Lắp camera trong lớp học: Vấn đề nhạy cảm, nên hay không?
Trong xã hội hiện đại, phụ huynh (PH) ngày càng theo sát mọi hành động, lời nói của con nên đề xuất lắp camera trong lớp học được đặt ra.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, việc này ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền riêng tư của giáo viên (GV), học sinh (HS) và sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.
Tối giản hóa mọi việc
Thời gian qua, xuất hiện nhiều vụ bạo hành HS trong trường học khiến dư luận quan tâm. Sau đó, ngành giáo dục và cơ quan chức năng vào cuộc nhưng sẽ nhanh, chính xác hơn nếu có camera ghi lại vụ việc.
Đơn cử, việc cô giáo N.H.H. bạo hành trẻ lớp 2 ở trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) lọt vào camera PH gắn ở lớp học.
Lắp camera trong lớp học sẽ khó thực hiện, nhất là ở vùng miền núi, nông thôn. Ảnh: TL
Từ những vụ bạo hành gây chấn động, chị Nguyễn Thị Lán (phố Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, vụ việc này là do GV muốn HS theo ý mình nên đã tự tạo áp lực và HS chính là nguyên nhân của những áp lực đó. Để PH tin tưởng tuyệt đối, theo tôi, lắp camera là phương án hữu hiệu nhất và cần triển khai sớm tại các lớp thuộc cấp I, II, III.
Có con học tại trường Tiểu học Phan Đình Giót (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), chị Dương Minh Hòa (phố Chính Kinh, Nguyễn Trãi) cho biết: HS tiểu học đang là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nhân cách, năng lực học tập, những hành động tốt hay xấu của GV sẽ ảnh hưởng lớn đến trẻ.
Liên tiếp nhiều vụ bạo hành HS xảy ra, chị Hòa mong muốn trường sẽ lắp camera trong lớp học để vợ chồng yên tâm hơn. “Tôi và nhiều PH mong muốn lắp camera không phải làm “cảnh sát” giám sát GV, tuy nhiên đây là cách phát hiện, làm rõ vấn đề, vụ bạo hành để xử lý triệt để, tránh tình trạng này tiếp diễn” – chị Hòa cho hay.
Video đang HOT
Là trường lắp đặt camera từ lâu tại lớp học và dọc khu vực hành lang, thầy Trần Mạnh Tùng, GV trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khẳng định có nhiều lợi ích khi lắp camera như quản lý được mọi hoạt động của GV, HS; thi cử nghiêm túc; đảm bảo an ninh trường học; đôn đốc các cá nhân làm việc tích cực, tự giác; tránh các biểu hiện tiêu cực…
Ở trường học, việc lắp camera giám sát giúp Ban giám hiệu nhà trường quan sát được diễn biến trong lớp học; HS và GV điều chỉnh hành vi, có ý thức thực hiện các quy định, chuyên môn của lớp; PH yên tâm hơn vì biết được việc học tập, sinh hoạt của con ở trường.
Ngoài ra, lắp camera đảm bảo an toàn cho HS và niềm tin của PH với nhà trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi thiếu chuẩn mực của GV… Đặc biệt, đây là chứng cứ không thể chối cãi để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kết luận khi có vụ việc xảy ra.
Khó khăn khi thực hiện
Từ lâu, ở nhiều quốc gia đã lắp đặt camera tại khu vực sinh hoạt, ăn, ngủ của HS. Còn ở Việt Nam, thực tế, các trường chỉ lắp camera ở hành lang, sân chơi, cổng trường…
Nhiều lợi ích là vậy nhưng để triển khai cần nguồn ngân sách lớn, gây áp lực cho các trường. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng cho rằng, PH cũng đưa ra nhiều luồng ý kiến về việc lắp đặt camera trong lớp. Tuy nhiên, trường nào tự tin trong quản lý, sử dụng thì có thể lắp để mang tính chất đảm bảo an ninh là chính.
Tương tự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, việc lắp camera trong lớp học hay không phải tùy vào sự cần thiết, phạm vị, kinh tế khu vực đó. Đây là chủ trương tốt nhưng theo ông Quang vẫn có phần nhạy cảm nên cần bàn thêm trước khi triển khai.
Về vấn đề này, theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục, nếu thủ tục cho tặng rườm rà, rất ít DN hay cá nhân bỏ ra cả trăm triệu để ủng hộ nhà trường. Vận động PH theo hình thức xã hội hoá để lắp camera là không thể, nhất là ở vùng miền núi, nông thôn.
Những địa phương khó khăn sẽ khiến việc lắp camera trở nên xa vời. Điều này chỉ đảm bảo nếu được lấy từ ngân sách Nhà nước nhưng trong điều kiện cắt giảm đầu tư công, hằng năm kêu gọi tiết kiệm chi phí ngân sách thì việc lắp đặt càng khó được thực hiện.
Theo kinhtedothi
Các nước quy định lắp camera trong lớp học thế nào?
Mỹ, Anh, Australia, Trung Quốc cho phép lắp camera trong lớp học nếu nhà trường và phụ huynh đồng ý, bảo đảm tính tuyệt mật của dữ liệu.
Tại Mỹ, đến năm 2014, 75% trường công lập lắp camera an ninh tại khu vực chung như hành lang, phòng ăn, cửa ra vào... Tuy nhiên, vấn đề lắp đặt camera an ninh trong lớp học vẫn đang gây tranh cãi.
Năm 2015, cơ quan lập pháp bang Texas thông qua đạo luật các khu học chánh phải lắp camera trong phòng học tại trường giáo dục đặc biệt, nếu phụ huynh hoặc giáo viên yêu cầu. Luật này được sửa đổi vào năm 2017, theo đó camera phải bao quát toàn bộ lớp, trừ khu vệ sinh, có âm thanh.
Những vụ xả súng trong khuôn viên trường học Mỹ thời gian qua làm dấy lên nhu cầu sử dụng camera để giảm thiểu hành vi bạo lực. Hiện tùy thuộc vào chính sách của từng trường, camera an ninh được lắp đặt tại hành lang, bãi đậu xe, phòng tập thể dục và trong lớp học. Trừ khi trường học có quy định riêng chống lại việc lắp đặt camera, về mặt pháp lý, việc cài đặt chúng là hợp pháp.
Tuy nhiên, việc tiếp cận xem các hình ảnh trong camera lại rất hạn chế. Đạo luật về quyền hạn giáo dục và riêng tư gia đình (FERFA) quy định phụ huynh và học sinh không được phép truy cập vào hệ thống giám sát. Đối với những trường cho phép lắp camera tại phòng học, chỉ nhân viên giám sát và giáo viên phụ trách có quyền xem lại các cảnh quay. Nhà trường phải viết bản cam kết trước khi phát tán cảnh quay.
Trái với Mỹ, việc lắp đặt camera an ninh trong lớp học trở nên phổ biến tại Vương quốc Anh. Ước tính hiện 90% trường học Anh lắp đặt camera an ninh. Một số trường, ví dụ trung học Stockwell Park (nằm ở phía Nam London) có hai camera an ninh trong phòng học.
Tuy nhiên, nhà trường và gia đình học sinh phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng camera để tránh ảnh hưởng bất lợi cho cả hai. Theo Đạo luật bảo vệ dữ liệu 1998, trường học phải thông tin với gia đình học sinh kế hoạch, mục đích và vị trí lắp đặt camera hay các thiết bị giám sát khác. Trường phải gia hạn thông báo hàng năm cũng như cập nhật mọi thay đổi với gia đình học sinh.
Học sinh và phụ huynh sẽ không được quyền truy cập vào hệ thống camera giám sát và không được đưa ra yêu cầu lắp đặt camera.
Ảnh: Shutterstock
Năm 2018, Ấn Độ diễn ra hàng loạt vụ tấn công trẻ em nên Bộ Giáo dục quyết định lắp đặt camera an ninh tại tất cả trường công ở thủ đô Delhi. Camera được lắp đặt trong lớp học, hành lang, thư viện, phòng tập thể dục... Cuối năm 2018, theo phán quyết của Tòa án tối cao Delhi, việc lắp đặt camera an ninh trong lớp học là hoàn toàn bình thường và trẻ em sẽ không bị ảnh hưởng.
Tòa án cho biết thêm, camera trong lớp học sẽ được liên kết với thiết bị cá nhân của phụ huynh học sinh, từ đó phụ huynh có thể quan sát tình hình lớp học. Hiện nay, Ấn Độ đã lắp đặt hơn 4.340 camera tại 344 trường học, mỗi lớp học được khuyến khích có tối thiểu một camera.
Mặc dù không có số liệu chính xác, tại Australia, các trường học đều có thể lắp đặt camera trong lớp học nếu được sự đồng ý của giáo viên và phụ huynh học sinh. Liên đoàn Giáo dục Australia kêu gọi đảm bảo camera hoặc bất kỳ thiết bị giám sát nào khác sẽ được phục vụ cho mục đích giảng dạy, dưới sự cho phép của gia đình và nhà trường.
Ông Howard Spreadbury, Chủ tịch Liên đoàn Giáo dục, cho biết không cho phép sử dụng các đoạn phim trích xuất từ camera cho mục đích cá nhân, dữ liệu từ camera phải được bảo mật tuyệt đối. Ngoài ra, gia đình học sinh không được phép truy cập vào hệ thống giám sát.
Nổi tiếng với việc ứng dụng nhiều công nghệ vào việc giám sát học sinh, Trung Quốc nâng camera giám sát lên thành camera nhận dạng khuôn mặt tại các lớp học. Tháng 5/2018, trường cấp ba Zhejiang Hangzhou 11 thành phố Hàng Châu là trường học đầu tiên lắp đặt camera nhận dạng khuôn mặt để phân tích biểu cảm của học sinh. Dự án nằm trong hệ thống camera giám sát của chính phủ Trung Quốc (Skynet).
Theo đó, mỗi lớp học được lắp ba camera, mỗi camera có thể phân tích sáu hành vi của học sinh, bao gồm: sợ hãi, vui vẻ, buồn bã, ngạc nhiên, tức giận và trung lập. Camera có thể phát hiện học sinh đang cảm thấy chán chường hay đang tập trung vào bài học và chỉ giáo viên mới được quyền xem dữ liệu.
Việc lắp đặt thiết bị nhận dạng khuôn mặt đã tạo nên cuộc tranh luận gay gắt tại Trung Quốc. Nhiều người đồng tình với cách thực hiện của trường cấp ba Zhejiang Hangzhou 11 và cho rằng giúp thúc đẩy việc học, cải thiện phương pháp dạy của giáo viên. Một số khác lập luận rằng hành động này sẽ tước đi quyền tự do cá nhân của học sinh, gây áp lực cho các em trong học tập.
Tại Việt Nam, cô chủ nhiệm lớp 2/11 trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP HCM vừa bị phát hiện đánh nhiều học sinh, sau khi phụ huynh bí mật gắn camera theo dõi trên tường phòng học. Việc này khiến nhiều phụ huynh muốn các trường lắp camera trong lớp. Tuy nhiên, giáo viên không tán thành vì "rất áp lực".
Tú Anh
Theo Law Street, The Guardian, The Sydney Morning Herald/VNE
Góp tiền lắp camera, phụ huynh chúng tôi đồng ý ngay! Địa phương, ngành giáo dục cứ ra chủ trương, nhà trường lên tiếng là phụ huynh chúng tôi sẵn sàng chung tay cùng nhà trường để lắp camera trong lớp học. Giáo viên đánh học trò không phải bây giờ mới xảy ra mà năm học nào cũng có tình trạng giáo viên bị báo chí phản ánh là dùng bạo lực với...