Lắp camera trong lớp học: Áp lực lên giáo viên lẫn học sinh
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đồng thời là Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), không thể khẳng định chất lượng giáo dục ở các lớp có lắp camera sẽ được nâng cao hơn so với các lớp không lắp camera.
Giáo viên cần sự cộng tác, giúp đỡ trong việc giáo dục con em và tạo điều kiện cho họ hiểu sâu, rộng về thế giới về giáo dục chứ không phải tạo thêm áp lực cho công việc này.
TS Nguyễn Tùng Lâm.
PV: Là một nhà giáo và cũng là một nhà quản lý, ông nghĩ như thế nào về việc phụ huynh “bí mật” lắp camera trong lớp học mà không được sự đồng ý từ phía nhà trường, giáo viên và học sinh?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Mong muốn minh bạch những thông tin tại trường học là nhu cầu chính đáng của phụ huynh và xã hội. Nhưng làm bất kể điều gì cũng cần tuân thủ theo pháp luật và tôn trọng quyền riêng tư của giáo viên và học sinh. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là không chỉ giáo viên mà học sinh cũng có quyền được bảo vệ đời tư của mình, nếu các em không muốn thì không được truyền đi những thông tin vi phạm đời tư của các em.
Trong câu chuyện này có 2 vấn đề. Một là chuyện tổ chức camera giám sát của từng trường là việc riêng của mỗi trường, họ thỏa thuận, thống nhất giữa giáo viên và học sinh, gọi chung là nội bộ của nhà trường, không được sử dụng ra ngoài. Họ thảo luận với nhau như thế nào đó là việc của họ. Nhưng tuyệt đối không được dùng nó để bêu xấu thầy cô. Còn phụ huynh đòi hỏi lắp camera với mục đích giám sát và con em người ta là không đúng pháp luật vì vi phạm quyền riêng tư của cả thầy và trò.
Về mặt đời sống, trình độ của phụ huynh là không đồng đều. Thái độ, cách ứng xử và quan điểm cũng khác nhau trước mỗi sự việc trong khi giáo viên có phương pháp sư phạm riêng để giảng dạy, uốn nắn học sinh nên có thể không phải phụ huynh nào cũng đồng tình. Điều này nên để tập thể sư phạm nhà trường, nhà quản lý và những người có chuyên môn đánh giá, không nên để phụ huynh tham gia quá sâu về vấn đề này. Không thể ai muốn làm gì cũng được. Phụ huynh không thể cậy số đông để gây sức ép với giáo viên và nhà trường để lắp camera với mục đích này.
Hiện nay một số trường đã lắp camera ở cổng trường, hành lang, sân trường để quản lý chung, ông có đồng tình?
- Điều này tôi ủng hộ vì nó có ý nghĩa là camera giám sát bảo vệ nhà trường. Cái này có tính bảo mật tốt vì theo tôi được biết nó sẽ chỉ được mở khi có chuyện xảy ra hoặc có bộ phận trực theo dõi riêng, không phải ai cũng có thể truy cập để xem được. Còn ở các lớp học, ban giám hiệu phải thường xuyên đi kiểm tra giữa giờ học để nắm bắt tình hình giảng dạy của giáo viên.
Video đang HOT
Quan điểm cá nhân của ông nếu nhà trường lắp camera để kiểm tra các tiết dạy của giáo viên?
- Tôi cho rằng có nhiều cách để kiểm tra tiết dạy của giáo viên. Có thể bằng cách dự giờ, kiểm tra giáo án… Tôi không ủng hộ việc lắp camera trong từng lớp học bởi nếu để ngăn chặn việc giáo viên đánh mắng học sinh thì có thể kiến nghị với tập thể sư phạm nhà trường, nêu cao trách nhiệm của ban giám hiệu. Nhưng chất lượng giáo dục ở các lớp có lắp camera có được nâng cao hơn không thì tôi cho rằng, sẽ không. Giáo viên cần sự cộng tác, giúp đỡ trong việc giáo dục con em và tạo điều kiện cho họ hiểu sâu, rộng về sáng và giác ngộ ra bối cảnh đang làm họ đánh mất mình từ đó hồi tâm chuyển ý và nỗ lực thay đổi bản thân thay vì tạo áp lực thêm cho họ…
Nói thêm là trường tôi chưa bao giờ gặp trường hợp như vậy. Chúng tôi luôn cố gắng đối thoại giữa giáo viên và phụ huynh, giữa học sinh và thầy cô, giữa giáo viên và ban giám hiệu nhà trường…
Dưới góc độ tâm lý, ông có cho rằng việc lắp camera trong lớp học phổ thông nếu được triển khai đại trà trên diện rộng sẽ khiến giáo viên và học sinh không thoải mái khi đến lớp?
- Cá nhân tôi không đồng tình với việc này. Cần cân nhắc thật kỹ về vấn đề này bởi nếu làm không tốt sẽ vi phạm quyền riêng tư của giáo viên và học sinh. Ngay cả việc lắp xong sẽ sử dụng những thông tin này như thế nào, theo cách nào, trong nội bộ nhà trường hay công khai để phụ huynh biết cũng là vấn đề cần được tranh luận thấu đáo và có sự thống nhất cao trong tập thể sư phạm nhà trường. Không nên áp đặt để tạo áp lực cho giáo viên, thậm chí khiến họ cảm thấy mình bị trù dập, theo dõi, gài bẫy… thì không thể tập trung giảng dạy tốt được.
Tuy nhiên, việc giáo viên bị “nghe lén” bằng các thiết bị thông minh hiện nay khá phổ biến. Tất nhiên là họ sẽ không vui vẻ gì rồi nhưng thầy cô phải hiểu là bây giờ học sinh rất thông minh. Nếu thầy cô mẫu mực, chuẩn mực thì chắc sẽ không lo việc bị nghe lén, quay lén. Tuy tôi không ủng hộ việc này nhưng tôi cho rằng các thầy cô cũng nên chuẩn bị trường hợp những gì mình nói, mình làm hôm nay sẽ bị công khai ra dư luận theo những cách mình không ngờ nhất. Vì vậy, cẩn trọng trong lời nói, hành động việc làm thì sẽ tránh được những sai lầm. Có thể là họ chọn nghề hoặc cũng có thể là nghề chọn họ nhưng khi đã quyết định trở thành giáo viên là phải chấp nhận hết những khó khăn vất vả của nghề. Khi đứng trên bục giảng là phải bỏ hết mọi chuyện cá nhân, gia đình lại để tập trung giảng dạy, không nên để những cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến công việc.
Ngược lại, tôi cũng mong xã hội và các bậc phụ huynh có cái nhìn cảm thông hơn với công việc của nhà giáo. Áp lực là điều ai cũng biết trong khi 50 học sinh một lớp là 50 tính cách khác nhau, thầy cô cũng không phải là “siêu nhân” luôn luôn làm tốt, không bao giờ mắc lỗi. Ông cha ta có câu “Không ai nắm tay được cả ngày” nhưng nếu dùng tình thương đối xử với học sinh thì tôi tin rằng sẽ tránh được những hành động nóng giận quá đáng, sẽ tìm được phương pháp tốt nhất để dạy học trò…
Trân trọng cảm ơn ông!
Hiện nhiều bậc cha mẹ trang bị cho con điện thoại thông minh, đồng hồ định vị… Đó là nhu cầu chính đáng nhưng sử dụng nó như thế nào lại là câu chuyện cần phải bàn. Chẳng hạn, đang giờ học nhưng điện thoại đổ chuông ầm ĩ, hay giờ ngủ trưa bố mẹ gọi điện cho con sẽ làm ảnh hưởng đến những bạn khác… Nên một số trường tiểu học có đề nghị phụ huynh không sắm đồng hồ, điện thoại cho con mang đến trường. Một số trường thì không cấm nhưng có hướng dẫn về việc sử dụng vào khung giờ nào là phù hợp. Phụ huynh cần hiểu và thống nhất quan điểm cùng với nhà trường trong việc giáo dục con trẻ, không nên “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” – TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Thu Hương (thực hiện)
Theo daidoanket
Lắp camera trong lớp học: Vấn đề nhạy cảm, nên hay không?
Trong xã hội hiện đại, phụ huynh (PH) ngày càng theo sát mọi hành động, lời nói của con nên đề xuất lắp camera trong lớp học được đặt ra.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, việc này ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền riêng tư của giáo viên (GV), học sinh (HS) và sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.
Tối giản hóa mọi việc
Thời gian qua, xuất hiện nhiều vụ bạo hành HS trong trường học khiến dư luận quan tâm. Sau đó, ngành giáo dục và cơ quan chức năng vào cuộc nhưng sẽ nhanh, chính xác hơn nếu có camera ghi lại vụ việc.
Đơn cử, việc cô giáo N.H.H. bạo hành trẻ lớp 2 ở trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) lọt vào camera PH gắn ở lớp học.
Lắp camera trong lớp học sẽ khó thực hiện, nhất là ở vùng miền núi, nông thôn. Ảnh: TL
Từ những vụ bạo hành gây chấn động, chị Nguyễn Thị Lán (phố Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, vụ việc này là do GV muốn HS theo ý mình nên đã tự tạo áp lực và HS chính là nguyên nhân của những áp lực đó. Để PH tin tưởng tuyệt đối, theo tôi, lắp camera là phương án hữu hiệu nhất và cần triển khai sớm tại các lớp thuộc cấp I, II, III.
Có con học tại trường Tiểu học Phan Đình Giót (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), chị Dương Minh Hòa (phố Chính Kinh, Nguyễn Trãi) cho biết: HS tiểu học đang là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nhân cách, năng lực học tập, những hành động tốt hay xấu của GV sẽ ảnh hưởng lớn đến trẻ.
Liên tiếp nhiều vụ bạo hành HS xảy ra, chị Hòa mong muốn trường sẽ lắp camera trong lớp học để vợ chồng yên tâm hơn. "Tôi và nhiều PH mong muốn lắp camera không phải làm "cảnh sát" giám sát GV, tuy nhiên đây là cách phát hiện, làm rõ vấn đề, vụ bạo hành để xử lý triệt để, tránh tình trạng này tiếp diễn" - chị Hòa cho hay.
Là trường lắp đặt camera từ lâu tại lớp học và dọc khu vực hành lang, thầy Trần Mạnh Tùng, GV trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khẳng định có nhiều lợi ích khi lắp camera như quản lý được mọi hoạt động của GV, HS; thi cử nghiêm túc; đảm bảo an ninh trường học; đôn đốc các cá nhân làm việc tích cực, tự giác; tránh các biểu hiện tiêu cực...
Ở trường học, việc lắp camera giám sát giúp Ban giám hiệu nhà trường quan sát được diễn biến trong lớp học; HS và GV điều chỉnh hành vi, có ý thức thực hiện các quy định, chuyên môn của lớp; PH yên tâm hơn vì biết được việc học tập, sinh hoạt của con ở trường.
Ngoài ra, lắp camera đảm bảo an toàn cho HS và niềm tin của PH với nhà trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi thiếu chuẩn mực của GV... Đặc biệt, đây là chứng cứ không thể chối cãi để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kết luận khi có vụ việc xảy ra.
Khó khăn khi thực hiện
Từ lâu, ở nhiều quốc gia đã lắp đặt camera tại khu vực sinh hoạt, ăn, ngủ của HS. Còn ở Việt Nam, thực tế, các trường chỉ lắp camera ở hành lang, sân chơi, cổng trường...
Nhiều lợi ích là vậy nhưng để triển khai cần nguồn ngân sách lớn, gây áp lực cho các trường. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng cho rằng, PH cũng đưa ra nhiều luồng ý kiến về việc lắp đặt camera trong lớp. Tuy nhiên, trường nào tự tin trong quản lý, sử dụng thì có thể lắp để mang tính chất đảm bảo an ninh là chính.
Tương tự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, việc lắp camera trong lớp học hay không phải tùy vào sự cần thiết, phạm vị, kinh tế khu vực đó. Đây là chủ trương tốt nhưng theo ông Quang vẫn có phần nhạy cảm nên cần bàn thêm trước khi triển khai.
Về vấn đề này, theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục, nếu thủ tục cho tặng rườm rà, rất ít DN hay cá nhân bỏ ra cả trăm triệu để ủng hộ nhà trường. Vận động PH theo hình thức xã hội hoá để lắp camera là không thể, nhất là ở vùng miền núi, nông thôn.
Những địa phương khó khăn sẽ khiến việc lắp camera trở nên xa vời. Điều này chỉ đảm bảo nếu được lấy từ ngân sách Nhà nước nhưng trong điều kiện cắt giảm đầu tư công, hằng năm kêu gọi tiết kiệm chi phí ngân sách thì việc lắp đặt càng khó được thực hiện.
Theo kinhtedothi
Chung tay xây dựng trường học hạnh phúc Nhận biết được những áp lực "bủa vây" học sinh khi đến trường, thời gian qua, nhiều trường học đã thay đổi để xây dựng những giờ học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Theo đó, ở trường học hạnh phúc, học sinh đến trường không phải chỉ để học chữ, mà còn là để sống và làm cho bản thân mình nên...