Lê Bá Bồng – người ‘tiếp sức’ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Những năm qua, phường Hàm Rồng đã trở thành điểm sáng của TP Thanh Hóa trong công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập.
Thành tích đó có sự đóng góp rất lớn của ông Lê Bá Bồng, chủ tịch hội khuyến học (KH) phường – người luôn tâm huyết chăm lo cho sự học của quê hương, đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, éo le.
Ông Lê Bá Bồng, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hàm Rồng – tấm gương sáng trong phong trào KHKT, xây dựng xã hội học tập trên quê hương Hàm Rồng.
Gặp ông ở công sở phường Hàm Rồng, ấn tượng đầu tiên mà tôi cảm nhận được ở ông là sự gần gũi, thân thiện toát lên trong dáng vẻ. Giống với nhiều người con xứ Thanh, năm 1976, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Lê Bá Bồng lên đường nhập ngũ và tham gia đội hình quân tình nguyện Việt Nam nghĩa vụ quốc tế cao cả chiến đấu tại chiến trường Lào, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Chiến tranh biên giới kết thúc, trở về đơn vị, Lê Bá Bồng được đơn vị bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Xí nghiệp 30-4, Công ty Hương Giang, thuộc Quân đoàn 2. Năm 2008, ông nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Bồng không cho phép mình nghỉ ngơi. Ngoài công việc chăm lo cho gia đình, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội và các phong trào của địa phương. Đến năm 2012, ông Lê Bá Bồng được bầu làm Chủ tịch Hội KH phường Hàm Rồng.
Trên cương vị chủ tịch hội KH phường, ông Bồng có điều kiện hơn để chăm lo cho sự học của quê hương. Đi liền với xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt công tác KHKT, ông Bồng đã cùng với ban chấp hành hội KH phường tham mưu cho đảng ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020″ của Chính phủ. Đến nay, toàn phường đã có 13 chi hội KH, với 2.785 hội viên, tăng 443 hội viên so với năm 2015; thành lập 6 ban KH dòng họ. Bên cạnh việc củng cố tổ chức hội, ông luôn cùng với các chi hội vận động hội viên, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan đóng trên địa bàn phường và con em xa quê tích cực đóng góp xây dựng quỹ KHKT. Tính đến cuối năm 2021, tổng quỹ KHKT của phường Hàm Rồng là hơn 396 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, hội KH phường đã dành một phần giúp đỡ, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, éo le vươn lên trong học tập và khen thưởng giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc, đạt giải cao trong giảng dạy và học tập.
Ông Bồng nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe về trường hợp của em Lương Thùy Trang, trú tại làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng. Khi Trang học lớp 3, một tai họa ập xuống gia đình em. Cả bố và mẹ của em qua đời do tai nạn giao thông. Không còn bố mẹ, Trang và người anh phải nương tựa vào ông bà nội. Trước hoàn cảnh đáng thương của Trang, với tấm lòng của mình, ông Bồng đã tìm đến Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông để vận động doanh nghiệp này tài trợ việc học tập cho em. Thật may mắn, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã đồng ý nhận đỡ đầu em Lương Thùy Trang học đến hết THPT. “Việc học không bị đứt giữa chừng, nên cháu Trang đã đến được chân trời mơ ước trở thành sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội” – ông Bồng chia sẻ.
Được biết, từ năm 2015 đến 2020, hội KH phường đã khen thưởng cho 17 lượt tập thể các nhà trường, 363 lượt giáo viên và 440 lượt học sinh có thành tích xuất sắc trong việc giảng dạy, học tập, với số tiền là 176,6 triệu đồng. Bên cạnh đó, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân, hội KH phường chỉ đạo các chi hội, ban KH 6 dòng họ tổ chức “Tết khuyến học”. Thông qua “Tết khuyến học”, từ năm 2015 đến nay, các chi hội, ban KH 6 dòng họ đã trao quà cho 542 lượt học sinh, với số tiền 37 triệu đồng. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và Nhân dân ủng hộ 118 triệu đồng vào quỹ KH các chi hội. Đặc biệt, hội KH phường cũng đã hỗ trợ cho 92 lượt học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền là 58 triệu đồng; qua đó, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn. Đáng nói hơn, ông và ban chấp hành hội KH phường vận động được một số mạnh thường quân, doanh nghiệp nhận đỡ đầu cho 2 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên học giỏi từ cấp tiểu học đến hết THPT.
Video đang HOT
Những đóng góp của ông Lê Bá Bồng không chỉ đưa phong trào KHKT phát triển rộng khắp, mà còn thúc đẩy sự học trên mảnh đất Hàm Rồng, được cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Hơn hết, ông đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào KHKT, xây dựng xã hội học tập của quê hương.
Hỗ trợ học sinh Hà Tĩnh hoàn cảnh khó khăn trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Hướng tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường THPT ở Hà Tĩnh đang 'thắp lửa' phong trào tình nguyện tiếp sức mùa thi cho học sinh khó khăn bằng các hoạt động phong phú như: quyên góp, kêu gọi nguồn lực, hỗ trợ kiến thức, vật chất, tinh thần...
Các thành viên CLB Kỹ năng Trường THPT Can Lộc góp nhặt ve chai gây quỹ tiếp sức mùa thi.
Thực hiện mục tiêu không để bất cứ thí sinh nào phải bỏ thi vì hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo các trường học thực hiện chương trình đồng hành, tiếp sức cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Những ngày vừa qua, các thành viên CLB Kỹ năng Trường THPT Can Lộc miệt mài với hoạt động góp nhặt ve chai, kêu gọi các thầy cô giáo, người dân và cựu học sinh của trường đóng góp gây quỹ, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 và các hoạt động tình nguyện tiếp sức mùa thi.
Thầy Nguyễn Trọng Anh - Bí thư Đoàn trường THPT Can Lộc cho biết: "Đợt bán ve chai vừa qua, các em học sinh đã thu về hơn 2 triệu đồng, ngoài ra, CLB Kỹ năng của trường còn quyên góp được khoảng 4 triệu đồng từ các nguồn kêu gọi khác. Chúng tôi sẽ dành số tiền này để hỗ trợ từ 6 - 10 suất quà động viên các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước ngày diễn ra kỳ thi. Ngoài ra, CLB cũng đã chuẩn bị lực lượng đoàn viên thanh niên trong các hoạt động tình nguyện, tiếp sức mùa thi với các nhóm nhiệm vụ như: giữ đồ, xe ôm miễn phí, gửi xe miễn phí, phát nước và quà cho các thí sinh".
Từ nhiều năm nay, hoạt động tiếp sức mùa thi cũng đã trở thành truyền thống của Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên). Đặc biệt, từ khi thành lập CLB Người mẹ thứ 2, các hoạt động chương trình tiếp sức mùa thi càng trở nên quy củ, khoa học hơn. Ngoài kêu gọi tiền để trao các suất quà cho học sinh khó khăn, CLB Người mẹ thứ 2 còn tích cực hỗ trợ về kiến thức, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và động viên tinh thần cho các em trước khi bước vào kỳ thi.
Những giờ học online miễn phí của giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Liễn dành cho học sinh vẫn duy trì trong các buổi tối.
"Ngoài các phần quà, sự quan tâm, thăm hỏi thường xuyên của các thành viên trong CLB Người mẹ thứ 2 đối với học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, việc tiếp sức kỳ thi cho các em còn được chúng tôi thực hiện qua hàng trăm tiết dạy miễn phí bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Việc học trực tiếp ở trường kết thúc từ ngày 3/7 nhưng những giờ học trực tuyến vào mỗi buổi tối vẫn được kết nối khi học sinh có yêu cầu", thầy Hoàng Quốc Quyết - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn chia sẻ.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều trường cũng có sự linh hoạt, thay đổi hình thức hoạt động tiếp sức mùa thi. Nếu như những năm trước, Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) duy trì hoạt động nấu cơm trước cổng trường, hỗ trợ hàng trăm suất ăn miễn phí vào buổi trưa cho thí sinh trong 2 ngày diễn ra kỳ thi, thì nay, Đoàn trường lại kêu gọi các nguồn quỹ để tặng quà cho học sinh khó khăn. Năm nay, từ danh sách rà soát của các lớp, trường đã tiến hành trao 56 suất quà, mỗi suất 300 ngàn đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đoàn trường THPT Cẩm Bình trao quà cho em Nguyễn Thanh Tuyền - học sinh lớp 12A4 ngay tại lớp học.
Em Nguyễn Thanh Tuyền - học sinh lớp 12A4 Trường THPT Cẩm Bình cho biết: "Nhận được món quà của Đoàn trường hỗ trợ trước ngày thi em rất xúc động. Sự quan tâm, động viên của trường trong suốt quá trình học tập cho đến hôm nay sẽ là động lực để em nỗ lực chuẩn bị kỹ tâm lý, kiến thức trước kỳ thi".
Thời gian qua, mục tiêu ưu tiên hỗ trợ các học sinh khó khăn cũng đã được tất cả các trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau.
Các suất quà của UBND huyện Kỳ Anh đã được trao tận tay học sinh khó khăn Trường THPT Nguyễn Huệ trước kỳ thi.
Ở Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Kỳ Anh), với sự tham mưu của trường, UBND huyện đã trao 4 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng) cho 4 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đoàn trường cũng đang tiếp tục tham mưu với Huyện đoàn, Công đoàn nhà trường để có thêm sự hỗ trợ, động viên với những học sinh khó khăn khác.
Tại Trường THPT Phúc Trạch (Hương Khê), qua rà soát, có 15 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để động viên các em, trường đã miễn giảm phí học thêm trong quá trình ôn tập. Trường cũng đã làm việc với 6 xã có học sinh học tập tại trường để có phối hợp trong công tác hỗ trợ, động viên các em trước ngày thi.
Đến thời điểm hiện tại, các trường THPT đã kết thúc việc ôn tập trực tiếp cho học sinh.
Bằng sự linh hoạt, năng động, các trường học ở Hà Tĩnh đã và đang tiếp tục lan tỏa yêu thương qua các hoạt động đồng hành, tiếp sức cho học sinh trước mùa thi. Đó chính là động lực để các sĩ tử vững vàng hơn trước khi chính thức bước vào kỳ thi quan trọng nhất trong thời học sinh. Đến nay, hầu hết học sinh Hà Tĩnh đã sẵn sàng tâm thế bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Đắk Nông: Học sinh bỏ học để... lấy chồng Trong năm học qua, tại Đắk glong (Đắk Nông) có 166 học sinh bỏ học để đi làm, lấy chồng, hoặc bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu. Ngày 31-3, một lãnh đạo UBND huyện Đắk G'long (Đắk Nông) cho biết, huyện đã làm báo cáo về việc 166 học sinh các trường trung học cơ sở (THCS) bỏ học....