Lấy văn hóa ứng xử làm gốc, gia đình mới bền vững” -Bài 4: Lệch chuẩn ở học đường, đâu chỉ trách nhiệm của trường?
Những ai có con đang tuổi đi học, thi thoảng thấy thông tin báo chí phản ánh bạo lực học đường đều lo ngay ngáy. Người thì thở phào nhẹ nhõm khi thấy con mình không có biểu hiện bất bình thường.
Không ít người có tâm lý đổ lỗi cho nhà trường giáo dục không nghiêm. Những hiện tượng lệch chuẩn ấy sẽ hạn chế được rất nhiều khi trong gia đình, các em được xây dựng, bồi đắp nền tảng vững chắc về ứng xử.
Nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu và con gái Lã Hồ Thị Minh Khuê
Đừng “thả” con tự do…
Các clip lan truyền trên mạng xã hội phần nào phản ánh tình trạng manh động, thích gì làm nấy, hành xử theo lối ỷ mạnh hiếp yếu của một bộ phận các học sinh. Không chỉ tập trung đánh hội đồng, dằn mặt dữ dội, những em ẩu đả, dằn mặt bạn bè còn “tận dụng” công nghệ, ghi lại hình ảnh, quay clip nhằm khiến người bị đánh xấu hổ, suy sụp tâm lý.
Không ít em vừa bị bạn đánh vừa bị lột quần áo, hạ nhục. Các nạn nhân phải điều trị tâm lý vì lứa tuổi này rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương tinh thần và rất coi trọng thể diện với bạn bè. Các thông tin các vụ việc “nữ sinh sư phạm gọi hội bẩy người tới đánh bạn tại quán trà sữa ở Hà Nội”, “nữ sinh đánh hội đồng bạn ở Gia Lâm”… đều khiến dư luận nhức nhối, phụ huynh lo lắng và cả nhà trường cũng đứng ngồi không yên.
Có hàng trăm ngàn lý do dẫn đến việc một cá nhân hoặc vài ba em bị một nhóm hoặc rất đông bạn bè đánh hội đồng. Tức nhau một câu nói, ganh đua nhau, làm mất lòng ai đó, được bạn khác giới để ý hay bất cứ điều gì không “thuận mắt”… các em cũng có thể đánh đấm nhau túi bụi.
Như báo Kinh tế Đô thị đưa tin, chiều 14/3/2018, một số học sinh trường Nguyễn Thượng Hiền (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã xô xát em N.Đ.Đ và dùng dao đâm em P.V.V (cùng lớp 12A). Do vết thương quá nặng, em P.V.V đã tử vong.
Có những vụ việc để di chứng nặng nề cho cả cuộc đời của các em học sinh như khó hòa nhập với cộng đồng, mặc cảm phải điều trị tâm lý hay tự tử do không chịu nổi áp lực. Đó đây còn các trường hợp tuy không nổi cộm nhưng luôn âm ỉ, là nỗi đe dọa, áp lực tinh thần lớn với các học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Theo báo cáo của ngành Giáo dục, trong năm học 2017 – 2018, cả nước xảy ra hơn 2.000 vụ bạo lực, 53% trong số đó diễn ra trong môi trường học đường. Trong giai đoạn 2010 – 2018, 7.735 học sinh, sinh viên tham gia vào các vụ đánh nhau, bị xử lý kỷ luật.
Bạo lực học đường không phải là mới. Việc ganh ghét, không ưa nhau, hiềm khích giữa các học sinh là chuyện muôn thuở. Ngay cả trên thế giới cũng vậy, luôn có những em yếu thế bị bắt nạt và những em khỏe mạnh, có điều kiện, kéo bè kéo cánh đi đe dọa bạn khác.
Video đang HOT
Để xảy ra những việc này, cha mẹ cũng nên tự vấn lương tâm mình. Liệu mỗi người đã quan tâm đến con một cách sâu sát; để ý, chia sẻ khi con có biểu hiện lạ; hỏi han về tình hình học tập, bạn bè của con ở trường hay “thả” con tự do? Tâm lý đã giao con thì nhà trường phải chịu trách nhiệm toàn bộ, gia đình chỉ “tiếp quản” khi con về nhà đã tạo nên những lỗ hổng giáo dục. Điều này khiến sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường thiếu hài hòa, tạo nên những cong vênh, đứt gãy mà chính những điểm yếu này sẽ rất dễ để xảy ra bạo lực.
Vẽ cho “hươu” chạy đúng đường
Nhà trường là một xã hội thu nhỏ, là môi trường bên ngoài các con tiếp xúc, học tập, trải nghiệm đầu tiên và chiếm thời gian nhiều sau thời gian ở bên gia đình. Tất nhiên, bạo lực học đường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tác động của mạng xã hội, internet, phim ảnh… nhưng nền tảng ứng xử trong gia đình vẫn là cái neo vững chắc để các em giữ mình trước mọi tác động của đời sống. Nếu ở nhà, các em không phải chứng kiến cảnh bố mẹ, anh em, làng xóm đánh chửi nhau thì chắc các em cũng không đến nỗi hành động thiếu suy nghĩ như thế.
Nếu ở trong nhà, các em được dạy về lý lẽ, tìm hiểu căn nguyên, cư xử có khuôn phép thì không bao giờ có chuyện “ nóng” lên… là làm như vậy. Cha mẹ đừng đổ lỗi cho xã hội, cho thầy cô, cho mạng xã hội mà phải tự trách mình trước. Theo sát, giáo dục con từ những hành vi nhỏ nhất thì cha mẹ sẽ giúp cải thiện được những hành vi lệch chuẩn khi các con ra ngoài xã hội.
Nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu nổi tiếng trong “giới làm mẹ” bởi những phương pháp mà chị dày công nghiên cứu, hun đúc, chắt lọc để áp dụng phù hợp với môi trường giáo dục Việt Nam, đặc biệt là ở thành phố lớn như Hà Nội.
Chị phân tích: “Những đứa trẻ bị bắt nạt thường không được cha mẹ hướng dẫn để tránh tiếp xúc với bạn những bạn ưa “giao tiếp” bằng bạo lực; còn những bạn bắt nạt bạn bè thường rơi vào gia đình có bố mẹ không làm gương tốt hoặc bố mẹ bỏ rơi việc nuôi dạy con cái. Là phụ huynh, ngay từ khi nuôi con còn nhỏ, bằng lý trí tôi đã thấu cảm sâu sắc rằng, ở xã hội nào, dù Việt Nam hay Mỹ, Pháp thì hiện tượng trẻ con bắt nạt nhau là không ngoại lệ nhưng ở mức độ nào thì lại phụ thuộc vào người lớn, vào nền giáo dục, tinh thần xã hội và nền tảng giáo dục gia đình”.
Cũng như bao cô gái tuổi học đường, Minh Khuê, con gái chị Hải Âu cũng gặp vô vàn rắc rối ở trường học. “Một ngày bỗng nhiên con tôi bị bạn gái cùng trường dọa đánh. Bạn ấy cho rằng con tôi đã mách với nhà trường việc bạn ấy mang dao đến lớp, dù con không làm chuyện đó”, chị Hải Âu chia sẻ.
Chị đã tâm sự và khuyên con gái nên gặp trực tiếp bạn ấy vì “chỉ có con mới xóa đi những khác biệt giữa con và bạn Trà (tên bạn gái ấy)”. Sau khi Trà bảo có đứa mách và Minh Khuê đã giải thích rằng: “Bạn học lớp I, tôi học lớp A và con đường đến lớp của tôi không đi qua lớp bạn làm sao tôi biết điều đó. Bạn hãy bình tĩnh để tôi nói, bạn hãy suy nghĩ về điều tôi nói, rồi sau bạn đánh tôi cũng chưa muộn…”.
Nghe vậy, Trà bảo sẽ kiểm tra lại và chưa đánh Minh Khuê nhưng câu chuyện chắc chắn chưa dừng ở đó. “Đêm đấy, tôi không ngủ được và nghĩ, nếu giờ mà tôi lên nói với cô giáo chủ nhiệm, với giám thị hay thậm chí lên thưa với hiệu trưởng rằng con tôi đang gặp nguy hiểm thì có thể dừng lại vụ việc này một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, tôi tin chắc lối giải quyết đó tiềm ẩn mối hiểm họa”, chị Hải Âu kể.
Vì lúc đó mâu thuẫn giữa hai đứa trẻ vẫn còn nguyên và sẽ bùng phát trở lại ở mức độ trầm trọng hơn vào một ngày nào đó. Chị bảo với con, ngày mai hãy chủ động gặp bạn và nói rằng, bạn đã tìm hiểu kỹ chưa; nếu bạn nói tìm hiểu kỹ rồi thì hãy nói cho tôi xem bạn đã tìm hiểu đến đâu.
Minh Khuê đã thực hiện như vậy và Trà thừa nhận không có lý do gì để Minh Khuê biết được bạn kia mang dao đến lớp. Từ đó, hai bạn chơi với nhau suốt quá trình học THCS.
Như vậy, lối ứng xử bình tĩnh của người mẹ đã cho Minh Khuê sự tự tin, dũng cảm để ứng xử hòa nhã với bạn, hóa giải những hiểu lầm và nguy cơ bị bạn đánh. Cha mẹ vẫn sẽ luôn là người bạn, là người thầy đầu tiên để “vẽ” cho “hươu” chạy đúng đường bằng kinh nghiệm và cả văn hóa ứng xử đã được trao truyền, rèn luyện của chính mình.
(Còn nữa)
HƯƠNG THỊ
Theo tuoitrethudo
Tiêu chuẩn giáo dục trong lòng mẹ
Người ta mới phanh phui, mẹ cha của một đứa trẻ có thể bỏ cả tỷ đồng để nâng điểm thi cho con. Người ta vẫn chưa chịu bảo nhau: Giáo dục con phải bắt đầu từ cha mẹ.
Hàng loạt bê bối nâng điểm thi, chạy trường chuyên lớp chọn, chạy điểm đại học cho con bị phanh phui gần đây đã dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng coi trọng thành tích, điểm số trong giáo dục. Áp lực điểm cao hóa ra không chỉ mình học sinh chịu đựng, mà đó cũng là những gánh nặng vô hình đè nặng lên vai cha mẹ.
Trước vấn đề này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Nhà sáng lập toán tư duy POMath thông qua việc kể câu chuyện của chính mình, của những người bạn thân thiết xung quanh và từ kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều phụ huynh mong muốn phụ huynh quay trở lại điều cốt lõi ban đầu của giáo dục.
Tiêu chuẩn giáo dục trong lòng mẹ mới là điều quan trọng hơn cả, và tiêu chuẩn này sẽ giúp chúng ta đồng hành cùng con, đứng ngoài cuộc chạy đua thành tích, điểm số và cũng giúp chúng ta nhận ra được những tài năng, ưu điểm khác của con mà thang điểm thông thường không bao giờ đánh giá được.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Nhà sáng lập toán tư duy POMath.
Tiêu chuẩn giáo dục trong lòng mẹ
Tôi có câu chuyện của mình. Rằng dù người ta khen tôi thế nào, tôi được bao nhiêu giải thưởng thì mẹ tôi vẫn có điểm riêng cho tôi. Với môn Toán, mẹ cho tôi 8 điểm. Mẹ bảo tôi thường thừa ý, dài dòng. Với việc nhà, mẹ cho tôi 7 điểm. Mẹ bảo tôi chỉ là biết làm thôi, chứ làm chưa thạo, chưa đẹp. Trong cư xử, nói năng mẹ cho tôi 5 điểm. Mẹ bảo tôi nói khó nghe lắm, Không biết để ý đến người khác. Có nhiều thứ mẹ cho tôi dưới điểm trung bình. Mẹ còn bảo tôi hư (khi có nhà báo về phỏng vấn). Mẹ bảo, người khác sai, con có thể tranh luận, chứ không phải cãi xơi xơi như thế, hỗn lắm, sai lắm.
Tôi có câu chuyện của chị bạn. Chị ấy kể rằng, con gái chị đã từng được 1, 2 điểm môn Tiếng Việt. Chị khi ấy đã là giáo viên dạy văn có tiếng (tôi kiểm chứng được, vì có hôm hai chị em ngồi cafe, có anh bạn tôi đến chào chị, trân trọng, nhắc rằng nhờ chị mà anh ấy đã đỗ đạt, đã yêu việc học văn chương thế nào, và tất nhiên, vì chúng tôi là đồng nghiệp, chúng tôi biết cái tài của nhau đến đâu) thế nhưng chị ấy đã không xấu hổ, cũng không xin điểm cho con (chắc rằng chị ấy xin thì cô giáo chắc chắn cho và cũng không gây khó khăn gì). Chị ấy đã kiên trì trong niềm tin vào năng lực và biết khó khăn của con để hai mẹ con cùng nhau khắc phục. Cô bé con gái chị giờ đã lớn khôn. Cháu đã từng được giải nhất quốc gia môn Văn. Ngay cả khi ấy, chị vẫn bảo, đó là của con, đâu phải của mình mà khoe.
Lúc tôi kể với các bạn về câu chuyện của Totochan, về người mẹ đã tin tưởng con mình để tìm kiếm cho con ngôi trường mới, để con được gặp những người đánh giá đúng về con, tôi như tìm thấy rất nhiều người mẹ quanh tôi, họ đã là người thầy đầu tiên của những đứa trẻ tội nghiệp. Nếu ai cũng chỉ nhìn thấy những điểm yếu, bất thường của chúng bằng cái thang đo rất lạnh lùng thì sẽ ra sao. Thế nên những người mẹ ấy mới là nhà nghiên cứu thực tiễn tốt nhất, đã làm được việc "thắp lên hy vọng" cho cuộc đời rất dài của con người chứ không phải là học hôm nay biết điểm ngày mai.
Có những người mẹ đã làm được việc "thắp lên hy vọng" cho cuộc đời rất dài của con người chứ không phải là học hôm nay biết điểm ngày mai. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Tôi vẫn hay nhắc đến chuyện của mẹ Mạnh Tử. Bà chuyển nhà cho con bao nhiêu lần. Bà nghĩ nếu ở cạnh ông đồ tể thêm nữa, Mạnh Tử đã là anh bán thịt lợn cũng nên. Bà biết rằng con mình không thể chỉ có học ở nhà, học ở Thầy mà còn là ở môi trường xung quanh nữa. Câu chuyện ấy nhắc tôi lúc nào cũng nghĩ đến những ảnh hưởng của môi trường xung quanh đến bọn trẻ. Vì thế sau này tôi tiếp cận Lí thuyết dạy học, tôi đặc biệt bị ảnh hưởng bởi Piaget là vì thế. Và tôi cũng cố gắng là bà mẹ biết tìm hoặc tạo ra môi trường tốt cho con mình.
Tôi biết những bằng chứng khoa học, rằng có những dân tộc, người mẹ đã làm nên thương hiệu giáo dục cho quốc gia. Chúng ta hẳn không xa lạ với "Dạy con kiểu mẹ Nhật", "Dạy con theo mẹ Do Thái",.... Dân tộc ấy có nhiều bà mẹ đã theo đuổi hoặc cùng nhau tạo ra một công thức rồi triết lí giáo dục con trẻ. Chúng vẫn đến trường. Chúng cũng có những kì thi. Nhưng vì sao chúng ta lại học những kiểu dạy con của những người mẹ đó.
Tôi cũng biết câu chuyện của nhiều người bạn mình. Họ thắc mắc với tôi rằng: "con mình không giỏi lắm sao toàn 10 nhỉ. Lớp nó 48 đứa thì 47 đứa học Xuất sắc và Giỏi, đứa còn lại cũng Hoàn thành tốt". Tôi bảo bạn nếu thấy con kém mà vẫn được điểm cao, không hài lòng thì đến trao đổi với cô đi. Bắt chước ông tổng thống nào đó, hãy viết tâm thư rằng con tôi cần học gì ở cô đi. Nhưng người bạn tôi đã không làm thế. Bạn bảo, "dại gì mà đi ngược với thiên hạ".
Tôi cũng nhớ câu chuyện của 1 gia đình suýt tan vỡ. Tôi tư vấn hôn nhân cho họ. Người chồng không chịu nổi thói "thành tích" của vợ. Anh ấy nói, anh trở thành thằng lái xe vô điều kiện và đứa con trở thành cái nhà kho đựng chữ. Rồi thói khoe khoang. Rồi ảo tưởng vì lúc nào cũng lo nếu con trượt thì cả nhà mất hết tương lai. Anh ấy yêu cầu vợ đi chữa trị tâm lí. Và lo rằng con sẽ bị tâm thần.
Tôi thì đối mặt hàng ngày với phụ huynh của mình. Họ tìm đến Toán PoMath là để mong học được cách học tốt, giúp con phát triển tư duy. Nhưng khảo sát độc lập của bộ phận Nghiên cứu của tôi thì tiêu chuẩn đầu tiên của con cần có được đó là điểm cao. Tất nhiên rằng Pomath chúng tôi đáp ứng được, vì phương pháp tốt thì dĩ nhiên kết quả sẽ cao hơn. Nhưng tôi lại luôn mong họ hãy để ý đến hứng thú, tự chủ và cách học của con chứ không phải là điểm số. Con của chúng ta còn có những ưu điểm, tài năng khác mà cái điểm kia không thể đo được.
Nay tôi biết thêm rằng rất nhiều bà mẹ đã xin điểm cho con. Họ lo lắng rằng người ta dùng học bạ để xét điểm. Thế nên một cuộc thi HSG, có mẹ tạo hơn 100 "nick" cho con, mua đề cho con. Rồi xin cho con kiểm tra lại đến khi nào điểm cao thì thôi. Nếu trường nào đó cho điểm nghiêm túc thì là hà khắc, là làm cho học sinh thiệt thòi. Thiệt thòi là gì? Có phải là tất cả những đứa trẻ đều bị coi là giống nhau. Cả nghìn đứa đồng loạt tài năng với 5 năm toàn 10 điểm. Là hơn 300 đứa về nhất. Và chẳng có nét gì để nhận ra chúng trong hồ sơ học tập hay sao?
Tiêu chuẩn giáo dục có là gì trước những người mẹ. Họ còn tạo ra tiêu chuẩn giáo dục cho quốc gia như người Nhật, người Do Thái. Họ cũng có thể làm vô dụng cái tiêu chuẩn bằng cách tạo ra thang điểm cho con mình. Từ lúc nào chúng ta đổ lỗi cho cái thước đo dựng lên mà chúng ta quên rằng mình đã xê dịch nó. Từ lúc nào ta lơ ngơ đến sợ hãi làm lạc mất con mình. Con chúng ta đã ở đây, trong lòng ta và lớn lên trong mái nhà, trong tổ ấm ta xây nên. Tiêu chuẩn giáo dục là do chúng ta thiết kế nên mà.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ
Theo thoidai
Sẵn sàng trao quyền và tin tưởng con bí quyết dạy con thời 4.0 Không còn đặt nặng áp lực về thành tích học tập, với những ông bố bà mẹ thời hiện đại, con có nhiều trải nghiệm và sống hạnh phúc là điều tuyệt vời nhất. Nếu chưa từng nhìn lên bầu trời và khao khát được bay lượn như những cánh chim, ắt hẳn đến bay giờ loài người vẫn chỉ đi bộ trên...