Lao vào sốt đất như thiêu thân, 50 tuổi còn lâm cảnh trắng tay
Cuốn vào cơn sốt đất, nhiều nhà đầu tư giờ nhận trái đắng khi tài sản bốc hơi, phải tay trắng gây dựng lại cuộc sống.
Bị cuốn sâu vào cơn sốt đất ở Phú Quốc (Kiên Giang) hồi năm 2020 – 2021, ông Trần Minh Hùng (Thanh Trì, Hà Nội) giờ đang phải nếm trải mùi vị chát đắng khi rơi vào tình trạng tay trắng.
Năm 2020, nhà đầu tư này gom tiền nhàn rỗi tích cóp sau nhiều năm đi làm được 1 tỷ đồng, định vay thêm tiền để mua 1 lô đất Phú Quốc “lướt sóng” vì thấy thị trường tăng trưởng hấp dẫn và nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, số tiền này nhanh chóng bốc hơi khi ông Hùng sập bẫy lừa của kẻ xấu.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ rất dễ sập bẫy lừa khi đầu tư vào đất giữa cơn sốt. (Ảnh minh họa)
Ông Hùng kể, khi vừa đến Phú Quốc, ông được môi giới dẫn đi xem lô đất giá 3 tỷ, sau khi thương lượng giá giảm còn 2,5 tỷ đồng. Mọi giấy tờ được môi giới cam kết sẽ đủ cả, ông Hùng cẩn thận kiểm tra lại quy hoạch thấy đất rất đúng so với mục đích sử dụng.
Sau khi chốt xong giá, ông Hùng cọc cho chủ đất 500 triệu đồng. Nếu bên nào sai hợp đồng, phải đền số tiền gấp đôi, tức là 1 tỷ đồng.
Trong quá trình chờ chuyển nhượng, ông Hùng được môi giới giới thiệu 1 khách mua khác, khách này thấy lô đất của ông Hùng đẹp nên chấp nhận mua lại với giá 3,5 tỷ đồng. ” Thấy mới lướt cọc đã lời 1 tỷ đồng, tôi rất mừng, không nghĩ ngợi gì mà viết cọc luôn“, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, vị khách này đề nghị cọc 2 tỷ đồng vì nói sợ ông Hùng đổi ý không bán nữa hoặc quay đầu bán cho người khác để kiếm lời cao hơn, nếu ai sai cọc sẽ chịu phạt số tiền gấp đôi.
Video đang HOT
Điều không may cho ông Hùng là đến ngày công chứng lô đất, chủ đất bất ngờ “quay xe” không bán nữa, chấp nhận đền 1 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Hùng phải đền cọc 4 tỷ đồng cho vị khách của ông.
” Chỉ trong vòng 30 ngày, tôi đã mất trắng 3 tỷ đồng. Tôi chỉ có 1 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, cộng thêm 1 tỷ được bù cọc, không biết xoay sở ở đâu ra 2 tỷ nữa để đền cọc cho người ta“, ông Hùng kể.
Không còn cách nào khác, ông Hùng phải bán căn nhà ông cha để lại ở Thanh Trì (Hà Nội) với giá gần 2 tỷ đồng để trả nợ.
” Vì ham làm giàu, mà ở tuổi ngoài 50 tôi lại trắng tay, vợ con phải về nhà ngoại ở tạm, tôi chạy Grab để kiếm thêm thu nhập“.
Kể lại câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thùy Dung ở Nam Định chưa nguôi tiếc nuối. Là người buôn bán nhỏ, ít vốn nhưng do bị hấp dẫn bởi sức nóng của bất động sản, năm 2020, chị Dung khăn gói từ Nam Định lên Hà Nội tìm hiểu thị trường.
Thời điểm đó, đất nền tại Hà Nội tăng giá mạnh, giao dịch sôi động, nhà đầu tư liên tục thắng lớn. Năm 2021, chị Dung chính thức nhập cuộc. Nhưng chỉ sau đó vài tháng, nhà đầu tư này đã vấp phải cú sốc lớn khi thị trường bất ngờ nguội lạnh.
Chị Dung đã cầm cố căn nhà 2 tầng ở quê, vét hết vốn, gom 7 tỷ đồng để mua 2 căn liền kề được phân lô của một dự án ở Hoài Đức (Hà Nội). Đáng nói, do không mua được giá gốc từ chủ đầu tư, chị Dung phải chi hàng trăm triệu để trả phí chênh lệch do 2 lô đất bị đẩy giá nhiều lần. Nếu cộng thêm số tiền cọc 50 triệu đồng mỗi căn thì khoản tiền này lên đến bạc tỷ.
Sau 10 tháng trả lãi, sắp đáo hạn nợ gốc, dự án vẫn chưa triển khai, hai lô đất của chị Dung ngày càng hoang hóa, giờ muốn bán cũng khó, trong khi ngân hàng treo án phát mãi căn nhà ở quê.
” Tôi đứng trước nguy cơ vừa mất nhà, vừa bay cả gia sản vì thị trường đã hạ nhiệt sâu, khoản đầu tư giờ không còn giá trị, có thoát hàng được cũng chỉ bán giá rẻ“, chị tâm sự.
Trước việc các nhà đầu tư thiếu hiểu biết khi lao vào cơn sốt đất, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo, nhà đầu tư tuyệt đối không nên theo “hội chứng đám đông” để giảm xác suất thiệt hại khi tham gia vào thị trường bất động sản.
Thay vào đó, phải tự trang bị kiến thức và tầm nhìn để nhìn nhận mọi tình huống có thể xảy ra, tránh những quyết định mang tính tự phát. Chỉ có như vậy các nhà đầu tư nhỏ lẻ mới có thể bảo toàn và làm cho đồng vốn của mình sinh lời.
Lạm phát xảy ra, thị trường bất động sản có đảo chiều sang sôi động?
Chuyên gia cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát, khi giá cả của nhiều mặt hàng đang tăng cao. Trong trường hợp lạm phát xảy ra, dòng vốn sẽ trở lại bất động sản rất mạnh.
Thị trường bất động sản chững lại
Trong 2 năm quá, bất chấp tác động từ đại dịch Covid-19, các cơn sốt đất điên cuồng liên tục thống trị nhiều khu vực. Lúc bây giờ, sốt đất không chỉ loanh quanh những khu vực lân cận TP. HCM hay Hà Nội mà đã len lỏi về nông thôn, thậm chí là miền núi cũng sốt đất mạnh mẽ.
Đặc biệt sau Tết Nguyên đán, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt, bắt nguồn từ nỗi lo lạm phát, nhiều người tìm đến bất động sản làm nơi trú ẩn. Đến nay, trải qua 6 tháng đầu năm, từ nhiều tác động đã khiến thị trường đột ngột "quay xe" hạ nhiệt, thanh khoản chững lại.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, giá bất động sản cuối năm sẽ diễn ra theo hai chiều hướng. "Đầu tiên, những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính không chịu được áp lực lãi suất sẽ phải cắt lỗ, khi đó giá sẽ giảm. Nhưng bộ phận này chỉ là số ít. Tiếp theo, do những chính sách quản lý bất động sản hiện nay đang được làm chặt, khiến lượng hàng giảm đáng kể, phân khúc trung cấp, giá rẻ gần như không có, nên việc tăng giá của thị trường bất động sản vẫn có thể diễn ra vào dịp cuối năm", ông Thịnh nói.
Ông Thịnh phân tích, từ cuối năm 2020, thị trường bất động sản đã phát triển quá "nóng", buộc cơ quan chức năng siết chặt quản lý hoạt động đầu cơ, có biện pháp để chống thổi giá.
"Giá bất động sản đã tăng cao, cách xa thu nhập trung bình của người lao động. Nên việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng để giá nhà phù hợp với thu nhập, mức sống hiện nay của người Việt Nam là quan trọng và hợp lý", ông Thịnh đánh giá.
Các chuyên gia của VNDirect Research cho rằng, trong bối cảnh các cơ quan chức năng thắt chặt tín dụng vào bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chủ đầu tư có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn. Do đó, hoạt động bán hàng có thể sẽ được đẩy mạnh trong khi việc mở rộng quỹ đất sẽ chậm lại, điều này sẽ giúp giá nhà đất hạ nhiệt trong các quý còn lại.
Lạm phát tăng sẽ đẩy giá bất động sản lên nhưng thanh khoản kém
Trao đổi với báo chí, bà Võ Thị Vân Khánh, giảng viên Học viện Tài chính nhận định, trước những diễn biến phức tạp của thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát, khi giá cả của nhiều mặt hàng đang tăng cao. Trong trường hợp lạm phát xảy ra, dòng vốn sẽ trở lại bất động sản rất mạnh.
"Khi lạm phát cao, không chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi, mà nguy cơ cả giới doanh nghiệp cũng muốn đổ vốn vào bất động sản do e ngại giá sản xuất đầu vào tăng nhanh. Nói cách khác, khi lạm phát cao, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh sẽ kém hấp dẫn hơn so với đầu cơ tài sản", bà Khánh nói.
Bà Vân Khánh cho rằng, chính cuộc đua sở hữu bất động sản sẽ dẫn đến hiện tượng giá thị trường liên tục leo thang và các nguồn lực xã hội sẽ bị chôn hết vào đất. Đồng thời, thị trường bất động sản lúc này sẽ tích tụ nhiều rủi ro tiềm tàng. Nếu tham gia vào giai đoạn sớm, tức là mua từ đầu với giá thấp thì rủi ro thấp nhưng càng mua về cuối thì giá cao, theo đó rủi ro sẽ cao.
Bà Khánh cho rằng, về cơ bản, lạm phát và giá bất động sản di chuyển cùng hướng với nhau. Khi lạm phát tăng cao sẽ đẩy giá bất động sản lên theo. Nhưng giá quá cao thì tính thanh khoản sẽ kém.
"Trong quá khứ, lạm phát cao từng khiến giá bất động sản tăng cao và bị trì trệ. Người bán giữ giá cao, nhưng không có người mua. Nói cách khác, lạm phát cao, giá bất động sản tăng, nhưng tính thanh khoản có thể không tăng tương ứng và làm xuất hiện nghịch lý, nhiều bất động sản, nhưng không có tiền. Khi đó, việc dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho nhà đầu tư và gây áp lực lên hệ thống ngân hàng", bà Khánh nói.
Theo đó, bà Khánh khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc khi rót tiền đầu tư. Trong đó, những nhà đầu tư vốn mỏng nên đầu tư vào khu vực gần trung tâm, lợi nhuận ít hơn, nhưng dễ thanh khoản hơn và tập trung vào các nhu cầu ở thực với phân khúc căn hộ mức giá trung bình, nhà ở giá rẻ hay đất nền ven đô. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc lạm phát cao, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó để đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn, tránh thiệt hại do trữ tiền mặt nhàn rỗi.
Mách nước để nhà đầu tư không đu đỉnh giá đất Trong các cơn sốt đất, thường người mua chỉ nghĩ tới chuyện làm thế nào để mua được đất? mà bỏ quên đi các yếu tố xung quanh để rồi khi cơn sốt đi quan không ít người "mắc cạn". Thời gian qua, sốt đất diễn ra khắp mọi nơi từ thành thị tới nông thôn. Đặc biệt, tác động của Covid-19 khiến...