‘Lấy danh nghĩa người nhà’: Rốt cuộc ai lấy danh nghĩa ai và vì điều gì?
Lấy danh nghĩa người nhà đã chính thức khép lại sau 40 tập phim với một cái kết viên mãn, để lại nhiều dư âm trong lòng người xem.
Bộ phim đem đến một cái định nghĩa khác về ‘người nhà’, thông qua việc kể câu chuyện về một gia đình được chắp vá từ những mảnh vỡ của những gia đình khiếm khuyết. Lấy danh nghĩa người nhà hay Nhân danh người nhà, nhưng rốt cuộc ai nhân danh ai và vì điều gì?
Một gia đình đúng nghĩa.
Có những người dưng nhân danh người nhà để bao bọc lẫn nhau
Nhân vật chính trong phim là ‘ba đứa trẻ vô tư’ Lý Tiêm Tiêm (Đàm Tùng Vận), Lăng Tiêu ( Tống Uy Long) và Hạ Tử Thu ( Trương Tân Thành). Điểm chung của cả ba là đều thiếu vắng sự chăm sóc của người mẹ. Mẹ của Tiêm Tiêm mất sớm, mẹ Lăng Tiêu chủ động rời bỏ chồng con, còn mẹ Hạ Tử Thu vì hoàn cảnh mà phải bỏ con lại.
Xin 1 được tặng kèm 1, thế là bùm phát Tiêm Tiêm có 2 ông anh.
Lăng Tiêu và Hạ Tử Thu xuất hiện đúng lúc Tiêm Tiêm đang thiếu một người anh. Lúc Trần Đình (Dương Đồng Thư) – mẹ Lăng Tiêu xách valy bỏ đi, cô bé đã hỏi: ‘Dì không cần Lăng Tiêu nữa ạ? Nếu không cần thì cho cháu đi. Cháu đang thiếu một người anh’. Khi được chính miệng Trần Đình phó thác ‘Được, cho cháu đấy!’, cô bé đã nhảy chân sáo sung sướng vì từ nay có anh rồi.
Nhưng cuộc đời lại quá ưu ái cô bé, xin một lại được ‘tặng kèm’ một, anh lớn, anh nhỏ đủ cả. Ban đầu Tiêm Tiêm ghét Tử Thu chỉ vì không muốn bố cưới ‘dì ghẻ’. Thế mà khi hôn sự của người lớn không thành, chính Tiêm Tiêm lại muốn Tử Thu về ở nhà mình chỉ vì ‘Bố em đã mua giường cho anh ấy rồi’. Ông Lý Hải Triều (Đồ Tùng Nham), bố của Tiêm Tiêm đã làm một việc không tưởng, đó là nhận nuôi Tử Thu, dù cuộc hôn nhân với mẹ Tử Thu không thành, bà lại ‘cuỗm’ của ông một số tiền trước khi bỏ đi.
Ba đứa trẻ thiếu mẹ nương tựa nhau lớn lên.
Thế là bộ ba Lăng Tiêu, Tử Thu, Tiêm Tiêm trở thành anh em, dù không cùng họ cũng không chung dòng máu. Ba đứa trẻ thương nhau, bao bọc lấy nhau qua năm rộng tháng dài. Đại gia đình 5 người gồm 2 ông bố và 3 đứa con được chắp vá lại từ những mảnh vỡ của những gia đình khiếm khuyết, nhà thì thiếu mẹ, nhà thì vắng cả mẹ lẫn cha.
Ai bảo cứ phải chung huyết thống, chung sổ hộ khẩu mới là gia đình? Chỉ cần ăn chung một nồi, ngủ chung một giường, yêu thương nhau bằng tình cảm chân thành là đã đủ để gọi là ‘người nhà’, là ‘gia đình’ được rồi.
Không chung dòng máu vẫn cứ là anh em.
Thế nhưng dù tình cảm đậm sâu, thắm thiết đến mấy họ cũng phải đối mặt với cái gọi là ‘kẽ hở thời gian’. Tưởng rằng cứ thế mà bình yên bên nhau nhưng rồi cả ba anh em rồi cũng phải đến lúc lớn lên, trưởng thành, đối mặt với sự chia ly. Dù thâm tâm họ đã coi nhau là người nhà nhưng mối ràng buộc giữa những ‘người nhà’ về mặt huyết thống vẫn là điều họ không thể cắt đứt.
Hạ Tử Thu rồi sẽ phải đi theo bố ruột sang Anh. Lăng Tiêu phải sang Singapore chăm sóc người mẹ tàn tật vì tai nạn. Hai người anh cùng một lúc rời bỏ Tiêm Tiêm đúng lúc cô vẫn đang tuổi ăn, tuổi lớn và đã quen với sự nuông chiều, bao bọc, đó là cú hẫng khó có thể lấp đầy.
9 năm đằng đẵng đã tạo nên thứ gọi là ‘kẽ hở thời gian’, gặp gỡ rồi xa, thân quen rồi lạ. Những cuộc điện thoại chỉ còn là những câu hỏi thăm hình thức và sáo rỗng. Họ chẳng còn chia sẻ cho nhau những nỗi buồn, những khó khăn của đời mình, vì không muốn người kia lo lắng, mà cũng chẳng giải quyết được điều gì. Lâu dần, những cuộc điện thoại cứ ngắn lại vì cũng chẳng còn gì để nói với nhau.
Cuộc sống luôn có những kẽ hở thời gian khiến tình thân cũng dần xa cách.
Dù thâm tâm coi nhau là ‘người nhà’ nhưng họ không thể phủ nhận một sự thật phũ phàng họ không chung sổ hộ khẩu, không có ràng buộc về mặt pháp lý. Họ thậm chí còn không đủ tư cách thân nhân để ký giấy phẫu thuật nếu chẳng may người kia phải nằm viện. Họ vốn dĩ vẫn không phải là những người thân ruột thịt.
Có những người ruột thịt nhân danh người nhà để trói buộc lẫn nhau
Nếu như vợ chồng sống với nhau không thể chịu đựng nhau nữa thì có thể ly hôn, tháo chạy khỏi đời nhau, nhưng mối ràng buộc giữa cha mẹ với con cái là cả đời, sợi dây đó chặt cũng không đứt. Người mẹ năm xưa từng rời bỏ Lăng Tiêu, từng trút hết mọi tội lỗi về đứa con đã mất lên đầu cậu bé, đến lúc bị tai nạn nằm liệt một chỗ lại bắt Lăng Tiêu phải thực thi trách nhiệm làm con.
‘Vì lẽ gì chứ?’ Bố mẹ Lăng Tiêu đã ly hôn, cho đến trước năm 18 tuổi, cậu vẫn sống dưới sự giám hộ của bố, mẹ đẻ không góp công góp của nuôi nấng, cũng đi bặt vô âm tín suốt 10 năm không lời hỏi thăm. Đến khi bà tai nạn nằm đấy thì từ nhà chồng mới đến anh em ruột thịt đều phũ, trách nhiệm đè nặng lên đôi vai người con trai mới 18 tuổi, người mà năm xưa bà từng bỏ mặc.
Người mẹ bị ghét bỏ nhất phim.
9 năm chung sống với Trần Đình là 9 năm địa ngục tăm tối nhất cuộc đời Lăng Tiêu. Sự tai quái của Trần Đình lúc Lăng Tiêu còn nhỏ chưa là gì với giai đoạn bà phải nằm liệt một chỗ vì tai nạn. Hễ có điều gì không vừa ý là Trần Đình lại ‘lên cơn’, đòi sống đòi chết, thậm chí vung tay hất cả nồi cháo vừa sôi sùng sục lên vai Lăng Tiêu.
Thanh xuân của Lăng Tiêu là 9 năm vừa học, vừa làm, vừa chăm sóc mẹ. Đêm ngủ cậu chỉ dám khép hờ mi mắt để canh chừng hễ có tiếng động lạ là bật dậy, sợ mẹ lại tự tử. Dần dần, Lăng Tiêu bị trầm cảm, rối loạn lo âu, thường xuyên mất ngủ và phải dùng thuốc. Trần Đình biết, nhưng bà lờ đi. Bà phải đóng vai nạn nhân, mẹ đáng thương, mẹ tàn tật, con không thương mẹ sao?
Lăng Tiêu bị giam hãm trong ngục tù.
Nhân danh mẹ ruột, Trần Đình muốn trói buộc Lăng Tiêu bên cạnh mình cả đời. Lăng Tiêu học xong không được về nước cũng vì Trần Đình trở chứng. Cậu đi đâu Trần Đình bám riết lấy không buông tha. Trần Đình còn muốn chặt đứt mối quan hệ của Lăng Tiêu với Tiêm Tiêm và mấy bố con ông Lý, vì họ là nhân chứng cho quá khứ xấu xa, đen tối nhất của bà. Sự tốt đẹp của họ càng làm nổi bật cái xấu xí của bà. Và rằng bà nghĩ họ đã cướp mất tình cảm của đứa con trai mà đáng ra bà phải được hưởng, vì bà là mẹ ruột. Lăng Tiêu dù hết tình còn nghĩa, vẫn phải trọn vẹn đạo làm con. Đó cũng là món nợ mà cậu muốn trả để phần đời sau có thể sống thanh thản.
Những ký ức về Tiêm Tiêm là động lực để Lăng Tiêu tiếp tục.
Nếu như Lăng Tiêu lưu số điện thoại của mẹ là ‘Trần Đình’ chứ không phải ‘mẹ’ hay bất kỳ từ nào chỉ mối quan hệ, thì Hạ Tử Thu luôn gọi thẳng tên bố ruột là Triệu Hoa Quang chứ nhất định không chịu gọi ‘bố’. ‘Mẹ mang thai con mà còn không nói cho ông ta biết, vậy mẹ nghĩ ông ta là người thế nào?’ – Tử Thu đã hỏi ngược mẹ khi được hỏi ông ấy có tốt với con không. Triệu Hoa Quang không nuôi, không dạy Tử Thu nhưng đến năm cậu 18 tuổi lại giành giật quyền chiếm hữu con bằng được chỉ vì muốn có con trai nối dõi, hương hỏa về sau.
Hạ Tử Thu nhất quyết không chịu thừa nhận bố ruột, cậu cho rằng Triệu Hoa Quang chỉ là bố về mặt sinh học, trong lòng cậu chỉ có một ông bố duy nhất là bố Lý. Lý do Hạ Tử Thu không chịu khuất phục cũng chỉ vì Triệu Hoa Quang thích dùng tiền đè người, thích ra điều kiện, thích đổi chác chứ không dùng cái tâm chân thành để đối đãi với con cái. Cậu bất đắc dĩ nhận lại Triệu Hoa Quang cũng chỉ vì cái lưng đau của bố Lý, không muốn bố phải mang thêm gánh nặng, phần vì không biết Triệu Hoa Quang tiếp tục giở thêm thủ đoạn gì.
Sau này Tử Thu không sợ ướt mưa nữa.
Thực tế đã chứng minh, cha mẹ đẻ con mà không nuôi, không dạy, coi con cái là công cụ nối dõi hay chăm sóc mình thì con cái cũng dùng sự ràng buộc trách nhiệm để đối đãi. Với Trần Đình, Lăng Tiêu chỉ còn lại sự chán ghét. Với Triệu Hoa Quang, Tử Thu đối xử lạnh nhạt. Họ có thể trói buộc con cái bên đời mình bằng quan hệ huyết thống nhưng không thể trói buộc được trái tim của con mình.
Nhân danh người nhà để danh chính ngôn thuận bên nhau
Bố Lý và dì Hạ Mai đã mất đến 20 năm để trở thành người một nhà, dì đã mất chừng ấy năm để học cách nhìn đàn ông cho chuẩn. Hạ Tử Thu cũng phải đợi bấy nhiêu năm để có ’slot’ chính thức trong sổ hộ khẩu nhà bố Lý. Trước đó anh đòi cưới Tiêm Tiêm cũng chỉ vì muốn có chân trong sổ hộ khẩu gia đình mà thôi.
20 năm cho một cuốn sổ hộ khẩu.
9 năm cách xa để trở thành người nhà mãi mãi.
Còn Lăng Tiêu với Tiêm Tiêm là lời hứa hẹn: ‘Chờ em lớn lên rồi chúng ta sẽ bên nhau cả đời được không?’ Chỉ là anh em thôi chưa đủ. Chỉ khi là vợ chồng, họ mới là ‘người nhà’ một cách chính thức và hợp pháp. Tình cảm vun đắp suốt gần 20 năm cũng đủ sâu đậm rồi, họ vốn dĩ không còn năng lượng để tìm hiểu người mới nữa. Từ ‘người nhà’ thành ‘người yêu’ rồi cuối cùng lại là ‘người nhà’ ở phiên bản nâng cấp cao hơn. Dù với vị trí nào đi chăng nữa, họ vẫn là những người thân của nhau.
'Lấy danh nghĩa người nhà' kết thúc, loạt triết lý về tình yêu, cuộc sống để lại
Sau 40 tập phim, cuối cùng, Lấy danh nghĩa người nhà cũng đã kết thúc trong viên mãn: bố Lý kết hôn với mẹ của Hạ Tử Thu (Trương Tân Thành), Trần Đình ân hận vì đã giày vò Lăng Tiêu (Tống Uy Long) suốt thời gian qua, và Lý Tiêm Tiêm (Đàm Tùng Vận) cũng được minh oan trong vụ đạo nhái tác phẩm.
Bên cạnh những tình tiết đáng nhớ, một trong những yếu tố đáng 'đồng tiền bát gạo' nhất của phim chính là những triết lý về tình yêu, cuộc sống mà các nhân vật tự đúc kết qua quá trình trưởng thành.
'Bạn bè thích cùng nhau chơi những cái khác, còn người yêu thì thích ở bên nhau'
Ngày bé chỉ quanh quẩn bên hai anh trai, đến khi lớn lại bận bịu với việc học, rồi đi làm, Tiêm Tiêm chưa từng yêu ai, cũng chẳng biết yêu là gì, cho đến ngày người bạn thân trên mạng - Trịnh Thư Nhiên ngỏ lời đưa mối quan hệ này đi xa. Và cũng chính Thư Nhiên nhận ra, tốt nhất hai người nên chia tay, vì ngoài việc cố biến tình bạn thành tình yêu, giữa cả hai chẳng nảy sinh quan hệ gì khác.
'Đương nhiên phải đi tìm bà ấy, nói rõ ràng rằng bà ấy đã không làm tròn nghĩa của người mẹ, nếu sau này có xảy ra biến cố gì, đừng tìm tới em, bắt em gánh trách nhiệm. Có gì phải buồn lòng đâu, lúc nhỏ mẹ đi mất mình cũng chẳng chết đói, sau này muốn thứ gì có thể tự mình giành lấy. Chúng ta, sẽ ngày càng tốt hơn'
Tuy ngoài miệng nói không muốn gặp lại Hạ Mai, nhưng hơn ai hết, Tử Thu vẫn nhớ mẹ, luôn muốn hỏi tại sao năm ấy bà lại thất hứa, bỏ rơi anh bé suốt nhiều năm. Ban đầu, bố Lý đưa cho Tử Thu địa chỉ của Hạ Mai, nhưng anh bé từ chối gặp bà. Là người cũng bị mẹ bỏ rơi, Lăng Tiêu khuyên Tử Thu đi gặp bà, khuyên em trai làm được điều mà anh không thể - rũ bỏ trách nhiệm.
'Đối với người bình thường, cuộc sống như một hộp chocolate. Anh vĩnh viễn không biết viên tiếp theo sẽ có vị gì. Đối với những người vùng vẫy ở ranh giới nghèo đói, cuộc sống giống như đang chơi cò quay Nga. Sau khi anh bóp cò ở thái dương, sẽ không có được gì hết, hoặc có thể có được một viên đạn'
Sau khi gặp mẹ ruột, cuộc sống của Tử Thu gần như đảo lộn. Hạ Mai nói cắt đứt với Tử Thu, nhưng lại âm thầm giúp đỡ anh bé, thậm chí còn gọi điện mắng Triệu Hoa Quang vì đã bỏ mặc Hạ Tử Thu nơi xứ người. Điều này khiến Tử Thu bị đả kích dữ dội, Lăng Tiêu nhờ Tiêm Tiêm nói chuyện với anh bé, giúp anh bé khuây khỏa.
'Có lúc, lỗi của con cái là lỗi nhỏ, đa số lỗi lớn đều là người lớn gây ra. Nhưng người lớn còn chẳng dũng cảm bằng con cái, chẳng có can đảm để thừa nhận lỗi lầm'
Qua biến cố của Tử Thu, bố Lý - người bố mẫu mực, một tay lo liệu, thu vén gia đình, dạy dỗ ba đứa con nên người đột nhiên nhận lỗi lầm về mình. Bố cho rằng, việc ba anh em xa cách suốt nhiều năm có một phần do bố làm sai, bố không muốn rắc rối, chuyện gì cho qua được thì bỏ đi để sống tiếp, nên đã 'mắt nhắm mắt mở' với mâu thuẫn âm ỉ giữa cả ba.
'Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không hề nói cho nhau biết suy nghĩ thật của mình, mà suy nghĩ thật sự này, ngoại trừ niềm vui trong đời, còn có cả niềm đau. Nếu không có khổ đau để so sánh, thì niềm vui chẳng còn nghĩa lý gì'
Đi qua biến cố, Tiêm Tiêm nhận ra khoảng cách giữa mình, Lăng Tiêu và Thử Thu không phải bởi những hờn giận thuở thiếu thời, mà vì họ đã không chia sẻ những câu chuyện thật sự xảy ra trong đời suốt gần một thập kỷ. Họ chỉ biết niềm vui của nhau rồi giấu nỗi buồn cho riêng mình.
'Trong tim mỗi người, đều có một mãnh thú. Chỉ cần sơ sẩy một chút, mãnh thú đó sẽ nhảy ra ngoài, mặc sức làm tổn thương con người. Người đứng ở ranh giới bóng tối cũng rất dễ bị kéo vào đêm đen dài đằng đẵng. Cứ như, đêm đen này dài đến mức không bao giờ kết thúc, chỉ có thể cắn răng, gắng sức vượt qua. Không chỉ anh, tất cả họ đều ở trong bóng tối vô bờ, từ từ lần mò, nguy hiểm rình rập'
Không riêng Tử Thu, Lăng Tiêu về nước cùng rất nhiều tổn thương. Bao nhiêu năm sống ở Singapore là bấy nhiêu năm anh lớn phải chịu đựng sự dày vò, chì chiết từ người mẹ bệnh tật của mình, phải chăm sóc cho em gái cùng mẹ khác cha. Anh nhận ra, những cảm xúc tiêu cực giống như một con thú trong tim đang chực xông ra ngoài 'cắn' mọi người.
'Người tôi yêu thương, tôi ở phía xa nhìn anh ấy. Anh nơi phương xa, đứng giữa hào quang, rực rỡ chói lòa, rất hoàn hảo. Nhưng ở nơi tôi không nhìn thấy, anh từng tổn thương, tan vỡ. Tôi càng không biết, vào đêm khuya, anh từng đau đớn thế nào, làm cách nào anh tìm lại được từng mảnh ghép của bản thân, ghép lại thành hình ảnh hoàn mỹ chói lòa. Bây giờ, lại gần anh rồi, cuối cùng cũng nhìn thấy những thương tích khắp người anh.'
Lăng Tiêu từng nói, Tiêm Tiêm là tâm dược của anh. Những đau đớn, suy sụp, vỡ nát của mình, anh lớn chỉ dám thể hiện trước mặt người mình yêu nhất, khiến Tiêm Tiêm vô tình nhận ra, Lăng 'Đại Tiên' đẹp đẽ, hoàn hảo trong mắt mọi người, chỉ là một chàng trai luôn cảm thấy thiếu an toàn, đang gồng mình lên chống chọi với những dằn vặt từ quá khứ cũng như mẹ ruột mang đến.
'Nếu mẹ cảm thấy mình làm sai, chỉ có sống mới có thể bù đắp. Nếu mẹ chết, mọi chuyện đều sẽ dừng lại. Những chuyện sai, chuyện không tốt, ký ức đau khổ, dừng lại tại đó vĩnh viễn, không thể trở nên tốt hơn'
Đối diện với tổn thương của con trai sau thời gian dài cố gắng lảng tránh, Trần Đình viết thư xin lỗi Lăng Tiêu và buông xuôi tất cả, nhưng may mắn được hai người tốt cứu mạng. Ngay khi tỉnh dậy, Lăng Tiêu khuyên mẹ nên sống tốt hơn để bù đắp lỗi lầm trong quá khứ.
'Yêu thầm là chuyện chỉ cần một người có thể hoàn thành và khống chế, không cần bỏ ra, cũng chẳng cần lựa chọn. Hơn nữa, mỗi lần nhớ đến anh ấy, mình đều cảm thấy cực kỳ vui và hạnh phúc'
'Vỏ bọc' của Lăng Tiêu hoàn mỹ là thế, anh trưởng thành, tinh tế, rất dễ nhận ra vấn đề của đối phương, mà một trong số những người anh 'bắt bài' là Tề Minh Nguyệt. Nhận được lời khuyên từ Lăng Tiêu, Minh Nguyệt từng yêu thầm anh suốt nhiều năm nhưng đã bỏ cuộc vì biết trái tim anh lớn chỉ hướng tới Tiêm Tiêm.
'Sự tôn trọng lớn nhất dành cho đối thủ là cạnh tranh công bằng'
Nghe 'triết lý' yêu thầm của Minh Nguyệt, Đường Xán không khỏi 'ngứa tai'. Với tính cách bộc trực, thẳng thắn, Đường Xán 'sạc' Minh Nguyệt một phen, muốn cô phải 'cạnh tranh công bằng' chứ đừng yêu thầm một cách văn vở nữa.
'Ánh mắt an ủi đó khiến mình cảm thấy bản thân cực kỳ vô dụng. Mình cảm thấy chẳng còn chốn nào dung thân, giống hệt câu chuyện cười, bốn bề toàn là khó khăn'
Trong hội chị em của Tiêm Tiêm, con đường sự nghiệp của Đường Xán là lận đận nhất. Nếu ngày bé, cô là minh tinh nổi tiếng, quay biết bao phim truyền hình và quảng cáo, thì khi lớn lại 'flop' đến mức phải làm chân chạy vặt, bán hàng trên mạng. Không có người nâng đỡ, cô thường xuyên rớt casting và dần sợ hãi sự an ủi từ người khác.
'Một người thành công, cho dù bị nhổ nước bọt, cũng là tán dương, đố kỵ. Một kẻ thất bại đối diện với tiếng vỗ tay cổ vũ thì giống như cái tát vào mặt'
Bởi Đường Xán từng là người sống trong sự tán dương của mọi người, nên cô vô cùng nhạy cảm với âm thanh này. Mỗi lần trượt casting, được cổ vũ, cô lại càng cảm nhận được sâu sắc sự thất bại của mình trên con đường chạm vào ước mơ.
Hiện tại, phim đang phát sóng trọn bộ trên Keeng Movies.
'Lấy danh nghĩa người nhà': Sự kỳ vọng của 2 vị phụ huynh này đã suýt 'phá nát' cuộc đời 2 cô gái giỏi giang, xinh đẹp Minh Nguyệt và Đường Xán Như Lăng Tiêu nói: 'Đây là sự khác biệt giữa người với người. Có người thích gửi gắm hi vọng vào con cái, có người lại dùng khoảng cách để bảo vệ họ'. Nếu Hạ Mai là người mẹ chấp nhận rời xa con để Tử Thu có cuộc sống tốt hơn, thì mẹ Đường Xán và mẹ Minh Nguyệt lại là hai...