“Lên đời” đại học
Nhiều sinh viên, học sinh đang theo học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN đã xin rút hồ sơ để nộp vào các trường thuộc khu vực được hưởng chính sách đặc thù trong tuyển sinh vừa được Bộ GD-ĐT công bố.
Các sinh viên này đều thuộc diện dưới điểm sàn (CĐ, ĐH) 1 điểm đã đăng ký xét tuyển học TCCN hoặc CĐ.
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ cho các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ, nhiều sinh viên, học sinh tưởng đã không còn cơ hội học ĐH, CĐ năm nay đã mang hồ sơ đến các trường để đăng ký học.
Chiều 29/10, hàng chục thí sinh đến Trường ĐH Tiền Giang nộp hồ sơ nhập học. Bạn Phan Cẩm Tú (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết đang chuẩn bị ôn thi cho kỳ thi năm sau, nhưng giờ biết mình đậu nên rất vui.
“Hay tin là em đi nộp hồ sơ liền, không phải chờ đợi kỳ thi năm sau nữa” – Tú nói. Còn bạn Huỳnh Thanh Liêm (huyện Châu Thành, Tiền Giang) cho biết đã dự thi vào ngành công nghệ thông tin của trường đạt 8 điểm (khối A) không trúng tuyển nguyện vọng 1, nhưng giờ thì đã trúng tuyển. “Nghe tin là em đi đăng ký nhập học liền” – Liêm nói.
Những thí sinh vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Tiền Giang làm thủ tục nhập học chiều 29/10 – Ảnh: Thúy Hằng
Bỗng dưng “lên đời”
Trong khi đó, rất nhiều thí sinh khác chỉ đủ điểm để vào học CĐ, TCCN nay bỗng dưng có tin vui đã quyết định “lên đời” bằng việc rút lại hồ sơ, học phí để nộp vào các trường có áp dụng chính sách ưu tiên. Theo TS Nguyễn Hữu Quyền – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, từ ngày 23 đến 26/10 hàng loạt thí sinh và cả tân sinh viên của trường đến xin rút hồ sơ. “Hiện nhà trường vẫn đang tiếp tục tuyển đến cuối tháng 11/2012 nên đã giải quyết cho những thí sinh này được rút hồ sơ ngay. Riêng các sinh viên đã nhập học từ ngày 15/10 chúng tôi không giải quyết” – ông Quyền cho biết.
Sau đó, một số sinh viên đã làm đơn trình bày do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể tiếp tục theo học tại trường… Ông Quyền cho biết thêm: “Các sinh viên này cũng thú thật, xin nhà trường cho rút hồ sơ và học phí để về học tại các trường địa phương cho đỡ tốn kém. Chúng tôi đã giải quyết cho gần 10 sinh viên”.
Video đang HOT
ThS Hoàng Xuân Quảng, phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, khẳng định UBND tỉnh An Giang vừa chỉ đạo trường thực hiện chính sách đặc thù trong tuyển sinh Bộ GD-ĐT mới ban hành nhưng nhà trường sẽ có văn bản trả lời không thực hiện chính sách này trong năm nay. Mấy ngày qua nhiều sinh viên đã đến hỏi thông tin về chính sách ưu tiên và xin rút hồ sơ. “Hiện có 5-6 trường hợp sinh viên xin rút hồ sơ nhưng nhà trường không giải quyết nên họ tự ý bỏ học, bỏ học phí để chuyển sang trường khác” – ông Quảng nói.
Kẻ mừng – người khóc
Ông Phạm Thái Sơn, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố chính sách đặc thù này, hàng trăm tân sinh viên đang theo học bậc CĐ, CĐ nghề của trường đã đến hỏi thủ tục xin rút lại hồ sơ. “Nhà trường đã giải quyết cho khoảng 120 sinh viên được rút hồ sơ và trả lại học phí. Tuy nhiên đến ngày 26/10 chúng tôi không cho rút nữa vì các lớp đã dần đi vào ổn định. Ngoài ra mấy ngày qua trường cũng đã cấp lại giấy chứng nhận kết quả thi cho hơn 20 thí sinh thuộc các tỉnh Tây Nam bộ” – ông Sơn chia sẻ.
Tại Trường ĐH Tiền Giang, thông báo tuyển bổ sung sáu ngành học bậc ĐH, 16 ngành học bậc CĐ, áp dụng chính sách đặc thù trong tuyển sinh dành cho khu vực Tây Nam bộ, đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm sinh viên. “Nhà trường đã tổ chức cuộc gặp với tất cả sinh viên trúng tuyển đang học mấy tuần đầu tại trường để thông báo chính sách đặc thù của Bộ GD-ĐT. Thống kê có khoảng 700 sinh viên diện này đã có nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Tiền Giang được hưởng chính sách đặc thù này” – TS Ngô Tấn Lực, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
ThS Huỳnh Tấn Lợi, giám đốc Trung tâm khảo thí – đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường, nói hầu hết tân sinh viên đang theo học bậc CĐ tại trường đủ điều kiện xét tuyển lên bậc ĐH đều có nhu cầu xét tuyển. Đến nay nhà trường đã nhận vài chục hồ sơ của các sinh viên này và có hơn 70 thí sinh ngoài trường nộp hồ sơ xét tuyển theo diện ưu tiên này.
“Nhà trường tận dụng cơ hội chính sách ưu tiên mới này để tuyển thêm. Để thuận tiện cho thí sinh trong trường hợp bị mất thông báo, thí sinh có thể cam kết tại nơi nhận hồ sơ và sẽ bổ sung sau. Nhà trường sẽ xét trực tiếp và cấp giấy báo trúng tuyển ngay để thí sinh làm hồ sơ đăng ký nhập học khi thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển” – ông Lực nói.
Trong khi đó, cán bộ tuyển sinh của nhiều trường ĐH, CĐ đang rất lo lắng vì đến nay đã có hàng loạt trường ĐH, CĐ ở khu vực Tây Nam bộ thông báo xét tuyển bổ sung theo chính sách đặc thù do Bộ GD-ĐT mới công bố. “Là trường tư thuộc tốp dưới nên chúng tôi đang rất lo ngại. Tình hình tuyển sinh của trường hiện nay rất khó khăn, có được thí sinh nào là mừng rồi. Với chính sách mới này của bộ, chắc chắn trường sẽ mất nhiều sinh viên. Không hiểu sao Bộ
GD-ĐT lại công bố chính sách vào thời điểm này. Các trường ngoài công lập như chúng tôi sẽ chết đứng…” – TS Nguyễn Hữu Quyền bức xúc.
Theo tuổi trẻ
Chính sách đặc thù không nhằm để tuyển đủ chi tiêu
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga với Dân trí xung quanh việc Bộ GD-ĐT vừa ban hành quyết định thực hiện một số chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2012 đối với các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Phóng viên: Khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, Thứ trưởng có nói là nguồn tuyển năm nay dư thừa cho các trường. Đối các vùng khó như Tây Nguyên và Tây Nam Bộ thì hệ số dịch chuyển lớn hơn so với mọi năm rất nhiều nên chắc chắn sẽ không gặp khó khăn trong tuyển sinh. Tuy nhiên trên thực tế thì ngược lại, vậy nguyên nhân ở đây là gì?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước hết tôi phải khẳng định điểm sàn năm nay xác định là hoàn toàn hợp lý. Nó được thể hiện ở chỗ hệ số dịch chuyển là tốt. Chẳng hạn như khối A hệ số dịch chuyển là 1,8 trong khi đó mọi năm chỉ ở mức 1,5. Do đó số lượng thí sinh (TS) dư trên sàn rất là nhiều.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. (Ảnh P.T)
Bên cạnh đó, năm nay các vùng có thể tự cân đối lại với nhau. Có nghĩa những TS thi vào những trường trong khu vực đó chưa trúng tuyển NV1 đủ lấp đầy chỉ tiêu vào các trường còn thiếu chỉ tiêu. Đặc biệt là Tây Nam Bộ có sự chuyển biến rất là tốt. Chỉ có Tây Bắc là hơi đuối một chút.
Câu hỏi đặt ra là tại sao đến thời điểm này nhiều trường vẫn chưa tuyển được HS? Theo quan điểm của tôi thì có rất nhiều lý do. Một là có thể trường chưa đủ uy tín để hút được TS. Hai là những ngành nghề đào tạo của các trường này không phải là "nóng" nữa. Ba là trong tình hình kinh tế các gia đình cũng khó khăn nên việc cho con đi học vào những ngành mà sau này cảm thấy khó tìm được việc làm nên họ chần chừ và cân nhắc. Một vấn đề quan trọng khác là các thông tin về tuyển dụng trong thời gian qua cũng gây tác động tâm lý nhất định đến gia đình TS.
Riêng đối với mình thì thấy nguyên nhân chính đối với các trường không tuyển được TS liên quan đến ngành nghề. Đa số các trường không tuyển được đều đào tạo ngành kinh tế quản lý, đây là những ngành không còn được thu hút mạnh so với vài năm về trước. Chẳng hạn ngay cả trường đào tạo về kinh tế quản lý được coi là đầu đàn của cả nước là ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Kinh tế thuộc ĐH Đà Nẵng hàng năm chỉ gọi NV1 là dư ngay lập tức nhưng năm nay chỉ đạt được 75-85%. Chứng tỏ khối kinh tế quản lý hiện nay không còn sức hút mạnh nữa.
Trong khi đó, những trường mới thành lập hoặc các trường ngoài công lập thì lại đa số đào tạo các ngành này thôi. Do đó khi TS không "ưa chuộng" nữa thì ngay lập tức các trường này bị ảnh hưởng. Như vậy ở phải xác định là TS không đi học chứ không phải nguồn tuyển không có.
Chúng ta đưa ra mức điểm sàn là nhằm mục đích đảm bảo chất lượng đầu vào. Bộ GD-ĐT cũng rất quyết tâm khi bỏ điểm c điều 33 trong quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta lại đưa ra chính sách đặc thù trong tuyển sinh dành cho 3 khu vực khó khăn có thể lấy điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn. Điều này có gì đó bất ổn?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi chúng ta bỏ điểm c điều 33 quy chế tuyển sinh là nhằm mục đích hạn chế cơ chế "xin - cho". Khi mình quy định như vậy thì không phải những trường đóng ở địa bàn khó khăn mà ngay cả những chưa đóng ở vùng thuận lợi nhưng khó tuyển sinh cũng xin vận dụng nên dẫn đến điểm chuẩn quá thấp so với điểm sàn quy định. Năm nay chúng ta bỏ cơ chế "xin - cho" nhưng không có nghĩa là bỏ toàn bộ. Chúng ta phải tìm một cơ chế thay thế đối với những vùng kinh tế khó khăn, vùng khó tuyển. Đặc biệt là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Ở các vùng này thì điều kiện học tập còn nhiều khó khăn nên trình độ HS không thể sánh bằng với những vùng thuận lợi. Nói cách khác về cơ bản thì mặt bằng không thể đạt mức chung nên chúng ta phải tạo một cơ chế phù hợp để cho các em vào học.
Khi bỏ điểm c điều 33 quy chế tuyển sinh thì trong các cuộc họp Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thì Bộ GD-ĐT cũng có đề xuất họ nghiên cứu một quy chế mới để thay thế. Nghĩa làm ngay khi làm sửa đổi quy chế đã có sự chỉ đạo rồi chứ không phải mình bị động vì chuyện này. Bộ GD-ĐT cũng đã lường trước được các trường thuộc 3 vùng này sẽ gặp nhiều khó khăn. Bản thân Ban chỉ đạo cũng đã nghiên cứu và hỏi ý kiến các tỉnh thành trong các khu vực. Cuối cùng thì họ đề xuất là nên áp dụng một cơ chế đặc thù để cho Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ có cơ chế tuyển sinh phù hợp.
Cũng phải nhấn mạnh ở đây là việc này không có nghĩa là chỉ giúp cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu mà nó còn giúp cho các địa phương vùng kinh tế khó khăn có thể tuyển được người đi đào tạo để nâng cao trình độ lao động ở đây. Bởi theo quyết định 1033 của Thủ tướng Chính phủ về vùng Tây Nam Bộ thì đến 2015 thì số lượng SV/1 vạn dân là 190 mà hiện nay họ chỉ mới ở mức 110-120. Qua đó thấy họ còn cách chỉ tiêu này rất là xa.
Theo cơ chế đặc thù mà Bộ GD-ĐT thì các trường ĐH, CĐ có trụ sở chính đặt tại các tỉnh, thành phố trong ba khu vực khó khăn được xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực và có kết quả điểm thi ĐH (hoặc CĐ) hệ chính quy (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) dưới điểm sàn ĐH (hoặc CĐ) không quá 1 điểm. Quy định này được áp dụng năm nay và những năm kế tiếp. Vậy theo Thứ trưởng liệu cơ chế này có tạo nên tiêu cực khi thí sinh chạy hộ khẩu?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Vấn đề này Bộ GD-ĐT cũng đã nghĩ đến và lường trước được. Để được hưởng chính sách này đòi hỏi TS phải học ít nhất 3 năm THPT ở vùng khó khăn. Nghĩa là các em phải sinh sống ở đây. Bộ mong muốn rằng khi các cháu về các vùng khó khăn này, học và sinh sống tại đây và khi lên học ĐH lại tiếp tục như vậy thì sẽ gắn bó với vùng đó để ở lại làm việc.
Trên thực tế, đa số các cháu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ khi xuống các thành phố lớn để học thì rất ít cháu quay trở về. Cơ chế này tạo ra để cho các cháu có thể học và sinh sống tại chỗ để có thể góp sức xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, cũng sẽ thu hút được các TS ở các vùng lân cận đến đây học tập và công tác.
Với cơ chế đặc thù đưa ra thì liệu các trường thuộc 3 vùng khó khăn này có tuyển đủ chỉ tiêu năm nay hay không khi mà hiện nguồn tuyển rất là hạn hẹp, thậm chí là đã hết?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc năm nay các trường thuộc các vùng này có tuyển được đủ chỉ tiêu hay không thì chuyện đó không quan trọng. Vấn đề là ở chỗ số lượng các cháu HS đạt được trình độ để có thể đi học được có đông hay không thôi. Các trường có thể tăng lên chút ít không cần đủ chỉ tiêu nhưng số lượng các cháu đi học tăng lên để sau này các cháu có thể tốt nghiệp quay về làm việc ở những khu vực này. Vấn đề này mới là điều cần phải quan tâm chứ không phải cơ chế đưa ra để lấp đầy chỉ tiêu cho các trường.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
S.H (thực hiện)
Theo dân trí
Cho trúng tuyển dưới điểm sàn: Hy vọng cho trường ngoài công lập Thời điểm Bộ GD-ĐT đưa chính sách đặc thù dành cho 3 vùng khó đã quá muộn nên nhiều trường công thuộc khu vực này quyết định không áp dụng trong năm nay. Trong khi đó, các trường tư thì quyết tâm sẽ tận dụng tối đa lợi thế này. Theo chính sách đặc thù mới mà Bộ GD-ĐT đưa ra thì các...