Lắp camera tại trường học: Giáo viên ủng hộ hay phản đối?
Nhiều phụ huynh mong muốn lắp camera trong lớp để theo sát con. Tuy nhiên về phía giáo viên, vẫn còn nhiều ý kiến, người ủng hộ, người lên tiếng phản đối bởi họ đã chịu nhiều áp lực trong dạy học.
Camera ghi lại sự việc một giáo viên đánh học sinh lớp 2 ở TP HCM
Kết quả khảo sát của Sở GD&ĐT TPHCM năm 2018 cho thấy, có 88% số phụ huynh mong muốn nhà trường lắp camera để giám sát giáo viên. Các bậc cha mẹ cho rằng, các lớp học có camera sẽ giúp giáo viên kiềm chế bản thân, có những hành vi đúng mực với học sinh.
Theo khảo sát của PV tại TPHCM, hầu hết các trường đều có lắp camera, tuy nhiên, đa phần camera được lắp ở các khu vực vui chơi, hành lang chứ chưa đưa vào tận lớp học. Ví dụ, ở bậc mầm non, toàn thành phố có 1.200 trường, tỷ lệ gắn camera ở sân trường, hành lang trường công lập là 48%, trường mầm non tư thục đạt 73%, Trong khi đó, tỷ lệ gắn camera trong lớp học rất thấp, trường công lập chiếm 0,9%, trường mầm non tư thục khoảng 14,5%.
Chị Nguyễn Thị Hằng (quận 12) có con 2 tuổi kể, lúc chọn trường cho con, trong số các tiêu chí như trường lớp rộng rãi, học phí vừa phải thì việc có camera trực tuyến là ưu tiên số 1. Con còn nhỏ, chưa nhận thức đầy đủ, cần có camera để theo dõi con sát sao hơn. Dần dần, khi con thích nghi với trường lớp, giáo viên cũng thân thiện thời lượng xem camera của chị mới giảm.
Tại Hà Nội, hầu hết các trường ngoài công lập đều lắp camera ở khu vực cổng trường, hành lang, sân chơi, các phòng chức năng, một số trường lắp camera trong lớp học. Trong khi đó, các trường công lập vắng camera từ bậc mầm non đến THPT.
Video đang HOT
Chị Lê Ngọc Mai (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con 3 tuổi học mầm non nói: “Con học ở lớp có camera, bố mẹ yên tâm hơn nhiều. Có lần, đến bữa ăn, con khóc ngặt đi nhưng cô vẫn cố đút cháo, tôi đành gọi điện bảo cô không cần ép con dễ sặc”. Chị Mai cho rằng, làm việc trong môi trường có ghi hình, cô giáo cũng có ý thức, hành xử với trẻ đúng mực hơn. Nhiều vụ cô giáo mầm non bạo hành trẻ cũng nhờ camera mới được phát hiện.
Không nên để camera trực tuyến?
Cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên, giáo viên mầm non ở quận 12 (TPHCM) làm việc trong môi trường có camera cho biết, nhiều lúc gặp không ít áp lực với phụ huynh. “Đang làm việc thì nhận điện thoại của phụ huynh hỏi tại sao con thế này, con thế kia. Rồi lúc ngủ trưa, cũng phải chọn góc nằm cho hợp lý để tránh camera bởi đâu phải phụ huynh nào xem camera cũng là nữ…”, cô Duyên nói. Cũng theo cô Duyên, dù camera gây áp lực cho các cô song cần thiết, phụ huynh quan sát góp ý một cách thiện cảm cũng giúp các cô có thêm kinh nghiệm trong nuôi dạy các con.
Cô Nguyễn Ngọc Thùy Dương, giáo viên Trường THCS Khương Đình (Hà Nội) cho biết: cách đây 3 năm, cô dạy ở trường tư thục lắp camera bao quát toàn bộ lớp học. Ban đầu, cô cũng lo sợ vì camera chĩa thẳng vào giáo viên nhưng dần quen. “Qua camera, có giáo viên bị ban giám hiệu gọi lên hỏi lại cho rõ một số việc trong lớp nhưng không có gì nặng nề”. Cô Dương cho rằng, qua theo dõi tranh cãi trên báo, một số giáo viên nói nặng nề rằng “nếu lắp camera chẳng có gì để dạy nữa”. Nhưng theo cô Dương, giáo viên có phương pháp dạy học và xử lý đúng mực thì không có gì phải lo lắng.
Cô Đàm Liên, giảng viên Trường Cao đẳng Mẫu giáo Sư phạm T.Ư phân tích tính hai mặt của camera: “Nếu giáo viên vững chuyên môn, tự tin, tư duy mở thì không vấn đề gì còn cô giáo mới ra trường, nghiệp vụ còn non sẽ không thoải mái”. Vì thế, việc lắp camera trong lớp học là cần thiết nhưng chỉ nên dùng cho mục đích quản lý. Khi phụ huynh thắc mắc, phản ánh thì ban giám hiệu xem lại hình ảnh thời điểm đó. Còn lắp trực tuyến sẽ không tránh khỏi sự xáo động trong tâm lý cô giáo, chưa kể có cô giáo “diễn” dưới camera và “xử lý” trẻ ở góc khuất.
Bà Lê Thị Chính, hiệu trưởng Trường tiểu học – THCS – THPT Newton cho biết: “Phụ huynh rất thích hệ thống camera còn giáo viên cũng quen với việc đó. Thiết bị này không giảm sự sáng tạo của học sinh mà giúp nhà trường, giáo viên quản lý lớp học tốt hơn”. Nhờ có camera học sinh ra thể dục, ra chơi toàn bộ ba lô, sách vở không bao giờ mất cắp. Khi có sự việc gì, quản lý có thể xem lại dễ dàng. Giáo viên cũng không căng thẳng, vì hiệu trưởng không ngồi xem camera cả ngày để “rình” xem họ giảng thế nào.
Bảo vệ quyền riêng tư thế nào?
*Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, điều quan trọng là việc gắn camera không gây ảnh hưởng quyền tự do cá nhân khi trẻ đến trường và việc sinh hoạt của học sinh.
*Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng, Hiến pháp quy định rất rõ, bí mật đời sống riêng tư là quyền bất khả xâm phạm, đặc biệt là quyền đối với hình ảnh. Theo Bộ luật Dân sự, sử dụng hình ảnh của người khác phải được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp liên quan lợi ích công cộng.
Theo Tiền phong
Lắp camera giám sát trường, lớp học: Hà Nội, TPHCM đi tiên phong
Trước hàng loạt vụ bạo hành, bạo lực trường học xảy ra, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã triển khai việc lắp camera giám sát trường, lớp học.
Nhiều phụ huynh đi làm vẫn "bám" màn hình điện thoại để xem con ở lớp
Sau nhiều sự việc bạo hành trẻ mầm non bị phát hiện gây rúng động dư luận, từ năm học 2018 - 2019, TPHCM thí điểm lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục mầm non ở quận 1, quận 12 và huyện Hóc Môn với mong muốn tăng kênh giám sát. Năm học này, ngành GD&ĐT thành phố cho biết sẽ mở rộng ra các quận, huyện còn lại.
Tuy nhiên, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, do các quận huyện triển khai thí điểm chưa đồng bộ được cơ sở hạ tầng nên đến năm học này (2019- 2020) mới bắt đầu thực hiện lắp camera thí điểm ở 2 quận (1 và 12), theo đề án thành phố thông minh.
Bà Thu cho rằng, đối với mầm non việc lắp camera là vấn đề bức thiết, song với học sinh tiểu học trở lên thì không cần thiết. Năm học 2018-2019, bạo lực học đường giảm nhiều so với những năm trước. "Camera không phải là giải pháp duy nhất ngăn ngừa bạo lực học đường mà phải thực hiện nhiều giải pháp từ bên trong như: xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường, giảm áp lực giáo viên, tăng cường giáo dục đạo đức giáo viên...
Bên cạnh đó, nếu lắp camera cũng cần phải có quy định cụ thể, không phải ai cũng xem được, không phải phụ huynh nào cũng trích xuất được hình ảnh nhằm tránh trường hợp hình ảnh của giáo viên học sinh bị lợi dụng, bà Thu phân tích.
Chỉ thị tăng cường giải pháp, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký tháng 4/2019 có nêu việc lắp camera là một kênh cung cấp thông tin. Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết: việc đầu tư, thực hiện đến đâu là do điều kiện của các địa phương và mỗi trường. Giáo viên phải được bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng sư phạm, ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm làm sao cho hiệu quả.
Bà Vũ Thị Thu Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên, Hà Nội cho biết, lâu nay, 100% trường mẫu giáo công lập đã được lắp camera nhằm giám sát các hoạt động trong lớp. Hiện nay đơn vị đang có đề án xin UBND quận cho tất cả các trường lắp camera, trước mắt chỉ lắp ở những vị trí đảm bảo an ninh cho học sinh như cổng trường, hành lang...
Bà Hà cho rằng, việc lắp camera là cần thiết, giúp hiệu trưởng giám sát hoạt động trong lớp học. Tuy nhiên, trước khi thực hiện nên xin ý kiến giáo viên các trường. Nếu có sự đồng thuận mới nên triển khai, vì nếu giáo viên phản đối, các hoạt động trong lớp dễ bị đối phó.
Ông Hoàng Việt Cường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho rằng, trong quản lý thì giải pháp lắp camera là rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay ở đơn vị chưa có điều kiện kinh phí nên chưa lắp camera.
Theo Tiền phong
Hiệu trưởng trường Nguyễn Thị Diệu 3 tuần không đứng lớp Theo kết luận của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng trường Nguyễn Thị Diệu không đứng lớp dạy 3 tuần. Ngày 16/9/2019, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ký thông báo số 3274/TB-GDĐT-Ttr, về trả lời kết...