Lên Bắc Hà thưởng thức thắng cố ngựa
Theo các già làng ở vùng cao Bắc Hà, món thắng cố ngựa ra đời từ khi người Mông, Tày, Nùng về Bắc Hà cư trú đã mấy trăm năm nay
Món này xuất hiện ở các chợ phiên vùng cao, đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người Mông khi đi chợ, gắn liền với đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người Mông, Tày, Nùng Bắc Hà bao đời nay. Qua bát thắng cố thơm ngon, nghi ngút khói, chén rượu ngô thơm nồng, người ta bày tỏ, tâm sự tình cảm, chia sẻ buồn vui, kinh nghiệm sống, sản xuất…
Ở Bắc Hà, cả người Mông, Tày, Nùng đều nấu thắng cố ngựa. Cách nấu thắng cố tuy đơn giản nhưng phải có kinh nghiệm, bí quyết riêng nấu mới ngon. Sau khi mổ ngựa, làm thịt sạch sẽ xong, tất cả “lục phủ ngũ tạng” được chặt ra thành từng miếng. Trên bếp lửa rực hồng, một cái chảo cỡ lớn đặt sẵn. Tất cả các thứ như: thịt thủ, thịt mông, xương đầu, xương chân, tim, gan, lòng… được đổ vào chảo cùng lúc, xào lăn, theo kiểu “mỡ ngựa rán ngựa”. Đợi ít phút, miếng thịt se se cạnh, người ta đổ nước vào chảo và cứ thế ninh sôi sùng sục hàng tiếng đồng hồ. Ngoài muối và chút ít mì chính, gia vị cho món thắng cố cần phải có thảo quả, địa điền nướng thơm, tán nhỏ, ướp vào thịt trước lúc đem xào. Khi thắng cố chín kỹ, các thứ gia vị bổ trợ cho nhau tạo nên một thứ hương vị đặc trưng và quyến rũ. Theo làn gió núi, mùi thắng cố lan tỏa từ đầu đến cuối chợ như mời gọi, chèo kéo mọi người, không một lời rao bán, một hình thức quảng cáo nào hiệu quả hơn.
Hiện nay, thắng cố ngựa ngon nhất phải kể đến thắng cố chợ văn hóa Bắc Hà. Trước đây, chợ Bắc Hà chủ yếu là các lều quán tạm bợ được dựng lên, lợp rơm, không vách, người ta đặt chảo thắng cố ở chính diện lều, xung quanh có thể bày bán là những tấm ván, có quán không có bàn, lấy các viên gạch hay đá nhẵn thay ghế, tất cả mọi người ngồi quây quần bên chảo thắng cố. Thắng cố được múc ra một cái bát sứ to, mỗi người một đôi đũa gắp chung, không bát con, bên cạnh là một ống tre đựng ớt để chấm, chai rượu và mấy ống tre nhỏ để rót rượu uống. Còn bây giờ, chợ được xây dựng khang trang hơn, những nơi bán thắng cố có bàn ghế bằng gỗ ngồi, có bát con riêng, nhưng vẫn chung một bát thắng cố to. Đã là đàn ông nếu ăn thắng cố nhất thiết phải uống rượu. Người Mông Bắc Hà có câu: “Ăn thắng cố ngựa mà không uống rượu ngô Bản Phố coi như không phải là ăn thắng cố”. Còn phụ nữ và trẻ em ăn thắng cố với cơm nắm hoặc mèn mén (bột ngô xay nhuyễn, hấp chín) mang theo. Bên bàn thắng cố, một ngàn lẻ một thứ chuyện được đề cập; nhiều nhất và rôm rả nhất là chuyện về ruộng nương, về săn bắn, về làng bản, về dâu con, trao đổi kinh nghiệm làm ăn… Thật ra, thắng cố ngựa Bắc Hà vốn đã ngon, nhưng ngon hơn và trở lên nổi tiếng, hấp dẫn là nhờ không khí của chợ sôi động, náo nhiệt, ẩm thực trong môi trường đông người, đông bè bạn, anh em, người thân…
Thắng cố là món ăn dân dã, nhưng đó còn là nét văn hóa mà qua đây, thấy rõ những chuẩn mực ứng xử, tập tục và truyền thống của một dân tộc giữa nhiều dân tộc, trong một phạm vi không gian giao tiếp rộng rãi và khoáng đạt… Có lẽ vì thế mà người ta vẫn nói: “Thắng cố Bắc Hà ăn ở Bắc Hà mới ngon, chứ mua về nhà ăn chẳng ngon bằng”.
Theo Lào Cai
Video đang HOT
Du lịch Mã Pì Lèng, đừng quên thưởng thức loạt món ngon này
Thắng cố, bánh tam giác mạch, bánh cuốn hay mật ong bạc hà là những món ăn hấp dẫn khiến du khách mê đắm khi du lịch lên Mã Pì Lèng, Hà Giang.
Cháo ấu tẩu: "Chưa ăn cháo ấu tẩu thì chưa đến Hà Giang". Từ loại củ độc, đồng bào nơi đây đã chế biến ấu tẩu thành món ăn rất tốt cho sức khỏe. Cháo ấu tẩu - đặc sản Hà Giang - có quanh năm nhưng muốn ăn thì phải dạo chợ, ghé quán lúc chiều tối.
Thắng cố: Sẽ là thiếu sót nếu lên Hà Giang mà chưa thưởng thức thắng cố. Thắng cố chuẩn phải làm từ nội tạng ngựa hoặc bò, luôn nóng bỏng khi được múc ra bát, thực khách vừa ăn vừa thổi.
Thịt gác bếp: Món thịt gác bếp thường được làm từ những thớ thịt thái dọc dài, từng miếng thịt trâu, thịt lợn được xiên vào những que to rồi treo lên gác bếp. Thịt gác bếp ăn ngon mà lại không có chất bảo quản, là món ăn khoái khẩu của du khách mỗi khi có dịp đến Hà Giang.
Thịt lợn cắp nách: Du lịch đến Mã Pì Lèng, bạn có thể thưởng thức món lợn cắp nách cực ngon. Thịt này chế biến tùy theo sở thích của mỗi người như nướng hoặc hấp. Ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặt hạt dổi, ớt xanh.
Thắng dền: Bánh thắng dền được làm từ bột gạo nếp có nhân đỗ hoặc bánh chay. Những viên bánh nhỏ được nấu cùng với nước cốt dừa và gừng tạo hương vị béo ngậy mà không ngán.
Phở chua không nổi tiếng ở riêng Hà Giang nhưng lại là một trong những món dễ ăn nhất cho du khách tới đây du lịch. Phở chua có nguồn gốc từ Trung Quốc trước đây được dùng trong đám cỗ. Hiện nay, món này được nhiều người chọn làm món điểm tâm trong các buổi chợ phiên.
Bánh cuốn trứng là món ăn sáng được nhiều du khách thưởng thức khi đến Hà Giang. Bánh cuốn ở đây khi được tráng trên bếp được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bánh trắng ngần ấy gói lại. Khi ăn sẽ ăn kèm với một bát nước lèo nóng hổi thả giò trắng thơm ngon ở trong.
Cơm lam Bắc Mê: Gạo nếp được người dân Bắc Mê chọn làm cơm lam là loại ngon nhất, đường trồng trên nương và ngâm kỹ trong nước rồi nhét vào ống nứa, nướng chín trên than củi.
Bánh tam giác mạch: Bánh tam giác mạch được làm từ hạt tam giác mạch. Bánh có vị bùi và phảng phất mùi hăng của bột tam giác mạch. Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm.
Chè Shan tuyết: Những cây chè Shan cổ thụ vùng cao màu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết nên được gọi là chè Shan tuyết - đặc sản Hà Giang. Đây là nguồn nguyên liệu sạch vì khai thác từ tự nhiên. Ảnh: Internet.
Theo Thảo Nguyên/Kiến thức
Cách làm gà hầm cay kiểu Hàn thơm nồng hấp dẫn Trong cái thời tiết se lạnh của mùa đông này, thì còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi với gia đình thưởng thức món gà hầm cay ấm nóng. Món gà hầm cay có nguồn gốc từ đất nước Hàn Quốc, với vị cay đặc trưng và hương vị thơm ngon và đậm đà chắc chắn sẽ khiến bất cứ ai thưởng...