nhân viên bộ phận di động được điều chuyển sang bộ phận khác.
Video đang HOT
Vào tháng 1, LG cho biết, đang xem xét hướng đi cho mảng di động và không loại trừ khả năng nào. Tính đến quý IV/2020, bộ phận này lập kỷ lục 23 quý lỗ liên tiếp.
Sớm bước chân vào thị trường với hàng loạt sáng tạo được đánh giá cao như camera góc siêu rộng, LG nhanh chóng trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới vào nửa đầu năm 2013, chỉ sau Samsung và Apple. Tuy nhiên, sau đó các mẫu máy cao cấp của hãng đều gặp sai lầm về phần cứng và phần mềm, khiến vị thế không còn như xưa. Các chuyên gia cũng chỉ trích LG vì thiếu tinh tế trong tiếp thị so với những đối thủ Trung Quốc.
Hiện tại, dù LG vẫn là thương hiệu xếp hạng 3 tại Bắc Mỹ và hạng 5 tại Mỹ Latinh xét theo thị phần, trên toàn cầu, smartphone LG chỉ chiếm khoảng 2%. Công ty Hàn Quốc bán được 23 triệu smartphone năm 2020, thua xa số lượng 256 triệu máy của Samsung, theo hãng nghiên cứu Counterpoint. Trong quý cuối năm 2020, đây là bộ phận đóng góp ít nhất cho LG, chỉ mang về 7,4% doanh thu.
LG ra sao sau 4 năm có Chủ tịch mới?
Hành trình cải tổ LG Group của Chủ tịch Koo Kwang Mo vẫn đang diễn ra.
Ngày 29/6 đánh dấu 4 năm ông Koo Kwang Mo trở thành Chủ tịch LG Group, một trong bốn chaebol lớn nhất Hàn Quốc. Ông Koo ngồi ghế Chủ tịch kiêm CEO LG sau khi cha ông, Chủ tịch Koo Bon Moo, qua đời. Ông là người trẻ nhất trong số 4 lãnh đạo tập đoàn khác, bao gồm Samsung, SK và Hyundai Motor.
Theo Korea Herald, để mô tả nhiệm kỳ 4 năm của ông, có thể dùng từ "chủ nghĩa thực dụng".
Ông Koo Kwang Mo
Một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất từ khi ông nắm quyền là LG Electronics quyết định loại bỏ mảng kinh doanh smartphone lâu đời vào tháng 7/2021. Từng là viên ngọc quý của tập đoàn, bộ phận smartphone hứng chịu thiệt hại nặng nề khi không thể cạnh tranh với Samsung và Apple, cũng như các đối thủ Trung Quốc. Dù vậy, đây vẫn là quyết định khó khăn đối với LG khi phải từ bỏ thị trường mang tính biểu tượng, nơi họ đã tham gia được 26 năm.
Ông Koo thúc đẩy kế hoạch rút lui khỏi thị trường smartphone nhằm tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực tương lai hơn như giải pháp xe hơi, trí tuệ nhân tạo. Cũng với lý do này, LG ngừng kinh doanh tấm năng lượng mặt trời vào tháng 3 năm nay.
Cùng lúc đó, LG chi đậm cho các động cơ tăng trưởng mới. Sau khi mua lại nhà phát triển hệ thống chiếu sáng xe hơi ZKW của Australia với giá 1,09 tỷ USD tháng 8/2018, LG thành lập liên doanh LG Magna E-Powertrain cùng với nhà cung ứng linh kiện xe hơi Magna International của Canada vào tháng 7/2021. Công ty sản xuất pin xe điện LG Energy Solution ra đời cuối năm 2020 và đang mở rộng năng lực sản xuất trên toàn thế giới.
Các nhân viên cho biết, văn hóa doanh nghiệp tại LG trở nên linh hoạt hơn, tốc độ hơn dưới sự lãnh đạo của ông Koo. Những cuộc họp không cần thiết được giảm thiểu để tăng tính hiệu quả. Quy trình ra quyết định nhanh hơn trước nhiều, một quan chức LG giấu tên tiết lộ.
Cách tiếp cận thực tế của tân Chủ tịch đã cải thiện hiệu suất tài chính của các công ty con. Năm 2020, doanh thu của tập đoàn tăng 15,4% lên 147,62 nghìn tỷ won từ 127,39 nghìn tỷ won năm 2017. Vốn hóa thị trường của 61 công ty con cũng tăng gấp đôi trong cùng kỳ, lên 196,3 nghìn tỷ won.
Giới quan sát đánh giá cao phong cách lãnh đạo của ông chủ trẻ đối với lợi nhuận của tập đoàn, song đây là lúc để ông cho thấy tầm nhìn lớn hơn, rõ ràng hơn cho tương lai.
LG vốn nổi tiếng với triết lý sáng lập - sự hòa hợp giữa mọi người - ưu tiên sự ổn định hơn biến động. Với văn hóa như vậy, các công ty thuộc LG hiếm khi tham gia vào các tranh chấp gia đình liên quan đến chủ sở hữu hay xung đột với đối tác kinh doanh. Nhấn mạnh chủ nghĩa thực dụng dường như là chưa đủ để LG thoát khỏi hình ảnh thiếu đổi mới, quyết liệt.
Tháng trước, LG thông báo kế hoạch đầu tư 106 nghìn tỷ won trong 5 năm tới, bao gồm 10 nghìn tỷ won cho pin xe điện, 3,6 nghìn tỷ won cho trí tuệ nhân tạo và dữ liệu, 1,8 nghìn tỷ won cho công nghệ thân thiện môi trường và 1,5 nghìn tỷ won cho công nghiệp sinh học.
Các lĩnh vực này đều đang trong giai đoạn sơ khai, tiêu tốn nguồn lực khổng lồ nhưng chưa thấy lợi nhuận trước mắt. Triển vọng tù mù của kinh tế toàn cầu giữa nỗi lo suy thoái càng gia tăng bất ổn.
Một quan chức cấp cao trong ngành công nghệ nhận xét ông Koo đã tinh giản danh mục kinh doanh của LG trong 4 năm qua. Cách tiếp cận của ông giúp cải thiện lợi nhuận nói chung. "Khả năng lãnh đạo thực sự của ông ấy sẽ được đánh giá trong các năm tiếp theo, thông qua hiệu quả của các động lực tăng trưởng tương lai của LG", người này nói.
Mẫu điện thoại "cục gạch" dùng mạng 4G ra mắt Những chiếc điện thoại cơ bản, thường được gọi là "cục gạch" sẽ sớm trở thành vô dụng và người dùng cần chuyển đổi sang sử dụng thiết bị di động áp dụng công nghệ 4G. Hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời những công nghệ di động gồm: GSM (mạng 2G) triển khai từ năm 1990;...