Lật lại vụ án giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi
Hải được xác định là hung thủ sát hại 2 nữ nhân viên bưu điện nên bị hai cấp tòa tuyên án tử hình. Nhưng nhiều năm qua, Hải và gia đình liên tục kêu oan.
Dấu vân tay của ai?
Theo hồ sơ vụ án, sáng 14/1/2008, khi anh Phùng Phụng Hiếu – nhân viên giao báo – mang báo đến Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, Long An) phát hiện 2 nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (24 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (22 tuổi) bị giết. Kết quả điều tra cho thấy, nạn nhân bị hung thủ bóp cổ, dùng thớt gỗ, ghế xếp inox đập vào đầu và dùng dao cắt cổ.
Sau khi giết người, hung thủ còn lấy đi một số tiền, vàng và khoảng 50 sim card điện thoại. Khoảng 3 tháng sau, Công an tỉnh Long An bắt Hồ Duy Hải. Sau đó, cả hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm, đều tuyên tử hình Hồ Duy Hải về các tội Giết người, Cướp tài sản.
Theo kết luận điều tra và cáo trạng, quá trình điều tra, Công an tỉnh Long An đã phát hiện, lưu giữ “một số dấu vết đường vân” (vân tay – PV) trên một số đồ vật ở hiện trường. Thay vì đi giám định và truy tìm ngay trong tàng thư căn cước dấu vân tay trên của ai để khoanh vùng, nhưng mãi gần 3 tháng sau (ngày 7/4/2008), cơ quan này mới trưng cầu giám định.
Hồ Duy Hải (giữa).
Kết quả giám định khẳng định: “Các dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”. Như vậy, dấu vân tay trên là của ai? Và vì sao lại có dấu vân tay trên tại hiện trường… thì đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ.
Tương tự, những mẫu máu thu được tại hiện trường vụ án, mãi 4 tháng mới được đưa đi giám định. Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM chỉ có thể kết luận “là máu người, nhưng không xác định được nhóm máu do mẫu đã bị phân hủy”. Vậy, vết máu đó là của ai cũng không được làm rõ.
Video đang HOT
Tang vật đi mua
Kết luận điều tra khẳng định: “Nạn nhân Hồng bị đẩy ngã xuống nền gạch, rồi Hải hai tay cầm tấm thớt gỗ đập xuống đầu Hồng 2 cái”. Thế nhưng, tấm thớt gỗ không được thu giữ. Hơn 5 tháng sau khi xảy ra vụ án, ngày 24/6/2008, theo yêu cầu của cơ quan điều tra, bà Lê Thị Thu Hiếu (bạn của hai nạn nhân) mới đi mua một tấm thớt gỗ khác tương tự về giao nộp cho cơ quan điều tra.
Cũng thế, khi dọn dẹp hiện trường, những dân phòng tham gia bảo vệ hiện trường đã phát hiện con dao (sau này được xác định Hải dùng để cắt cổ nạn nhân) và báo cho một công an viên, nhưng ông này bảo “có lẽ không liên quan đến vụ án” nên dân phòng đem đốt đi.
CQĐT sau đó đã cho người khai thấy con dao đó đi mua một con dao khác có hình dáng, kích thước tương tự về nộp. Như vậy, cả con dao, cái thớt chỉ là vật mô phỏng chứ không phải tang vật, hung khí gây án.
Nhiều sai phạm về tố tụng
Điều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Trong trường hợp có bổ sung và sửa chữa biên bản thì bị can và điều tra viên (ĐTV) cùng ký xác nhận.
Nghiêm cấm ĐTV tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can”. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án, chúng tôi phát hiện rất nhiều nội dung trong các biên bản ghi lời khai hoặc hỏi cung bị can bị bớt, sửa chữa mà không có chữ ký xác nhận của bị can và điều tra viên. Chưa hết, phần lời khai của nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu cũng bị sửa chữa mà không có chữ ký xác nhận của người khai.
Xin lưu ý là biên bản ghi lời khai này được thực hiện vào ngày 19/1/2008, tức chỉ sau 5 ngày xảy ra vụ án. Lời khai về 2 con dao với kích thước ban đầu đã bị sửa chữa lại cho phù hợp kích thước phần dài chuôi và lưỡi dao với các lời khai sau này về con dao được coi là gây án.
Về vết máu và vết vân tay không phải của Hồ Duy Hải, án sơ thẩm cho rằng “vết máu thu giữ tại hiện trường khi giám định không phải là của bị cáo. Song các thiếu sót trên không lớn. Đặc biệt là vết máu thu không đủ lượng, thời gian để kéo dài nên không xác định được vết vân tay”.
Theo chúng tôi, dùng vết máu để xác định vết vân tay rồi “không xác định được vết vân tay” là lẽ đương nhiên. Tòa phúc thẩm sau đó cũng xác định “quá trình điều tra có những thiếu sót về tố tụng”, nhưng vẫn bác đơn kháng cáo của Hồ Duy Hải.
Suốt gần 6 năm qua, bà Nguyễn Thị Loan – mẹ của Hồ Duy Hải chưa một đêm nào ngon giấc vì nỗi buồn có con là tử tù. Từ ngày Hải bị bắt, bà gầy xọp và xuống sức thấy rõ. “Nếu con tôi thực sự giết người, có đem tử hình cả 2 mẹ con tôi cũng không đền hết tội. Nhưng nếu nó không giết người mà bị tử hình thì sẽ có đến 3 mạng người bị chết oan”, bà Loan nói trong nước mắt.
Trao đổi với phóng viên ngày 24/11, luật sư Trần Văn Tạo – nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM bức xúc: “Tôi đã viết thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đề nghị Chủ tịch nước chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét lại toàn bộ vụ việc. Vì qua nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy có nhiều dấu hiệu uẩn khúc từ quá trình điều tra đến truy tố, xét xử”.
Luật sư Nguyễn Văn Đạt – người đã tham gia bào chữa cho Hồ Duy Hải ngay từ đầu vụ án cũng cho rằng: “Cần thiết phải điều tra lại, vì vụ án có quá nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ”.
Theo Lao động
Gã chồng bất nhân bóp cổ chết vợ mới cưới rồi tạo hiện trường giả
Đã hai tháng kể từ khi sự việc xảy ra, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Yên (SN 1961, xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) vẫn không thể nguôi ngoai sau cái chết của cô con gái lớn Nguyễn Thị Hương Giang (SN 1983). Càng đau lòng hơn khi kẻ thủ ác nhẫn tâm gây nên cái chết tức tưởi ấy lại chính là người chồng mà Hương Giang đã lựa chọn và được sự giúp đỡ, vun vén của ông bà Yên.
Vợ chết, chồng biến mất
Đối với ông Yên, những cảnh tượng kinh hoàng mà ông phải chứng kiến vẫn luôn ám ảnh ông hàng đêm. Ông Yên vẫn còn nhớ rõ, đó là buổi trưa ngày 16-9, khi ông sang nhà con gái chơi, thấy cổng ngoài mở, cửa trong nhà khép hờ nhưng điện vẫn sáng, ông cất tiếng gọi con nhưng không thấy ai thưa. Vừa lúc ông Yên đi thẳng vào trong nhà thì thấy Hương Giang trong tư thế ngồi dựa vào tường ở gần cửa sổ, trùm chăn kín đầu nhưng vẫn để hở hai chân. Linh tính thấy chuyện chẳng lành, ông vội vàng kéo chăn ra thì hốt hoảng khi nhìn thấy chiếc khăn một đầu buộc chặt vào cổ con gái, một đầu buộc lên chấn song cửa sổ. Ông Yên vội vàng hô hoán hàng xóm đưa con gái mình đi cấp cứu, nhưng đã quá muộn. Cô con gái xấu số của ông Yên đã chết trước khi kịp đưa đến bệnh viện.
Cái chết của Hương Giang ngay lập tức đã làm khuấy động bầu không khi vốn yên tĩnh của thị trấn miền núi Lương Sơn. Lực lượng công an thị trấn và công an huyện Lương Sơn sau khi nhận được tin báo đã có mặt tại hiện trường. Sau cái chết của con gái, gia đình Hương Giang lúc đó đều nghĩ rằng Giang có chuyện buồn gì nên mới tìm đến cái chết. Tuy nhiên dựa trên kết quả khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường lực lượng công an nhận định Hương Giang có thể là nạn nhân của một vụ án mạng nghiêm trọng chứ không phải là chết do tự tử. Nhận định này càng có cơ sở khi gia đình Hương Giang phát hiện ra chiếc xe máy, điện thoại di động và giấy tờ tùy thân của nạn nhân đã bị lấy mất.
Cầu Hòa Bình địa điểm đối tượng Phạm Văn Danh vứt giấy tờ của nạn nhân
Trung úy Bùi Tuấn Nghĩa, cán bộ của đội Trọng án - Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, trong quá trình xác minh, dựng lại các mối quan hệ của nạn nhân, có một chi tiết khiến các anh đặc biệt chú ý. Đó là sau khi phát hiện ra cái chết của nạn nhân, không hề thấy sự có mặt của Phạm Văn Danh, chồng của Hương Giang. Gia đình tìm cách nhưng đều không thể liên lạc được với Danh.
Bị bắt sau 3 ngày gây án
Theo thông tin cung cấp của gia đình Hương Giang, trong suốt thời gian trước khi bị sát hại chị Giang không hề có mâu thuẫn với ai. Hướng điều tra mà cơ quan công an tập trung vào lúc này là một vụ án giết người để cướp tài sản và hiện trường nơi chị Giang chết chỉ là hiện trường giả. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao thủ phạm lại phải dựng lên hiện trường giả để đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Trong số những đối tượng nghi vấn, các trinh sát đặc biệt chú ý tới Phạm Văn Danh. Bởi sau cái chết của vợ ngoài chuyện đột nhiên biến mất thì Danh chính là người có nhiều khả năng nhất trong việc dựng lên hiện trường giả. Tập trung triển khai lực lượng, các trinh sát phát hiện chiếc xe máy của chị Giang ở tại một hiệu cầm đồ ở phố Bãi Nai, Mông Hóa, Kỳ Sơn, Hòa Bình. Theo người chủ của cửa hiệu cầm đồ, chiếc xe này là của một người tên là Nguyễn Văn Thắng nhà ở Bãi Nai, Mông Hóa, Kỳ Sơn, Hòa Bình cầm cố với giá 12 triệu đồng.
Tập trung đấu tranh khai thác Nguyễn Văn Thắng, các trinh sát được biết, đêm hôm xảy ra sự việc Nguyễn Văn Doanh có gọi điện gặp Thắng và trình bày hoàn cảnh là vợ Doanh đang nằm cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nên cần tiền để chữa trị bệnh. Doanh ngỏ ý nhờ Thắng đưa Doanh đến hiệu cầm đồ để cầm cố chiếc xe lấy tiền chữa bệnh cho vợ. Tin lời bạn, Thắng đã giúp Doanh cầm cố chiếc xe máy lấy 12 triệu đồng rồi sau đó Thắng còn chở Doanh đến cổng Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Từ thông tin quan trọng này các trinh sát đã có đủ cơ sở để nhận định, chính Phạm Văn Doanh là hung thủ gây ra cái chết của chị Nguyễn Thị Hương Giang. Tập trung bám theo dấu vết của Phạm Văn Doanh, các trinh sát phát hiện, Doanh có một người em trai là Phạm Văn Hà đang sinh sống làm việc tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiệnh lúc này Doanh đang trên đường di chuyển ra thành phố Móng Cái. Một tổ công tác ngay lập tức được triển khai tới Móng Cái, bám theo dấu vết của Doanh. Ngày 18-9, trong lúc Doanh đang ở tại nhà trọ của Hà, các trinh sát đã ập vào khống chế và bắt giữ Doanh. Sau 3 ngày lẩn trốn, Doanh thừa nhận mình chính là hung thủ giết vợ.
Gã chồng bất nhân
Phạm Văn Doanh sinh năm 1976, quê ở tại Nam Định. Trước khi lập gia đình với chị Hương Giang, Doanh đã từng có một gia đình và 2 người con ở quê. Tuy nhiên, do cuộc sống gia đình không suôn sẻ, Doanh đã chia tay vợ. Rời quê hương lên Hòa Bình sinh sống, Doanh xin vào làm công nhân lái máy xúc cho một công ty tại thị trấn Lương Sơn. Số phận run rủi khiến Doanh làm quen với chị Nguyễn Thị Hương Giang. Chị Giang lúc đó đang công tác tại huyện đoàn Lương Sơn. Tuy là một cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình, tuy nhiên trong cuộc sống tình cảm chị Giang cũng gặp phải nhiều trắc trở. Chị Giang lập gia đình với chồng là giáo viên của một trường Trung học cơ sở. Tuy nhiên, sau đó cuộc hôn nhân tan vỡ, chị sống lặng lẽ một mình. Từ khi quen Doanh, biết người đàn ông này cũng có cùng hoàn cảnh giống mình nên giữa họ có một sự đồng cảm. Thế rồi, từ chỗ chỉ là bạn bè, tình cảm đã lớn dần trong họ thành tình yêu lứa đôi. Khi chị Giang dẫn Doanh về giới thiệu với gia đình, biết hoàn cảnh của 2 người nên gia đình cũng không hề phản đối. Khoảng cuối tháng 5, chị Giang quyết định kết hôn cùng Doanh. Cưới xong, Doanh xin phép được ở rể tại Hòa Bình để thuận tiện cho công việc, còn Giang là con gái lớn nên ở gần để chăm sóc bố mẹ. Bố mẹ Giang đã tạo điều kiện thuận lợi cho 2 vợ chồng khi gom góp tiền bạc xây cho họ ngôi nhà cấp 4 ở ngay phía sau nhà.
Nhưng tưởng rằng cuộc sống của họ sẽ cứ bình lặng trôi qua như vậy, nhưng chị Giang không thể ngờ được rằng mình gặp phải một người chồng hết sức bất nhân. Khi được dẫn giải về cơ quan điều tra, Doanh đã khai nhận viếc giết chị Giang xuất phát từ một lý do hết sức nhỏ nhặt. Tối ngày 15-9, cũng giống như mọi ngày sau khi ăn cơm tối xong, chị Giang cùng Doanh ngồi xem ti vi. Lúc này Doanh có ý trêu đùa nên dùng chân gí vào ngực chị Giang. Không đồng ý với thái độ của chồng, chị Giang dùng quạt nan để ở giường đập vào chân Doanh rồi nói với vẻ hờn dỗi: "anh không được làm như thế". Tưởng rằng chỉ là chuyện nhỏ, nhưng rồi cảm thấy khó chịu với thái độ của vợ, Doanh tìm cách để gây sự cãi nhau và tát vào mặt Giang. Bị chồng đánh đau, Giang phản ứng bằng cách nói xẵng giọng: "Tôi không ngờ mới lấy nhau mà anh lại đối xử với tôi như vậy. Anh về đây ở rể, không biết thân biết phận của mình mà còn đánh tôi". Cay cú bởi câu nói của Giang, Doanh đáp trả: "Mày dám nói thế thì tao bóp cổ cho mày chết". Trước lời thách thức kiểu đàn bà của chị Giang "anh có dám thì anh cứ làm đi", Doanh đã lao vào đè chị Giang xuống giường và bóp cổ cho đến lúc chị Giang không còn cử động nữa.
Như con thú say mồi, lúc này trong đầu Doanh chỉ có một suy nghĩ nếu để chị Giang còn sống chị sẽ tố cáo hành vi của hắn. Doanh đã tìm một chiếc khăn voan của chị Giang một đầu buộc thắt nút cuốn 2 vòng quanh cổ với mục đích để cho chị Giang chết hẳn rồi kéo chị Giang đến sát cửa sổ để ở tư thế ngồi trên giường. Đầu dây còn lại của chiếc khăn hắn xé dọc làm đôi rồi buộc vào chấn song cửa sổ, sau đó lấy chăn phủ lên người chị Giang. Hành sự xong, không một chút ăn năn, hối hận, Doanh mở tủ lấy quần áo mặc vào lấy xe máy cùng điện thoại của chị Giang bỏ trốn. Sau khi nhờ người bạn cầm cố chiếc xe của người vợ bạc mệnh lấy 12 triệu đồng, đêm đó Giang đã thuê phòng ở một nhà nghỉ tại thành phố Hòa Bình để nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau hắn ra cầu Hòa Bình vứt chiếc túi đựng một số giấy tờ cá nhân của chị Giang xuống sông rồi bắt xe khách đi Hà Nội, rồi ra thẳng thành phố Móng Cái với mục đích tìm đường trốn sang Trung Quốc nhưng chưa kịp thực hiện thì bị bắt. Không một lý do gì có thể biện minh cho hành vi đê hèn và tàn bạo của Phạm Văn Doanh. Rồi đây y sẽ phải trả giá xứng đáng trước pháp luật thế nhưng qua vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo sự suy đồi về đạo đức và tình cảm gia đình. Một điều khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Theo An ninh thủ đô
Lập tức bắt tay điều tra vụ cháy nghiêm trọng Zone 9 Liên quan đến vụ hỏa hoạn thương tâm làm 6 người chết tại q uán bar thuộc khu Zone 9 , cơ quan công an đã niêm phong hiện trường vụ cháy để tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân... Vụ hỏa hoạn khiến 6 người tử vong Như VnMedia đã đưa tin, khoảng 14 giờ 30 ngày 19/11, tại khu vui...