Lắt léo chữ nghĩa: Chơi phong lưu, thanh lịch mới là chơi
Khi bàn về tính cách của người Sài Gòn, trên tạp chí Văn (ra ngày 8-6-1973), nhà văn Vũ Hạnh có kể câu chuyện xảy ra trên đường Nguyễn Trãi, lúc hai tên du côn phóng xe ẩu.
Sau khi hất tung bé gái té sóng soài giữa đường, chúng còn cố tình bỏ chạy.
“Giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha”, ngay lập tức, mấy chị gánh nước mướn đã nhanh chóng rượt theo, rồi vây bắt chúng.
“Trong đám đông những người chứng kiến vụ này, có một cụ già quay lại bảo với chúng tôi: “Mấy con mẻ này chơi được quá”. Chơi được quá, đó là lời khen hết sức thành thật. Nhưng bỏ công việc, vây đánh những tay cao bồi, du đảng là “chơi” đó sao? Mấy tiếng “chơi được” đúng là tiếng nói của người Sài Gòn” (tr.29).
Con mẻ là con mẹ, nói trại ra. Còn từ “chơi được” này, ta hiểu như chơi điệu/chơi điệu nghệ là làm một việc đúng đạo nghĩa, lẽ phải, lời khen nằm ở từ “được/ chơi được”.
Nếu không dùng từ “chơi được”, ta có thể nói: “Mấy con mẻ này chịu chơi quá!”. Chơi được/ chịu chơi trong ngữ cảnh này, là chỉ ai đó dám làm dám chịu, dám ăn thua đủ, lì đòn, sẵn sàng trước thử thách, chấp nhận làm việc gì đó không màng lợi hại cho mình, vì bênh vực quyền lợi cho người khác.
Chơi, có nhiều cách chơi. Nhưng chẳng ai có thể chấp nhận ai đó “chơi ngang”: “Có chồng càng dễ chơi ngang/ Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai?”. Rơi vào trường hợp éo le này, người đàn ông tội nghiệp đó được gọi “bị cắm sừng”!
Lại nữa, còn có chơi trèo, chẳng phải trèo leo gì sất, chỉ là cách nói ai đó hỗn hào, vô lễ với người trên mình về địa vị lẫn tuổi tác. Kiểu như những kẻ hậu sinh cỡ như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm dù văn dốt võ dát, nhưng vẫn dám mắng ông Quán chơi trèo: “Gối leo theo phận gối leo/ Có đâu dưới thấp mà chờm lên cao” – dù ông đáng bậc cha chú, chữ nghĩa hơn mình.
Nói cách khác, trong trường hợp này, chính là lúc Hâm – Kiệm đã chơi trội, muốn thể hiện mình hơn người khác. Chơi như thế trong chừng mực nào đó còn gọi chơi ngu, chơi dại vì nhận lại bao lời phê phán, chê cười của người khác. Thi sĩ Tản Đà có câu thơ thiệt oách:
Chắc có một phen đời khóc tớ
Đời chưa khóc tớ, tớ còn chơi
Một trong cái thú chơi của thi sĩ vẫn là:
Chơi cho biết mặt sơn hà
Cho sơn hà biết ai là mặt chơi
Video đang HOT
Hai câu thơ này, quả tuyệt bút, chơi ở đây là đi chơi nơi này nơi kia, ngao du sơn thủy, du lịch đó đây. Mà, qua đó, Tản Đà đã sáng tạo ra từ “mặt chơi”, trước đó, từ điển chưa ghi nhận, nếu có, như Việt Nam tự điển (1931) cho biết: “Mặt ăn chơi”.
Xét ra mặt chơi và mặt ăn chơi hoàn toàn khác nhau. “Mặt chơi” thì từ động từ đã hoán đổi thành tính từ – hàm nghĩa con người đó lịch lãm, lão luyện, từng trải trong các cuộc đi chơi xa gần, đâu đâu cũng giẫm chân đến.
Còn “mặt ăn chơi” là thoạt nhìn cái mặt ấy, dù chưa chứng kiến, nhưng đã đoán biết đó là người quen thói chơi bời nọ kia, trăng hoa tuyết nguyệt, nói quả quyết như lúc Thúy Kiều mắng Sở Khanh: “Rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai”.
“Đời chưa khóc tớ, tớ còn chơi”, chơi trong trường hợp này, là giải trí hoặc nghỉ ngơi, thư giãn một cách thong dong, nhẹ nhàng cho tươi tắn cái sự đời; chứ không phải ham hố, cay cú ăn thua đủ, nhằm chơi sát ván, chơi mạnh tay/ chơi nặng tay/ chơi tới bến/ chơi xả láng/ chơi mút chỉ, chơi khăm, chơi ác, chơi gác/ chơi kèo trên/ chơi cửa trên, chơi qua đường, chơi xỏ, chơi cha… Nhà nho Trần Lê Kỷ quan niệm về chơi như thế này:
Trời đã sinh ra kiếp làm người
Chẳng chơi nữa người cười là chú vích
Được ngày nào ta chơi cho thích
Chơi phong lưu, thanh lịch mới là chơi
Xin dừng lại giải thích từ “vích/ chú vích”: Tục ngữ có câu “Khôn như mại, dại như vích”. Mại là loài cá nhỏ, sống ở nước ngọt; vích thuộc nhóm rùa biển, ở dưới nước đố ai bắt được vì rất lanh lợi, nhưng lúc nó lên bãi cát lại lơ ngơ láo ngáo, chỉ cần lừa thế, tìm cách lật ngửa nó lên là tóm dễ dàng.
Vích được dùng để chỉ người khờ dại. Sau này, người ta không dùng từ vích nữa, thay thế bằng từ lóng là quých, chẳng hạn trong Cạm bẫy người, Vũ Trọng Phụng viết: “Trước khi lên được địa vị này, tôi cũng đã lắm phen phải đóng những vai trò mòng với quých cho một lũ bạc bịp tiền bối họ móc xé ruột gan đấy, ông ạ”. Mòng là mồi/ làm mồi, nói như tác giả Số đỏ, là thân phận của kẻ: “đóng cái vai con chim mòng đậu vừa đúng tầm súng cho kẻ đi săn”.
“Chơi phong lưu, thanh lịch mới là chơi”, cụ thể như thế nào còn tùy tâm thế mỗi người, nhưng chắc chẳng ai vích/ quých đến độ không ngừa trước “Chơi dao có ngày đứt tay”, “Chơi chó chó liếm mặt”, “Chơi cò, cò mổ mắt”, “Chơi với lửa”… Mà, cần phải “Chơi tùy chốn, bán vốn tùy nơi”, chứ nào phải bạ đâu chơi đó.
Lăng Ông Bà Chiểu: Giá trị tâm linh độc đáo của người Sài Gòn
Lăng Ông Bà Chiểu là một trong những công trình tâm linh nổi tiếng tại Sài Gòn. Với hơn 200 năm tồn tại, nơi đây đã chứng kiến bao thăng trầm và sự đổi thay của thành phố cũng như con người nơi đây.
1. Đôi nét về Lăng Ông Bà Chiểu
Địa chỉ: Số 1 đường Vũ Tùng, Phường 3, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Lăng Ông Bà Chiểu là một trong những ngôi đền cổ nhất tại Sài Gòn, được xây dựng vào năm 1848. Thực chất thì đây là lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, nhưng vì vị trí nằm ở khu vực Bà Chiểu nên người ta gọi chung là Lăng Ông - Bà Chiểu (Lăng Ông ở Bà Chiểu). Nhiều người không biết nên hay nhầm lẫn về nhân vật lịch sử và tên gọi, khiến những thông tin lan truyền bị sai lệch. Vậy nên đòi hỏi mọi người phải đọc thật kỹ và tìm những nguồn tin thật uy tín.
Tả quân Lê Văn Duyệt là một trong những vị tướng có công rất lớn đối với triều nhà Nguyễn, được gọi là công thần dưới thời vua Gia Long. Nhưng dưới thời Minh Mạng, năm 1835 xảy ra sự kiện thành Phiên An, kết cục ông Duyệt bị buộc tội che đậy phản quốc gây nên bạo loạn. Sau này khi ông mất, vua còn cho san bằng lăng mộ. Cho đến đời vua Thiệu Trị 1841 ông mới được giải oan, được đắp lại phần mộ và từ đó trở thành nơi thờ cúng linh thiêng của người Sài Gòn về sau.
2. Nên đi Lăng Ông vào thời gian nào?
Lăng Ông Bà Chiểu mở cửa từ 7:00 - 17:00 các ngày trong tuần
Bạn có thể đi vào bất cứ thời gian nào trong năm, tuy nhiên vào các dịp lễ mùng 1, 15 và ngày Tết thì ở đây rất đông.
Thường đi Lăng Ông sẽ vào một buổi sáng hoặc chiều. Nên nếu du khách từ các tỉnh đi tour thì có thể xếp lăng là một trong những địa điểm đáng để ghé qua.
3. Lăng Ông Bà Chiểu có gì thú vị?
Lăng Ông là một trong những công trình kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ hơn 200 năm trước. Cho đến nay, nơi đây vẫn giữ cho mình kiểu kiến trúc xưa cũ, chấm phá giữa một Sài Gòn hiện đại và hoa lệ.
Kiến trúc lăng tẩm độc đáo
Lăng Ông rộng 18.501m trên một gò đất cao, bao gồm nhà bia, lăng mộ và miếu thờ. Bên trong có khu mộ đôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt - Tổng trấn thành Gia Định và vợ ông là bà Đỗ Thị Phận. Ngoài ra còn có 2 ngôi mộ của 2 cô hầu ngoài khuôn viên. Trước mộ ông bà còn có Thượng công linh miếu, nơi mà người ta tổ chức các hoạt động tín ngưỡng thờ cúng.
Nét độc đáo trong kiến trúc lăng Ông Bà Chiểu chính là những di tích cổ xưa, mang đậm hình thái thế kỷ 19 - 20. Với sắc vàng phai theo thời gian, chấm phá thêm những đường nét hoa văn cầu kì nhấn nhá sắc đỏ, xanh, cam, trắng, lăng tạo nên một cái nhìn vừa lạ mắt vừa rất linh thiêng.
Khuôn viên được trồng rất nhiều dải cây nên không khí lúc nào cũng mát mẻ. Vì là lăng tẩm nên nơi đây mang vẻ trầm mặc vốn có. Bằng một cách nào đó mà chỉ cần vào đây là người ta thấy lòng nhẹ nhàng, thảnh thơi đi nhiều. Hơn hết, với người Sài Gòn nơi đây rất linh thiêng, họ hay tới cúng bái và cầu xin được phù hộ.
Hoạt động tín ngưỡng
Xin Xăm Tả Quân là một trong những hình thức phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở Lăng Ông. Mọi người đến đây để xin về sức khỏe, chữa lành bệnh tật. Mọi người có thể qua khu nhà Hương, Trung điện hoặc Tây điện để xin.
Lễ khai Hạ vào các ngày mùng 7 Tết cũng là lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm. Mọi người đến đây để cầu an đầu năm mới, xin có nhiều may mắn, lộc tài, ăn nên làm ra.
Vào các ngày 29/7 - 2/8 Âm lịch hằng năm tại đây cũng tổ chức lễ giỗ tướng Lê Văn Duyệt. Sự kiện này thu hút được rất nhiều trong và ngoài tỉnh tham gia. Mọi người cũng tranh thủ thời gian này đến đây để cầu sức khoẻ, bình an thậm chí là tình duyên.
Ngoài ra, ở đây còn tổ chức các chương trình hát bội, chương trình vẽ nghệ thuật hát. Nếu bạn nào quan tâm có thể tìm hiểu lịch để qua thưởng thức.
Cảm hứng cho những bộ hình đậm chất Việt
Để nói Sài Gòn cho một địa điểm chụp hình áo dài hay cảm hứng xưa thì Lăng Ông Bà Chiểu luôn là lựa chọn lý tưởng. Với khu lăng tẩm cổ kính, cộng thêm không gian rộng rãi, màu sắc nhuộm thời gian bạn có thể tìm cho mình hàng trăm góc chụp xinh xẻo và đầy ý vị. Ở địa điểm này chụp áo dài là xinh nhất, nên bạn hãy chọn cho mình chiếc áo ưng ý nhé.
4. Một số lưu ý khi đi Lăng Ông Bà Chiểu
Khách thăm quan đặc biệt là giới trẻ thường xuyên đến đây chụp hình nên cần phải giữ tôn nghiêm của chốn linh thiêng, lựa chọn quần áo, cách tạo dáng và tránh gây ồn ào.
Lăng Ông Bà Chiểu là một trong những giá trị tâm linh quan trọng. Vậy nên mỗi một người đến đây phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ, đặc biệt tránh xả rác bừa bãi.
Trước khi đi vào các ngày lễ trọng, thời gian lăng tổ chức lễ hội bạn nên tìm hiểu trước để tránh làm sai những điều cấm kỵ.
Quán ốc hẻm khiến dân văn phòng bỏ bữa để xếp hàng vào ăn trưa Dân văn phòng TP.HCM thi thoảng sẽ chọn đổi món ăn trưa bằng thực đơn khá kỳ lạ: ăn ốc chế biến. Từ trước đến nay đi làm có khi thay bữa chính cơm canh, bún miến đàng hoàng bằng các món nhẹ như ngũ cốc, bánh mì ngọt, súp cua... thế nhưng ăn trưa bằng các món ốc chế biến đã bao...