Lấy cớ nào để khỏi về quê chồng ăn Tết
Yêu chồng, hãy tập yêu cả những gì thân yêu, gần gũi của chồng. Nơi anh ấy sinh ra và lớn lên có thể khó, có thể khổ, nhưng chắc chắn là nơi anh ấy thương yêu, nhớ mong và muốn được người vợ của mình thấu hiểu tình cảm đó
Kính gửi chị Hạnh Dung
Em có chút chuyện rất nhỏ nhưng em rất mong chị giúp đỡ. Em quen với cuộc sống giàu sang sạch sẽ nên không thể chấp nhận về quê chồng ăn Tết để sống cả tuần nơi thiếu thốn chật hẹp. Em mong chị cho em lời khuyên để từ chối về quê chồng ăn Tết với ạ. Em biết là nội dung không có tí gì quan trọng nhưng với em lại rất to tát. Em cảm ơn chị nhiều ạ.
Nguyễn Thị Thanh Hiền
Chào bạn,
Rất xin lỗi bạn vì Hạnh Dung không kịp trả lời thư của bạn trước Tết. Đến hôm nay thì chắc là bạn cũng đã quyết định được việc của mình: về quê chồng ăn Tết hay tìm mọi lý cớ để ở lại thành phố. Dù là bạn đã quyết và làm theo điều nào thì Hạnh Dung cũng có thêm vài suy nghĩ chân tình gửi bạn, để năm sau, năm sau nữa… bạn không còn phải quá nhiều lo lắng tìm cách tránh né chuyện này.
Hạnh Dung có người bạn học khá thân có một cô bạn gái giống như bạn: 10 năm làm dâu là 10 năm cô vợ của anh ấy nhất định không muốn về quê chồng ăn Tết. Lý do cũng giống như bạn: vì quê chồng thiếu thốn, chật hẹp, thiếu vệ sinh… Người chồng vì thương vợ, vì muốn cảnh nhà được yên ấm nên năm nào cũng phải chiều theo ý vợ. Thế nhưng con đường về quê ăn Tết một mình của anh những chiều 30 mỗi năm mỗi dài ra và nặng trĩu thêm. Con đường trở lại thành phố sớm ngày mùng 1, mùng 2 mỗi năm mỗi buồn bã thêm. Những lời nói dối của anh với cha mẹ: Nhà con bận, nhà con mệt, nhà con giỗ… mỗi năm mỗi gượng gạo thêm. Bởi gia đình chồng, rồi ai cũng hiểu…
Tất nhiên, chẳng phải chỉ vì chuyện cô vợ không về quê chồng ăn Tết mà còn vì nhiều lý do khác nữa, nhưng sau 10 năm chung sống, hôn nhân của họ tan vỡ. Một trong những điều anh bạn của Hạnh Dung nhắc nhở cay đắng chính là chuyện vợ mình luôn đặt chồng vào tình trạng khó xử khi phải về quê chúc Tết cha mẹ một mình. Chẳng đơn giản như cô vợ nghĩ: chỉ là mình ngại vất vả, mà người chồng và gia đình chồng đều cho rằng vì cô vợ coi thường quê chồng, coi thường cha mẹ chồng, từ đó các vấn đề khác cũng nhân thêm, nở ra… Đến khi có những mâu thuẫn này khác, người ta chẳng còn gượng nhẹ cho nhau được nữa…
Nói vậy để bạn hiểu những nguy cơ có thể có chỉ vì một chút ngại ngùng của bạn. Nhưng nói cho có tình, có lý thì Hạnh Dung chỉ muốn nhắc bạn rằng yêu chồng, hãy tập yêu cả những gì thân yêu, gần gũi của chồng. Nơi anh ấy sinh ra và lớn lên có thể khó, có thể khổ, nhưng chắc chắn là nơi anh ấy thương yêu, nhớ mong và muốn được người vợ của mình thấu hiểu tình cảm đó. Từ chối điều này là bạn đang đặt những rào chắn đầu tiên của cảm thông, chia sẻ đó bạn.
Hơn nữa, sau này khi hai người có con (qua thư bạn, Hạnh Dung đoán bạn chắc mới cưới và chưa có em bé), thái độ xa lánh, phân biệt của bạn sẽ ảnh hưởng tới con cái. Bạn nghĩ rằng bạn sẽ dạy con yêu cha mẹ mình thế nào khi bạn tỏ thái độ không thể gần gũi yêu thương cha mẹ chồng? Biết bao người mơ không có một quê hương để về, để từ đó giáo dục con cái những bài học quê hương, yêu thương, đó bạn.
Còn xa hơn, tình cảm hơn nữa thì bạn hãy cùng với chồng mỗi năm cải thiện nơi ở của cha mẹ chồng, dành dụm tiền bạc để thay đổi cuộc sống vất vả, thiếu thốn đó trong khả năng của hai vợ chồng. Chắc chắn là chồng bạn sẽ vô cùng biết ơn bạn về điều đó.
Chúc bạn có một cái Tết thật vui và ý nghĩa.
Theo PNO