Lên tiếng và hành động để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới
Ngày 2/12, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Tọa đàm “ Chốn an toàn” và khai mạc Triển lãm Chạy trốn “chốn an toàn”, hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.
Đại biểu chia sẻ ý kiến tại Tọa đàm “Chốn an toàn”. Ảnh: PV
Sự kiện thu hút trên 80 đại biểu, đại diện các bộ, ban, ngành, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, cơ quan tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới…
Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Các hoạt động tọa đàm và triển lãm được tổ chức với mong muốn tiếp tục nêu vấn đề, cùng thảo luận giải pháp, cam kết chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều kết quả tích cực về thu hẹp khoảng cách giới, nhất là trong các lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… Những nỗ lực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Mặc dù vậy, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em vẫn là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh ở Việt Nam.
Video đang HOT
Theo Kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, có 62,9% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời. Tuy nhiên, 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ. Bên cạnh đó, cả nước có 21,3% số trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình.
Trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra nghiêm trọng (2020 – 2021), bạo lực đối với với phụ nữ và trẻ em càng gia tăng đáng kể. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được ghi nhận tăng 50%. Số lượng người bị bạo lực được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào “Ngôi nhà bình yên” thực tế tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ…
Bà Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ một thực tế mâu thuẫn: Khi nói đến gia đình, người ta thường nghĩ ngay đến nơi an toàn, tràn ngập yêu thương, nhưng trong nhiều trường hợp, chính “chốn an toàn” lại là nơi có nhiều sóng gió, nhiều nỗi sợ hãi và nguy hiểm nhất, khi các thành viên luôn bất an trước các hình thức bạo lực mà chính những người thân yêu dành cho mình. Họ phải chịu cả nỗi đau về thể xác và tinh thần. Nhiều vết thương lành theo năm tháng nhưng cũng có những vết thương khiến họ ám ảnh và mang theo cả một đời. Nhiều người đã phải chạy trốn khỏi “chốn an toàn” để tìm “nơi bình yên”, nơi họ có thể nhận được những hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, giúp họ có thêm sức mạnh, nghị lực trong cuộc sống. Điều đó cũng cho thấy, chúng ta cần chung tay phối hợp chặt chẽ hơn và có giải pháp, hành động quyết liệt, cam kết mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực với phụ nữ, trẻ em, đảm bảo tôn trọng, bảo vệ họ…
Các diễn giả trao đổi để nhìn nhận rõ hơn về thực trạng bạo lực trên cơ sở giới, mức độ phổ biến, nghiêm trọng của các hình thức bạo lực; đồng thời chỉ ra những vấn đề cấp thiết cần quan tâm giải quyết hiện nay, sự vào cuộc của các bên liên quan. Từ đó, các đại biểu đề xuất giải pháp, gợi ý, khuyến nghị, đưa ra thông điệp để giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới hiện nay, trong đó có việc phát huy vai trò của nam giới, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ trong thời gian tới…
Khách tham quan triển lãm Chạy trốn “Chốn an toàn”. Ảnh: PV
Trong khuôn khổ chương trình, triển lãm Chạy trốn “Chốn an toàn” đã được khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Triển lãm diễn ra từ ngày 2 – 31/12/2022 tập trung vào ba chủ đề: “Trong chốn an toàn”, “Cùng suy ngẫm” và “Điểm tựa bình yên”.
Các hình ảnh, hiện vật trưng bày tại triển lãm được sưu tập công phu, phản ánh rõ nét thực trạng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới hiện nay và những nỗ lực, giải pháp của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong hoạt động phòng, chống, ứng phó. Qua triển lãm, Ban tổ chức kêu gọi sự lên tiếng của nạn nhân, sự chung tay của toàn xã hội để đẩy lùi bạo lực gia đình, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi nhà.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 đang diễn ra với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Chuỗi sự kiện tọa đàm và triển lãm lần này mong muốn truyền đi thông điệp hãy lên tiếng và hành động để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, không để ai phải chạy trốn khỏi “chốn an toàn”.
Thúc đẩy hành động vì bình đẳng giới
Sáng 27/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới".
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội trao tặng học bổng cho 36 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Tham dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và trên 500 cán bộ, hội viên phụ nữ...
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội nhấn mạnh, là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giới nữ, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ đã triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và nhân dân về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em. Nhiều mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực, vận động nam giới chia sẻ với phụ nữ, đề xuất giải quyết kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em... đã được triển khai và có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả.
Bà Lê Kim Anh đề nghị các cấp Hội phụ nữ thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng chủ đề, thông điệp truyền thông Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, các cấp Hội cần gắn hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em với thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch", mô hình "5 có 3 sạch", trong đó chú trọng tiêu chí gia đình không có bạo lực, có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững; Phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", "Xây dựng người phụ nữ Thủ đô trung hậu - sáng tạo - đảm đang - thanh lịch"...
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong ba năm 2019 - 2021, toàn thành phố có 387 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Theo báo cáo hàng năm của Tòa án nhân dân thành phố, trong ba năm 2019 - 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tòa án đã thụ lý 283 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 305 bị cáo, năm sau số vụ tăng hơn năm trước.
Trao tặng học bổng cho 36 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Tại chương trình, Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã phát động, chỉ đạo các cấp Hội triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động. Trên 300 cán bộ, hội viên, phụ nữ huyện Gia Lâm đại diện cho hội viên, phụ nữ thành phố có màn đồng diễn dân vũ sắc cam. Các đại biểu tham dự chương trình cũng viết lên thông điệp cam kết chung tay phòng ngừa bạo lực, xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em...
Nhân dịp này, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã phối hợp với Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em của Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ việc xâm hại phụ nữ nhằm truyền thông, cảnh báo răn đe đối với các hành vi vi phạm. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội cũng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố, Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trao tặng học bổng cho 36 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Phổ biến luật pháp, chính sách bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới Ngày 27/5, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông cập nhật về luật pháp, chính sách về bình đẳng giới cho khoảng 150 đại biểu. Thực hiện bình đẳng giới về chính trị, nữ giới Việt Nam có tổ...