Levothyroxine – Loại thuốc tuyến giáp phổ biến có liên quan tới tình trạng mất xương
Levothyroxine, một loại thuốc phổ biến điều trị suy giáp có liên quan đến tình trạng mất xương ở người lớn tuổi.
Việc dư thừa hormone tuyến giáp có thể dẫn đến sự phá vỡ mô xương, gây ra chứng loãng xương.
Levothyroxine được bán trên thị trường dưới các tên thương hiệu khác nhau (bao gồm synthroid), là phiên bản tổng hợp của thyroxine, một loại hormone do tuyến giáp sản xuất. Đây là loại thuốc được kê đơn phổ biến trị suy giáp.
Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá ít thyroxine. Nếu không điều trị, có thể xảy ra tình trạng tăng cân, mệt mỏi, rụng tóc và các biến chứng nghiêm trọng hơn, nhưng quá nhiều thyroxine có liên quan đến gãy xương cao hơn.
Một nghiên cứu mới được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội X quang Bắc Mỹ đầu tháng 12 mới đây cho thấy, ngay cả ở những người lớn có nồng độ tuyến giáp nằm trong phạm vi bình thường được chấp nhận, thì việc dùng levothyroxine hàng ngày trong 6 năm cũng có liên quan đến tình trạng mất xương nhiều hơn.
Một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội X quang Bắc Mỹ đầu tháng 12 mới đây cho thấy, thuốc điều trị suy giáp phổ biến levothyroxine có liên quan đến tình trạng mất xương ở người lớn tuổi.
TS. Shadpour Demehri, Đại học Johns Hopkins, đồng tác giả cho biết, nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả khi tuân theo các hướng dẫn hiện hành, việc sử dụng levothyroxine dường như vẫn liên quan đến tình trạng mất xương nhiều hơn ở người lớn tuổi.
Tìm thấy mối liên hệ giữa mất xương và việc sử dụng levothyroxine
Nghiên cứu bao gồm những người tham gia từ 65 tuổi trở lên bị suy giáp, trong đó có 81 người dùng levothyroxine hàng ngày và 364 người không sử dụng. Những người tham gia đã đi khám ít nhất hai lần, trong đó xét nghiệm máu xác nhận họ có mức độ bình thường của cả hormon kích thích tuyến giáp (TSH) – loại hormone trong não điều chỉnh chức năng tuyến giáp và T4 tự do – phản ánh mức độ thyroxine và được chụp cắt lớp để đo mật độ, khối lượng xương.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sau khoảng 6 năm, những người dùng levothyroxine mất nhiều khối lượng xương và mật độ xương toàn thân hơn những người không dùng thuốc này. Mối liên hệ này mạnh hơn khi nồng độ thyroxine tăng lên.
Theo TS. Elena Ghotbi, Trường Y khoa Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, đồng tác giả nghiên cứu, khi thuốc tuyến giáp được dùng quá liều, sẽ làm tăng hormone tuyến giáp hơn mức họ cần. Việc có quá nhiều hormone tuyến giáp có thể làm tăng sự tái hấp thu xương, gây phá vỡ mô xương, dẫn đến bệnh loãng xương.
Người bệnh có nên tiếp tục dùng levothyroxine không?
Người bệnh không nên ngừng dùng levothyroxine dựa trên kết quả nghiên cứu. Hiện nhiều bệnh nhân thực sự cần phải dùng levothyroxine. Ví dụ, những người đã phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp sẽ trở nên cực kỳ ốm yếu nếu họ ngừng dùng loại thuốc này.
Levothyroxine vẫn là tiêu chuẩn vàng, an toàn, được sử dụng rộng rãi nhất để điều trị suy giáp. Các lựa chọn khác có thể đi kèm với nguy cơ mất xương thậm chí còn cao hơn, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Nếu bạn lo ngại về việc dùng levothyroxine, các chuyên gia khuyên nên trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Theo các nhà khoa học, người bệnh không nhất thiết ngừng dùng levothyroxine, mà phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, xem xét lại chẩn đoán và mục tiêu điều trị cá nhân, có thể điều chỉnh liều lượng để duy trì nồng độ hormone tuyến giáp trong phạm vi an toàn.
Bích Ngọc
Video đang HOT
Cảnh báo suy và cường giáp
Các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp khá phổ biến. Tỉ lệ mắc bệnh của giới nữ cao hơn giới nam gấp 5 - 8 lần.
Ảnh: iStock
Yếu tố nguy cơ
Tuyến giáp là cơ quan có chức năng vừa sản xuất, vừa dự trữ và cung cấp 2 loại hormone đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa của cơ thể là T3 (Triiodothyronine) và T4 (Thyroxine).
Khi nó hoạt động bình thường thì quá trình chuyển hóa của các bộ phận cơ quan trong cơ thể diễn ra một cách trật tự, ổn định và bình thường. Khi nó "lâm bệnh", các bất thường về chuyển hóa ngay lập tức xảy ra. Tùy theo mức độ bệnh mà các dấu hiệu lộ diện bên ngoài nhiều hay ít, rõ ràng hoặc còn mơ hồ.
Các yếu tố nguy cơ làm cho một người dễ mắc bệnh tuyến giáp hơn, bao gồm:
- Gia đình có người mắc bệnh tuyến giáp.
- Người cao tuổi, nhất là giới nữ.
- Nghiện thuốc lá, thường xuyên bị căng thẳng.
- Dùng các loại thuốc mà thành phần chứa nhiều iode hay lithium.
- Từng bị chấn thương tuyến giáp, điều trị bệnh tuyến giáp hoặc ung thư.
- Người đang mắc một trong các bệnh sau đây: Đái tháo đường type I, bệnh suy thượng thận nguyên phát, bệnh thiếu máu ác tính, bệnh viêm khớp dạng thấp...
Các bệnh lý tuyến giáp thường gây rối loạn quá trình sản xuất hormone. Nếu việc sản xuất hormone của tuyến giáp bị giảm sút sẽ tạo ra bệnh cảnh suy giáp. Trái lại, nếu việc sản xuất hormone của tuyến giáp dư thừa sẽ tạo ra bệnh cảnh cường giáp. Tuy nhiên, cũng có những bệnh như ung thư và u nhân giáp lại không gây rối loạn quá trình sản xuất hormone của tuyến giáp.
Nguyên nhân gây suy giáp:
- Thiếu iode trong chế độ ăn (thường gặp nhất trong bệnh lý tuyến giáp).
- Loại viêm tuyến giáp gây giảm sản xuất hormone tuyến giáp, viêm tuyến giáp sau sinh (tỉ lệ mắc
5 - 9%), viêm tuyến giáp tự miễn (bệnh Hashimoto).
- Sau phẫu thuật hoặc sau điều trị cường giáp bằng iode phóng xạ.
- Suy tuyến giáp bẩm sinh (tỉ lệ mắc 1/4.000).
- Sau các xạ trị điều trị bệnh ung thư.
- Bệnh lý của tuyến yên (tuyến chủ) gây tác động.
Nguyên nhân gây cường giáp:
- Thừa iode: Lượng iode đưa vào cơ thể dư thừa khiến cho tuyến giáp gia tăng sản xuất hormone.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch gây sản xuất hormone tuyến giáp quá mức (bệnh Graves).
- Viêm tuyến giáp loại gây tăng sản xuất hormone tuyến giáp.
- Khối u tuyến yên (tuyến chủ) gây ảnh hưởng lên tuyến giáp.
Ảnh minh họa: ITN
Nhận biết và phòng ngừa
Hormone của tuyến giáp sản xuất đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể nên bất kỳ sự dư thừa hoặc thiếu hụt nào cũng đều gây tác động đến sức khỏe của người bệnh. Cho nên, việc phát hiện bệnh của tuyến giáp càng sớm thì điều trị càng có kết quả tốt hơn. Sau đây là những dấu hiệu thường thấy ở một người mắc bệnh:
Dấu hiệu nghi ngờ cường giáp:
- Luôn có cảm giác nóng, ra nhiều mồ hôi.
- Luôn lo lắng hay cáu gắt và mất ngủ.
- Giảm cân nặng cơ thể không rõ nguyên nhân.
- Tay run, nhịp tim nhanh.
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích.
Dấu hiệu nghi ngờ suy giáp:
- Luôn có cảm giác mệt mỏi và lạnh.
- Tăng trọng lượng cơ thể không có chủ ý.
- Da khô, móng tay giòn, tóc giòn dễ gãy.
- Trí nhớ kém, nhịp tim chậm.
- Táo bón, trầm cảm.
- Rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng sinh sản.
- Tuyến giáp phì đại nên to ra.
Để phòng ngừa bệnh cần thực hiện chế độ ăn đầy đủ, cân bằng các chất dinh dưỡng, vitamin và các nguyên tố vi lượng. Nhất là không để quá thiếu hoặc quá thừa thành phần iode trong thức ăn.
Các nghiên cứu cho thấy, thiếu iode trong chế độ ăn là nguyên nhân thường gặp nhất trong bệnh lý tuyến giáp và gây suy giáp. Các chuyên gia về dinh dưỡng đưa ra một số thực phẩm lựa chọn sau đây:
- Thực phẩm giàu iode: Các loại hải sản, rong biển, tảo bẹ... Người bị cường giáp chú ý hạn chế ăn các loại thực phẩm này.
- Trái cây các loại và rau xanh như rau muống, mồng tơi, diếp cá... giúp cải thiện tình trạng mỏi mệt, đau cơ và điều hòa nhịp tim.
- Sữa chua ít chất béo chứa nhiều iode và vitamin D rất tốt cho tuyến giáp.
- Các loại hạt như hạt điều, hạt hạnh nhân giàu protein thực vật, magne, vitamin E, B1... và một số chất khoáng cần cho tuyến giáp hoạt động hiệu quả nhất.
Lời khuyên: Một người, có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ bệnh lý liên quan đến tuyến giáp thì cần đi khám và làm các xét nghiệm càng sớm càng tốt. Việc xác định chẩn đoán bệnh lý của tuyến giáp càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao, vì lúc này các rối loạn do bệnh lý tuyến giáp gây ra chưa để lại những hậu quả nghiêm trọng cho các bộ phận khác trong cơ thể từ vai trò điều phối và tác động mạnh mẽ của tuyến giáp.
Các thuốc điều trị suy giáp Suy giáp là một rối loạn nội tiết xảy ra tại tuyến giáp, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Hiện nay dùng thuốc điều trị suy giáp mang lại hiệu quả cao... 1. Một số thuốc điều trị suy giáp Tùy nguyên nhân gây suy giáp sẽ có phác đồ điều trị khác nhau: - Điều trị suy giáp bẩm sinh :...