Lao vào ôn luyện
Những năm trước đa phần các trường tại TP HCM có tỉ lệ đậu tốt nghiệp 100% nhưng năm nay kết quả thi thử THPT quốc gia không cao khiến không ít trường lao vào ôn luyện ngày đêm cho học sinh
Ông Phạm Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong (quận 7), cho biết chương trình ôn tập của trường kéo dài đến ngày 27-6. Ngoài 3 môn bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ, học sinh (HS) tùy nguyện vọng sẽ được xếp lớp ôn tập theo từng môn thi. Giáo viên (GV) đứng lớp sẽ chịu trách nhiệm xem xét HS đang ở trình độ học lực nào để xếp lớp cho phù hợp.
Dạy miễn phí nếu HS chịu học
Theo ông Phạm Văn Tiến, sau khi có kết quả kỳ thi thử, nhà trường phải mời phụ huynh đến để trình bày, phân tích kết quả, giải thích mức độ quan trọng của kỳ thi sắp tới để mong gia đình cùng phối hợp giúp HS ôn tập cho tốt. “Nhiều em vẫn chưa lường được hướng ra đề sắp tới nên còn chủ quan” – ông Tiến nhận định.
Video đang HOT
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (TP HCM) ôn thi THPT quốc gia Ảnh: TẤN THẠNH
Tại nhiều trường, việc ôn tập càng gần đến kỳ thi càng trở nên gấp gáp, nhất là sau khi thi thử cho kết quả tỉ lệ học sinh đỗ chưa tới 50%. “Lịch ôn tập không khác gì lịch học chính khóa, kéo dài cả ngày từ thứ hai đến thứ bảy, thậm chí ban đêm, vẫn còn cảnh một thầy kèm một trò, miễn là HS chịu học” – GV một trường THPT tại quận 7 nói.
Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho biết ở giai đoạn này, trường sẽ lấy các dạng đề có độ khó tương tự đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm để HS luyện tập. Gần tới ngày thi sẽ “nhả” từ từ để HS quay lại ôn các dạng đề phù hợp với tốt nghiệp THPT.
Ở các trường THPT ngoài công lập, việc ôn tập được triển khai với cường độ cao do lâu nay các trường ngoài công lập lấy tỉ lệ đậu tốt nghiệp để chứng tỏ chất lượng đào tạo với phụ huynh, giúp tuyển sinh dễ dàng. Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Gò Vấp cho biết trường động viên GV kèm thêm HS cả ban đêm, thậm chí miễn phí ôn tập, huy động cả bảo mẫu phục vụ ăn khuya để bảo đảm sức khỏe cho HS. “Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi thử của trường chỉ đạt 20% nên việc ôn luyện phải gắt gao để cho kết quả tốt hơn” – vị hiệu trưởng này bày tỏ.
Đề đổi mới, ôn tập kiểu cũ
Ôn tập với cường độ cao nhưng theo nhiều GV, cái khó năm nay là không phán đoán được vùng đề thi theo hướng đổi mới. Ngoài đề mẫu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố và đề thi thử của Sở GD-ĐT TP HCM thì đến nay, GV lẫn HS vẫn còn mông lung. Do vậy, nhiều GV đành đưa các dạng đề cũ ra để luyện cho HS. “Kiến thức mênh mông, khó lường nên việc ôn luyện như đi trong đêm. Bất kỳ sự kiện xã hội gì nóng bỏng, GV cũng phải nhắc nhở HS lưu ý” – một GV tại quận 7 chia sẻ.
Nhiều GV cho rằng đề thi được gọi là đổi mới thì phải hướng đến việc giảm bớt áp lực học tập cho HS, có thể khiến HS tự ôn luyện. Một bất cập là kỳ thi tới, HS chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp phải ngồi chung với HS thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Hai đối tượng HS hoàn toàn khác nhau thì không thể dạy chung một kiến thức được. “Nếu đề thi đổi mới thì các khâu ôn tập, kể cả cách học của HS, phải đổi mới theo nên việc hướng đến việc có một bộ tài liệu hướng dẫn HS tự học, tự ôn tập là rất cần thiết” – một GV đề xuất.
Khó có tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao
Hiệu trưởng một trường THPT cho biết dù huy động tất cả HS khối 12 đến trường ôn tập nhưng băn khoăn nhất vẫn là việc không được biết cấu trúc đề thi. Dù Bộ GT-ĐT công bố cấu trúc đề thi theo tỉ lệ 6-4 nhưng lại chưa tính đến yếu tố tâm lý của HS khi làm bài. Sẽ có tình trạng nhiều em bị phân tâm, choáng ngợp khi nhìn vào đề thi với các câu hỏi khó, dễ được trộn lẫn. Nhiều em học lực yếu khi nhìn thấy câu khó có thể bỏ trắng và khả năng năm nay tỉ lệ rớt tốt nghiệp sẽ cao.
Theo NLĐO