Lắp camera giám sát vận tải là điều kiện kinh doanh bắt buộc
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô yêu cầu trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera giám sát hành trình.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ phương tiện lắp camera giám sát mới đạt khoảng 7,5% tổng số xe.
Vì sao tỷ lệ đạt thấp
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN – Bộ GTVT), hiện có gần 200.000 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera giám sát hành trình vận tải. Trong đó, xe khách có sức chứa từ 9 chỗ là hơn 116.000 xe, xe vận tải hàng hóa bằng container, đầu kéo hơn 83.000 xe. Tuy nhiên, đến tháng 11/2021, các địa phương mới có gần 15.500 xe đã lắp camera giám sát, đạt tỷ lệ 7,5%.
Các địa phương có tỷ lệ phương tiện lắp đặt cao là: Nghệ An hơn 58%, Thanh Hóa hơn 52%, Quảng Ngãi hơn 40%. Còn lại hầu hết các tỉnh có tỷ lệ phương tiện lắp đạt dưới 20%. Nguyên nhân do các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, khiến vận tải hành khách bị gián đoạn, ngưng trệ, có thời gian bị dừng hoạt động kéo dài. Các xe được phép hoạt động, nhưng cũng chỉ được chở 50% sức chứa của phương tiện. Số lượng hành khách giảm sút khiến doanh thu, sản lượng giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí tăng do phải trang bị phòng chống dịch…
Việc lắp camera trên xe vận tải sẽ giúp cơ quan chức năng giám sát chặt vi phạm của lái xe. Ảnh: TTXVN.
Nhiều doanh nghiệp vận tải phản ánh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ tháng 4/2021 đến nay, toàn bộ các đầu xe hầu như đều “đắp chiếu”. Khi nới lỏng giãn cách, trong điều kiện thích ứng an toàn, số xe chạy lại cũng chỉ cầm chừng, vừa chạy vừa nghe ngóng… Vì vậy, để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp vận tải hiện nay đều phải lo tiền trả trả lãi ngân hàng, trả lương để giữ chân người lao động. Do vậy, không ít doanh nghiệp không đủ khả năng, kinh phí để lắp đặt camera giám sát hành trình.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN chia sẻ, đến thời điểm này có khoảng trên 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải, trong tổng số khoảng hơn 57.000 doanh nghiệp, với gần 200.000 đầu xe thuộc diện phải lắp camera, nhưng đang vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện.
Video đang HOT
“Cùng với khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn e ngại chưa muốn lắp camera do tâm lý sợ bị các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát và xử lý đối với các vi phạm được truyền về TCĐBVN”, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng TCĐBVN, thời gian qua đã có một số Sở GTVT, Hiệp hội vận tải và doanh nghiệp đề nghị cho phép lùi thời hạn lắp camera giám sát hoặc tạm hoãn thời gian chưa xử lý vi phạm đối với hành vi chưa lắp camera giám sát trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Tuy nhiên, tại cuộc họp mới đây về thực hiện Nghị định 10/2020 của Chính phủ trong việc lắp đặt camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Phạm Bình Minh cho rằng, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn xử phạt phương tiện vận tải chưa lắp camera giám sát đến 31/12/2021. Để đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh, các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng phải yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera giám sát theo quy định.
Bộ GTVT yêu cầu kiểm tra việc thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP
Trước thực tế trên, Bộ GTVT yêu cầu TCĐBVN chủ trì, kiểm tra tình hình triển khai, thực hiện Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại các địa phương; đôn đốc, xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời, TCĐBVN và các sở GTVT triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong Quý IV/2021.
Bộ GTVT cũng vừa có văn bản gửi Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố liên quan việc triển khai Nghị quyết số 66/2021 của Chính phủ ngày 1/7/2021 về lắp đặt camera giám sát trên xe theo quy định tại Nghị định số 10; đồng thời, đôn đốc thực hiện quy định lắp camera giám sát trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 10/2020.
Camera giám sát vận tải hỗ trợ các lực lượng chức năng xử lý đúng vi phạm.
Cụ thể, để tiếp tục phối hợp thực hiện nghiêm Nghị quyết số 66, quy định tại Nghị định 10 và Nghị định 100, Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng, trong quá trình cấp mới biển số đối với xe kinh doanh vận tải, tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở, tuyên truyền chủ phương tiện thực hiện đúng quy định tại Nghị quyết số 66.
“Sở GTVT các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê số liệu phương tiện của từng đơn vị kinh doanh vận tải thuộc đối tượng lắp camera giám sát theo Nghị định 10 để triển khai; kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định và thời gian đã được quy định tại Nghị quyết số 66 đối với các phương tiện, đơn vị vi phạm”, Bộ GTVT chỉ đạo.
Qua tìm hiểu, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng giống như nhiều ngành kinh doanh dịch vụ khác đã và đang phải chịu tác động của dịch COVID-19. Vì vậy, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ các đơn vị kinh doanh như chính sách về thuế, phí, lãi suất, kéo dài thời gian chu kỳ đăng kiểm. Việc Chính phủ tạm ngưng áp dụng quy định xử phạt nêu tại Nghị quyết 66 là một trong các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải, tạo điều kiện để đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định đã được quy định tại Nghị định số 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Xe vận tải hoàn thiện lắp camera giám sát trước ngày 31/12 để phòng dịch
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Sở GTVT các địa phương đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 66/2021 của Chính phủ về lắp camera giám sát theo Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
Đảm bảo tiến độ
Nghị quyết số 66/2021 của Chính phủ nêu rõ: "Để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện quy định lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ quyết định tạm ngừng áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính với xe khách, xe tải chưa lắp camera đến hết ngày 31/12/2021".
Thực tế, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhất là sau đợt dịch lần thứ 4 đến hoạt động kinh doanh vận tải, khiến số xe ngừng hoạt động của các doanh nghiệp phải "đắp chiếu", kéo theo doanh thu theo báo cáo của các Sở GTVT sụt giảm đến 80%. Vì vậy, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép các địa phương lùi thời hạn xử phạt xe vận tải chưa lắp camera giám sát từ 1/7/2021 lùi đến hết 31/12/2021. Song, từ ngày 1/1/2022 sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định này.
Hoàn thiện lắp camera giám sát trên xe vận tải trước ngày 31/12 để phòng dịch.
Nghị định 10 quy định: Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép.
Để đảm bảo tiến độ, TCĐBVN yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải tại địa phương khẩn trương thực hiện lắp camera giám sát trên phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 10/2020 và các đơn vị kinh doanh vận tải phải xây dựng kế hoạch lắp đặt cụ thể, cam kết hoàn thành trước ngày 31/12/2021 theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 66 của Chính phủ.
Theo chỉ đạo của TCĐBVN, giám đốc các Sở GTVT sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị kinh doanh vận tải; đồng thời, các Sở GTVT báo cáo định kỳ tới UBND tỉnh, thành phố và TCĐBVN về kết quả thực hiện lắp camera theo quy định của Nghị định 10/2020.
Ngoài ra, TCĐBVN cũng đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tuyên truyền, hướng dẫn Hiệp hội Vận tải ô tô các địa phương và các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện việc lắp đặt camera trên xe theo quy định.
"Nhiều doanh nghiệp không có tiền đầu tư thiết bị vì doanh thu giảm sút do ảnh hưởng dịch COVID-19. Các doanh nghiệp sẽ vẫn phải lắp camera theo đúng lộ trình của Chính phủ quy định. Việc lùi thời gian xử phạt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua để giảm áp lực cho doanh nghiệp. TCĐBVN đã ban hành quy định về định dạng truyền dữ liệu, đưa ra những quy định tối thiểu về hình ảnh mà doanh nghiệp phải đáp ứng. Căn cứ vào quy định định dạng này, doanh nghiệp có thể lựa chọn loại camera giám sát phù hợp để có thể truyền được dữ liệu hình ảnh", Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN Phan Thị Thu Hiền cho hay.
Công cụ phòng dịch
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, việc lắp camera có tác dụng lớn trong việc giám sát hoạt động của lái xe và doanh nghiệp vận tải, nhất là trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, giúp truy vết, phát hiện ngay những hành khách không đeo khẩu trang để phòng chống dịch hiệu quả. Bên cạnh đó, dữ liệu hình ảnh truyền về cũng kiểm soát được hành trình xe, tình trạng nhà xe nhồi nhét khách trên đường, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, cũng như các trạng thái của lái xe như: Nghe điện thoại, mất tập trung, các hành vi mất an toàn.
Đặc biệt, trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay, camera giám sát là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch từ xa, nhắc nhở lái xe, hành khách tuân thủ nghiêm các quy định 5K của Bộ Y tế, góp sức cùng cộng đồng phòng chống dịch.
Đồng tình với chủ trương này, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, sau khi lắp camera giám sát, việc phát hiện, truy vết hành khách bị mắc hoặc nghi mắc COVID-19 nhanh chóng, hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với việc giám sát bằng mắt thường.
Đơn cử, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 3, Bắc Giang là điểm nóng nhất về dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp có xe chở công nhân cũng đã lắp đặt camera giám sát trong xe và phát huy hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, Bắc Giang đã cho phép một số lượng xe chở công nhân hoạt động trở lại, nhờ hệ thống camera giám sát đã được lắp đặt, nên công tác phòng dịch đảm bảo an toàn, siết chặt.
TP.HCM căn cứ 4 cấp độ dịch để tổ chức hoạt động vận tải hành khách TP.HCM sẽ căn cứ vào 4 cấp độ dịch Covid-19 để tổ chức hoạt động vận tải hành khách như xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe khách liên tỉnh... Sở GTVT TP.HCM vừa có thông báo khẩn về tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn TP đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19...