Lệch chuẩn chương trình chất lượng cao – Bài 2: Chất lượng cao thực sự đến đâu?
Bên cạnh những trường có tâm, có trách nhiệm với người học và xã hội, thì cũng có không ít cơ sở đào tạo lại đi chệch hướng trong thực hiện chương trình chất lượng cao (CLC).
Thậm chí, có những chương trình hoàn toàn không phù hợp với quy định của Thông tư 23. Chính điều này đã dẫn đến quan niệm hệ CLC chỉ cần có tiền, rớt hệ đại trà thì vào hệ CLC. Do đó, dư luận có nhiều hồ nghi về chương trình CLC hiện nay và xem như là hệ B ở các trường.
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh hệ chất lượng cao của Trường ĐH Tôn Đức Thắng học với giảng viên nước ngoài
Không đậu đại trà thì vào CLC!
Theo Thông tư 23 quy định về chương trình CLC, điều kiện tuyển sinh là thí sinh là người Việt Nam đã trúng tuyển vào cơ sở đào tạo trong kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) chính quy; thí sinh là người nước ngoài phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam, có năng lực tiếng Việt đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo do thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định; thí sinh phải đáp ứng các điều kiện khác về tuyển sinh do cơ sở đào tạo quy định; tự nguyện tham gia học, cam kết đóng học phí theo quy định của cơ sở đào tạo.
Tuy nhiên, thực tế cách thức tuyển sinh chương trình CLC hiện nay của nhiều trường rất khác nhau. Có trường sau khi sinh viên trúng tuyển rồi mới vận động học chương trình CLC, có trường công khai điểm xét tuyển – điểm trúng tuyển, chỉ tiêu rõ ràng ở từng ngành, chuyên ngành. Điều đáng nói, hiện cả nước không có chương trình CLC nào có điểm chuẩn tuyển sinh cao hơn chương trình đại trà. Ngay cả những trường ĐH tốp trên như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, điểm chuẩn của các chương trình CLC thấp hơn so với chương trình đại trà. Tương tự, tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chương tình tiêu chuẩn (đại trà) có điểm trúng tuyển cao hơn nhiều so với chương trình CLC…
Video đang HOT
Năm 2019, ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (hệ đại trà) điểm chuẩn là 19,5 điểm, nhưng hệ CLC chỉ có 17,5 điểm; ngành Kinh doanh quốc tế 20,5 điểm (hệ đại trà), 18 điểm (hệ CLC). Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô hệ đại trà điểm chuẩn là 23,7 điểm, nhưng hệ CLC tiếng Anh chỉ có 21,8 điểm. Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ngành Ngôn ngữ Anh điểm chuẩn hệ tiêu chuẩn (đại trà) là 33 điểm (môn tiếng Anh nhân 2), trong khi hệ CLC chỉ có 30,5 điểm; ngành Kỹ thuật phần mềm 32 điểm (hệ đại trà) và 25 điểm (hệ CLC)…
Học tiếng Anh bị đuối
Nhiều sinh viên theo học chương trình CLC khóa 2013 (2017-2020) của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, các lớp được đào tạo CLC của những khóa trước thì các môn chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh, nhưng từ khóa 13 lại dạy toàn tiếng Việt.
Sinh viên V.T.P. theo học hệ CLC ngành Tài chính – Ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết: Buổi sinh hoạt đầu khóa, khoa thông báo khi học CLC sẽ được học bằng tiếng Anh và giáo trình bằng tiếng Anh; tuy nhiên, không hiểu sao, hiện giờ học những môn chuyên ngành lại toàn bằng tiếng Việt. Về chương trình học em thấy cũng chẳng khác gì so với các bạn lớp đại trà, chỉ có điều là lớp học sĩ số ít, phòng học có máy lạnh, được học thực tế nhiều hơn… Không chỉ sinh viên trên, nhiều sinh viên học các ngành khác hệ CLC khóa 13 cũng phản ánh tương tự, các môn chuyên ngành bỗng dưng từ học tiếng Anh chuyển sang học bằng tiếng Việt.
Cùng chung bất ngờ, giảng viên H.V. dạy chương trình CLC, chia sẻ: “Trường thực hiện tuyển sinh và đào tạo hệ CLC theo Thông tư 23 của Bộ GD-ĐT. Trong đó, việc giảng dạy bằng tiếng Anh và thi cử bằng tiếng Anh luôn được thực hiện tốt. Tuy nhiên, đến khóa 13 thì ngưng và chuyển sang dạy bằng tiếng Việt. Tôi tham gia dạy từ khóa đầu tiên của trường nên tôi hiểu, việc học tiếng Anh sẽ có nhiều lợi thế cho các em. Nhưng hiện nay trường thay đổi thế này, thu tiền CLC mà dạy bằng tiếng Việt thì có gì đó không ổn lắm”.
Theo lý giải của nhà trường, sinh viên theo học chương trình CLC được chăm sóc rất kỹ trong suốt quá trình học. Trước đây, trường tổ chức giảng dạy bằng tiếng Anh đối với chương trình CLC, nhưng một số năm gần đây, trường nhận thấy việc giảng dạy bằng tiếng Anh chưa ổn. Nguyên nhân do một số sinh viên không theo kịp giáo trình bằng tiếng Anh. Qua thăm dò ý kiến, trường quyết định thay đổi cách dạy bằng tiếng Việt và trình chiếu powerpoint bằng tiếng Anh, để phù hợp hơn và giúp các em dễ tiếp thu hơn. Ngoài ra, trường tăng cường thêm cho chương trình CLC 10 tín chỉ tiếng Anh để các em nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đây là cách tính toán tốt nhất của nhà trường, vừa nâng cao chất lượng theo chiều sâu, vừa giúp các em dễ tiếp thu hơn.
Năng lực ngoại ngữ là bắt buộc
Khoản 2, Điều 5, Thông tư 23 yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình CLC phải cao hơn chương trình đại trà tương ứng về năng lực chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm, khả năng thích nghi với môi trường công tác, riêng năng lực ngoại ngữ tối thiểu phải đạt bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc tương đương). Ngoài ra, thông tư cũng quy định, chương trình CLC phải đảm bảo có ít nhất 20% số tín chỉ các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành được dạy bằng ngôn ngữ của chương trình đào đạo nước ngoài hoặc tiếng Anh…
Như vậy, việc “biến tấu”, úp mở thông tin, điểm đầu vào thấp, chương trình CLC bằng tiếng Việt, tiếng Anh – tiếng Việt, thật sự đã khiến dư luận hoài nghi về chương trình CLC. Đó là chưa nói, hiện nay rất nhiều chương trình đào tạo CLC chưa được kiểm định về chất lượng, trong khi rất nhiều chương trình đại trà lại đạt chuẩn kiểm định trong nước và cả khu vực, quốc tế.
THANH HÙNG
Theo sggp
Ảnh hưởng dịch Covid-19, trường đại học tuyển sinh như thế nào?
Vòng đầu tiên của kỳ tuyển sinh đại học ở Nhật Bản diễn ra ngày 25/2. Các trường công lập có cách xử lý khác nhau với thí sinh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Mainichi, ngày 13/2, website chính thức, ĐH Tokyo (Nhật Bản), tuyên bố sẽ không cho phép thí sinh nhiễm virus corona tham gia kỳ thi tuyển sinh. Trường cũng không có kế hoạch tổ chức kỳ thi bổ sung cho những người này. ĐH Osaka, ĐH Nagoya, ĐH Kyushu cũng áp dụng chính sách tương tự.
Thí sinh Nhật Bản tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia hồi tháng 1. Ảnh: Mainichi.
Trong khi đó, ĐH Hokkaido, Viện Công nghệ Nagoya, ĐH tỉnh Osaka và một số khoa thuộc ĐH Saga quyết định tuyển sinh đầu vào dựa trên kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia diễn ra hồi tháng 1 hoặc cho điểm theo bảng khảo sát thí sinh nộp cùng kết quả trên cùng một số phương án đặc biệt khác.
ĐH Kyoto và ĐH Tohoku đang xem xét cách tuyển sinh phù hợp trong tình hình dịch bệnh.
"Hiện tại, dịch bệnh chưa lan rộng. Chúng tôi cũng nhận phản hồi từ khoa Y để đưa ra đánh giá toàn diện", đại diện ĐH Osaka giải thích.
Lãnh đạo ĐH Nagoya cho biết trường có thể thay đổi quyết định liên quan tuyển sinh đầu vào "dựa trên tình hình cụ thể trong tương lai".
Khi kỳ thi tuyển sinh đại học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngày 30/1, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản kiến nghị các trường đại học trong nước "cân nhắc phản ứng linh hoạt dựa trên tình hình thực tế mỗi trường với mục tiêu đảm bảo cơ hội trúng tuyển của thí sinh tương lai".
Dù bộ đề cập việc tổ chức kỳ thi bổ sung và dùng kết quả từ kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc như một phương án để cân nhắc, các trường có quyền tự đưa ra cách giải quyết riêng.
Theo Zing
Trường ĐH Việt Nhật triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao Ngày 18/2, Trường ĐH Việt Nhật (ĐHQGHN) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã ký biên bản triển khai dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị ĐH tại trường (TC2). Dự án TC2 là dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản...