Lệnh trừng phạt các ngân hàng Nga ảnh hưởng thế nào đến người dân?
Hôm 25/2, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt dài hạn đối với các ngân hàng Nga nhằm đáp trả động thái quân sự tại Ukraine.
Người dân đi bộ trên một con phố ở Nga. Ảnh: AFP
Theo đài RT (Nga), biện pháp trừng phạt này đều được các đồng minh của Mỹ ủng hộ. Các ngân hàng nằm trong danh sách đen của phương Tây bao gồm Sberbank và 25 công ty con, Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) và 20 công ty con, cùng với các tổ chức tài chính lớn khác của Nga như Bank Otkritie, Sovcombank, Novikombank và 34 công ty con.
Các ngân hàng đối mặt với lệnh trừng phạt giống nhau?
Lệnh trừng phạt nhằm vào các ngân hàng của Nga không giống nhau. Sberbank, ngân hàng lớn nhất ở Nga, đang phải đối mặt lệnh trừng phạt tài khoản đại lý và tài khoản phải trả. Các lệnh trừng phạt này nhằm mục đích hạn chế các giao dịch bằng đồng USD. Tuy nhiên, Nhà Trắng thừa nhận rằng Sberbank vẫn được kết nối chặt chẽ với hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, ngân hàng VTB – tổ chức tài chính lớn thứ 2 của Nga cùng Ngân hàng Otkritie, Sovcombank và Novikombank, phải đối mặt với lệnh trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn. Điều này có nghĩa tất cả tài khoản VTB nào có liên kết với hệ thống tài chính của Mỹ đều bị đóng băng và công dân Mỹ không được phép giao dịch với những tài khoản này.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết mỗi ngày, các định chế tài chính Nga thực hiện khoảng 46 tỷ USD giao dịch ngoại hối, trong đó 80% bằng đồng USD và phần lớn các giao dịch đó sẽ bị cắt đứt theo trừng phạt mới.
Video đang HOT
Phản ứng của người dân Nga
Trước lệnh trừng phạt kinh tế được giới chuyên gia đánh giá là “tàn khốc” này, người dân Nga đã xếp hàng dài tại các hệ thống rút tiền tự động trên khắp đất nước. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương, nhu cầu tiền mặt của các cá nhân và doanh nghiệp đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 3/2020.
Trong ngày 25/2, người dân đã rút hơn 1 tỷ USD trong một ngày. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 1,5 lần so với đợt rút tiền tăng kỷ lục trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19.
Người dân sẽ không thực hiện được các dịch vụ tài chính nào?
Hôm nay, 26/2, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết các thẻ Ngân hàng VTB, Ngân hàng Otkritie, Sovcombank và Novikombank sẽ không thể hoạt động với các dịch vụ như ApplePay và GooglePay. VTB khuyến nghị khách hàng ở nước ngoài nên rút tiền hoặc thanh toán bằng các ngân hàng khác.
Việc sử dụng thẻ ngân hàng ở trong và ngoài nước Nga sẽ bị ảnh hưởng?
Các biện pháp trừng phạt sẽ không nhằm vào nhóm khách hàng của các ngân hàng bị trừng phạt. Tuy nhiên, Mỹ đã yêu cầu tất cả các tổ chức tài chính đóng tất cả các tài khoản đại lý và tài khoản phải trả có liên kết với Sberbank trong vòng 30 ngày. Đồng thời, các tổ chức tài chính Mỹ cũng từ chối tất cả các giao dịch tương lai liên quan đến người cho vay hoặc các công ty con ở nước ngoài của Sberbank.
Liệu Nga có bị loại khỏi SWIFT?
Logo của Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT). Ảnh: Reuters
Các nước phương Tây vẫn chưa công bố kế hoạch loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT). Washington đã không loại trừ việc ngăn chặn quyền truy cập của Nga vào hệ thống thanh toán quốc tế này. Tuy nhiên, một số nước châu Âu không ủng hộ đề xuất này. Lý do vì họ cho rằng điều đó không chỉ ảnh hưởng đến các ngân hàng Nga mà còn khiến các chủ nợ châu Âu khó lấy lại tiền. Họ cũng lưu ý rằng Nga đã và đang phát triển một hệ thống thanh toán thay thế khác.
Giới chuyên gia cho rằng người dân Nga không nên quá lo lắng trước các lệnh trừng phạt mới. Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định các biện pháp trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng đến các giao dịch ngân hàng của khách hàng ở Nga. Các tổ chức tài chính trong nước sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ mà không có bất kỳ hạn chế nào.
Tuy nhiên, việc sử dụng thẻ ngân hàng ở nước ngoài hoặc thanh toán trực tuyến tại các cửa hàng ở những nước tham gia trừng phạt là điều không thể. Các biện pháp quyết liệt mà Mỹ và các đồng minh thực hiện đã buộc cơ quan quản lý phải đưa ra một gói hỗ trợ khẩn cấp nhằm đảm bảo duy trì sự ổn định tài chính của Nga, đồng thời không gây gián đoạn đối với các hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính ở nước này. Ngân hàng Trung ương cam kết với người dân Nga rằng các tổ chức tài chính của Nga đã lên kế hoạch hành động rõ ràng có thể đối phó với bất kỳ tình huống nào.
Trung Quốc dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm nhập khẩu lúa mì của Nga
Trung Quốc đã dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm đối với lúa mì nhập khẩu từ Nga trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine leo thang, cho thấy mối quan hệ giữa Moskva-Bắc Kinh đang được thắt chặt khi Mỹ và các đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Trung Quốc chấp nhận lúa mì nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Bloomberg
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đưa ra thông báo trên chỉ vài giờ sau khi quân đội Nga tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, đây được cho là thỏa thuận mà Nga và Trung Quốc đã đạt được trong cuộc gặp tháng trước của hai nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh.
Trước đó, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu lúa mì của Nga do lo ngại về kiểm dịch thực vật. Trong tuyên bố mới nhất của hải quan Trung Quốc, Nga cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp để giảm thiểu rủi ro cây nhiễm bệnh.
Trung Quốc bắt đầu cho phép nhập khẩu lúa mì quy mô lớn của Nga từ tháng 10/2021. Công ty kinh doanh nông sản lớn nhất Trung Quốc Cofco thuộc nhà nước đã mua lô hàng đầu tiên với 667 tấn lúa mì.
Là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Nga đã xuất khẩu được hơn 30 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm ngoái. Theo dữ liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Nga, số lượng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 13% vào năm 2021 so với một năm trước đó, xuống còn 3,5 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Nga.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Interfax ngày 23/2, Đại sứ Trung Quốc tại Nga ông Zhang Hanhui bày tỏ Trung Quốc "vui mừng" khi thấy đồng tiền nước mình được sử dụng rộng rãi trong thương mại, đầu tư tài chính và dự trữ ngoại hối của Nga. Nhà ngoại giao cũng mong đợi các cuộc thảo luận về việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong giao dịch song phương về năng lượng.
Phát ngôn của Đại sứ Zhang được đưa ra khi Moskva chính thức công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng tại Ukraine và triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.
Lập trường của Trung Quốc đang được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm sau khi Mỹ và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga trong tuần này.
Ngày 24/2, Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Trung Quốc phản đối mọi hành động kích động chiến tranh và đã "tỏ rõ thái độ trách nhiệm ngay từ đầu" nhằm thuyết phục các bên không làm căng thẳng leo thang và bùng phát xung đột.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Bắc Kinh hiểu rõ "những lo ngại an ninh chính đáng" của Moskva liên quan đến vấn đề Ukraine, đồng thời kêu gọi xây dựng "một cơ chế an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững" ở châu Âu thông qua đối thoại và đàm phán.
Tổng thống Mỹ thông báo các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nhằm vào Nga Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/2 thông báo các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga nhằm phản ứng chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. Các lệnh trừng phạt này sẽ bao gồm phong tỏa tài sản các ngân hàng lớn của Nga và cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao...