Lên Bình Liêu ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín
Thu về là thời điểm vùng cao Bình Liêu bước vào mùa đẹp và lãng mạn nhất trong năm.
Chắc hẳn sẽ là trải nghiệm thú vị khi được chiêm ngưỡng các cung đường, các thửa ruộng bậc thang tầng lớp ở Lục Hồn, Đồng Văn và nhiều địa điểm khác. Đây cũng là một trong những hoạt động chính của Hội mùa vàng Bình Liêu 2020 sắp diễn ra.
Không chỉ được say đắm với không gian yên bình, trong vắt của mùa thu vùng cao, điều gây chú ý nhất đối với du khách chính là các thửa ruộng nhuộm một màu vàng ruộm, tạo nên một cảnh sắc tuyệt vời, ấn tượng. Ruộng bậc thang ở Bình Liêu không chỉ có giá trị cảnh quan mà còn mang một giá trị văn hóa, lịch sử, phản ánh sức sống, sáng tạo của người dân vùng cao.
Ruộng bậc thang ở thôn Cao Thắng, xã Lục Hồn.
Quả thật thú vị khi du khách vừa được tham quan vừa được nghe kể câu chuyện về ruộng bậc thang, một di sản của sức sáng tạo. Theo chuyện kể, chủ nhân của những khu ruộng bậc thang chủ yếu là người Dao, người Sán Chỉ.
Sống ở vùng có địa hình khó khăn, họ phải khéo léo lựa chọn được vùng đất tốt lại có điều kiện thủy lợi thuận tiện để biến bề mặt nghiêng sang mặt bằng và đắp bờ để giữ nước, giữ màu mới có thể canh tác ổn định. Như vậy, quá trình khai khẩn để hình thành và canh tác được ruộng bậc thang phải có thời gian lâu dài, từ đời này qua đời khác với quá trình đúc kết kinh nghiệm qua nhiều thế hệ.
Theo phong tục, với tộc người Dao, Sán Chỉ ở Bình Liêu ruộng bậc thang là cơ sở để sản xuất lúa gạo ổn định nhất, là nguồn sống quan trọng nhất, thậm chí đây còn là sức mạnh của mỗi gia đình, dòng họ. Với họ, đây là tài sản quý báu truyền từ đời này qua đời khác, chia cho con cháu mỗi khi họ tách ra ở riêng, do đó ở đây rất hiếm thấy hiện tượng mua bán, trao đổi ruộng bậc thang.
Video đang HOT
Giờ đây, với loại hình canh tác của hệ thống ruộng bậc thang, kết hợp với không gian của những bản cổ với những ngôi nhà trình tường hoặc gạch đất độc đáo… đang trở thành sản phẩm hết sức hấp dẫn, thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nhất là vào mùa lúa chín vàng, mùa gặt.
Quả thật, trong không khí trong lành của mùa thu Bình Liêu, bạn đã sớm cảm nhận được vẻ đẹp của vùng cao yên bình, vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang khi từ Quốc lộ 18A rẽ lên địa phận Bình Liêu. Ngay từ cửa ngõ huyện, xã Vô Ngại, những thửa ruộng bậc thang vàng óng ven suối, trên đồi đã khiến bạn không ngớt trầm trồ, muốn dừng chân chụp ảnh.
Qua trung tâm thị trấn Bình Liêu, tiếp tục hành trình dọc tuyến đường chính lên các xã Lục Hồn, Đồng Tâm, bạn sẽ thực sự ấn tượng bởi khung cảnh lúa chín vàng trải rộng các cánh đồng, ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp ven suối. Khu vực có ruộng bậc thang đẹp nhất và đáng chú ý nhất chính là ở xã Lục Hồn. Từ đường cái đi vào chừng 30 phút bạn sẽ đặt chân tới các bản sát biên như: Cao Thắng- Khe O- Ngàn Pạt…
Đây là các bản cao có ruộng bậc thang trải dài trong độ cao từ khoảng 300m tới hơn 600m ở sườn tây núi Cao Xiêm. Ở đây tại các điểm cao, nhiều ruộng có bờ là “bậc thang” cao trên 1m với hình thù khác nhau uốn lượn theo sườn núi, sườn đồi và chỉ một cơn gió khẽ lay động tạo ra các sóng lúa vàng vỗ tới tận chân trời. Đây là khu vực có ruộng bậc thang đẹp, tiêu biểu và cũng là nơi được lựa chọn cho không gian của các hoạt động trong Hội mùa vàng Bình Liêu 2020.
Ngoài ra, bạn có thể tham quan các điểm khác có không gian ruộng bậc thang đẹp. Từ Lục Hồn, cách đường cái độ 5-10 phút đi xe là có thể ghé vào cầu treo đường đi Pắc Phe, ngắm dải lúa chín vàng dọc con suối. Bạn cũng có thể theo chân các phượt thủ khám núi Cao Ly, Ngàn Vàng (xã Đồng Tâm), Lục Ngù (xã Húc Động), hay bản Co Sen, Ngàn Cậm (xã Hoành Mô)…, chắc hẳn là một trải nghiệm tuyệt vời. Một lựa chọn tuyệt vời nữa là bạn có thể lên các điểm cao như: Sông Moóc, Cao Sơn để cảm nhận rõ nhất không khí mát lành của mùa thu, nơi ánh nắng chan hòa nhuộm vàng rừng hồi quế, ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất.
Từ các địa điểm cao như Cao Sơn hay Sông Moóc, du khách có thể có tầm nhìn thật đẹp trên cao về các thửa ruộng bậc thang.
Hiện các điểm đến trong mùa vàng Bình Liêu cũng đang được rất nhiều các hãng lữ hành quan tâm, thiết lập tour tham quan như: Halo tour, Vietravel, Luxury tour, Du lịch Hòn Gai và nhiều doanh nghiệp lữ hành khác. Đây là các tour ngắn ngày, tiện lợi tham quan các điểm có ruộng bậc thang đẹp nhất ở Lục Hồn, Sông Moóc, Cao Sơn…
Mùa thu, mùa vàng đang về rất gần. Thật tuyệt vời nếu bạn thu xếp được chuyến đi khám phá Bình Liêu, gác lại hết những lo toan, bộn bề, thả hồn chiêm ngưỡng mùa vàng, thiên nhiên tuyệt đẹp về trên vùng cao Bình Liêu.
Lễ cơm mới ở Bình Liêu
Đến Bình Liêu những ngày tháng 10 này, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về phong tục của người Tày tại Lễ cơm mới trong Hội mùa vàng Bình Liêu lần đầu tiên được tổ chức.
Hội mùa vàng Bình Liêu dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 18/10 với trọng điểm là không gian tuyệt đẹp của ruộng bậc thang vào mùa lúa chín vàng, cùng các hoạt động văn hóa đặc sắc của cộng đồng bà con dân tộc quanh vùng. Trong đó, lễ cơm mới được coi là một trong những điểm nhấn, nét độc đáo về cả văn hóa, ẩm thực hút khách về Bình Liêu.
Khung cảnh mùa vàng Bình Liêu.
Lễ mừng cơm mới là nét đẹp phong tục tập quán của bà con dân tộc ở Bình Liêu. Theo những người già thì lễ cơm mới có từ xa xưa được truyền lại từ khi người dân lập thôn, lập bản. Lễ hội thể hiện ước muốn của đồng bào Tày về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa vụ tốt tươi... Thông thường, lễ cơm mới được tiến hành vào tháng 10 âm lịch sau khi thóc lúa được gặt về, phơi khô.
Lễ cơm mới chia làm hai phần cơ bản: Phần nghi lễ (lễ cúng tổ tiên) và phần hội (ăn mừng cơm mới). Sau phần nghi lễ, bữa cơm là dịp để cả gia đình, con cái tụ họp sau một năm vất vả. Nhân dịp này, gia chủ cũng mời khách là bè bạn, thân thích. Hầu hết người được mời đều cố gắng bố trí thời gian tới dự và khi đi không quên mang theo một túi hoa quả. Là một lễ quan trọng nên bữa cơm mới đãi khách rất nhiều món ăn ngon.
Ngoài thịt gà, thịt ngan, món không thể thiếu là xôi lá gừng màu xanh ngon mắt. Đây chính là món xôi được nấu từ gạo nếp ngon nhất vừa mới thu hoạch, đồ chín rồi mới quét nước gừng để có màu xanh đẹp mắt. Nếp mới dẻo thơm hòa quyện với vị nồng nồng, ấm áp của lá gừng đã làm nên một món ăn hài hòa, tròn vị. Màu xanh của món ăn tượng trưng cho mùa màng no ấm tốt tươi đem lại cho gia chủ.
Trước đây, các gia đình thường chọn ngày để làm cơm mới. Nay, để tiện lợi, hầu hết các gia đình đều tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật để mọi người dễ bố trí công việc tới chung vui cùng gia chủ.
Như vậy, lễ cơm mới vừa mang nét đẹp phong tục độc đáo, vừa thể hiện nghệ thuật ẩm thực độc đáo, sự hiếu khách, chân thành của người dân vùng cao Bình Liêu. Vì thế năm nay, trong Hội mùa vàng, lễ cơm mới sẽ được lồng ghép vào chương trình cùng các hoạt động đặc sắc khác.
Theo đó, lễ cơm mới dự kiến sẽ được tổ chức chủ yếu ở xã Lục Hồn - không gian chính của Hội mùa vàng Bình Liêu. Để thực sự hấp dẫn, hoạt động này sẽ được tổ chức ở quy mô hộ gia đình, dưới dạng du lịch cộng đồng. Thông qua đơn vị tổ chức, du khách đăng ký với Ban tổ chức để bố trí thời gian tham gia cùng các hộ gia đình. Tùy vào thời gian và yêu cầu, du khách có thể tham gia phần lễ hoặc phần hội để hiểu sâu hơn về nét đẹp phong tục này.
Mâm cỗ truyền thống trong lễ mừng cơm mới của đồng bào Tày Bình Liêu.
Theo kế hoạch, nghi lễ cơm mới trong Hội mùa vàng được xã Lục Hồn dự kiến tổ chức tại đình Lục Nà. Đồng thời với đó tại các thôn, các bản cũng vào cuộc tổ chức sự kiện cơm mới. Hiện một số hãng lữ hành rất quan tâm, nghiên cứu thiết kế các tour tới Bình Liêu dự Hội mùa vàng như: Công ty CP TMDL&DV Hòn Gai, Luxury Tour, Vietravel, một số doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội.
Trong trường hợp du khách muốn trải nghiệm tìm hiểu có thể được thu xếp để ở cùng gia đình người Tày. Nhu cầu này sẽ được đăng ký qua ban tổ chức rồi đăng ký với các hộ gia đình. Chắc hẳn lễ cơm mới với trải nghiệm thực tế, nghệ thuật ẩm thực, sự nhiệt thành của người bản địa sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách khi đến với Hội mùa vàng Bình Liêu.Ngoài lễ cơm mới, trong Hội mùa vàng Bình Liêu năm nay còn có các hoạt động khác như: Tục nhận con nuôi, lễ cấp sắc, thi gặt lúa... cũng sẽ được tổ chức đồng loạt ở các bản người Dao, bản người Sán Chỉ.
Chinh phục 'Nóc nhà Quảng Ninh' Khám phá và chinh phục 'nóc nhà của Quảng Ninh' - đỉnh Cao Xiêm, là một trải nghiệm thú vị. Đây cũng là điểm đến đẹp vào thu, là hành trình dự kiến cho chương trình leo núi trong Hội mùa vàng Bình Liêu sắp tổ chức vào cuối tháng 10 này. Cao Xiêm, có lẽ chỉ nghe qua tên gọi cũng đủ...